Những kỷ niệm về anh tôi Liệt sĩ Đinh Phổ (1939 - 1969) - Lưu Phương Định

06.07.2017

Những kỷ niệm về anh tôi Liệt sĩ Đinh Phổ (1939 - 1969) - Lưu Phương Định

Anh thoát ly năm 1963 nhưng tham gia tổ chức bí mật vào những năm trước đó. Tuy ước ao được chiến đấu ở những đơn vị chủ lực nhưng vì yêu cầu của địa phương, anh đã cùng anh em và nhân dân bám địch giữ làng trong suốt những năm dài máu lửa, đầy hy sinh mất mát: mất đất, mất dân, mất cơ sở; anh em, đồng chí hy sinh ngày một nhiều, có thời điểm ác liệt hầu như ngày nào cũng có những chuyện đau lòng. Khi thì đồng đội ở xóm Bàu bị khui hầm, xóm Mặt Cát bị phục, lúc anh em vào thị trấn Túy Loan công tác hy sinh, khi bị tàu rọ thả lưới chụp giữa đồng không mông quạnh - Đồng Giữa. Rồi pháo chụp, pháo bầy, Mỹ kép, Mỹ lếch và đủ loại binh chủng với xe tăng, vũ khí trang bị hiện đại chà đi xác lại vùng giải phóng, căn cứ địa cách mạng - Cây Vừng. Thời gian này Cây Vừng trở nên một chảo lửa. Đấu tranh giữa ta và địch, giữa sự sống và cái chết xảy ra từng giờ, cả ngày lẫn đêm. Trong tình thế địch ngày càng đông, ta ngày càng ít; kẻ hy sinh, người bị thương, anh xác quyết: “có thể hy sinh nhưng nhất định không chịu đầu hàng. Nếu anh hy sinh, gia đình không đi xin xác vì như thế chẳng khác nào đầu hàng địch”. 

Địch biến Cây Vừng thành “vùng trắng”, dùng máy xúc, máy đào cày ủi suốt ngày đêm, mùa hè nắng chói chang không một cành cây chim đậu. Đứng ở xóm Đình nhìn xóm Cây Vừng, đùng Thủ Lọ là một bãi đất trống mênh mông, hun hút, nhìn ngút tầm mắt, một chấm đen dù rất nhỏ xuất hiện cũng bị phát hiện. Lúc này hoạt động gặp khó khăn gấp bội lần. Anh đã phải năm lần, bảy lượt cải trang lúc là thiếu nữ áo trắng, quần đen, gánh rau đi chợ; lúc là cụ già với đủ bộ: dù, khăn đóng áo dài đi đám giỗ làng bên để tránh địch. Khẩu hiệu chiến đấu: “Một tấc không đi, một ly không dời”, “Bám thắt lưng địch mà đánh” gặp phải thử thách lớn. Địch dồn dân, lập “khu định cư”. Thế là anh lại chuyển lên vùng mà địch gọi là bán an ninh, vùng xôi đậu. Phải chấp nhận, phải đối đầu với địch từng giây, từng phút đêm cũng như ngày.

Kể về chuyện ăn, ở trong giai đoạn khó khăn này mà theo chủ trương của địch là “tát cạn nước để bắt cá”, loại cách mạng ra khỏi dân, thì quả chẳng có ở đâu, thời điểm nào lại gian khổ, cam go đến vậy. Sống một ngày biết một ngày. Súng trong tay còn nhả đạn là biết mình còn sống, còn chiến đấu.

Ăn: mỗi ngày một bữa, có khi nhịn đói dài ngày. Địch kiểm soát gắt gao, ban đêm chúng sục vào nhà xem từng nồi cơm, soong cá nếu thừa chúng bắt đổ đi để không tiếp tế cho Việt cộng. Mẹ đã nghĩ ra diệu kế luộc hàng chục trứng vịt, trứng gà mỗi tối bỏ vào nồi cám heo anh về mang đi ăn. Khi bí bách phải ăn cám heo trừ bữa. Những ngày nằm hầm ở trên địch đầy nhà, chật đất, ở dưới anh cầm hơi bởi những giọt nước cơm được chuyển xuống bằng sự khôn ngoan, khéo léo, đầy mưu trí.

 Còn ở có thể nói thiên biến vạn hóa, lúa ẩn lúc hiện. Điều kiện thì có hạn nhưng  khả năng sinh tồn của con người thật vô hạn do vậy trong một thời gian dài tuy cam go, ác liệt tưởng chẳng gì bằng nhưng anh vẫn sống và hoạt động hiệu quả. Lúc đầu cả ta và địch đều còn đơn giản. Ta lánh địch ở trong buồng hai phên hoặc chất cây rơm đan cái rọ vừa người đứng bỏ vào giữa, lúc hữu sự chỉ cần chui vào gốc rơm đứng trong rọ cả ngày vừa mát vừa an tâm. Có một lần địch bắn vu vơ nhưng nhằm vào cây rơm, bốc cháy. Chẳng là trong ghép đạn garan có một viên đạn lửa mục đích định hướng tầm bắn vào ban đêm. Thế là loại “rọ” bí mật này tưởng là đơn giản hiệu quả nhưng qua thực tế không phải vậy. Những loại hầm bí mật thông thường (có hầm cá nhân, hầm đôi ba người) khi sống trong dân thường đào vào ban đêm nhưng khó khăn nhất là phải buộc từng nắm đất, không để rơi vãi lộ dấu tích ra sông đổ. Lúc đầu chưa được phổ biến kinh nghiệm hầm chỉ chừa một lỗ thông hơi  vừa to vừa dễ bị phát hiện lại không nắm nguyên tắc của bình thông nhau nên nằm hầm thường ngột ngạt, khó thở có khi bị ngất nhất là hầm có cả nam lẫn nữ. Lỗ thông hơi ở hai đầu thì dòng khí luân chuyển, lưu thông trên, dưới tuần hoàn.

Mất đất, mất dân trụ bám, đành chấp nhận sống “xen kẽ ” với kẻ thù; có địch ta biến, không địch ta hiện. Ban ngày phải nằm hầm, hầm là một ngôi mộ giả liềm cỏ xanh như thật ngay sát nách địch (gò Thổ Thu), đánh đòn tâm lý, địch không ngờ tới để giữ an toàn.

Chiến lược hoạt động “xen kẽ”, cài răng lược cũng khá mạo hiểm, đòi hỏi sự dũng cảm, mưu trí. Khó khăn chồng lên khó khăn nên phải chuyển sang loại hầm bí mật dựa vào lợi thế  “tự nhiên”. Ẩn dưới những “hờm” tre dọc bờ sông. Do chủ quan, mất cảnh giác vào một đêm tối trời, bóng đêm đen kịt, ngửa bàn tay trước mặt nhìn không thấy (động tác này thường gặp mỗi khi từ hầm ra như để định thần, làm quen với môi trường từ bóng tối ra ánh sáng). Vừa lên khỏi bờ, chưa thoát cảnh “trần như nhộng” thì hàng loạt đạn tiểu liên nhả ra tới tấp, một đồng chí dính đạn, anh nhoài người ra cõng để tìm vào nhà cơ sở. Vì mới ở dưới nước lên, lại trần truồng, mình mẩy trơn tuột như lươn, cõng rồi ngã, lại cõng, lại ngã cứ như những trò chơi trẻ con trên sông nước nhưng cuối cùng cũng thoát được cuộc truy đuổi.

Thế là những bí mật của các loại hầm bắt đầu “bật mí” và trở nên vô tác dụng. Biết “ẩn tích” ở đâu để hoạt động khi sự phối hợp của bọn Mỹ - ngụy ngày càng tỏ ra khá đắc dụng mà những cơ sở trung kiên nhất và anh em ta lại thiếu lòng tin lẫn nhau. Chẳng nên trách ai. Không phải lòng kiên trung, tính chiến đấu cả hai bên bị mất mát, hao hụt nhưng vì tình hình lúc đó quá ư căng thẳng, cuộc chiến đấu một mất một còn, đòn cân lại nghiêng về phía địch thì biết phải tin ai bây giờ! Đó là vào những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi.

Hình như trụ lại địa phương lúc này còn có mỗi một mình anh. Quá bức bách, nếu gia đình không bảo bọc thì anh ở đâu, về đâu? Câu hỏi làm nhói lòng các thành viên trong gia đình. Bỗng nhiên ba tôi thở dài đánh thượt: “Đến nước này rồi cả nhà ta sống cùng sống, chết cùng chết. Không chuyện gì phải sợ”. Đó là quyết định tối hậu. Trong căn hầm chữ A tránh bom, canh nông xây dựng kiên cố bằng tắp-lô bên trên là ụ đất cao như một cái gò, mấy viên táp-lô được đục ra vừa làm miệng hầm vừa làm nắp đậy. Hầm trong hầm vững chắc thì có vững chắc nhưng độ an toàn không cao vì hằng ngày bọn tình báo giả dạng lai vãng thường xuyên nên chỉ một chút sơ hở là sẽ lộ ra ngay. Không biết địch có dò la được manh mối không mà nửa chiều hôm ấy hai quả canh nông cách nhau năm phút nả xuống bịt kín hai miệng hầm, ở dưới cả nhà đang trú ẩn, phải đào đất chui ra.

Gia đình còn lại bảy người thì năm người phải đi tù vào những thời gian khác nhau (chỉ còn mẹ già và em gái nhỏ, nghĩa là hết người để đi tù). Tình thế đã hun đúc, tôi luyện nên ba tôi - ít nói, quyết đoán và tỉnh táo. Ba là chỗ dựa tinh thần cho cả nhà trong mọi tình huống, ứng xử.

Còn nhớ mỗi lần công tác anh thường ghé thăm nhà, một buổi chiều nước lụt địch nghi anh có về nhà nên bắn liền mấy quả M79 làm con anh - cháu Ngữ - tuy còn bé nhưng rất thông minh, sáng dạ chết tại chỗ. Những ngày anh thoát ly, hoạt động cách mạng phần anh gian khổ trăm bề mà trông anh lúc nào cũng cười tươi, thoải mái nhưng trong sâu thẳm phần thương cha mẹ vợ con, phần lo nghĩ gia đình bị địch o ép, kèm kẹp, xóm giềng chẳng mấy ai dám quan hệ nhưng nghĩ làm cách mạng phải chấp nhận hy sinh mọi bề kể cả mạng sống của mình. Đọc tâm trạng anh tôi nghĩ đến những dòng thơ Thanh Thảo:

“Chúng tôi đi không tiếc đời mình

(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc”

Thế đã cùng nhưng lực không kiệt, ông cha ta chẳng đã nói “cùng tất biến, biến tất thông” đó sao? Lục óc suy nghĩ: trong làng còn một ngôi miếu Tam Vị, tọa lạc nơi mà địch kiểm soát cả ngày lẫn đêm, ở ngay cạnh vườn nhà ông ngoại tôi trước đây. Ngôi miếu có cổ lầu, mái trước cao mái sau phần hậu tự thấp hơn có thể nép mình giữa hai mái. Ban ngày mình trần truồng dùng lá khoai lang và lọ nghẹ chà xác khắp người từ đầu đến chân để ngụy trang cho điệp với màu rêu mốc. Mặc cho tàu rọ quần đảo vòng quanh hết lượt này đến lượt khác, ngày này đến ngày khác để săm soi, tìm kiếm nhưng anh vẫn bình an vô sự. Khát nước thì dùng nước đái mình để uống.           

Một bận khó quên là trận lụt lịch sử năm Giáp Thìn (1964) anh bị thương hàn nóng sốt liên tục mấy ngày liền. Nhưng địch lại quá quỷ quyệt, nham hiểm. Bọn ngụy thì dùng xuồng bơi đến từng nhà lục soát, bọn Mỹ dùng HU1B bay ngang tầm mái tranh quạt cho tốc mái nên chẳng thể ẩn trên gác. Để thoát thân anh thả nổi một cây chuối có đóng cọc tre để làm tay vịn, đầu phủ một lớp lùng, lao ra giữa biển nước mênh mông.

Trong một trận đối đầu giữa ta và địch ở quy mô lớn năm sáu tám, địch có xe tăng, pháo hạm, ta có bộ đội chủ lực trang bị hiện đại. Cả ta và địch đều hy sinh và thương vong lớn. Anh bị thương trong trận này. Cơ sở tạm để anh ở Cấm Mít chờ hôm sau chuyển thương. Vì ban ngày địch dùng máy bay quần đảo tìm kiếm, để không bị phát hiện cơ sở đã dùng lá khô lâu ngày đã mục ruỗng che phủ vì thế anh bị nhiễm trùng. Khi về bệnh xá chữa trị có ý kiến đưa ra Bắc, có ý kiến để lại địa phương, cho là anh còn phong trào còn.

Bị nhiễm trùng nặng cuối cùng anh phải cưa chân đến ba lần, lần sau cụt lên đến tận bẹn. Không có đầy đủ thuốc men, dụng cụ y tế, bác sĩ nên những ca mổ của anh nghe kể lại không có thuốc mê, cưa chân bằng lưỡi cưa dân dụng do một y sĩ thực hiện. Thời gian bảy tháng ở bệnh xá huyện với bao cam go, thử thách, vết lở ở lưng đã nung mủ, chảy nước mà phải nằm trên giường bằng những thân cây ghép lại. Một hôm bệnh xá có người xuống đồng bằng công tác anh gởi tiền mua ít đồ dùng và dặn thêm mua cho anh mấy thẻ hương. Hỏi làm gì, anh bảo: “mở cửa mả cái chân anh”! Có thể đó là câu nói vui nhưng chắc anh thấy sức khỏe mình không còn để về gặp lại cha mẹ, vợ con, anh em; gặp lại bà con cơ sở đã từng nuôi dưỡng bảo bọc trong những ngày tháng lăn lộn đấu tranh với kẻ thù, gặp lại đồng đội trong những ngày gian khổ, ác liệt. Chỉ mấy ngày sau anh ra đi vĩnh viễn (mấy thẻ nhang không kịp về cho anh mở cửa mả!) và được chôn cất tử tế gần khu vực bệnh xá huyện.

Năm tháng tham gia phục vụ cách mạng của anh không nhiều, theo hồ sơ liệt sĩ chỉ mới sáu năm từ 1963 đến 1969 (nhưng theo trí  nhớ của tôi anh tham gia năm 1961) và có quá trình công tác như sau:

1963- 1964: Du kích xã

1964-1967: Xã đội trưởng

1967-1969: Xã đội trưởng kiêm Trưởng ban Kinh tài xã

 Trong chiến tranh tôi không hỏi, sau hòa bình người còn sống chẳng mấy ai, lại chẳng nghe ai nhắc đến anh Xã đội trưởng ngày nào, chỉ thấy ghi trên bia mộ là Trưởng ban kinh tài. Cứ nghĩ Trưởng ban kinh tài sao trận đánh nào anh cũng tham gia, chỉ huy. Công việc trong chiến tranh, sự thật đúng sai nay bàn cãi chẳng để làm gì nhưng những lần cùng anh công tác tôi có đọc được những Báo cáo thành tích của cá nhân anh và đơn vị gởi về trên. Nhớ nhất là cả hai anh em đã bốn lần thoát chết trước những trận phục kích của địch.

Cả năm tháng dài cống hiến, hy sinh nhưng sao những bộ hồ sơ liệt sĩ lại đơn giản đến mức tối giản, chẳng một dòng lịch sử, một dấu cỏn con còn ghi lại dấu tích, hoạt động một con người!

Phải vậy chăng:                         

 “Chiến trường ai khóc chia phôi

Khải hoàn ai nhắc đến ngày

hôm qua!” (Hồ Thấu)

Sáu năm, thời gian không dài so với đời người, nhưng với anh đó là một phần năm cuộc đời (khi hy sinh anh mới vừa qua khỏi tuổi ba mươi), là trên năm vạn giờ (cuộc chiến đấu của anh phải tính từng giờ) căng thẳng, giành giật từng giây, triền miên, dai dẳng giữa cái sống và cái chết, giữa ta và địch, giữa cái thiện và cái ác, giữa chân lý lẽ phải và bất nhân phi nghĩa, giữa niềm tin lý tưởng và những con người sống thừa vị kỷ.

Âu đấy cũng là đã sống trọn vẹn cho một kiếp người!

Đó là những kỷ niệm về anh tôi qua đồng đội, qua anh tôi kể lại khi còn sống và qua tôi - có một thời cùng công tác với anh tôi. Tất nhiên không đầy đủ và trọn vẹn những tháng ngày anh sống, nhất là những hoạt động vũ trang, những lần đột ấp phá kèm, tập kích cả trung đội lính Mỹ khiến chúng phải dùng cả trực thăng, phi pháo yểm trợ v.v...

Đóng góp của anh tuy rất đỗi bình thường, nhỏ nhoi so với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của cả một dân tộc nhưng thể hiện sinh động, cụ thể và rất chân thực lòng kiên trung bất khuất, sống dũng cảm, chết kiên cường.

Ghi lại những dòng này vội vã như một nén hương lòng để khóc anh tôi, người mà tôi yêu quý nhất và cũng là người mà nhân dân không một ai không tiếc thương quý mến, nhân ngày anh tôi hy sinh (16/7), chỉ một mình không có người thân để nắm tay, vuốt mắt anh từ biệt và cũng để nhớ mãi mãi một thời vô cùng gian lao, vô cùng anh dũng.

L.P.Đ

Bài viết khác cùng số

“Sống lại” sau nửa thế kỷ làm liệt sĩ - Hồng LoanAnh hùng, Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát - Dương Xuân BìnhKỷ niệm vùng ven với nhà văn - chiến sĩ Chu Cẩm Phong - Lê Ngọc NamNon Nước Tràng An - Văn KhoaTu My nam tử - Đỗ Nhựt ThưBước khỏi giấc mơ - Ngô Thị Thục TrangBuổi chiều có thể - Nguyễn ĐạtNgười về - Nguyễn Xuân DiệuNắng của mẹ - Lê Minh HảiLoay hoay hai cảnh Phố - Quê - Phạm Thị Hải DươngNhững kỷ niệm về anh tôi Liệt sĩ Đinh Phổ (1939 - 1969) - Lưu Phương ĐịnhBuổi chiều và những người bạn - Nguyễn Hoàng ThọGiấc mơ đi lạc - Nguyễn Hoàng SaBóng cũ - Trần Nhã MyPhố lạc mùa - Thụy DuCho sự đổi thay - Tăng Tấn TàiHợp âm từ ngụm cà phê - Vô Biên... Và thấy tôi tỉnh rượu, say mình - Trúc Linh LanThơ Nguyễn Lương HiệuLời liệt sĩ khuyết danh - Quốc LongViếng nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ - Nguyễn Xuân TưCây đa bán đảo Sơn Trà - Nguyễn Minh ĐứcNgõ hẹp - Nguyễn Ngọc HạnhNgọt ngào giọng quê - Từ Dạ LinhXé bão - Nguyễn Thị Anh ĐàoHát - Quốc SinhỞ nơi chưa hề dấu vết... - Trần Võ Thành VănTừ nam Hải Vân đến sông Thu Bồn, vùng đất 160 năm “sổ sách chỉ chép tên suông” - Vũ HùngNhà văn Nguyễn Chí Trung một ngọn lửa ấm áp - Trần Mai AnhNhạc sĩ Chu Minh - Trương Đình Quang Nguyễn Giúp và hơi gió Thu Bồn - Đỗ Tấn Đạt