“Sống lại” sau nửa thế kỷ làm liệt sĩ - Hồng Loan

06.07.2017

“Sống lại” sau nửa thế kỷ làm liệt sĩ - Hồng Loan

Khu chung cư A2 - Nam cầu Cẩm Lệ có một gia đình, chồng tên Hồng, vợ tên Ngọc. Ngày ngày ra vào chung cư, tôi nhiều lúc ái ngại nhìn ông chồng đã ngót nghét tuổi “xưa nay hiếm” thỉnh thoảng lại lên cơn mê sảng.

Lân la chuyện trò làm quen với bà Ngọc, mới hay bà bị bại liệt bẩm sinh từ nhỏ, cứ nghĩ sẽ một mình ở vậy tới già. Nhưng rồi, năm 1983, khi đã 34 tuổi bà gặp ông Hồng, một người lúc mê lúc tỉnh, mất sức lao động. Hai người thành vợ thành chồng. Khổ nỗi, vợ di chuyển dựa vào hai chiếc đòn lết lê dưới đất, còn chồng thì mỗi khi trái gió trở trời là bệnh thần kinh nổi lên, đánh đập vợ như kẻ mất hồn. Bà chẳng biết chạy đâu, đành hứng chịu những trận đòn vô cớ từ chồng, biết đó là di chứng tàn khốc của chiến tranh nên chẳng hề oán trách.

Trước khi được “an cư”, vợ chồng bà thuê nhà đúng 15 năm ở phường Bình Thuận. Về sau, thành phố Đà Nẵng triển khai dự án chung cư an sinh xã hội dành cho người nghèo có thu nhập thấp, gia đình chính sách, phụ nữ đơn thân... Năm 2014, sau khi tiếp nhận đơn của gia đình ông, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cảm thông hoàn cảnh gia đình đã cấp một căn hộ chung cư. Ngoài căn bệnh bại liệt bẩm sinh, bà còn bị bệnh tim từ nhỏ nên khi nghe tin này, bà mừng quá mà ngất xỉu, báo hại con cháu một phen hoảng sợ, phải đưa bà đi cấp cứu.

Ông bà có được hai người con, một trai, một gái. Cả hai đều đã trưởng thành, nhưng vẫn không biết quê nội mình ở đâu. Bà Ngọc thỉnh thoảng thấy chồng tỉnh táo một chút liền dò hỏi quê hương chồng, ông thầm thì như trong vô thức: Xã Thái Xuyên, huyện Thái Ninh, tỉnh Thái Bình. Gạn hỏi tên thôn, tên làng thì ông nín bặt. Bà chỉ biết chồng mình tên là Võ Xuân Hồng, từng đi bộ đội. Ông bị lưu lạc, không giấy tờ đầy đủ nên không làm được chứng minh nhân dân, ông chỉ là người tạm trú trong hộ khẩu của gia đình mình.

Ông sống như một chiếc bóng chờ đợi một điều kỳ diệu sẽ đến với mình...

Rồi điều kỳ diệu ấy đến thật. Ngày 21/2/2017, anh Võ Xuân Huy, con trai ông, tìm về cội nguồn theo địa chỉ cha mình mơ màng kể lúc tỉnh lúc mê. Huy cùng một người bạn bắt xe đi Thái Bình. Khi về đến địa phận xã Thái Xuyên, họ ghé vào một quán nhỏ bên đường, bà chủ quán thấy họ nói giọng miền Trung nên đon đả bắt chuyện. Nghe Huy trình bày hoàn cảnh và mục đích của chuyến đi, chủ quán tên là Hoài liền ôm ghì lấy anh khóc nức nở, bởi bà cũng có một người anh đi B bị mất tích mấy chục năm nhưng chưa tìm thấy. Huy tiếp tục kể, anh có lần nghe bố nói tên cha mình là Vũ Đắc Vần, mẹ mình là Vũ Thị Nhuốm, ông còn có một người em gái ruột tên là Vê, ở xã Thái Xuyên nhưng không biết thôn nào.

Khi nghe tên những con người đó, bà Hoài biết không phải là trường hợp của gia đình mình mà là một gia đình khác cùng họ với bà. Bà sốt sắng đưa hai chàng trai về thôn Lục Bắc, xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy (tên cũ là huyện Thái Ninh) gặp bà Vũ Thị Vê, sinh năm 1952. Nghe chuyện của Huy, bà Vê run tay mở tủ lấy ra cuốn gia phả, như không tin vào mắt mình: đúng tên ông nội Huy là Vũ Đắc Vần, bà nội là Vũ Thị Nhuốm. Hai cô cháu ôm nhau ràn rụa nước mắt, không nói nổi thành lời…

Lúc ấy Huy mới biết chính xác họ tên đầy đủ của bố mình được ghi trong giấy báo tử là Vũ Đắc Roanh chứ không phải là Võ Xuân Hồng. Trên bàn thờ, chân dung bố anh thời trai trẻ chừng như mỉm cười, nụ cười của một người được hương khói suốt 50 năm qua với tư cách là liệt sĩ.

Ngay ngày hôm sau, Huy đưa ngay hai mẹ con bà Vê vào Đà Nẵng để người anh “liệt sĩ” gặp lại em gái mình sau 50 năm. Hôm đó, tôi hòa cùng những người hàng xóm trong khu chung cư đến chia vui cùng sự đoàn tụ của họ. Ai cũng cùng một nhận xét, rằng chỉ nhìn thoáng qua gương mặt là đủ thấy họ cùng một dòng máu sinh ra.

Bà Vê kể, năm 1967, anh bà 19 tuổi, vào học trường trung cấp Nông nghiệp huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, được vài tháng thì ông xung phong đi bộ đội và có giấy gọi lên đường nhập ngũ đi B, vào chiến dịch Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Bẵng đi một thời gian không tin tức gì, đến năm 1969, địa phương và gia đình nhận được giấy báo tử: đồng chí Vũ Đắc Roanh đã hy sinh trong chiến trường miền Nam! Nhà chỉ hai anh em, nên sau khi nghe tin ông Roanh đã hy sinh, bà không biết anh mình nằm ở đâu để đưa anh về nghĩa trang quê nhà. Khi bố mẹ lần lượt qua đời, bà vừa làm giỗ song thân vừa làm giỗ anh trai.

Tôi nhìn người “liệt sĩ” đang gắng định thần bên người em gái cách xa hàng nửa thế kỷ, thoáng nghĩ hẳn mưa bom bão đạn của cuộc chiến tàn khốc đã để lại di chứng trên người ông, trí nhớ lu mờ, tâm thần bất ổn. Cuộc hội ngộ bất ngờ sau từng ấy năm có lẽ sẽ giúp ông dần tìm lại những gì đã mất.

Thề rồi, người thân của gia đình “liệt sĩ” Vũ Đắc Roanh - Võ Xuân Hồng đã đưa ông về thăm nơi ông cất tiếng khóc chào đời. Đôi mắt sau nửa thế kỷ mới nhìn lại cảnh nhà xưa, dường như ánh lên chút ký ức mỏng manh khi lướt qua tấm giấy báo tử, bằng “Tổ quốc ghi công” mang tên ông được treo trên tường.

Hay tin, lãnh đạo xã Thái Xuyên, ban nhân dân thôn Lục Bắc, hội đồng ngũ, ban liên lạc lớp 7D, cùng toàn thể bà con đã tổ chức lễ đón “liệt sĩ” trở về, ai cũng cảm thấy mắt mình ầng ậng nước. Nhìn những ánh mắt chân tình, những lời sẻ chia ấm áp hôm đó, lòng tôi tràn ngập niềm vui vì người hàng xóm của mình –liệt sĩ Vũ Đắc Roanh, đã “sống lại''trong vòng tay chào đón của người thân, họ hàng, làng xóm sau 50 năm. 

Qua lời kể của ông Đỗ Văn Tăng, cựu chiến binh, hội trưởng hội đồng ngũ với ông Roanh, tôi hình dung ra “hành trạng” của ông ngày đó. Ngay trong đêm 26/12/1967, ngày ông và đồng đội nhập ngũ, tất cả được biên chế về Tiểu đoàn 511, Trung đoàn 42, Sư đoàn 350, đóng ở huyện Thái Ninh (nay là Thái Thụy). Gần một tháng sau đơn vị được chuyển về huấn luyện tại hai xã An Ninh và An Cầu, huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình, sau đó hành quân về huyện Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh. 28 tháng Chạp năm đó tất cả mọi người về quê ăn Tết. Mồng 4 Tết, tức ngày 8/3/1968, họ hành quân vào Nam, bốn tháng sau đến Quảng Ngãi, giao quân tại trạm “9 Cô Gái” - trạm giao liên nổi tiếng ở Quảng Ngãi bấy giờ. Tất cả biên chế về Sư đoàn 3 Sao Vàng, Trung đoàn 22 (Liên gia 6).

Ông Vũ Khắc Vinh, cùng tuổi, cùng quê với ông Roanh, gặp ông ở chiến dịch Ba Tơ - Quảng Ngãi, ngủ với ông một đêm ở rừng thuộc xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, nên biết ông khi đó đang học ở trường y tá Quân khu 5 lúc đó đóng ở Đồi Chanh, Sông Tang - Sông Rin. Tốt nghiệp trường quân y, ông Roanh được điều về Sư đoàn 3 Sao Vàng, còn ông Vinh biên chế về Trung đoàn 240, thuộc cục Hậu cần Quân khu 5, từ đó bặt tin nhau.

Những người khác nhập ngũ cùng ngày với ông Roanh như các ông Vũ Văn Thiện ở xã Thái Hưng, Đinh Văn Chinh ở xã Thái Dương,... cũng đều khẳng định đã cùng ông Roanh vào chiến trường Quảng Ngãi, cùng biên chế về Sư đoàn 3 Sao Vàng, về sau phiên hiệu là Nông trường 3 và Trung đoàn 22, nhưng không biết rõ ông Roanh được biên chế về tiểu đoàn nào, đại đội nào? Đồng đội nhiều lần gặp ông trong rừng đi lấy thực phẩm, thậm chí nhiều lần gặp ông đang bị sốt rét trong rừng, trên đầu rụng hết tóc, nhưng do bom đạn thời chiến, chỉ kịp hỏi đồng chí đang làm gì đấy, nhìn nhau rồi vác súng chạy tiếp tục chiến đấu, chứ không kịp hỏi bạn mình ở đơn vị nào.

Thời chiến, nếu cùng một tiểu đoàn nhưng khác đại đội thì dù là bạn vẫn không biết nhau. Chính vì thế, hiện vẫn chưa biết chính xác “liệt sĩ” Roanh ở đơn vị nào của Trung đoàn 22 để xác minh, giúp ông bổ sung các chế độ cho những năm tháng ông bị thiệt thòi vì mất trí nhớ do chiến tranh gây ra.

Tôi tìm đến cơ quan Chỉ huy quân sự huyện Thái Thụy, đọc thấy danh sách quản lý hồ sơ đi B của đợt nhập ngũ ngày 26/12/1967, trong phần đơn vị của ông Roanh chỉ ghi vẻn vẹn một chữ là B2. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội  huyện, nơi cấp giấy báo tử, phần đơn vị của ông được ghi là KN. Gia đình đang nhờ sao lục hồ sơ của ông được lưu trữ ở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, nơi chi trả chế độ cho ông. Nếu hồ sơ gốc của ông ở đây cũng chỉ ghi là B2 hay KN thì quả thật chuyện đi tìm “danh phận” của ông chỉ như mò kim đáy bể.

Ghi lại chuyện này, ước mong những ai biết về “liệt sĩ” Vũ Đắc Roanh, xin hãy bổ sung thông tin để ông được khôi phục hồ sơ, bổ sung các giấy tờ giúp ông có chút quyền lợi những ngày cuối đời, bởi trí nhớ của ông chưa được khôi phục hoàn toàn. Và nhờ đó, thành phố Đà Nẵng, nơi ông đang sinh sống, cũng sẽ tạo điều kiện cho ông được làm chứng minh nhân dân, được nhập khẩu vào hộ khẩu gia đình cũng như được hưởng các chế độ thương binh theo quy định.

H.L

Bài viết khác cùng số

“Sống lại” sau nửa thế kỷ làm liệt sĩ - Hồng LoanAnh hùng, Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát - Dương Xuân BìnhKỷ niệm vùng ven với nhà văn - chiến sĩ Chu Cẩm Phong - Lê Ngọc NamNon Nước Tràng An - Văn KhoaTu My nam tử - Đỗ Nhựt ThưBước khỏi giấc mơ - Ngô Thị Thục TrangBuổi chiều có thể - Nguyễn ĐạtNgười về - Nguyễn Xuân DiệuNắng của mẹ - Lê Minh HảiLoay hoay hai cảnh Phố - Quê - Phạm Thị Hải DươngNhững kỷ niệm về anh tôi Liệt sĩ Đinh Phổ (1939 - 1969) - Lưu Phương ĐịnhBuổi chiều và những người bạn - Nguyễn Hoàng ThọGiấc mơ đi lạc - Nguyễn Hoàng SaBóng cũ - Trần Nhã MyPhố lạc mùa - Thụy DuCho sự đổi thay - Tăng Tấn TàiHợp âm từ ngụm cà phê - Vô Biên... Và thấy tôi tỉnh rượu, say mình - Trúc Linh LanThơ Nguyễn Lương HiệuLời liệt sĩ khuyết danh - Quốc LongViếng nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ - Nguyễn Xuân TưCây đa bán đảo Sơn Trà - Nguyễn Minh ĐứcNgõ hẹp - Nguyễn Ngọc HạnhNgọt ngào giọng quê - Từ Dạ LinhXé bão - Nguyễn Thị Anh ĐàoHát - Quốc SinhỞ nơi chưa hề dấu vết... - Trần Võ Thành VănTừ nam Hải Vân đến sông Thu Bồn, vùng đất 160 năm “sổ sách chỉ chép tên suông” - Vũ HùngNhà văn Nguyễn Chí Trung một ngọn lửa ấm áp - Trần Mai AnhNhạc sĩ Chu Minh - Trương Đình Quang Nguyễn Giúp và hơi gió Thu Bồn - Đỗ Tấn Đạt