Từ nam Hải Vân đến sông Thu Bồn, vùng đất 160 năm “sổ sách chỉ chép tên suông” - Vũ Hùng
Sau lễ cưới công chúa Huyền Trân và vua Chế Mân vào năm 1306, năm sau, nhà Trần đổi đất Ô thành châu Thuận và đất Rí (Lý) thành châu Hóa. Châu Thuận tương đương tỉnh Quảng Trị, châu Hóa tương đương tỉnh Thừa Thiên - Huế và vùng đất từ nam Hải Vân đến sông Thu Bồn ngày nay. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông đánh chiếm kinh đô Đồ Bàn, lấy đất Chiêm Động phía nam sông Thu Bồn trở vào nam thành lập thừa tuyên Quảng Nam, gồm 3 phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn. Từ năm 1306 đến 1471, 165 năm ấy, Đại Việt hay Chiêm Thành cai quản trên thực tế vùng đất từ bờ bắc sông Thu Bồn đến nam núi Hải Vân đệ nhất hùng quan?
Phủ Thăng Hoa của thừa tuyên Quảng Nam là đất Chiêm Động cũ, từ nam sông Thu Bồn đến giáp tỉnh Quảng Ngãi ngày nay. Vậy, từ bắc sông Thu Bồn đến núi Hải Vân phải thuộc châu Hóa của thừa tuyên Thuận Hóa. Tuy nhiên, vào cuối nhà Trần và vào thời nhà Hồ, châu Hóa có 7 huyện là Lợi Bồng, Thế Vang, Sa Lệnh, Bồ Đài, Bồ Lãng, Trà Kệ và huyện cực nam là Tư Dung (huyện Phú Lộc ngày nay), vùng đất nam Hải Vân đến sông Thu Bồn không rõ. Năm 1466, vua Lê Thánh Tông thành lập 13 đạo thừa tuyên, trong đó có thừa tuyên Thuận Hóa nhưng không ghi bao nhiêu phủ, huyện và châu; đến năm 1469, khi thành lập 12 thừa tuyên, trong đó thừa tuyên Thuận Hóa ghi rõ gồm 2 phủ Tân Bình và Triệu Phong với 7 huyện và 4 châu. Phủ Triệu Phong có các huyện Đan Điền, Kim Trà, Tư Vinh, Hải Lăng, Vũ Xương, Điện Bàn và 2 châu Thuận Bình, Sa Bôi. Huyện Điện Bàn là vùng đất từ nam núi Hải Vân đến sông Thu Bồn. Đến đầu thế kỷ 17, vùng đất ấy mới thuộc về Quảng Nam khi Nguyễn Hoàng cắt huyện Điện Bàn của phủ Triệu Phong nhập vào dinh Quảng Nam và thành lập phủ Điện Bàn gồm 5 huyện Hòa Vang, Diên Khánh, Tân Phúc, Yên Nông, Phú Châu.
Những diễn biến trong quan hệ Đại Việt và Chiêm Thành từ năm 1306 đến năm 1471, từ nhà Trần đến nhà Hồ, giai đoạn đấu tranh chống quân Minh và đầu nhà Lê, sẽ góp phần làm rõ thêm chủ nhân thực sự của vùng đất từ nam Hải Vân đến sông Thu Bồn.
Sau hôn nhân Chế Mân và Huyền Trân năm 1306, lẽ ra mối ban giao giữa hai nước sẽ được nồng ấm, hòa hiếu, nhưng có một số dấu hiệu bất bình trong dân cũng như trong triều đình Chiêm Thành đối với cuộc hôn nhân đắt đỏ này. Người Chàm ở một số nơi phản đối như các thôn Tác Hồng, La Thủy, Đà Bồng, nên vị Hành khiển Đoàn Nhữ Hài phải đến phủ dụ, cho họ làm quan, cấp ruộng đất và miễn tô thuế ba năm để vỗ về. Liên tiếp các năm 1312 và năm 1318 nhà Trần sang bắt vua Chế Chí hay “phản trắc” (*) đem về Gia Lâm, đánh vua Chế Năng “tráo trở” phải chạy sang Java cầu viện. Năm 1326, Đại Việt tiếp tục sang trừng phạt nhưng chính sử chỉ ghi không thành công mà không cho biết chi tiết. Trong 20 năm tiếp theo Chiêm Thành vẫn triều cống nhưng lễ vật rất đơn bạc, sau đó thì không triều cống nữa, chính sách với Đại Việt bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới, liên tục tấn công ra Bắc, chiếm kinh thành Thăng Long.
Các năm 1352 và 1353, nội bộ Chiêm Thành mâu thuẫn sau khi vua Chế A Nan chết, con trai là Chế Mỗ chạy sang Đại Việt xin dung nạp, nhà Trần đưa Chế Mỗ về lại nhưng đến Cổ Lũy phải trở lui. Chiêm Thành liền phản công tiến quân ra đánh phá Hóa Châu. Lúc này Bố Đề lên làm vua, phe chống Đại Việt thắng thế trong triều đình Chiêm Thành. Các năm 1361 và 1366, Chiêm Thành bắt đầu tiến xa hơn, đánh ra phủ Lâm Bình, tức châu Địa Lý cũ, nay thuộc tỉnh Quảng Bình. Năm 1362, Đỗ Tử Bình tu sửa thành Hóa Châu. Năm 1367, Đại Việt đánh Chiêm Thành, nhưng “quan quân tan vỡ nặng nề” tại Chiêm Động, tướng Trần Thế Hưng bị bắt. Sau thắng lợi này, tháng hai năm sau, Chiêm Thành tiến tới sai sứ sang chính thức đòi lại đất Hóa Châu. Chính sử không ghi rõ thái độ của Đại Việt, nhưng có thể là Đại Việt không chấp nhận, nên chỉ một tháng sau, lần đầu tiên quân Chiêm Thành đánh chiếm Thăng Long, vua Trần phải rời kinh đô chạy sang Đông Ngàn. Tám năm sau, vua Trần Duệ Tông thân chinh đem 12 vạn quân sang chinh phạt nhưng tử trận tại Đồ Bàn, 3 vị tướng cũng tử vong, còn Ngự Câu Vương Húc thì đầu hàng. Năm sau, vua Chế Bồng Nga sử dụng vị hàng tướng này ra Nghệ An để chiêu dụ dân chúng khi tiến đánh Thăng Long lần thứ hai. Năm 1380, Chế Bồng Nga đánh ra Nghệ An, Thanh Hóa; năm 1382, đánh ra Thanh Hóa và tiến chiếm kinh đô Thăng Long lần thứ 3. Năm 1389, quân Chế Bồng Nga lại tấn công Thanh Hóa, ra tận Hoàng Giang, tỉnh Thái Bình và Hưng Yên ngày nay ; một vị tôn thất là Nguyên Diệu đem quân đầu hàng Chế Bồng Nga. Nhưng cũng tại khu vực này, đầu năm 1390, Trần Khát Chân đã đánh bại đoàn quân của Chế Bồng Nga. Khi Chế Bồng Nga cùng với hàng tướng Nguyên Diệu đang “quản lĩnh hơn trăm chiến thuyền đến xem xét tình hình quan quân. Lúc các thuyền chưa kịp tập hợp thì một tiểu thần của Chế Bồng Nga là Ba Lậu Kê bị quở trách, sợ bị tội, mới chạy sang phía quan quân, chỉ chiếc thuyền sơn màu lục bảo với quan quân rằng: Đấy là thuyền chúa Chiêm Thành. Khát Chân liền sai hỏa pháo cùng bắn một loạt, đạn bay trúng giữa thân Bồng Nga suốt vào ván thuyền, Bồng Nga bị chết ngay”.
Những diễn biến trên cho biết từ năm 1306 đến năm 1326, trong vòng 20 năm Đại Việt 3 lần tiến đánh Chiêm Thành, nhưng lần đầu chỉ đến trại Câu Chiêm, phía nam núi Hải Vân, lần thứ 2 vua Chiêm Thành thua phải chạy sang Java cầu viện, lần thứ 3 không thành công nhưng chính sử không ghi rõ đã đến đâu. Từ năm 1353 đến năm 1390, khoảng 37 năm, Chiêm Thành gần như làm chủ đất Ô, Rí cũ. Trong thời gian vượt Hoành Sơn đánh ra Nghệ An, Thanh Hóa và các lần chiếm kinh đô Thăng Long, 3 châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh cũng chịu ảnh hưởng của Chiêm Thành, “nhiều người làm phản, đi theo Chiêm Thành”.
Tác giả Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí có nhận xét:“ Giữa đời Trần, tuy có mở thêm đến hai châu Ô Lý, nhưng cũng chỉ là vùng đất cho có mà thôi”. Phan Huy Chú, trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, còn ghi rõ hơn: “Đời Lý, Trần tuy lấy được Hóa Châu, nhưng từ Hải Vân trở vào Nam còn là đất cũ của người Chiêm”.
Về Chế Bồng Nga, mặc dù sử quan Đại Việt xem Chiêm Thành là Phiên, là Di, nhưng qua một số ghi chép trong chính sử Đại Việt đã cho biết tài dùng binh của vị vua này. Năm 1367, khi đoàn quân của Trần Thế Hưng và Đỗ Tử Bình đến Chiêm Động, “Người Chiêm đặt quân mai phục, ập ra đánh, quan quân tan vỡ nặng nề. Thế Hưng bị giặc bắt”. Năm 1377, vua Trần Dụ Tông đem 12 vạn quân tấn công Chiêm thành,“ Bồng Nga dựng lũy bằng tre gỗ ở ngoại thành Chà Bàn, sai bầy tôi là Mục Bà Ma ra trá hàng, nói rằng Bồng Nga đã chạy trốn, chỉ để thành bỏ ngõ, nên mau tiến quân kẻo lỡ cơ hội. Nhà vua nghe lời, sai gấp tiến quân, không theo lời can ngăn của Đại tướng Đỗ Lê mà còn cho rằng kiến thức đàn bà, rồi sai cho vị tướng này mặc áo đàn bà giữa ba quân. Rồi đoàn quân cứ nối đuôi nhau như xâu cá tiến lên. Giặc nhân cái đà thuận tiện, thình lình đổ ra tập kích, cắt ra từng tốp: quan quân tan vỡ nặng nề. Nhà vua bị vây hãm, chết tại trận. Bọn đại tướng Đỗ Lê và Nguyên Nạp cùng hành khiển Phạm Huyên đều chết cả. Ngự câu vương, tên là Húc, đầu hàng, được giặc gã con gái”. Năm 1389, tại trận đánh ở Cổ Vô, Thanh Hóa, “Quân Chiêm Thành xâm phạm vào làng Cổ Vô. Quan quân đóng cọc gỗ ở sông, đem thuyền vây xung quanh. Hai bên cầm cự nhau hơn hai mươi ngày. Quân giặc đắp đập chắn nước ở thượng lưu sông Lương, để mai phục quân và voi, rồi giả vờ dọn dẹp doanh trại để kéo quân về. Quý Ly chọn quân tinh nhuệ dũng cảm đuổi theo, đại quân mở cọc gỗ đã đóng, rồi quân thủy quân bộ nhất tề xông ra. Bên giặc bèn phá bờ đập, lùa voi xông ra trận. Quân tinh nhuệ dũng cảm của Quý Ly không thể quay lại ứng cứu được, thuyền chở quân chiến đấu ở dưới sông thì bị nước chảy xiết dồn vào một chỗ, bao nhiêu quân bộ bị giết hết, nên bị thua to. Viên tướng quản lĩnh đội quân Thánh Dực là Nguyễn Chí bị giặc bắt, ngoài ra bảy mươi viên tướng cầm quân đều bị chết”.
Chế Bồng Nga không chỉ tài trí về dùng binh mà còn mưu lược về chính trị, đã làm cho tinh thần người Chiêm Thành thay đổi nhiều so với trước: “Chiêm Thành từ đời nhà Lê, nhà Lý trở về trước, quân chúng của họ rất là nhút nhát. Hễ quan quân ta kéo đến thì họ đem cả nhà đi trốn, có khi xúm lại khóc lóc, xin đầu hàng. Kịp khi Chế Bồng Nga lên làm vua, phần thì sinh sôi đông đúc, phần thì được dạy dỗ tôi rèn, dần dần sửa bỏ được những thói dở cũ, quân và dân họ trở thành những người mạnh tợn, chịu đựng gian khổ. Cho nên họ thường sang quấy nhiễu nước ta. Bấy giờ Bồng Nga cùng với tướng nó là La Ngai đem quân đi tắt đường xuyên sơn, đổ ra đóng đồn ở sách Khổng Mục thuộc Quảng Oai. Kinh đô xao xuyến kinh hãi”. Chế Bồng Nga còn sử dụng các hàng tướng Ngự Câu Vương Húc và vị tôn thất Nguyên Diệu để thu phục lòng người song song với đoàn quân trên đường tiến ra Bắc.
10 năm sau khi Chế Bồng Nga chết, Chiêm Thành vẫn còn mạnh. Năm 1400, Hồ Quý Ly đem 15 vạn quân nhưng chỉ đến biên giới Chiêm Thành đã phải rút quân về “vì hai đạo quân thủy bộ không liên lạc được với nhau, binh sĩ thiếu lương thực”. Chính sử không ghi rõ biên giới ấy là nơi nào.
Năm 1402, Hồ Hán Thương đem quân sang đánh, vua Chiêm Thành phải làm tờ biểu dâng đất Chiêm Động và Cổ Lũy cho Đại Việt; nhà Hồ dùng người Chàm là Ma Nô Đà Nan trấn giữ đất biên giới Cổ Lũy. Năm sau, nhà Hồ cho dân di cư vào vùng đất mới này, nhưng đến năm 1407, khi cha con Hồ Quý Ly bị quân Minh bắt, Phạm Thế Căng được cử trấn giữ Thăng Hoa phải rút về Tân Bình, tức Lâm Bình cũ, thì “Chiêm Thành lại chiếm Thăng Hoa, rồi sang cướp châu Hóa nên lớp người di dân ấy cũng phải trở về bắc: “đến khi Chiêm Thành cất quân định thu lại đất cũ, dân di cư sợ chạy tan cả, bọn Hối Khanh trở về Hóa Châu, chỉ một mình Ma Nô Đà Nan chống nhau với Chiêm Thành, thế cô sức núng, bị người Chiêm giết chết... Hối Khanh trở về Hóa Châu thì (Nguyễn) Rỗ đưa dân di cư đi đường bộ đến chậm”. Dân di cư đến vùng đất mới chủ yếu là nam giới, biên chế thành quân ngũ, “người ở châu nào thì thích hai chữ tên châu ấy vào hai cánh tay để làm dấu hiệu. Đến năm sau đưa vợ con đi theo, giữa đường, bị bão chết đuối, dân phần nhiều ta oán”. Vì vậy, khi Chiêm Thành chiếm lại đất cũ, với đặc điểm khác biệt để làm dấu đã nêu trên và thời gian chỉ 5 năm nên lớp di dân này rất khó để lưu lại đất Chiêm Thành.
Năm 1413, tướng nhà Minh là Trương Phụ tiến vào Hóa Châu, Nguyễn Súy và Đặng Dung chặn đánh ở Ái Tử, Quảng Trị, nhưng không thành. Năm sau Trương Phụ lấy được Tân Bình và Thuận Hóa, đến năm 1415, lấy tiếp Cổ Lũy. “Nhà Minh sai quan chia nhau đến đóng ở bốn châu Thăng, Hoa, Tư và Nghĩa. Trước kia, nhà Hồ đặt bốn châu Thăng, Hoa, Tư và Nghĩa, dùng Đặng Tất, Nguyễn Súy trấn giữ. Đến lúc Giản Định Đế và Đế Quý Khoáng khởi binh, Tất và Súy đi theo, thì người Chiêm Thành lại chiếm cứ đất ấy. Đến nay, Trương Phụ lại viết thư đưa dụ người Chiêm Thành, rồi lại đặt chức tri châu, đồng tri châu, phân phối quan lại đến đóng giữ. Nhưng chỗ đất ấy Chiêm Thành vẫn có người trưởng quản, nhà Minh chỉ chép tên suông vào sổ sách mà thôi, việc thuế khóa, sai dịch và việc đóng góp khác chưa thi hành ở đây được”.
Không chỉ Chiêm Động và Cổ Lũy, có thể cả vùng đất từ Hải Vân đến sông Thu Bồn, nhà Minh cũng “chỉ chép tên suông vào sổ sách mà thôi”.
Sau thắng lợi của cuộc kháng Minh, triều đình nhà Lê tập trung cho đối nội và đối ngoại với Trung Hoa. Từ năm 1427 đến năm 1470, Chiêm Thành vừa cử sứ sang triều cống vừa nhiều lần sang đánh châu Hóa. Ngoài trừ một lần đánh vào Cửa Việt còn lại không rõ đánh phá châu Hóa là ở đâu, nhưng có lẽ đối tượng uy hiếp là thành châu Hóa, thuộc huyện Quảng Điền, giáp với tỉnh Quảng Trị ngày nay. Từ năm 1444 đến năm 1446, nhà Lê 2 lần cử tướng sang đánh Chiêm Thành, lần đầu không rõ thắng bại, lần sau hạ thành Đồ Bàn, lập Ma Ha Quý Lai làm vua, rồi rút về. Năm 1467, vua Lê Thánh Tông lệnh cho các quan địa phương khảo sát sông núi và vẽ bản đồ vùng Thuận Hóa trình lên, vị quan châu Hóa là Đặng Chiêm dâng lên 5 điều: phòng giữ cửa Tư Hiền, lấp cửa Thuận An, đào kinh Sen, bỏ thuế đầu nguồn và mộ dân phiêu bạt đến khai khẩn đất Bố Chính. Cửa Tư Hiền phía bắc Hải Vân, nhưng hiểm ải chiến lược bậc nhất là Hải Vân và cửa biển Đà Nẵng cùng với vùng đất giáp sông Thu Bồn lại hoàn toàn không được đề cập đến. Sử liệu trên cho biết chậm nhất là từ năm 1467 trở đi Đại Việt đã làm chủ vùng đất từ bắc Hải Vân trở ra, nhưng sự hiểm trở và biệt lập của vùng đất từ nam Hải Vân đến sông Thu Bồn vẫn thuộc Chiêm Thành.
Như vậy, từ 1407 đến cuối năm 1470, 63 năm, từ nam Hải Vân đến sông Thu Bồn trên thực tế vẫn do Chiêm Thành cai quản.
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chú thích về Quảng Nam như sau: “....nhà Tống, là đất Lý Châu và Chiêm Động của Chiêm Thành; nhà Trần, thuộc đất Hóa Châu; nhuận Hồ lấy cả đất Đại Chiêm và Cổ Lũy của Chiêm Thành đặt làm 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa; thuộc Minh hợp lại làm phủ Thăng Hoa; hồi đầu triều Lê, là đất cơ mi(**) gọi tên là Nam giới, nhưng sổ sách chỉ chép tên suông, chứ thật ra thì đất đai chỗ ấy vẫn do người Chiêm Thành chiếm cứ. Đến năm Hồng Đức thứ 3, Lê Thánh Tông thân đi đánh Chiêm Thành, lấy đất ấy đặt làm Quảng Nam thừa tuyên”.
“Đất Lý Châu”, “ nhà Trần thuộc đất Hóa Châu” của Quảng Nam nêu trong sử liệu trên chính là vùng đất cực nam châu Hóa từ Hải Vân đến sông Thu Bồn, cho đến trước năm 1471 cũng là đất mà “sổ sách chỉ chép tên suông”.
Điều này càng rõ hơn khi đoàn quân hùng hậu của vua Lê Thánh Tông đến hiểm ải này vào cuối năm 1470 thì phía bờ nam Hải Vân vẫn là “đất giặc”, là “nước Chiêm”. Năm 1471, “mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 2, vua cho là khi đại quân sắp vào đất giặc, quân lính càng cần phải luyện tập. Do đó, xuống chiếu cho quân Thuận Hóa ra biển tập thủy chiến. Vua nghĩ núi sông nước Chiêm có chỗ chưa biết rõ ràng, liền sai thổ tù ở Thuận Hóa là Nguyễn Vũ vẽ hình thế hiểm dị của nước Chiêm để dâng lên. Ngày mồng 6, viên Chỉ huy Cang Viễn bắt sống Bồng Nga Sa là viên lại giữ cửa quan Cụ Đê nước Chiêm đem nộp”. “ Cửa quan Cụ Đê nước Chiêm” là khu vực phía nam núi Hải Vân, ngày nay có dòng sông mang tên Cu Đê.
Năm 1471, chính vua Lê Thánh Tông, trên hành trình tiến quân về kinh đô Chiêm Thành, đã làm bài thơ về cửa biển Hải Vân:
Hỗn nhất thư xa cộng bức quyên
Hải Vân hoành giới Việt Nam thiên
Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt
Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc tuyền
Di lạc phụng thâm kỳ khoản tái
Khổn thần ái quốc xảo trù biên
Thử thân na đắc sinh hoàn hạnh
Cảm vọng Ban Siêu đáo
Tửu Tuyền (***)
Các câu “Hải Vân hoành giới Việt Nam thiên”, “Di lạc phụng thâm kỳ khoản tái”, “Khổn thần ái quốc xảo trù biên”, đã cho biết phía nam Hải Vân vẫn còn là đất Chiêm Thành, có vị quan của vương quốc ấy trông giữ quan ải.
Trong 165 năm, từ năm 1306 đến năm 1471, trừ 5 năm - từ năm 1402 đến năm 1407 - Đại Việt tương đối quản lý thực sự vùng đất từ nam Hải Vân đến sông Thu Bồn (kể cả Chiêm Động và Cổ Lũy), 160 năm còn lại chỉ thuộc Đại Việt trên danh nghĩa.
Trải qua hơn một thế kỷ rưỡi thăng trầm và nhiều xương máu đã thấm vào vùng đất này mới thật sự thuộc về Đại Việt.
V.H