Bước khỏi giấc mơ - Ngô Thị Thục Trang
năm đó, mười lăm tuổi, đang yên đang lành với cào cào châu chấu, Hường bỗng phát hiện ra mình ngày nhớ đêm mơ dáng đi, điệu cười, ánh mắt của một người. Mà người ta thì có để ý gì đến Hường đâu.
Sao kỳ lạ lắm, cứ nghĩ tới người ta, Hường thấy như một điều gì đó thân thuộc, y như người ta là không khí, là hơi thở, là cuộc sống của Hường vậy. Trời mưa, Hường lo người ta đi ngoài trời bị ướt. Lụt về, lo nước ngập, người ta không có chỗ ngủ.
Lúc nấu cơm, gọt củ khoai lang hấp vô nồi, Hường nghĩ không biết người ta có thèm khoai lang giống mình không. Lúc đội nón lá đi mót củi sau vườn, Hường cũng tự hỏi không biết nhà người ta nấu bếp củi, bếp trấu hay bếp dầu, rồi người ta mỗi lần nhen lửa có bị khói làm cho cay mắt không.
Người ta học rất giỏi, thi đại học đậu một lúc ba trường. Hường học thường thường, được cái rất siêng, nên cũng vào được đại học. Bữa về trường rút học bạ, gặp người ta, Hường như muốn rớt tim ra ngoài. Hường yếu tim hay sao ấy, lần nào gặp người ta, tim cũng thắt lại, tay chân luống cuống, thừa thãi.
Bữa đó, người ta cười với Hường, nói chắc hổng dễ chi gặp lại nhau, mình vào Sài Gòn học rồi. Ra tới cổng trường, người ta rẽ trái còn Hường rẽ phải. Hường quay lại nhìn, thấy dáng người ta đạp xe thương chi mà thương. Rồi ngơ ngẩn nghĩ, chẳng biết bao lâu nữa người ta sẽ quên mất Hường.
Hường học trên thành phố, cách nhà hơn trăm cây số. Cứ cuối tháng, Hường bắt xe buýt về thăm nhà. Lần đó, Hường đang khệ nệ bưng bao gạo lên xe thì đụng ngay phải người ta đang ngồi ở hàng ghế thứ hai.
Người ta lịch sự kéo bao gạo để dưới chân ghế, cất balô lên kệ giúp Hường. Không biết bữa đó có thứ gì chẹn nơi cổ họng mà Hường hầu như chỉ gật đầu, lắc đầu chứ chẳng nói câu gì cho ra hồn.
Tới ngã ba, lại Hường rẽ phải, người ta rẽ trái. Khi xe chạy, Hường lại quay nhìn, qua cửa kính thấy người ta đứng chờ bắt xe vào Sài Gòn, thương chi mà thương. Hơn hai năm rồi, người ta còn nhớ Hường, chừng đó thôi cũng quá đủ với Hường rồi.
Thêm mấy lần hai năm nữa, Hường vẫn gặp người ta trong những giấc mơ êm đềm. Những giấc mơ ấy, Hường cứ muốn mình ở trong đó mãi, để Hường được lặng im nhìn ngắm gương mặt người ta mà không sợ bị phát hiện rồi phải bối rối nhìn lơ sang chỗ khác. Tưởng như đời Hường chỉ cần được đứng nhìn người ta thôi cũng hạnh phúc rồi.
Thêm vài lần hai năm nữa, cả Hường và người ta đều đã có một tổ ấm nhỏ. Số lần gặp nhau đếm cũng chưa hết mười đầu ngón tay, thường là trong đám cưới bạn chung. Lần nào gặp nhau, người ta cũng hỏi Hường sống có hạnh phúc không?
Lần nào Hường cũng chỉ biết gật đầu, không nói thêm được câu nào. Sao cứ gặp người ta là ngôn ngữ của Hường chỉ còn những cử chỉ rời rạc, những câu ngắn không thể ngắn hơn. Lần gặp nhau gần nhất, Hường được tin người ta đã ly hôn hơn nửa năm.
Bé Nơ sốt xuất huyết phải nhập viện. Lúc hớt hải cầm cà mèn cháo bò từ căngtin về phòng vì sợ con tỉnh giấc mà không thấy mẹ sẽ khóc, Hường không ngờ người ta đang đứng nơi giường bệnh con gái mình, áo blouse dài quá gối.
Bé Nơ đã bớt sốt, ban xuất ra đầy người. Hường lúng túng không biết làm gì, nói gì. Không soi gương, Hường vẫn như thấy rõ quầng thâm trên đôi mắt sâu hoắm của mình. Người ta trách, sao con vào đây điều trị mà không báo cho người ta biết. Chỉ chờ có thế, nước mắt Hường chực ứa ra. May mà Hường đã dùng lý trí điều khiển để nó chảy ngược vào trong.
Chưa bao giờ Hường dám nghĩ người ta lại là một điều có thật. Với Hường, người ta chỉ là một giấc mơ êm đềm, một bí mật dễ chịu mà không một ai khác có thể chạm vào. Giấc mơ ấy, Hường tự do đắm chìm, thong thả tận hưởng mà không sợ hãi điều gì. Mất mát. Khổ đau. Hờn ghen. Không gì cả.
Thế mà, người ta giờ lại đang ở đây, giữa cuộc sống của Hường, nhìn vào quầng thâm nơi mắt Hường, nói lời trách móc như một người bạn, một người thân. Không. Hường không muốn mình rơi vào tình huống này.
Người ta hãy cứ ở xa xa, làm giấc mơ của Hường, thảng hoặc gặp nhau chốn đông người, ai cũng mặc đẹp, cười đẹp và nói với nhau những lời xã giao không mấy thông tin. Rồi ai về nhà nấy. Rồi Hường lại một mình mơ tiếp giấc mơ êm đềm, không mở đầu, không kết thúc, mơ nối tiếp mơ, mơ đừng bao giờ là thực.
Bữa làm xong thủ tục ly hôn ở tòa, trên đường đón bé Nơ, Hường toan dừng lại mấy lần để trả lời những cuộc gọi dồn dập đến từ một số di động quen mà Hường không cần lưu tên vẫn biết là của ai.
Nhưng, cuối cùng, Hường chạy thẳng đến nhà trẻ, mặc cho điện thoại đổ chuông liên hồi. Con bé đang ngồi chờ, thấy mẹ chạy ùa ra. Hường ôm chầm lấy con, nước mắt trào ra, rơi lã chã xuống vai con gái. “Sao mẹ lại khóc? Ai làm mẹ khóc?”.
Hường cũng không biết vì sao mình lại khóc. Có phải bởi lúc ở nhà xe của tòa, trước khi chồng cũ rẽ trái còn Hường rẽ phải, anh đã hỏi rằng rốt cuộc đời Hường đã từng yêu ai chưa, yêu thực sự ấy. Như anh, vì yêu mà từ bỏ người vợ hiền dịu, đảm đang, hiếu lễ là Hường ấy.
Đêm qua, Hường lại mơ. Hường lặng im đi theo người ta, đi hết đường này qua đường khác. Hường cứ nhìn dáng đi của người ta vậy, lòng vui êm đềm. Bỗng người ta dừng lại, quay mặt về phía Hường, nhoẻn miệng cười, chìa tay ra. Đúng lúc ấy, mặt đất dưới chân Hường sụt xuống, Hường hoảng hốt... tỉnh giấc.
Sao không ai nói cho Hường biết mơ có phải là yêu, không phải để Hường trả lời cho chồng cũ, mà cho chính mình. Và làm sao để Hường bước ra khỏi giấc mơ mà nắm lấy đôi bàn tay ấm nóng của người ta (Hường đoán thế), vùi mặt vào đấy, nức nở khóc, dù chỉ một lần thôi.
N.T.T.T