Người về - Nguyễn Xuân Diệu
Rời vùng đất chiến địa này từ năm 1967, cuộc chiến tranh cuốn Thành đi mãi. Gần 9 năm nay, người con gái Quảng Trị ấy vẫn về với anh trong giấc mơ những đêm khó ngủ. Khi thì cô mặc bộ quần áo bà ba lấm lem bụi đất, mặt sạm đen khói súng đang lao như bay trong làn đạn lửa. Khi thì cô mặc bộ áo váy trắng muốt ngồi trên cánh hoa mua tím, ngước đôi mắt đau đáu, cất tiếng hát buồn mênh mang. Lời ca Thành đã nghe bao lần vẫn không sao nhớ nổi. Những lúc ấy, bàng hoàng thức giấc, ngồi dậy hoang hoải nhìn vào màn đêm nhạt nhòa sương khói, Thành cứ thấy đầu óc buốt nhói, khô khốc như mình đang ở cõi xa xăm nào đó…
Ngày ấy toán trinh sát đặc công Mặt trận do Thành làm toán trưởng nhận nhiệm vụ “điều nghiên” căn cứ hỗn hợp của Mỹ - ngụy ở Đồi Không Tên. Toán trinh sát được cơ sở bố trí ở hầm bí mật nhà Sương. Căn hầm giấu mình dưới bụi găng già tua tủa những chùm gai nhọn hoắt, đang mùa trổ hoa. Những chùm hoa màu đỏ, đỏ đến nhức nhối hòa vào cái màu nắng chói chang. Là cơ sở vùng giáp ranh nên du kích thôn và Sương cẩn thận đào hầm thành hai tầng, để khi có tình huống xấu nhất, anh em ta có thể rút xuống tầng dưới. Hơn một tuần toán trinh sát đi về, cái tiếng Quảng Trị vừa trong trẻo, vừa ngọt ngào của Sương thoảng trong đêm thoạt đầu anh thấy thinh thích, khi đã quen rồi cứ xốn xang trong lòng Thành. Nét mặt Sương, Thành chỉ thấy mờ mờ trong ánh sáng đục lờ dưới hầm bí mật. Ban đêm pháo sáng giăng giăng đầy trời, khuôn mặt Sương trông huyền ảo, càng đẹp. Đôi mắt Sương to, tròn, nhiều khi cứ ngơ ngác như mắt nai tơ. Hàm răng trắng ngần, đều tăm tắp của cô lúc nhoẻn cười ngỡ như phát ra ánh sáng. Những khi hai người loay hoay trong căn hầm chật hẹp, Thành nhận ra từ Sương mùi thơm nồng nàn rất khó cắt nghĩa của người con gái dậy thì. Mùi hương ấy theo ngày, theo đêm quyện lại, như chất men vô hình làm Thành chuếnh choáng. Một ngày không thấy mùi hương quen thuộc ấy, Thành đã nhớ cồn cào. Cũng thật lạ, sau tuần ấy, khi xuống hầm, Sương cũng như nấn ná bên anh lâu hơn, rúc rích kể với anh đủ thứ chuyện trên đời. Ngoài “tiêu chuẩn” cơm nắm, muối vừng, nhiều bữa Sương “cải thiện” thêm quả trứng, gói thịt kho, cùng lời dỗ dành nghe mà ấm cả lòng: “Anh ăn đi! Ăn cho khỏe mà đánh giặc”! Rồi tình yêu đến với họ. Bữa ấy, hai chiến sĩ dẫn toán cán bộ bộ binh phối thuộc vào quan sát căn cứ. Dưới căn hầm bí mật, chỉ còn hai người. Cái mùi hương tỏa ra từ Sương gần quá, nồng nã quá, ngột ngạt quá khiến Thành ngây ngất. Anh quàng đôi tay ôm riết Sương vào lòng mình:
- Sương ơi! Anh yêu em! Yêu anh em nhé! Sương ơi...!
Sương sửng sốt. Sửng sốt đến bàng hoàng! Dẫu chẳng phải lần đầu cô nghe lời tỏ tình của đàn ông, mà sao lần này...? Sương nhắm nghiền mắt lại, người mềm như sợi bún. Lần đầu tiên trong đời, cô cảm nhận được cái cháy rát của những nụ hôn. Lần đầu tiên trong đời cô cảm nhận được cái nồng nàn của tình yêu... Tiếng Sương trào trong nước mắt:
- Em đã dâng hiến cho anh tất cả cuộc đời con gái. Ngày chiến thắng nếu còn nhớ em thì anh về đây tìm em, em sẽ đợi. Nếu quên em thì anh cứ coi đây là một kỷ niệm. Em nỏ trách mô!
Thành vuốt lại làn tóc rối tung của Sương:
- Nếu còn sống, nhất định anh sẽ về với em. Nếu chúng mình có con với nhau, anh họ Lê, trai hay gái, em cứ đặt tên con là Nắng, em nhé!
“Tuần trăng mật” của hai người chỉ vẻn vẹn được năm ngày. Hôm cuối cùng của đợt trinh sát, mới hưng hửng sáng, Sương đang đưa cơm vắt xuống tiếp tế cho anh em dưới hầm thì địch đổ quân càn vào làng. Tiếng địch la ó, tiếng giày đinh thình thịch âm âm dội vào lòng hầm cùng tiếng súng bắn loạn xị, tiếng thuốn sắt xiên lạnh người ngay sát vách hầm. Sương nép sát vào người anh, bụng lo thắt lại. Dù đã từng qua lại đồn giặc như cơm bữa, đánh nhau với chúng dư trăm trận mà sao lúc này Sương cứ run bắn lên. Sương sợ! Không phải cô sợ chết mà chỉ sợ bọn địch xiên trúng hầm, toán trinh sát phải nhảy lên đánh trả. Quân địch đông thế, giữa ban ngày ban mặt, anh em làm sao thoát được vòng vây? Lúc đó bao nhiêu công lao “điều nghiên” cứ điểm Đồi Không Tên cũng đi đứt. Sương quay sang Thành thì thào:
- Nếu... lộ, anh cứ để một mình em lên đánh trả. Mấy anh cứ rút xuống hầm dưới, em sẽ tung lựu đạn xông lên. Em lên rồi, hầm tầng trên sẽ trống, chắc tụi lính sẽ nghĩ dưới hầm chỉ có mình em, chẳng nghi ngờ gì đâu!
Chẳng để cho Thành trả lời, Sương quay sang ôm ghì lấy Thành gắn chặt môi mình vào môi anh, cuống quýt:
- Anh rút xuống tầng dưới với mấy anh đi. Đi đi anh!
Thành đẩy cô ra, cương quyết:
- Anh là lính đặc công, có kinh nghiệm đánh trả địch hơn em. Hơn thế, là đàn ông, là người lính giải phóng dù phải hy sinh, anh cũng phải bảo vệ em chứ! Em rút xuống cùng hai chiến sĩ đi!
- Không! Anh không được chết! Anh phải sống vì trận đánh, vì mọi người, vì cả Quảng Trị quê em nữa! Đi đi anh! Cứ mặc em!
Một mũi thuốn sắt xuyên xuống từ đỉnh hầm. Mũi thép đen sì, nhọn hoắt, lấm lem đất cát cắm phập xuống nền hầm giữa hai người. Lại một mũi nữa xuyên xuống qua nắp hầm sát người Thành. Tiếng bọn địch lẫn lộn Mỹ - ngụy hô hoán: “Vi-xi! Vi-xi”, “Hầm Việt Cộng, tụi bay!”. Sương buông Thành ra, đẩy anh xuống hầm dưới. Cô bình tĩnh đậy nắp hầm, khỏa đất xóa dấu vết rồi đứng bật dậy tung liền một lúc hai quả lựu đạn. Hai tiếng nổ chát chúa vừa dứt, cô đã nhảy vọt lên khỏi miệng hầm. Thành chỉ kịp nghe tiếng địch la ó: “Việt Cộng con gái tụi bay! Bắt lấy nó!” cùng tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ loạn xạ... Rồi tất cả im ắng đến rợn người...
Sài Gòn giải phóng, trung tá Thành lọt vào mắt xanh một vị lãnh đạo thành phố. Một ngày đẹp trời, Thành được mời đến ngôi biệt thự lộng lẫy vốn là của một quan chức chính phủ Việt Nam cộng hòa. Rót nước mời anh, vị lãnh đạo ôn tồn:
- Tôi coi cậu như con em trong nhà mới nói ra điều này. Thấy cậu trẻ trung, có năng lực lại đầy nhiệt huyết, nên tôi có ý định tiến cử vào chức Phó chủ tịch Ủy ban quân quản một quận nội thành. Ý cậu thế nào?
Hoàn toàn bất ngờ trước ân huệ quá lớn ấy, Thành đứng dậy, rập gót giày:
- Tôi là người lính chỉ biết chấp hành mệnh lệnh cấp trên. Tổ chức giao cho bất kỳ nhiệm vụ gì, tôi cũng xin phục tùng!
- Tốt lắm! Mà này, còn một việc nữa, là chỗ thân tình tôi nói thiệt. Việc này hơi tế nhị một chút, nên tôi muốn bàn bạc với cậu. Chả là tôi có đứa con gái năm nay đã 27 tuổi. Nó tên là Yến, Kim Yến, đã học xong Đại học Văn khoa Sài Gòn. Con bé cũng sáng sủa, thông minh. Ý tôi là muốn cho Kim Yến kết thân với cậu. Một khi cậu đã là thành viên trong gia đình, chúng ta làm việc gì cũng dễ. Phải không?
Nghe vị lãnh đạo nói, Thành thoáng giật mình. Lại một ân huệ quá lớn nữa, hay là...?! Việc hạnh phúc một đời người sao “sếp” lại phán dễ dàng đến thế! Cái việc gả bán này có dính dáng gì đến cái chức Phó chủ tịch Ủy ban quân quản không? Là cán bộ chỉ huy, nhưng suy cho cùng cũng chỉ là người lính trận, mọi ý nghĩ của Thành giản đơn, thẳng băng, chỉ biết nhận lệnh vào trận là tìm mọi cách đánh cho thắng. Nghe “sếp” nói, tự dưng anh nghĩ đến Sương, người con gái anh yêu trong lửa đạn. Người con gái mộc mạc, trinh trắng đã trao cả đời người con gái cho anh, đã cứu anh và đồng đội khỏi cái chết trong gang tấc để các anh hoàn thành nhiệm vụ. Ngày ấy, sau khi tiêu diệt căn cứ Đồi Không Tên, anh quay lại tìm Sương thì được tin cô đã bị địch bắt. Có người nói Sương đã hy sinh trên đường về nhà lao Huế. Có người lại bảo cô bị địch bắn chết tại chỗ, hiện chưa biết chúng chôn cô ở đâu. Dù chưa là vợ chồng anh và Sương cũng đã mang nặng tình chồng vợ. Mãi sau này, nghe mấy đồng đội ở Quảng Trị vào kể, sau khi bị địch bắn chết, Sương đã được bà con đưa thi hài về chôn cất ở quê nhà. Thành rụt rè kể lại câu chuyện dưới hầm bí mật ở Quảng Trị năm nào và những giấc mơ về Sương anh thường gặp những đêm khó ngủ cho “sếp” nghe. Anh ngập ngừng nói với vị lãnh đạo, anh chưa thể nhận lời nếu chưa về Quảng Trị, thắp được nén hương cho Sương. Vị lãnh đạo gật đầu:
- Cậu sống thủy chung, nghĩa tình như thế tôi rất hoan nghênh. Nhưng người chết thì đã chết rồi, thời gian cũng qua lâu rồi, trái đất thì vẫn quay còn tương lai của cậu thì đang ở phía trước. Tôi đồng ý để cậu về Quảng Trị thắp hương cho cô ấy. Nhưng tôi cũng khuyến cáo cậu, cơ hội của con người lắm khi một đời chỉ đến có một lần. Cái chức phó Chủ tịch Ủy ban quân quản không ít kẻ nhòm ngó đâu, cậu ạ!
Người tài xế nói giọng Sài Gòn kính cẩn:
- Thưa trung tá! Đã qua sông Thạch Hãn, đến nơi trung tá dặn rồi!
Thành dụi mắt, cảm ơn bác tài, mang ba lô xuống xe. Gần 9 năm rồi Thành mới trở lại vùng đất này. Vùng đất Thành từng sống những năm binh lửa thời đánh Mỹ. Tất cả vẫn như xưa. Chẳng cần hỏi đường Thành vẫn nhận ra lối cũ. Những đồi sim oằn mình trong gió lào vẫn đua nhau nở đầy hoa tím. Trong cái màu tím miên man ấy, tiếng chim “bắt cô trói cột” vẫn kêu nhức buốt đồi chiều... Mấy đứa trẻ chăn trâu bên đường líu ríu chạy đến vây lấy anh, líu ríu hỏi:
- Chú về mô chú để chúng cháu chỉ đường cho?
Thành cúi xuống chia cho mỗi đứa mấy cái kẹo dừa:
- Các cháu biết đường đến nghĩa trang làng mình không?
Cả bọn tranh nhau trả lời:
- Làng cháu không có nghĩa trang mô. Chỉ có nghĩa địa thôi. Chú đến đó tìm ai?
- Chú về tìm mộ một người con gái. Chị ấy tên là Sương. Các cháu biết không?
- Có phải cô Trần Thị Sương không? Rứa thì cháu biết! - Một đứa chừng 9 tuổi da đen cháy, tóc đỏ hoe, dáng nhanh nhẹn đáp - Mộ cô ấy ở ngay gần cổng nghĩa địa làng, để cháu dẫn chú đi!
Chân tay Thành rụng rời! Vậy là chẳng phải lời đồn đại nữa, Sương đã hy sinh thật rồi! Hèn chi bao năm nay anh vẫn thấy em trong những giấc mơ. Hẳn đó là hương hồn em nhớ anh mà tìm về với anh. Bàn chân Thành ríu lại. Anh hấp tấp bước theo đứa bé. Vòng vèo qua những đồi sim, mua héo quay, héo quắt, tới nghĩa địa, đứa bé dừng lại chỉ tay về phía ngôi mộ lúp túp, hình như lâu ngày không ai chăm sóc, ngập trong cỏ dại. Anh lập cập đi đến, quỳ xuống rẽ đám cỏ um tùm. Những chân hương thắp đã lâu ngày đen xỉn, mục nát. Tấm bia đúc bằng xi măng nằm xiêu vẹo trên mặt đất lở lói. Thành đưa tay chùi rêu mốc và bụi đất trên mặt bia. Dòng chữ khắc bằng tay trên mặt bia hiện ra: Trần Thị Sương sinh năm 1949, tử nạn ngày 21 tháng 4 năm 1967. Đúng là em rồi! Ngày ấy đơn vị đánh Đồi Không Tên vào tháng tư, sau ngày em hy sinh một tuần, anh làm sao quên được. Thành nghẹn ngào gỡ ba lô khỏi vai, lấy ra một chiếc đĩa sứ cẩn thận đặt trước mộ, rồi lấy một bó hoa cúc và vài thứ quả khỏi bao giấy bóng đặt lên. Thành đang hí húi bật lửa thắp mấy nén nhang thì đứa bé dẫn đường cho anh đứng bên láu táu:
- Chú quen cô Sương à? Ngôi mộ ni lâu lắm rồi cháu không thấy ai đến thắp hương cả!
Nghe đứa bé nói, Thành thấy nghẹn đắng ở cổ. Anh ngước nhìn đứa bé, không trả lời được. Sương ơi! Sao người ta bạc bẽo với em đến thế này? Em nằm đây, chưa nói em là cơ sở cách mạng, chưa kể em là du kích, nhưng em là người của xóm làng, sao bà con không ai đến thắp cho em nén hương, để em quạnh vắng thế này? Những ngôi mộ quanh đây, ngôi nào cũng phong quang sạch sẽ, đầy những chân hương cũ mới, sao mộ em cứ lạnh lẽo như mồ vô chủ? Bao nhiêu năm nay đã từng vuốt mặt, đã từng chôn cất biết bao đồng đội mà nào Thành có khóc. Nước mắt anh ngỡ đã cạn rồi. Sao lúc này vừa cắm nén nhang lên mộ Sương, Thành đã bật khóc nức nở, khóc tức tưởi như một đứa trẻ, tắc nghẹn chẳng nói được lời nào...
Thành tần ngần cẩn thận nhổ từng búi cỏ trên mộ Sương. Đứa bé cũng ngồi xuống nhổ cỏ với anh. Thành xích lại gần nó như tìm cái hơi ấm từ người đứa bé để chia sẻ với anh cái hơi lạnh giá của nỗi đau buốt nhói, của trời chiều. Anh thắp tiếp mấy nén nhang, thầm thì:
- Sương ơi! Anh sẽ xin phép chính quyền được đưa em về nghĩa trang quê anh cho gia đình chăm nom, hương khói. Dù chưa giá thú, em đã là vợ anh mà. Anh không thể để em quạnh quẽ, buồn tủi thế này được! Sương ơi! Em ở lại nhé và đừng buồn. Anh sẽ lại đến với em đưa em về!
Thành chống tay đứng dậy, tiếng khản đặc:
- Nhà cháu ở đâu?
Đứa bé nhìn anh, nói như một người lớn:
- Nhà cháu ở gần đây. Chú có vô nhà cháu không?
Không đợi anh trả lời, cậu ta chỉ cho Thành ngôi nhà nhỏ lợp mái tôn thấp thoáng sau rặng cây, thoăn thoắt đi trước dẫn đường. Cậu vừa đi vừa láu táu kể với anh rằng ba cậu đi bộ đội giải phóng, chỉ có hai mạ con ở nhà. Mạ cậu đang làm bí thư chi bộ. Anh vừa nghe vừa lẳng lặng gật đầu. Đến trước ngôi nhà, có hàng cây găng nở đầy hoa đỏ, đứa bé chạy vụt vào gọi to:
- Mạ ơi! Nhà ta có khách nè! Có chú bộ đội giải phóng hỏi thăm nè!
Thành dừng lại trước ngõ. Anh thoáng thấy một người đàn bà hiện ra nơi khung cửa mở. Người đàn bà còn trẻ, trông dáng người quen quen. Chẳng hiểu sao, tự dưng trong ngực anh, trái tim lồng lên như chực nhảy ra ngoài. Vừa trông thấy anh, người đàn bà cũng khựng lại, hai tay buông thõng, gương mặt trắng ngần tái nhợt. Không! Chẳng lẽ nào! Thành đưa tay lên dụi mắt. Không thể! Chẳng lẽ nào!
Trước mặt anh là Sương bằng da, bằng thịt! Dù đã gần 9 năm xa cách khuôn mặt, dáng người em vẫn chẳng thay đổi là mấy. Có phải Sương thật không?... Ngôi mộ mọc đầy cỏ dại, tấm bia bằng xi măng, nét chữ khắc tên Trần Thị Sương đã mờ, anh vừa mới thắp hương trước mộ... Sương thật đó hay là hồn em hiện về với anh? Hay đây cũng chỉ là giấc mơ như bao giấc mơ anh từng ám ảnh suốt gần 9 năm trời?
Hình như sau thoáng bối rối, đã nhận ra anh, người đàn bà run lẩy bẩy:
- Trời ơi, anh Thành! Có thật anh đó không? Anh...Thành...!
Sương lao qua bậc cửa, nhào đến, ôm chầm lấy anh thổn thức. Mái tóc em xõa tung ngay trước mặt. Thành cúi xuống ghì chặt Sương vào người mình. Đúng em thật rồi. Tiếng Sương đứt nối:
- Răng anh biết nhà mà tìm vô với em? Nắng ơi, ba con về nè! Con anh đó! Anh có nhớ ngày xưa anh dặn em đặt tên cho con là Nắng không?
- Thằng Nắng? Con chúng ta? Con của anh đó sao? Có phải anh đang nằm mơ không? Anh hạnh phúc quá, Sương ơi!
Nắng đứng ngẩn ra một lúc rồi ào đến ôm choàng lấy ba. Thành âu yếm ôm con vào lòng. Sương nhìn hai bố con mà đôi mắt nhòe ướt. Vuốt mái tóc cháy nắng của con, Thành bỗng nhớ ra cái điều đang băn khoăn:
- Anh vừa thắp hương ngôi mộ ngoài nghĩa địa. Ngôi mộ tên em? Sao thế em?
- Đó là một câu chuyện dài anh ạ. Bữa em tung lựu đạn, nhảy lên khỏi hầm bí mật, tụi địch đông quá em trở tay không kịp, bị tụi lính nhào tới bắt. Hai người lính Sài Gòn được lệnh giải em về căn cứ của chúng. Đi đến chỗ đường vắng, hai người lính cởi trói cho em, bảo em trốn đi rồi về báo là vì em trốn chạy nên đã bị họ bắn bỏ. Biết em trốn được, chi bộ thôn đã cử hành lễ tang giả, đắp mộ giả, khắc bia tên em để giải nguy cho hai người lính đó và để chúng khỏi truy tìm em. Ngôi mộ ấy, ngày địch còn chiếm đóng, mặc dù bị chúng cấm đoán, bao giờ khói hương cũng nghi ngút. Nhưng từ ngày quê em giải phóng, em trở về thì ai cũng biết đó là ngôi mộ giả, nên thành hoang phế đó anh!
- Thế mà anh cứ tưởng...! - Thành thở phào.
Sương ngước nhìn anh, bồi hồi:
- Anh về với em rồi, bao giờ anh lại đi?
- Vài ngày nữa anh sẽ vào đơn vị xin giấy tờ để về làm thủ tục cho em và con. Anh là một người lính, mãi mãi anh sẽ là một người lính như ngày yêu em. Chúng mình sẽ là một gia đình, sẽ bù đắp những gì chưa làm được, những nhớ thương, chờ đợi gần 9 năm xa cách cho nhau. Chúng mình sẽ cùng nhau xây đắp hạnh phúc, nuôi nấng con cái nên người, em nhé!
Thành bế con lên, áp má mình vào mái tóc cháy nắng của nó. Một tay ôm chặt ba, một tay quàng vào người mẹ, Nắng vừa cười, vừa nũng nịu, líu ríu gọi “Ba ơi!”. Tiếng cười của Nắng làm sáng bừng cả căn nhà...!
N.X.D