Từ bài thơ Thôn Vỹ nghĩ về cách đọc thơ Người không sương khói mà sương khói
“Đây thôn Vỹ Dạ” của Hàn Mặc Tử là một trong những trường hợp độc đáo của thơ ca Việt
Cả bài thơ thôn Vỹ chứa đầy sự bí ẩn, đúng như sự bí ẩn của hồn thơ Hàn Mặc Tử. Chỉ riêng câu thơ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” thôi cũng đã khiến giới thưởng thức và phê bình văn học tốn không ít giấy mực. Đã có nhiều cách lí giải được đưa ra: khuôn mặt một cô gái Huế, khuôn mặt của chính tác giả, rồi lại có người cho rằng đó chỉ là hình ảnh một tấm bình phong trước các ngôi nhà vườn của Huế xưa. Cách hiểu nào cũng có cái lý riêng của nó. Chính vì vậy mà cách hiểu nào cũng không hoàn toàn thuyết phục.
Đọc “Đây thôn Vỹ Dạ”, rồi ngẫm ngợi về nó, tôi có cảm giác chúng ta chưa thực sự đi đến tận cùng cái thế giới mà bài thơ này mở ra. Cuộc tranh luận về hình ảnh khuôn mặt chữ điền trong bài thơ này chỉ là một biểu hiện của việc chưa đi đến sự tận cùng ấy.
*
* *
Bài thơ bắt đầu với cảm hứng của sự hội ngộ:
Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền?
Khổ đầu là một lời mời gọi quay về với khung trời xưa. Và tất cả chỉ dừng lại ở đó. Tất cả những hình ảnh về thôn Vỹ trong khổ này không phải là những hình ảnh có thật, được nhìn thấy trong một lần quay về, mà chỉ là sự hồi vọng của kí ức. Lời mời gọi, trách móc (hay tác giả tự trách mình, tự mời gọi mình?) “Sao anh không về…” đã đánh thức dậy những mẩu ký ức về một khung trời xưa cũ: nắng lên trên những hàng cau, khu vườn nhà ai xanh mướt, mặt chữ điền có lá trúc che ngang… Cảnh tượng thôn Vỹ trong đoạn thơ này chỉ là sự sống dậy của ký ức, một ký ức đằm sâu nhưng dai dẳng. Sự xa xôi cách trở cả trong không gian và thời gian chỉ có vai trò biến những hình ảnh ấy thành lớp trầm tích của kỷ niệm. Và trong một tình cờ, nghe sự đánh động của lời mời gọi thiết tha của ai kia, lớp trầm tích đã cựa quậy và phun trào. Là ký ức, nên tất cả những hình ảnh ấy là một sự mã hoá. Đó là những mật mã chứ không phải là những thông điệp minh bạch, sáng rõ. Cả khổ thơ không phải là những hình ảnh về thôn Vỹ, mà là sự mã hoá những hình ảnh ấy. Đó không phải là cảnh, mà là ấn tượng về cảnh, là nỗi ám ảnh về cảnh. Do vậy, thôn Vỹ trong khổ thơ này không phải là một thôn Vỹ địa lí thôn Vỹ bên bờ sông Hương, mà là một thôn Vỹ của mộng thôn Vỹ trong tâm thức thi nhân. Nó là một hiện thực thứ hai, một hiện thực ảo, nên nó không thể được hiểu theo kiểu thông thường. Hình ảnh “lá trúc che ngang mặt chữ điền” là một kiểu hiện thực như thế, một hiện thực ảo, một sự cách điệu nghệ thuật.
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Chưa hội ngộ đã dự cảm biệt li. Xuân Diệu nói: “Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt”. Nhưng với “Đây thôn Vỹ Dạ” thì phải nói là: “Chưa gặp gỡ đã bắt đầu li biệt”! Từ cảnh tươi sáng ở khổ đầu (dù chỉ trong trí tưởng) đã chuyển sang cảnh tiêu điều: gió mây đôi ngả, dòng sông buồn, hoa bắp hiu hắt, con thuyền neo đậu bến trăng… Hiển nhiên, tất cả cũng chỉ là trong tưởng tượng. Thi sĩ mở tiếp cánh cửa thứ hai của mộng ảo: không gian li biệt. Ánh sáng mờ dần: từ nắng mới lên rạng rỡ thành ánh trăng mơ huyền ảo. Mọi sự chưa kịp bắt đầu đã âm thầm phai nhạt. Hai câu cuối gợi nhiều suy nghĩ: Thuyền ai? Chở trăng về để làm gì? Kịp cái gì? Phải chăng có điều gì sắp sửa xảy ra sau đêm nay nên lòng người thắc thỏm lo âu như thế? Câu thơ hư ảo đến bàng hoàng. Nghe ra trong đó tất cả những cảm thức bất an nhất của hồn người.
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Những nghi hoặc về một thế giới thực hay mộng đến đây đã rõ. Hội ngộ không bao giờ có thật, chỉ có biệt li, xa cách là thật, biệt li ngay cả khi chưa gặp gỡ. Mọi thứ trong không gian cứ phai dần, nhòe dần, để rồi chỉ còn một cõi khói sương bao trùm tất cả: mờ cả áo em, mờ cả hình người, mờ cả mặt người, mờ luôn cả tình người…Khói sương ngấp nghé ở khổ đầu, bảng lảng ở khổ hai, đến đây đã nhuộm kín mọi thứ. Hồn người lạc giữa khói sương, biết đâu đường về thôn Vỹ, biết đâu tìm em thôn Vỹ? Chân người đã lạc từ thuở chưa đi, hồn người đã mơ từ khi chưa nói, tình đã ảo hư từ lúc chưa thành, đó là cảm hứng chính của bài thơ này.
Như thế, bài thơ thôn Vỹ là một câu chuyện tình buồn, một giấc mộng buồn. Cả một bài thơ là thế giới của mộng ảo, làm từ những chất liệu lấy ra từ trong tâm mộng. Đọc bài thơ, lý giải bài thơ, cuối cùng là để thấy cái mộng ảo đó, cái hư huyễn đó.
Mục đích chính của thơ ca, theo tôi, không có gì khác hơn là nói về chất thơ của cuộc sống. Vì vậy, mục đích của việc đọc thơ là thấy được cái chất thơ của bài thơ. Lý giải một hình ảnh, cắt nghĩa một câu thơ, cũng là để tìm ra chất thơ ấy, chứ không phải là để hiểu cho rạch ròi theo kiểu “ngô ra ngô, khoai ra khoai”. Vậy có cần phải giải thích cho được hình ảnh “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” nếu cách giải thích ấy không đưa ta đến cái đích mà người đọc thơ cần phải đến? Bức họa “La Joconde” của danh họa Leonard De Vinci vẫn bất tử cho đến nay một phần là nhờ nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa. Và người ta chiêm ngưỡng bức họa là chiêm ngưỡng sự bí ẩn kì diệu ấy của nghệ thuật. Có ai ngớ ngẩn tìm mọi cách trả lời câu hỏi: nàng cười cái gì? nàng cười với ý nghĩa gì?
*
* *
Maiacovski từng nói “Nhịp điệu là sức mạnh cơ bản, là năng lượng cơ bản của câu thơ”. Tôi muốn bổ sung thêm rằng, nhịp điệu là sức mạnh, là năng lượng của thơ, nhưng chính sự bí ẩn mới là linh hồn của thơ. Một bài thơ đích thực không chỉ là bài thơ đầy năng lượng của nhịp điệu (hiển nhiên, cái gọi là nhịp điệu ở đây cũng không phải là khái niệm đơn giản) mà còn là, và phải là một mật mã đối với người đọc, bởi chỉ có thế nó mới khiến tâm và trí của người đọc không thôi trăn trở và khắc khoải theo nó. Lúc đó, bài thơ mới thực sự bắt đầu cuộc sống của nó. Một bài thơ không có gì bí ẩn là một bài thơ không hơi thở!
Hãy chiêm ngưỡng nghệ thuật trong sự bí ẩn bản thể của nó. Và chính vì vậy, hãy để bài thơ thôn Vỹ trong sự bí ẩn bất khả giải của nó, vì chỉ trong sự bí ẩn ấy thì nó mới còn là thơ.