Từ những nhịp cầu – Đặng Phương Trinh
Không phải đến bây giờ mà tự thuở xa xưa hình ảnh cây cầu đã trở nên quen thuộc với con người. Thử hỏi có vùng đất nào lại không gắn bó với một dòng sông? Nhẩm lại trên khắp đất nước ta dễ có đến hai ngàn con sông vẫn thao thức chảy dọc từ núi cao về biển rộng và ngày đêm lặng lẽ vừa bồi lắng phù sa vừa chia cắt các vùng châu thổ. Theo các dòng sông từ bờ nọ sang bến kia, từ con suối này đến con sông khác, bước chân con người cũng trải dài đến tận cùng.
Trong từng năm tháng âý, thế hệ trước khai mở, thế hệ sau gây dựng, những người dân trên các vùng đất Việt đã xây dựng nên biết bao cây cầu. Mảnh mai, duyên dáng là những cây cầu tre; lặng lẽ, nhẫn chịu là những cây cầu đá; thân thiết, tình cảm là những cây cầu gỗ; vững chãi, hoành tráng là những cây cầu sắt và những cây cầu này ngày càng được chăm chút kỹ lưỡng như những tác phẩm nghệ thuật. Những cây cầu không chỉ được xem như một vật thể mà đang dần trở thành biểu tượng đi vào thơ, văn, nhạc, hoạ tác động đến đời sống tinh thần và tình cảm của con người.
Mỗi vùng đất một con sông.Với Đà Nẵng, dòng Hàn giang có từ bao giờ nào ai biết được. Chỉ biết rằng trên dòng nước sóng sánh nắng trời này trong những ngày “Tây lại cửa Hàn” đã xuất hiện chiếc cầu đầu tiên rồi Mỹ đến lại xây thêm chiếc cầu nữa. Chiếc cầu được xây lâu nhất dễ có hơn ba chục năm trời. Giờ thì hai chiếc cầu vẫn còn đó nhưng đã được thay da đổi thịt và đặt tên gọi mới, một mang tên người thợ điện anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và một mang tên nữ anh hùng biệt động thành Trần Thị Lý. Khách qua cầu vẫn an nhiên với sự hiện hữu của hai cây cầu như không thể khác được dẫu chưa thoả lòng bởi cảm giác xa ngái cùng diện mạo của phố phường ở bờ Tây sông Hàn.
Sông thì vẫn một dòng yên ả nhưng lòng người nào yên trước sự chuyển giao của thời cuộc, nhân gian. Có lẽ vì thế mà cầu Sông Hàn được xây lừng lững vắt qua lòng sông Hàn trong sự ngỡ ngàng của đất trời và người dân thành phố. Ngày ngày dạo trên cầu Sông Hàn mới thấu hết được ý nghĩa của nó. Trong cảm thức của người dân thành phố, sông Hàn vốn đã đẹp bởi sự ngẫu phối hữu tình giữa non nước mây trời tự ngàn xưa và biểu trưng cho khí chất, tâm hồn người Đà Nẵng. Cầu sông Hàn tựu hình không chỉ là nét chấm phá khiến khung cảnh suốt một vùng Hàn giang thêm sinh động theo nhịp sống đô thị đang khởi sắc mà còn là một quyết định mang tính đột phá bởi sự vươn ra bao lấy bán đảo Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn để trợ sức chuyển động nhằm sớm định hình và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của của một vùng phía Đông thành phố. Đôi bờ sông Hàn như được sẻ chia theo niềm vui mỗi dòng người xuôi ngược ngược xuôi và con sông Hàn thôi cũng không còn trăn trở nữa về khoảng cách giữa đôi bờ đô thị.
Ngỡ đã khép lại chuyện về những chiếc cầu giữa lòng thành phố khi bờ Đông sông Hàn đang dần trở nên sôi động theo sự ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế-xã hội cho khu vực này. Nhưng chừng như trong sự kết thúc luôn khơi mầm cho sự bắt đầu hoặc để thay thế hoặc để đẩy mạnh phát triển. Đà Nẵng lại có thêm cầu Tuyên Sơn. Cây cầu mới vững chãi cũng bắc qua sông Hàn sừng sững giữa trời, làm nhiệm vụ là đoạn nối từ cảng Tiên Sa đến điểm nút Hoà Cầm trong dự án mở rộng cảng Tiên Sa nhằm phục vụ cho dự án Hành lang Đông-Tây, một dự án giao thông xuyên quốc gia để tạo thế phát triển cho các nước ở tiểu vùng sông Mê Kông. Phải chăng từ nhịp cầu Tuyên Sơn nối đến cảng Tiên Sa là sự khởi đầu cho hành trình ra biển của Đà Nẵng sau ngày trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Trăm sông đều đổ về biển cả. Con sông Hàn hiền hoà lượn giữa lòng thành phố rồi cũng nhập vào vịnh biển Đà Nẵng, dâng cho biển Đông dòng nước ngọt ngào lấy từ nguồn mẹ Trường Sơn như để được cộng sinh trợ giúp cho đời. Trên vịnh biển Đà Nẵng ấy giờ cũng đang mở lòng đón nhận một cây cầu mới. Cầu Thuận Phước, một vóc dáng mới và quy mô hơn trong niềm hân hoan của người dân thành phố.
Đâu chỉ có vậy. Nhắc đến Đà Nẵng không thể không nhắc đến cầu Rồng nổi tiếng vì có hình dáng giống một con rồng, dài 666m và rộng 37.5m với 6 làn xe chạy. Để chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp cầu Rồng Đà Nẵng, du khách nhất định phải ghé thăm cầu khi phố bắt đầu lên đèn cũng là lúc cầu Rồng rực rỡ và lung linh nhất dưới một trời ánh sáng. Ánh sáng và chiếc cầu đổ bóng xuống mặt sông Hàn sóng sánh như một bức tranh thủy mặc. Nhìn từ trên cao, hai bên bờ sông Hàn và những chiếc cầu bắc qua sông đều sáng rực giống như một “kinh đô ánh sáng” với nhiều màu sắc. Không chỉ vậy, cầu Rồng còn phun lửa vào tối thứ 7, Chủ nhật hàng tuần và các dịp lễ lớn như Quốc khánh, ngày Giải phóng miền Nam…
Và còn nhiều nữa những cây cầu mới vươn ra ngoại thành Đà Nẵng. Cầu qua sông Cu Đê nối tiếp với đường đèo Hải Vân và những cây cầu khác bắc qua các sông Cẩm Lệ, cầu Đỏ, Tuý Loan, Vĩnh Điện, Cổ Cò, Trường Định... để mang cùng trọng trách là hỗ trợ cho sự phát triển nhiều mặt của thành phố trong tương lai không xa.
Thêm một chiếc cầu là thêm một hướng phát triển mới và theo đó niềm vui cũng được nhân lên trong lòng người dân thành phố. Mỗi một cây cầu với vị trí, vai trò riêng nhưng lại gắn kết và cùng cộng hưởng để mở toang Đà Nẵng lâu nay bị kiềm chế, hướng hẳn ra biển khơi, chiếm hữu lấy vùng đất bốn bề là sóng nước, dành đất phía sau lưng cho đồng ruộng, cho núi đồi, cho rừng cây không bị băm bổ, lãng hoài hầu trở thành đô thị cho những hy vọng lớn.
Phải chăng cùng với những con sông, ngọn suối, những cây cầu là dòng chảy được tạo nên từ những nỗ lực chinh phục thiên nhiên và đấu tranh xây dựng, phát triển của người Đà Nẵng.
Đ.P.T