Từ... "Nhớ cát" đến "Cỏ xanh" - một bước tiến của thơ Trần Gia Thái

06.11.2008

Từ...

(Đọc Cỏ xanh, Thơ Trần Gia Thái - NXB Hội Nhà văn 2008)
 

Năm 2004 Trần Gia Thái đã xuất bản tập thơ "Nhớ cát", năm 2008 anh ra mắt bạn đọc tập thơ "Cỏ xanh". Tôi đã được đọc cả 2 tập thơ của anh và cảm nhận được bước tiến rõ rệt của thơ anh không chỉ ở số lượng bài tập sau dày dặn (với 47 bài thơ), hình thức trang nhã, từng bài đã chững chạc hơn. Nếu như tập "Nhớ cát" có nhiều bài được anh dẫn người đọc vào thơ anh bằng lời lẽ diễn giải. "Cỏ xanh", bằng cảm xúc, anh đã đưa người đọc gần với thơ anh.

Trần Gia Thái sinh ở Quảng Bình, lớn lên với cách mạng qua từng bước đường công tác trong lực lượng vũ trang. Thơ anh luôn đau đáu những nỗi nhớ, "Nhớ cát" thực ra là nhớ quê, cái miền quê nghèo "chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình" luôn ở trong tâm trí anh, là cha mẹ, người thân, là đồng đội, là cái nghĩa, cái tình luôn đan xen vào nhau.

Tôi rất yêu những bài thơ anh viết về quê hương, về người mẹ:

"... Còng lưng mẹ gánh áo cơm mùa màng" để rồi "mồ hôi áo mẹ chín vàng đời con".

Đặc biệt trong thơ của Trần Gia Thái luôn có được cái nhìn sâu sắc về đồng chí, đồng đội, từ một chiến sĩ đến một sĩ quan cấp tá trong lực lượng biên phòng, đã giải ngũ gần 20 năm nhưng những kỷ niệm đẹp ngày ấy vẫn còn xanh mãi trong anh. Nếu không có những năm tháng sống đẹp (sống bằng con tim nhiệt huyết) thì làm sao có được những kỷ niệm đẹp. Trong nhiều bài thơ viết về lính biên phòng, tôi rất thích bài: "Anh lính biên phòng và voọc con" và "Rừng biên chiều mưa". Bài thơ có cấu tứ mạch lạc, thể hiện rõ tính tư tưởng của tác giả, không chỉ cho ta hiểu hơn về người lính biên phòng, ở họ không chỉ là công việc mà là tính nhân văn sâu sắc trong nghĩ suy và hành động.

Trần Gia Thái không có những câu thơ thực sự "bốc lửa". Thơ anh dễ đọc, dễ cảm, là tiếng nói tâm tình vừa bộc bạch nhưng lại vừa sâu lắng cứ từ từ thấm vào lòng người đọc.
 

                                    Tam Thanh