Một chuyến đi

06.11.2008

Một chuyến đi

Có ai ngồi nhớ chuyện làng quê

                                         
Đynh Trầm Ca
 
1. Điều ước

Quê tôi ở thành phố Đà Nẵng nơi có con sông Hàn thơ mộng, dù trên sông chẳng còn những chuyến đò ngang, không còn điệu hò khoan dập dềnh theo con nước triều lên, nhưng dòng sông vẫn đẹp lắm! Sông dang mình cho  những toà nhà cao ngất hai bên bờ soi mình lung linh ánh đèn màu .

Tôi sinh ra và lớn lên trong khi đất nước đã đổi mới. Nhà san sát, phố sầm uất,đá bóng trên hè phố bị xem là “phạm luật”, khu vui chơi thiếu nhi ở đâu cũng có nhưng đã bê-tông rồi, vui đùa coi chừng gãy chân chứ chưa nói là đá bóng. Chiều về ra hóng mát thì cái nóng hầm hập cứ bủa vây dễ như mấy cụ vừa xông hơi trùm mền ra, mồ hôi ướt đẫm; ngồi nghỉ một chiều, về nhà đau ba hôm như chơi.Thôi vậy! Hè về . Rảnh. Chat với chúng bạn tuy có tốn thời gian nhưng vui,giải trí thì game online, để thực sự “bổ ích” thì vào google đọc vài tư liệu. Nhờ thế, mà tôi cũng biết khối điều hay đấy chứ!Tôi biết phố Wall với hàng núi tiền ở nước Mỹ xa xôi, tôi biết “con đường danh vọng” với những ngôi sao in dấu chân người nổi tiếng .Tôi còn biết cả trùm khủng bố Bin-la-đen người Ả-rập-xê-út, nghe đâu đang lẩn trốn ở vùng núi Pa-kis-tan và Ap-ga-nix-tan.

Các bạn biết tôi mê gì không? Trở thành người nổi tiếng để tìm “đường lên đỉnh Ô-lim-pi-a” để chuyện trò với các vị thần trong thần thoại Hi Lạp.

 Nhưng tất cả đã sụp đổ. Ôi,đường về Ô-lim-pi-a còn xa quá!

 Nếu không có ngày ấy…

 

2. Tên con đường

Chúng tôi, các đội viên xuất sắc, được tổ chức cho tham quan các lễ hội văn hoá, một số di tích lịch sử có liên quan đến những người con ưu tú của dân tộc đã từng sống và chiến đấu trên mảnh đất Đà Nẵng này.

 Để tạo bất ngờ và sự hấp dẫn, chúng tôi chỉ việc lên xe là đi. Không khí hớn hở, nóng hầm hập bao trùm nhưng ai nấy đều vui tươi, háo hức, đợi chờ. Một làn gió dịu mát của dòng sông buổi sớm ùa qua cánh cửa , phố xá hai bên bờ tắm mình trong nắng sớm.

Chiếc xe chạy vào giữa lòng thành phố đông đúc,người mua bán tấp nập.Đột ngột dừng lại. Chờ một lúc, cánh cổng mở ra, một khoảng sân rộng bị che khuất bởi những hàng quán bên ngoài. Những cây sứ già bông trắng xoá toả bóng một góc sân.Tôi ngẩng lên rồi thong thả đọc “Nhà thờ  Phan Châu Trinh”.

 Tôi buột miệng, ngỡ ngàng“Trời ơi!”,người đã từng “Lừng lẫy làm cho lở núi non” lại chấp nhận nằm thu mình im lìm bên trong, nhường bên ngoài cho người mua bán. Có ai sống ở thành phố này lại không biết đường Phan Châu Trinh nhưng tôi biết chẳng có bao nhiêu học sinh trường trung học Phan Châu Trinh biết hoặc đã từng dừng chân,dành một chút thời gian ít ỏi giữa cái nhịp sống hối hả này để viếng hương cụ. Lỗi tại ai?Không biết nữa! Tôi thắp hương và nhìn vào ảnh chân dung cụ. Cụ không cười,cụ nhìn tôi bằng ánh mắt trách móc, cảm thông.

Đến giờ, tôi mãi phân vân có phải vì có nhà thờ cụ chỉ cách trường vài trăm mét mà trường trung học nổi tiếng này mang tên Phan Châu Trinh không?

Lòng thấy bùi ngùi .

 

3. Di tích

 Thế rồi, chiếc xe ấy, có thể coi nó là chiếc xe thời gian, chiếc xe quá khứ đưa chúng tôi sống lại những khoảnh khắc lịch sử, quay tít những vòng xoay  về Cẩm Lệ, quận tôi.

Trên một ngọn đồi cao vắng lặng, xung quanh là những ngôi mồ san sát nhau hiện lên một ngôi mồ khá lớn. Tôi lẩm nhẩm đọc: “ Mộ cụ Ông Ích Khiêm, được công nhận là di tích cấp Quốc  gia”. Cụ yên nghỉ trên đồi cao nhưng ngày ấy đau đáu một lòng lo cho nỗi thống khổ của người dân nô lệ. Còn lúc này nhìn góc thành bên kia sông Hàn năm nào cùng Nguyễn Tri Phương đánh giặc người có buồn không? Bức tường cổ kính, loang lổ những dòng máu đỏ năm nào,thành Điện Hải oanh liệt giờ đây chỉ còn là một chứng tích, lùi vào quên lãng.

 Nhưng thôi, người hãy dõi mắt tìm ánh nắng ấm ban mai, đón làn gió mát từng chiều Cẩm Lệ. Chúng tôi đến viếng cụ, nén hương nghi ngút toả.

Lòng vui, buồn lẫn lộn .

 

4. Nhà thờ

Tạm xa cái không khí tĩnh lặng vốn có của vùng đồi, chúng tôi lại hướng về trung tâm thành phố. Hành trình tưởng chừng đã kết thúc. Xe ngoặt rẽ trái. Tôi nghĩ thầm, có lẽ một ai đó biết nhà mình nên muốn tạo ra bất ngờ đây mà.Tôi nhìn mọi vật ven đường. Con đường này trông có vẻ heo hút, vắng vẻ nên tôi ngại,nhiều lần chẳng muốn đi. Mọi vật xung quanh có vẻ ngổn ngang.

 Một cảm giác thoáng chút nghi ngờ. Xe dừng lại ở một nhà thờ ven đường. Ngước mắt nhìn. Tôi ngỡ ngàng. Nhà thờ cụ Thái Phiên.Tôi lo sợ.Nhà tôi cách đây chỉ vài trăm thước. Tôi đi bộ được mà. Chính làng Nghi An-Hoà Phát này đã vun vén tâm hồn yêu nước chí sĩ Thái Phiên và người cháu Thái Thị Bôi.Tôi bàng hoàng. Vậy tôi và cụ là người cùng làng? Sao tôi nghe lạ lẫm quá! Tôi có biết cụ cùng Trần Cao Vân bí mật bàn việc nước với vua Duy Tân trên sông Hương và bị giặc Pháp bắt xử chém. Nhưng thật sự tôi chưa bao giờ,chưa một lần nghĩ cụ ở đây.Tôi cứ tưởng người anh hùng phải ở một nơi nào đó xa xôi kia! Có lẽ đó là sự bất ngờ lớn nhất không chỉ riêng tôi mà cả đám bạn của tôi

 Đây là nơi chôn nhau cắt rốn ,là nơi thờ phụng cụ mà thôi.Còn  hài cốt của con người trung hiếu ấy, nghe đâu vẫn còn ở tận xứ Huế, bên những rặng thông chùa Từ Hiếu .

    Thoáng một chút buồn!

 

5. Tiếng làng

Xe lại đưa chúng tôi về làng quê .Về quê trong ngày hội có lắm điều hay.

Tiếng trẻ mục đồng vang lên hoà trong điệu nhạc,tiếng trống làm đổi thay sự yên ắng vốn có của ruộng vườn.Những câu hát vừa thân quen vừa xa lạ đã cuốn lấy tôi.Hình ảnh một làng quê của mấy mươi năm trước,có thể hàng ngàn năm đang hiện dần ra như một di tích từng bị chìm sâu vào lòng đất quên lãng  đang lộ diện dưới bàn tay của nhà khảo cổ.Cái quần cộc,chiếc áo nâu,những chiếc nón lá bạc phếch nắng mưa cuộc đời cứ chập chờn trong tiếng hát ngây ngô,quê đặc: “Rồng rắn lên mây,có cây rúc rích…”,tiếng u…u…u…phát ra từ mũi và cả đám trẻ con lại nhốn nháo như chạy trốn một tên phù thuỷ hung ác ,những chiếc đũa tre được chuyền xoay gọn trong đôi tay nhỏ bé làm ta ngây ngất,những cánh diều rất quê nhưng có tiếng sáo rất đỗi thanh bình…

 Tôi có nhiều trò chơi hấp dẫn hơn nhiều,chỉ cần một cái nhấp chuột cả một thế giới ảo với nhiều màu sắc hiện ra,những âm thanh sống động và tôi như chìm vào những giấc mơ.Nhưng khi dừng lại không có tiếng cười rạng rỡ,cái thở hổn hển mà là một tiếng thở ra của chính mình mệt nhừ.Không người chia sẻ.

Tôi yêu cái mùi bùn tanh nồng trên cánh đồng bát ngát, cái làn da sạm nắng của lũ trẻ !Chẳng ở đâu có được cái mùi rơm thơm quyến rũ quyện trong mùi khói hun từ những đống tro ven đường làng sau vụ gặt. Mê say, tôi lắng hồn mình nghe thật kĩ và nhẩm lại các câu hát đôi lúc chẳng có nghĩa gì cả. Nhưng tôi thích cái sự hồn nhiên ở trong đó. Trẻ con mà!Hát là vui lắm rồi!Hát để được chơi. Còn gì bằng. Ý nghĩa làm gì cho mệt! Tôi muốn thuộc. Để làm gì? Chẳng để làm gì ? Nhưng tôi thích thế!

Tôi chen vào giữa đám đông, lẩm bẩm đọc theo nhưng không hiểu sao tiếng hát cứ nhỏ dần, tôi chẳng thể nào nhận ra dù là âm điệu thôi. Ngẩng mặt nhìn lên, bên kia bờ ruộng giữa một khoảng đất trống những con trâu của bọn mục đồng đang lúi húi gặm cỏ như chẳng cần biết điều gì. Và cạnh đó, những chiếc máy cày đang nổ máy chạy tới, chạy lui làm nhàu nát mặt ruộng. Tiếng máy cứ to dần,ầm vang… Tiếng hát chỉ còn là tiếng gió bay trong ánh chiều tà.

Tôi bực dọc. Nhưng tôi chợt nhận ra rằng: đây chỉ là một vở diễn, một màn kịch giữa cuộc đời chứ không phải trên sân khấu mà thôi.

  Lại thêm một chút buồn!                                                          

                                                                           PHẠM NGUYỄN CA DAO