Anh hùng, Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát - Dương Xuân Bình
LTS: Trong ký ức của nhiều tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp Quân đội nhân dân Việt Nam, tên tuổi Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Hải sản là một vị tướng lĩnh tài trí, mưu lược, quyết đánh và biết đánh thắng quân thù; là một người anh, người thầy hết lòng chăm lo cho đồng đội, chiến sĩ; là người “Anh lớn” của ngành Thủy sản Việt Nam (Từ dùng của Tiến sĩ Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản).
Nhân kỷ niệm 24 năm ngày mất của ông (1993-2017), Tạp chí Non Nước xin giới thiệu phác thảo chân dung Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát qua lời kể của người thân và hồi ức của một số đồng đội từng một thời vào sinh ra tử cùng ông.
Tuổi thơ và gia đình (1921-1944)
Căn nhà cấp 4 của Cựu chiến binh - Trung tá Lê Đình Kiến, 93 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng nằm lọt thỏm trong một hẻm nhỏ trên đường Trường Chinh, Phường An Khê, Quận Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng. Ông vừa là đồng đội, vừa là em con dì ruột với Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát. Ông Kiến quê làng Xuân Thiều (xã Hòa Hiệp) cách làng Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) của Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát trên 3 cây số. Trong câu chuyện với chúng tôi, những kỷ niệm xưa được ông Kiến kể lại rành mạch, tỉ mỉ.
Anh Bảy Thiệp (tên lúc nhỏ của Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, có 9 anh chị em. Cha là một cụ đồ Nho có tinh thần yêu nước, dạy chữ Nho kiêm thầy địa lý có tiếng trong vùng. Sau một thời gian học chữ Nho tại quê, Bảy Thiệp chuyển sang học chữ quốc ngữ tại trường Quan Nam. Học quốc ngữ chưa được 6 tháng thì gặp kỳ thi Sơ học Yếu lược, (tương đương cấp Tiểu học hiện nay), được thầy dạy động viên, Bảy Thiệp đăng ký dự thi và đỗ Sơ học Yếu lược (thông thường phải học 3 năm mới đủ điều kiện dự thi). Không có điều kiện tiếp tục xuống Đà Nẵng theo học, năm 18 tuổi, Nguyễn Bá Phát bỏ nhà đăng làm lính thợ cho quân đội Pháp (năm 1939). Nhưng chỉ được mấy tháng, ông xuất ngũ về quê. Năm 1940, một lần nữa, ông đăng lính thủy và được tuyển mộ, đưa vào đóng quân tại Sài Gòn. Gần 6 năm lênh đênh trên biển cả, ông đã đi đến nhiều bờ biển châu Á, châu Phi, qua tận đảo Réunion hay Madagascar. Trong sinh hoạt tại các câu lạc bộ Thủy thủ, ông được nghe bao điều, từ cộng sản đến xã hội, tự do đến cách mạng và nhiều thông tin ở quê nhà. Sau khi Nhật hất cẳng Pháp tại Đông Dương, ông bỏ lính về quê hương. Trong những ngày sục sôi Cách mạng Tháng 8-1945, Nguyễn Bá Phát tham gia dân quân tự vệ, giữ chức Đội trưởng Dân quân thôn Trung Sơn, bắt đầu một chương mới trong cuộc đời hoạt động sôi nổi với nhiều cống hiến to lớn cho quê hương, đất nước... Các anh em của Nguyễn Bá Phát đều tham gia cách mạng: Đại tá Nguyễn Bá Trình, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk; Đại tá Nguyễn Bá Phước, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ); Trung tá Nguyễn Bá Ninh, trợ lý chính trị Cục Chính trị Quân khu 5. Các chị em gái đều có nhiều đóng góp cho cách mạng tại quê nhà.
Tham gia kháng chiến chống Thực dân Pháp (1945-1954)
Tháng 7 năm 1945, Nguyễn Bá Phát tham gia đội tự vệ bí mật của Việt Minh, chuẩn bị cướp chính quyền ở Đà Nẵng. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 8 năm 1945, ông được cử làm Ủy viên Ủy ban Nhân dân lâm thời xã. Từ tháng 9 năm 1945 đến cuối năm 1949, ông gia nhập quân đội và nhờ thông minh, tháo vát cộng với những kiến thức quân sự học được trong quân đội Pháp, Nguyễn Bá Phát không trải qua giai đoạn làm lính mà được cấp trên tin tưởng giao ngay các chức vụ Chỉ huy: Đội trưởng thủy đội Bạch Đằng đánh Pháp ở Khánh Hòa; Chi đội phó Chi đội Phan Đình Phùng; Chỉ huy trưởng Mặt trận Buôn Ma Thuột và đường 14; Phó chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; Trung đoàn trưởng các trung đoàn quân chủ lực của Liên khu 5 như Trung đoàn 96, Trung đoàn 73, Trung đoàn 126.
Từ năm 1950, ông lần lượt giữ các chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 108; Tham mưu trưởng Mặt trận Bắc Tây Nguyên; Chỉ huy trưởng Sư đoàn 305; Tham mưu phó, rồi Tham mưu trưởng Liên khu 5.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp trên chiến trường Liên khu 5, Nguyễn Bá Phát đã chỉ huy hàng loạt chiến dịch, trận đánh lớn, gây cho địch những tổn thất nặng nề. Và đây là những dòng tâm huyết mà Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chính ủy Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng trong kháng chiến chống Pháp dành cho Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát: “Đồng chí Nguyễn Bá Phát là một trong những cán bộ chỉ huy có đức, có tài, một trong những cán bộ tiêu biểu của Liên khu 5. Trải qua 3 giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí luôn luôn thể hiện lập trường kiên định, tinh thần cách mạng tiến công... Tự lực, sáng tạo, biết lợi dụng địa hình, địa vật, dựa vào tập thể, vào nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, càng chiến đấu càng trưởng thành, lập được nhiều chiến công vang dội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.” (Xin được nói thêm: Đại tướng Nguyễn Quyết chính là người ký quyết định kết nạp Tướng Nguyễn Bá Phát vào Đảng; là người chủ hôn tác thành hạnh phúc cho Tướng Phát với bà Nguyễn Thị Điểm, một cán bộ phụ nữ của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng). Và đây là ý kiến của Trung tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam: “Anh Phát luôn chăm lo, bồi dưỡng cho cấp dưới, luôn tìm cách truyền đạt những kinh nghiệm sốt dẻo của các đơn vị và của Bộ phổ biến nên trình độ hiểu biết của cấp dưới được nâng lên rõ rệt. Tính tình của anh là một nông dân chất phác. Trung thực, dễ gần, dễ mến, có gì đều tâm sự hết, ít khi “để bụng” nên anh em cấp dưới đều mến anh, quý anh và kính trọng anh... Không chỉ có chúng tôi, mà cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân ở những nơi anh đến đều quý anh, thật lòng cộng tác, cùng nhau vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, chung sức, chung lòng, hiệp đồng chặt chẽ, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân cùng lực lượng vũ trang giành thắng lợi to nhất...”.
Tháng 10 năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông tập kết ra Bắc, được cử giữ chức vụ Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 305.
Người lính Hải quân số 1
Với tầm nhìn chiến lược tài tình, sau năm 1954, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã quyết định hình thành lực lượng chuyên trách bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Tháng 1-1955, đồng chí Nguyễn Bá Phát được Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách bộ phận chuyên trách nghiên cứu, tham mưu cho Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh chuẩn bị đề án thành lập lực lượng bảo vệ vùng biển, tạo cơ sở để xây dựng lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam. Trong Hồi ký của mình, tướng Phát viết về kỷ niệm được gặp Bác Hồ, qua đó hé lộ lý do ông được Bác chọn vào Hải quân: “Cuối năm 1961, Bác Hồ được tin các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bà Rịa... tổ chức được 6 thuyền vượt biển ra Bắc an toàn. Ông cụ mừng lắm nên không đợi tôi lên Hà Nội báo cáo mà Cụ bí mật xuống Hải Phòng gặp tôi...”. “Trước khi lên xe về Hà Nội, Bác kéo tôi ra đầu hồi nhà làm việc nơi có cây bàng che kín gió. Bác nói nhỏ vừa đủ cho tôi nghe: “ Chú là gốc lính thủy Pháp, chú có nhiều kinh nghiệm đi biển, đánh thắng thằng Mỹ này phải khác với đánh thắng thằng Pháp. Chú đã có công quật ngã thằng Pháp ở dưới mặt biển, thì bây giờ chú phải quật ngã tiếp thằng Mỹ xâm lược này nữa chứ, chú Phát!”. Nói rồi Bác cười. Tôi như nuốt từng lời của Bác”.
Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu của bộ phận này, ngày 07 tháng 5 năm 1955, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Cục Phòng thủ bờ biển, tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Bá Phát được chỉ định làm Cục trưởng.
Ngày 24 tháng 01 năm 1959, Cục Hải quân được thành lập, thay cho Cục Phòng thủ bờ biển và đến ngày 03 tháng 01 năm 1964, Bộ Tư lệnh Hải quân được thành lập. Thiếu tướng Tạ Xuân Thu giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy, Đại tá Nguyễn Bá Phát làm Phó Tư lệnh đặc trách về hoạt động và tác chiến của Hải quân Việt Nam.
Ông là vị chỉ huy có công đầu đối với sự hình thành và phát triển của Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng từ ngày đầu thành lập đến khi kháng chiến chống Mỹ kết thúc. Ông cũng là người có những cống hiến không nhỏ đối với việc chỉ đạo xây dựng, phát triển “đoàn tàu không số” và tuyến “đường Hồ Chí Minh trên biển” chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam, bảo vệ và phòng thủ bờ biển. Ông cũng là người đề xuất thành lập, huấn luyện, chỉ đạo tác chiến lực lượng đặc công nước của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Tháng 12 năm 1964, ông là Tư lệnh Quân chủng Hải quân kiêm Tư lệnh Quân khu Đông Bắc (sau khi sáp nhập). Năm 1964, ông là Đại biểu Quốc hội khóa III khu vực Hải phòng. Suốt thời gian Mỹ đánh phá, phong tỏa vùng sông biển miền Bắc, đặc biệt là vùng cảng chính Hải Phòng, với cương vị người chỉ huy lãnh đạo Cục phòng thủ bờ biển đến Quân chủng Hải quân, Nguyễn Bá Phát gắn bó mật thiết với Hải Phòng. Ông đã cộng tác giúp đỡ Hải Phòng xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ trên biển với các hải đội tự vệ của các hợp tác xã nghề cá. Các căn cứ của Hải quân đặt tại Hải Phòng, kể cả cơ sở sơ tán phân tán đều được lãnh đạo, nhân dân Hải Phòng cưu mang, tận tình giúp đỡ.
Ngày 09/5/1972, Không quân Hải quân Mỹ đánh vào Cảng Hải Phòng, thả bom từ trường phong tỏa vùng sông biển Hải Phòng. Để chống lại sự phong tỏa của Mỹ, Chính phủ thành lập Ban chống phong tỏa trực thuộc Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị làm trưởng ban, Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát, Tư lệnh quân khu Tả ngạn Đặng Kinh, Cục trưởng Cục đường biển Lê Văn Kỳ, Chủ tịch Ủy ban hành chính Hải Phòng Lê Đức Thịnh làm ủy viên. Ban đã giúp Đảng, Nhà nước đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp hữu hiệu rà phá thủy lôi, bom từ trường góp phần đánh bại kế hoạch phong tỏa của Mỹ.
Từ tháng 02 đến tháng 5 năm 1975, ông là Tư lệnh Hải quân tiền phương trong chiến dịch Hồ Chí Minh, tổng tiến công 1975, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Tháng 4 năm 1975, ông được phong quân hàm Thiếu tướng Hải quân (từ năm 1981, quân hàm này gọi là quân hàm Chuẩn đô đốc Hải quân); Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nhân dân; Ủy viên Hội đồng khoa học Bộ Quốc phòng.
Nói về Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, một cán bộ trưởng thành từ lực lượng kỹ thuật của Quân chủng Hải quân, người có nhiều kỷ niệm sâu sắc với tướng Phát- kể: “Rất ít thời gian đồng chí ngồi ở bàn làm việc (trừ những lúc họp); đồng chí dành toàn bộ thời gian xuống đơn vị, cơ sở, đi xem xét địa hình, khảo sát đảo, vịnh, cửa sông, luồng lạch... Nhiều đồng chí đi theo đều rất sợ năng lực đi bộ, leo núi, lội nước của đồng chí Phát...”. “Nguyễn Bá Phát - vị Tư lệnh Hải quân từ thời kỳ mới thành lập đến thời kỳ đối đầu với Hải quân Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa miền Bắc nước ta kéo dài gần 10 năm... Tướng Phát là một vị Tư lệnh say mê đánh giặc, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”.
Người “Anh lớn” của ngành Hải sản
Từ tháng 7 năm 1976, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Bộ quốc phòng điều động Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát và trên 200 cán bộ chiến sĩ Hải quân tăng cường cho Bộ Hải sản (về sau đổi tên thành Bộ Thủy sản) vừa được thành lập. Ông được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng thường trực Bộ, Bí thư Ban Cán sự Bộ cho đến khi nghỉ hưu năm 1987. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa V, VI (1974 - 1980).
Trong vai trò Thứ trưởng Thường trực Bộ Hải sản, tướng Nguyễn Bá Phát đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kết hợp kinh tế với quốc phòng. Đồng chí Phạm Minh Tuấn, nguyên Phó Chính ủy Đoàn 172, nguyên Phó Văn phòng Bộ Hải sản cho biết: “Về Bộ Hải sản, anh Phát không có chút gì thuận lợi cả. Công việc không quen, người không quen, lương thấp, không thể “quân lệnh như sơn” như trong quân đội, lại phải xa gia đình, vợ con... Cấp dưới của anh đã lên Trung tướng, Thượng tướng. Nhiều Thứ trưởng không phải thứ nhất đã lần lượt lên làm Bộ trưởng... còn anh vẫn là Thứ trưởng thứ nhất cho đến khi về nghỉ hưu. Nỗi niềm ấy, không biết trong thâm tâm anh có suy nghĩ gì không? Nhưng gần anh, tôi chỉ thấy ở anh một tinh thần trách nhiệm rất cao, luôn tận tụy với công việc và đoàn kết với các Bộ trưởng... Đọc báo, nghe đài thấy có ý gì mới liên quan, dù nửa đêm anh cũng ghi chép lại để sáng hôm sau làm việc với Văn phòng hoặc Thư ký riêng. Anh thường nói vui “nhất dạ sinh bá kế” cơ mà! Đối với một Tư lệnh quân sự, khi phải làm những việc chính trị như thế thật chẳng dễ dàng và thích thú gì, nhưng anh vẫn siêng năng, cần mẫn như con ong hút mật, mỗi hoa một ít để tạo nên những giọt mật cho đời”.
Sinh thời, khi nói về người “anh lớn” của ngành Thủy sản Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Trịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản đã viết: “Với kinh nghiệm phong phú của mình, trên cương vị công tác mới, đồng chí Nguyễn Bá Phát đã kịp thời tổ chức lực lượng tự vệ trên các tàu đánh cá, tổ chức các đơn vị đánh cá quốc doanh, các hải đoàn tự chủ lực. Nhờ đó đã cùng lực lượng hải quân làm chủ biển cả, đảm bảo an toàn sản xuất cho hàng vạn ngư dân. Đồng chí đã đề xuất với Ban cán sự Đảng, với Chính phủ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các đảo, biến các đảo thành những “hạm đội nổi”, làm căn cứ của nghề cá biển xa... Đồng chí luôn trăn trở làm sao cho các cảng cá, các kho nhiên liệu, phương tiện đánh bắt vừa phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất, vừa phục vụ sẵn sàng chiến đấu”... “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Bá Phát là gia tài lớn nhất đồng chí để lại cho chúng ta. Những ước mong về quê hương, đất nước, về quân đội, về Đảng, về dân tộc suốt cả cuộc đời đồng chí đã hiến dâng mãi mãi xanh tươi và phát triển”. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa V, VI (1974-1980).
Sau khi nghỉ hưu, ông về Đà Nẵng sống và mất tại đây năm 1993.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, tháng 5 năm 2010, ông được Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân. Riêng về lĩnh vực Khoa học Quân sự, những cống hiến rất to lớn của ông đã được Nhà nước ghi nhận và trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên.
Để ghi nhớ công lao của ông, Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã đặt tên cho con đường từ đường Nguyễn Lương Bằng (quốc lộ 1A cũ) vào khu dân cư đến giáp xã Hòa Liên (quê hương Nguyễn Bá Phát) là đường Nguyễn Bá Phát thuộc quận Liên Chiểu. Tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, có trường Trung học cơ sở mang tên Nguyễn Bá Phát.
Xin được trích dẫn lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong bài: “Một người con tiêu biểu của Liên khu 5, một vị tướng tài trí” đăng trong quyển “Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát - vị tướng tài trí” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản năm 2007 để kết thúc bài viết này:
“Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát, nguyên Tư lệnh hải quân là một người cộng sản kiên trung, một người con trung hiếu của Liên khu 5, một vị tướng tài trí của quân đội ta, có nhiều công lao đối với Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam. Tôi nhớ mãi Thiếu tướng Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát, người đồng chí thân thiết mà tôi luôn tin tưởng mỗi khi giao nhiệm vụ cho đồng chí”.
L.X.B