Từ dòng sông Hàn đến biểu tượng " Đà Nẵng - Thành phố của những cây cầu"
Cùng với bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Núi Chúa Bà Nà, các bãi biển tuyệt đẹp, Đà Nẵng còn có những dòng sông quanh co uốn lượn giữa lòng thành phố, tiêu biểu nhất phải kể đến sông Hàn. Cảnh quan nơi đây như bức tranh sơn thủy hữu tình, tạo nên địa thế “tựa sơn hướng thủy” với bức bình phong Sơn Trà che chắn cho thành phố. Địa thế tựa lưng vào núi, hướng ra sông rộng, biển lớn từ xưa tới nay luôn được coi là thế đất đẹp, đặc biệt trong thế kỷ XXI là “Thế kỷ của biển và đại dương”. Trên thế giới hiện có rất nhiều thành phố nổi tiếng bậc nhất, trù phú, đẹp đẽ với địa thế ven sông, ven biển tương tự Đà Nẵng như: Tokyo (Nhật Bản), New York (Mỹ), Thượng Hải (Trung Quốc), Sydney (Australia), Dubai (Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất), Barcelona (Tây Ban Nha), Helsinki (Phần Lan), Copenhagen (Đan Mạch)…
Nhìn lại lịch sử Đà Nẵng, dòng sông rộng trung bình hơn 500m gần cửa biển với chiều dài đoạn mang tên Hàn chỉ hơn 7km chảy ra vịnh Đà Nẵng chính là cửa ngõ giao thương kinh tế quan trọng. Điều kiện tự nhiên ở đây rất thuận lợi để phát triển thương cảng, lý tưởng cho những con tàu lớn chạy bằng hơi nước dừng đỗ, trú ngụ. Ngay từ khi thương cảng Hội An đang giữ vị trí quan trọng, phố thị sầm uất ở thế kỷ XVII, XVIII thì cảng Đà Nẵng đã giữ vai trò tiền cảng. Hàng hóa đến và đi từ Hội An qua các tàu lớn của nước ngoài phần lớn dừng đỗ tại cảng Đà Nẵng rồi trung chuyển bởi tàu nhỏ và thuyền qua sông Hàn và sông Cổ Cò. Điều này đã được các nhà hàng hải phương Tây nhận định về Tourane, rằng đó là “một trong những hải cảng đẹp và lớn lao nhất ở toàn Đông Dương, chỉ cách Hội An một chặng đường”(1). Năm 1858, thực dân Pháp lựa chọn vịnh Đà Nẵng là nơi đầu tiên đổ bộ tấn công Việt Nam nhưng bất thành đã cho ta thấy tầm quan trọng đó.
Vịnh biển và dòng sông Hàn chính là tiền đề để thành phố Đà Nẵng phát triển, nhờ đó mà hình thành nên chợ Hàn và phố Hàn. Sau khi Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp, Toàn quyền Đông Dương đã ban hành Nghị định thành lập thành phố Đà Nẵng vào ngày 24/5/1889. Đây là một trong 5 thành phố lớn ở Việt Nam (Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Chợ Lớn) được Pháp sớm thành lập vào thập kỷ 70, 80 của thế kỷ XIX, là thành phố được hình thành sớm nhất và đầu tư phát triển hiện đại nhất ở Trung Kỳ. Cũng từ dấu mốc năm 1889, thành phố bên sông Hàn đã được đầu tư phát triển nhanh chóng, đã quy hoạch lấy sông Hàn với đường ven sông bên tả ngạn làm trục chính giao thông nội thị (đường Courbet, nay là đường Bạch Đằng).
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, dòng sông Hàn vẫn luôn là điểm nhấn gắn với sự đổi thay, sự phát triển của thành phố. Đặc biệt, dấu mốc ngày 01/01/1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính, Đà Nẵng chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Từ đây, dòng sông Hàn càng thể hiện vai trò quan trọng, như là biểu tượng của sự phát triển năng động, mạnh mẽ của một thành phố đáng sống.
Trước năm 1997, chỉ “bên ni Hàn” có phố xá khang trang, trong đó trục đường Bạch Đằng, với chợ Hàn, chợ Cồn đã được xây dựng từ khá lâu là những điểm nhấn quan trọng, còn “bên tê Hàn” lau lách xanh ngắt bao trùm, chỉ lưa thưa những căn nhà chồ hắt hiu. Bởi vậy, có những câu ca phản ánh chân thật cảnh sắc một thời:
“Đứng bên ni Hàn ngó qua bên tê Hàn nước xanh như tàu lá
Đứng bên tê Hàn ngó qua bên ni Hàn phố xá thênh thang”.
Thậm chí, thân phận con người cũng được đem ra ví von để nói lên sự chênh lệch về điều kiện sống, sự khó khăn, tủi thẹn khi phải ở “bên tê” dòng Hàn giang: “Con gái quận 3 không bằng bà già quận nhất”. Như vậy, dòng sông ở thời điểm này chính là biểu tượng của sự cách trở về mặt tự nhiên, còn mặt xã hội chính là sự khó khăn, thử thách và chênh lệch.
Ở thời điểm đó, sự kết nối giao thông giữa nội đô và bán đảo Sơn Trà qua dòng sông Hàn chỉ có cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Văn Trỗi cũ kỹ, nhỏ hẹp và bến phà Hà Thân. Cầu Trần Thị Lý vốn là cầu đường sắt xây dựng từ thời Pháp thuộc, sau năm 1975, cầu được nâng cấp làm cầu đường bộ và đổi tên thành cầu Trần Thị Lý. Cầu Nguyễn Văn Trỗi là cây cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Hàn do Mỹ xây dựng năm 1965 nhằm chở khí tài quân sự từ cảng Tiên Sa vào nội đô Đà Nẵng. Vì vậy, người dân đi lại rất khó khăn vất vả, và cũng không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh chóng kinh tế, xã hội trong thời kỳ đổi mới.
Sau năm 1997, lãnh đạo thành phố cùng các chuyên gia đã nghiên cứu rất kỹ để quy hoạch lại bộ mặt đô thị ven sông, ven biển. Để phát triển hài hòa, đồng bộ hai bờ sông trước tiên phải có cầu mới đáp ứng được nhu cầu đi lại cũng như khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của bán đảo Sơn Trà. Vì vậy, ý tưởng về những cây cầu trên dòng sông Hàn đã hình thành và nhanh chóng được triển khai.
Cây cầu vốn là hình ảnh quen thuộc, thân thương của nền văn hóa sông nước Việt Nam. Trong tư duy, tâm thức mỗi người con đất Việt, cây cầu trở thành biểu tượng gắn bó, kết nối yêu thương trong đời sống tình cảm và sinh hoạt. Cây cầu là nơi hò hẹn, gặp gỡ và giao lưu, trở thành “nhịp cầu nối những bờ vui”. Hình ảnh những cây “cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi” hay mang ý nghĩa ước lệ như “cởi áo trao nhau” để rồi đổ lỗi cho “qua cầu gió bay” đã trở nên quen thuộc trong dân ca, ca dao với vẻ đẹp tinh tế và ý vị trong văn hóa truyền thống.
Cầu quay sông Hàn là cây cầu đầu tiên được khởi công sau một năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Điểm nhấn quan trọng khi xây dựng cây cầu này là chủ trương của chính quyền được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, họ sẵn sàng đóng góp kinh phí để hỗ trợ xây cầu. Điểm thứ hai cũng cần đề cập, đây là cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công với chiều dài 487m, rộng gần 13m. Cầu được khánh thành ngày 29/3/2000 trong niềm hân hoan, sung sướng không tả siết của nhân dân Đà Nẵng chỉ sau chưa đầy 2 năm thi công. Cây cầu hiện đại này cho đến nay vẫn là cầu quay duy nhất ở Việt Nam. Nó thể hiện ý nguyện từ bao đời của nhân dân, là biểu tượng của sự chế ngự thiên nhiên, vượt qua khó khăn, thử thách để xây dựng, phát triển Đà Nẵng. Cây cầu cũng là minh chứng cho ý Đảng hợp lòng dân, đã tạo nên sự đồng thuận vì sự nghiệp chung của thành phố. Vì vậy, cầu quay sông Hàn đã trở thành một hình ảnh nổi bật trong Biểu tượng Đà Nẵng do họa sĩ Nguyễn Thủy Liên thiết kế.
Sau cầu sông Hàn, hàng loạt cây cầu độc đáo, ấn tượng và tuyệt đẹp đã tiếp tục được xây dựng trên dòng sông Hàn. Cầu Tiên Sơn (còn gọi Tuyên Sơn) khánh thành năm 2003 là cây cầu có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, là cầu vượt sông cuối cùng trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây đi và đến cảng nước sâu Tiên Sa trước khi ra Biển Đông. Cầu Thuận Phước khánh thành năm 2009, là cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam, tại cửa Hàn rộng lớn, kết nối tuyến giao thông liên hoàn ven biển từ hầm Hải Vân đi bán đảo Sơn Trà, đến Ngũ Hành Sơn vào Hội An. Năm 2013, Đà Nẵng tiếp tục khánh thành 2 cây cầu tuyệt đẹp, độc đáo, ấn tượng là cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý (mới). Cầu Rồng nổi bật với hình dáng con rồng vàng bằng thép đang uốn lượn trên mặt sông Hàn vươn ra biển lớn, là trục giao thông chính của Đà Nẵng theo hướng Đông - Tây, từ sân bay quốc tế Đà Nẵng đến các khu du lịch ven biển Sơn Trà. Điểm nhấn của cầu Rồng còn là thiết kế ánh sáng lung linh đa sắc và phun lửa, phun nước rất ấn tượng với du khách cũng như người dân nơi đây. Cầu Rồng đã đạt các giải thưởng tầm thế giới như: Giải “Kỹ thuật xuất sắc nhất trong lĩnh vực công nghiệp” (EEA) của ASCE (năm 2014); giải Special Citation (Biểu dương đặc biệt) của Hiệp hội các nhà thiết kế chiếu sáng chuyên nghiệp thế giới (IALD); trong tốp 30 cây cầu đẹp nhất thế giới (trang du lịch, giải trí nổi tiếng Viralnova bình chọn)... Cầu Trần Thị Lý là cây cầu dây văng trụ nghiêng độc đáo nhất Việt Nam tạo nên dáng vẻ một cánh buồm căng gió ra khơi. Ngoài ra, ta còn phải kể đến cầu Tình Yêu với vẻ lãng mạn hiếm có, là nơi lý tưởng để các cặp đôi hò hẹn và du khách dạo bước chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng sông Hàn lung linh rực rỡ ánh đèn khi màn đêm buông xuống.
Từ sự thành công của những cây cầu trên dòng Hàn giang, Đà Nẵng đã nối dài ý tưởng về những cây cầu độc đáo, đẹp đẽ không phải chỉ bắc qua sông, mà còn là cầu vượt Ngã Ba Huế, cầu Vàng... Cầu vượt Ngã Ba Huế khánh thành ngày 29/3/2015, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng. Cầu vượt này trở thành biểu tượng kiến trúc mới của thành phố, cũng đã xác lập nhiều kỷ lục trong nước: là cây cầu vượt ba tầng đầu tiên của Việt Nam, cây cầu vượt hiện đại nhất Việt Nam... Tiêu biểu nhất phải nói đến cầu Vàng, thuộc khu du lịch Bà Nà, khánh thành năm 2018, là điểm nối giữa ga cáp treo Marseille tới vườn Thiên Thai và vườn hoa Le Jardin d'Amour. Cầu Vàng nằm ở độ cao 1.414m so với mực nước biển, dài khoảng 150m, điểm nhấn chính là hai bàn tay lớn đang nâng đỡ thân cầu như đôi bàn tay của vị thần núi cổ xưa nâng một dải lụa bằng vàng. Cầu Vàng được coi như một siêu phẩm “vô tiền khoáng hậu” trong nghệ thuật kiến trúc, thể hiện rõ sự sáng tạo, độc đáo và hài hòa giữa thiên nhiên tươi đẹp. Sự thành công, danh tiếng cầu Vàng nhanh chóng vươn ra tầm thế giới vượt qua mọi sự kỳ vọng: Tờ Huffington Post của Mỹ khẳng định cầu Vàng là “Cây cầu thú vị nhất từng thấy”; tờ The Guardian (Anh) vinh danh trong “Top 10 cây cầu có kiến trúc độc đáo và đẹp nhất thế giới”; năm 2020 được World Travel Awards (giải Oscars của du lịch thế giới) trao tặng danh hiệu “Cây cầu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới 2020”; đặc biệt, đầu năm 2021, tờ Daily Mail (Anh) công bố cầu Vàng dẫn đầu danh sách top 10 kỳ quan mới của thế giới theo bình chọn của thế hệ trẻ...
Như vậy, qua 25 năm phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng, Đà Nẵng đã khẳng định tầm vóc “thành phố phát triển động lực của khu vực miền Trung - Tây Nguyên”. Cơ sở hạ tầng, diện mạo đô thị khang trang, đẹp đẽ, môi trường trong lành, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, chất lượng cuộc sống nâng cao... Song điều làm tôi ấn tượng nhất chính là những cây cầu tuyệt đẹp, độc đáo trên dòng sông Hàn yêu thương và ở nhiều địa điểm khác. Vì vậy, khi nói về Đà Nẵng, nhiều người thường đề cập các danh hiệu như “thành phố bên sông Hàn”, “thành phố đáng sống”, “thành phố môi trường”, “thành phố biển”... và hiện nay, thêm một danh hiệu ngày càng được sử dụng phổ biến: “Đà Nẵng - thành phố của những cây cầu”.
Tôi tin rằng, thành phố Đà Nẵng sẽ ngày càng phát huy tốt hơn các tiềm năng và lợi thế để phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Sự phát triển ấy là một quá trình vượt khó, nỗ lực vươn lên, cũng là để xứng đáng với truyền thống của quê hương, với các danh hiệu quý mà nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế đã vinh danh. Biểu tượng “Đà Nẵng - thành phố của những cây cầu” sẽ tiếp tục được bổ sung, nối dài như chính sức sáng tạo không ngừng của chính quyền và nhân dân Đà Nẵng. Tương lai, tôi đang hình dung và mơ tưởng về nhiều cây cầu tuyệt đẹp, ấn tượng, độc đáo khác sẽ tiếp tục được xây dựng, để danh hiệu “Đà Nẵng - thành phố của những cây cầu” vang xa hơn nữa, góp phần kết nối yêu thương, tạo động lực cho sự phát triển và cũng là làm đẹp hơn cho thành phố năng động, sáng tạo và đáng sống của Việt Nam.
(1) G. Taboulet (1955), La geste francaise en Indochine, T.II, Paris, tr.437.
V.Đ.A