Nguyễn Giúp và hơi gió Thu Bồn - Đỗ Tấn Đạt

06.07.2017

Nguyễn Giúp và hơi gió Thu Bồn - Đỗ Tấn Đạt

Tôi quen anh từ những ngày giữa năm 2014, lúc đó tôi chỉ là một người yêu thơ cùng quê với anh, sau những lần đọc thơ anh ở vài trang trên mạng, cảm thấy mến yêu cái con người đầy chất “phàm phu” “nông dân” này. Sở dĩ tôi gọi như thế bởi khi gặp anh lần đầu tôi khá bất ngờ với diện mạo của một thầy giáo dạy Sinh học đó là nước da ngăm đen, hàm râu rậm rạp bặm trợn. Thơ anh đọc “rất đã” kiểu như mình uống rượu say gặp người con gái đẹp, kiểu như gã võ sĩ với những miếng “túy quyền” đầy phấn khích và chất phiêu:

Tháng ba, tiếng chuông chùa vỗ đêm Cổ Lâm

Trong nguồn cơn người nhặt lên hồ rộng sông dài

Em ơi, có mẹ cha nào không già, miếu đình nào không thiêng!

Em ơi, một đời ra đi để quay về ta mới thấy mình

Không hơn nổi bụi tre già nhẫn nại!

(trích Khúc Thu Bồn)

Đúng là ở cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” như anh những cái nhìn cái cảm xúc đầy chiêm nghiệm khi ra đi để trở về, rồi tự cho mình cái quyền thua một bụi tre già nhẫn nại bao năm vẫn giữ xanh cho làng.

Đọc thơ anh mới thấy tình yêu của anh dành cho quê hương quá lớn lao quá đậm đà, ở đâu đó trong tình quê còn cả những mối tình trai gái dễ thương và đầy trăn trở hoài niệm với một Ville phố chợ, với những chuyến xe Hàn, xe Nhựt:

Về một làng quê đi qua đời người

Ville xưa phố chợ

Nơi đầu mối lao xao tiếng người mua bán

Lầm lì những chiếc xe Hàn xe Nhựt cũ thồ rau

Những ngôi nhà cao cao những gian hàng dày dày

Răng rắc tiếng cửa khép ngày thao thiết

Và tôi vẫn qua đây mỗi sớm

Rộn những đường gân máu xanh xao mà chân tình

Bên em dịu dàng

Bên em mắt ruộng

Tôi hít thật sâu niềm vui ngày mới...

(trích Ville)

Nguyễn Giúp có những câu thơ đầy sức “ma quỷ” và trần tục đến bốc đồng cũng trong Khúc Thu Bồn anh giãi bày với quê:

Người quê tôi đi đâu về đâu cũng Lồi, Lạc

Thương vong/Chàm, Chợ, Mọi rợ...

Gạo muối tứ phương Cô hồn/âm hồn/hữu danh vô vị hữu vị vô danh đồng lai phối hưởng...

Hay trong “Nguyên quán” mà anh viết:

Con đường này đây

Em mời tôi quay về nguyên quán

Buổi con đê xanh cỏ

Buổi mắt sông bình minh

Buổi hoàng hôn thổ mộ

Buổi lâm sàng chân trời mộng tưởng

Ngược tuổi mình tôi từng sợi trắng bay

Những câu thơ “ma quỷ”, “chết đi sống lại” trong một mối tình:

Mộ tình một năm cỏ mọc

Mãn tang ra đứng giữa dòng xé áo thả sông

(Trích Hời ru theo sông)

Đọc thơ anh có cảm giác nhiều khi rờn rợn như đi thám hiểm một con đường, một ngõ vắng ban đêm với ngôn ngữ ẩn dụ thú vị và rất phiêu kiểu như “hoàng hôn thổ mộ”  “lâm sàng chân trời mộng tưởng”...

Tôi nghĩ không ngẫu nhiên mà anh lấy tựa đề cho tập thơ là “Gió từ sông thổi lên”. Đọc suốt tập thơ của anh mới thấy đề tài anh viết cho quê hương chiếm dung lượng khá lớn, trong đó “Sông” (tôi mạn phép được viết hoa một cách trân trọng) là đề tài chủ đạo như là đời người đầy trăn trở đầy xôn xao của anh với:

Một “Hoa đăng” chậm chậm trong những ẩn dụ thơ mộng:

“đêm trôi/ sông thổn thức/phía con thuyền không về/nguyên rằm lừng lựng mắt em đen một dải mong manh”

Một “Gò nổi” kiêu hùng với:

“Những phù sa vùi lấp đời mình mà thành bãi bờ điền địa

Hạ lưu con sông lang bạt dễ đâu quy hàng

Gò nổi có phải mồ chôn con sông tự chết?”

Một  “Tôi & Sông” mênh mang nỗi niềm:

“Một nấm mồ vôi phủ cỏ voi

Một ngụm nước đầy nhổ sào

Thả trôi...

Tôi & sông thành biển”.

Nhìn chung đề tài viết về quê hương trong thi ca là một đề tài đã được viết nhiều, nhưng suy cho cùng sự khai thác của nhà thơ Nguyễn Giúp là thật sự đáng trân trọng, ở đó anh đã tạo được hoài vọng về cố hương, khơi được dòng chảy trong tâm thức của mỗi người con xa quê. Ở đó anh đã xây dựng được những hình ảnh chân thực với những câu thơ cách tân mà đôi khi đọc lên mình phải lấy hơi thật sâu theo cách ngắt dòng kỳ lạ.

Qua những lời tâm sự và những dự định đau đáu bất thành về một “đứa con đầu lòng”. Thì cuối cùng lần này, anh cũng đã cho ra một hình hài đẹp ở lứa tuổi ngoài năm mươi. Với “Gió từ sông thổi lên” thiết nghĩ Nguyễn Giúp đã tạo động lực khá lớn cho những người đọc người viết trẻ như thế hệ 8x chúng tôi.

Sau khi đọc xong tập thơ này của anh, tôi chỉ muốn gửi đến chút cảm xúc chân thành của một người viết trẻ. Ở một góc nào đó, tôi dường như đang cảm nhận được ngọn gió mát rười rượi từ sông thổi lên tưới vào tâm hồn một đứa con xa quê, sự đau đáu và cả những trăn trở của một đời người...

Đ.T.Đ

Bài viết khác cùng số

“Sống lại” sau nửa thế kỷ làm liệt sĩ - Hồng LoanAnh hùng, Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát - Dương Xuân BìnhKỷ niệm vùng ven với nhà văn - chiến sĩ Chu Cẩm Phong - Lê Ngọc NamNon Nước Tràng An - Văn KhoaTu My nam tử - Đỗ Nhựt ThưBước khỏi giấc mơ - Ngô Thị Thục TrangBuổi chiều có thể - Nguyễn ĐạtNgười về - Nguyễn Xuân DiệuNắng của mẹ - Lê Minh HảiLoay hoay hai cảnh Phố - Quê - Phạm Thị Hải DươngNhững kỷ niệm về anh tôi Liệt sĩ Đinh Phổ (1939 - 1969) - Lưu Phương ĐịnhBuổi chiều và những người bạn - Nguyễn Hoàng ThọGiấc mơ đi lạc - Nguyễn Hoàng SaBóng cũ - Trần Nhã MyPhố lạc mùa - Thụy DuCho sự đổi thay - Tăng Tấn TàiHợp âm từ ngụm cà phê - Vô Biên... Và thấy tôi tỉnh rượu, say mình - Trúc Linh LanThơ Nguyễn Lương HiệuLời liệt sĩ khuyết danh - Quốc LongViếng nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ - Nguyễn Xuân TưCây đa bán đảo Sơn Trà - Nguyễn Minh ĐứcNgõ hẹp - Nguyễn Ngọc HạnhNgọt ngào giọng quê - Từ Dạ LinhXé bão - Nguyễn Thị Anh ĐàoHát - Quốc SinhỞ nơi chưa hề dấu vết... - Trần Võ Thành VănTừ nam Hải Vân đến sông Thu Bồn, vùng đất 160 năm “sổ sách chỉ chép tên suông” - Vũ HùngNhà văn Nguyễn Chí Trung một ngọn lửa ấm áp - Trần Mai AnhNhạc sĩ Chu Minh - Trương Đình Quang Nguyễn Giúp và hơi gió Thu Bồn - Đỗ Tấn Đạt