Câu ca kết nối văn hóa xứ Quảng
Một góc Ngũ Hành Sơn, nhìn từ Thủy Sơn. Ảnh VTL
Còn nhớ, năm 1998, sau hơn một năm tách ra khỏi Báo Quảng Nam - Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng cuối tuần đăng bài “Mỹ Sơn, nhìn từ bến Thu Bồn” nhân kỷ niệm 100 năm kiến trúc sư kiêm khảo cổ học H. Parmentier cùng hai nhà nghiên cứu người Pháp lần đầu tiên đến Thánh địa Mỹ Sơn nghiên cứu văn bia và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm. Một nhà báo kỳ cựu lướt qua tấm hình tháp Mỹ Sơn in offset 4 màu ngay trang 1, buột miệng nói: Cái này của Quảng Nam mà! Một cộng tác viên (về sau trở thành phóng viên) Báo Đà Nẵng nhỏ nhẹ thưa: Anh ơi, Quảng Nam hay Đà Nẵng chỉ là ranh giới hành chính thôi, chứ văn hóa làm răng mà có ranh giới được anh?! Nói rồi, anh trưng ra câu ca dao xứ Quảng để minh chứng điều mình nói: Quảng Nam có núi Ngũ Hành/ Có sông Chợ Củi có thành Đồng Dương.
1. Ngũ Hành Sơn một bên non một bên nước (nên còn gọi là Non Nước) cho dù sau thời điểm 1-1-1997 có nằm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương thì vẻ đẹp kỳ vĩ với những huyền tích tự thân của năm ngọn núi vẫn là niềm tự hào của những ai là con dân của xứ Quảng.
Khách leo một trăm sáu mươi bậc đá từ chân núi lên chùa Tam Thai trên ngọn Thủy Sơn sẽ được nghe các hướng dẫn viên Khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn nói về những sắc tứ do vua Minh Mạng ban cho chùa ngày trước. Ông vua triều Nguyễn - nhà chính trị thiên hướng thần bí - đã ngự du đến Ngũ Hành Sơn trước sau ba lần, bị cảnh giới nơi này mê hoặc, ngài đã hạ bút ngợi ca trong lần cuối cùng vào năm Minh Mạng thứ mười tám (1837): Phong cảnh Non Nước đối với ta vẫn lạ, tựa hồ như mới xem lần đầu.
Một thế kỷ sau, cũng vì bị níu chân bởi cái không gian thực hư đầy huyền tích của Ngũ Hành Sơn mà Phạm Hầu (1920 - 1944) lạc bước lên đây rồi để lại mấy vần tuyệt cú trong bài thơ “Vọng Hải đài”: Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai? Cái cảm giác chông chênh, nhẹ hẫng khi đứng trên đài trông ra biển ấy đã nâng nhà thơ người Điện Bàn lên với gió với mây, chạm đến khoảnh khắc hiện tồn mà bất giác neo một câu hỏi nửa thực nửa hư vào bao la vô tận.
Trước đó, nữ sĩ Đà Nẵng Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896 - 1982), người phụ nữ đầu tiên viết tiểu thuyết ở Việt Nam, đã gửi lại lòng mình khi thăm thú Ngũ Hành Sơn: Khách trần mơ cảnh Thiên thai/ Qua chơi Non Nước, nhớ hoài nước non. Nữ sĩ, trong phút mơ màng chìm đắm vào những giấc mơ bồng bềnh giữa đôi bờ cõi tiên cảnh tục, bỗng hóa thân thành nhân vật huyền thoại Từ Thức trong cuốn Truyền kỳ Mạn lục (Sao chép tản mạn những truyện lạ) của Nguyễn Dữ.
Và, hơn nửa thế kỷ trước, chàng trai Tường Linh (1930 - 2021) đã sớm rời xa quê nhà Quế Sơn xứ Quảng, làm một cuộc viễn du qua phía bên kia đèo Ải rồi lưu lạc vào tận vùng sông nước Cửu Long, góp nhặt xúc cảm làm nên Hai miền thương, bài thơ đã đi vào lòng người nhiều thế hệ với những câu thơ gắn với tình người, tình đất. Trong đó, có hai câu phác họa nên bức tranh thủy mặc vùng non soi bóng nước: Ngũ Hành Sơn năm cụm ngóng sông Hàn/ Chùa Non Nước trầm tư hương khói quyện.
Giờ thì núi Ngũ Hành cùng với cầu Sông Hàn đã được tạc vào biểu tượng của thành phố Đà Nẵng. Ngày 24-12-2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng di tích cấp quốc gia danh thắng Ngũ Hành Sơn là di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Chùa Tam Thai trên ngon Thủy Sơn còn lưu giữ nhiều hiện vật giá trị đánh dấu thời kỳ phát triển văn hóa Phật giáo xứ Quảng. Ảnh V.T.L
2. Thành Đồng Dương, so với núi Ngũ Hành, có vẻ ít được hậu thế nhắc tới. Thế nhưng trong quá trình tích lũy, kế thừa, tiếp biến, giao thoa của cư dân Đại Việt trên bước đường Nam tiến, nơi từng là Phật viện - kinh thành này đã đóng vai trò quan trọng trong giao thoa văn hóa với Champa.
Theo quốc lộ 14E từ thị trấn Hà Lam về hướng tây, qua một đoạn khỏi trụ sở UBND xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, sẽ thấy phía bên tay mặt một khu tháp cổ nhuốm màu thời gian. Khu di tích này được sách Đại Nam Nhất thống chí của Triều Nguyễn mô tả trong phần tỉnh Quảng Nam: “Huyện Lễ Dương, có hai tháp ở thôn Đồng Dương. Hai tháp cách nhau mười lăm trượng, có một tòa cao bốn trượng, xây gạch, trên hình bát giác, dưới hình vuông, mỗi mặt dài một trượng. Cách đó bốn mươi trượng, có nền cũ”.
Theo khảo tả của các nhà nghiên cứu, tháp Đồng Dương được xây dựng vào thời kỳ Champa còn bị ảnh hưởng của Phật giáo, nên có tính chất đặc biệt so với các tháp khác trong hệ thống tháp Chăm, nó được mệnh danh là tòa tu viện Phật giáo giữa đô thành. Phật viện Đồng Dương là một trong những tu viện Phật giáo của vương quốc Champa, thuộc vào hàng tu viện lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á thời bấy giờ.
Sau những phát hiện và công bố của L. Finot vào năm 1901 và nhất là sau cuộc khai quật của H. Parmentier vào năm 1902, Phật viện Đồng Dương mới trở thành một trong những di tích quan trọng vào bậc nhất của Champa. Từ Đồng Dương H. Parmentier đã đem về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng rất nhiều tác phẩm điêu khắc đẹp và có giá trị, trong đó có những tượng tròn được thể hiện thành công nhất cả về kỹ thuật lẫn mỹ thuật của toàn bộ nền nghệ thuật điêu khắc cổ Champa.
Đáng tiếc là khu di tích quan trọng này đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề, chỉ còn mảng tường tháp được nhân dân gọi là Tháp Sáng cùng với nền móng các công trình kiến trúc và một số vật trang trí bị vùi lấp. Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, ngày 22-12-2016, di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Phật viện Đồng Dương được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
3. Khách mỗi khi có dịp ngược xuôi quốc lộ 1A đoạn qua xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, không quên ghé lại Cầu Mống thưởng thức món bò tái lừng danh, nghe kể chuyện nơi này ngày trước từng có một ngôi chợ chuyên cung cấp củi và nước cho các tàu thuyền ngoại quốc neo đậu nơi bến Trà Nhiêu trước khi vào cảng thị Hội An.
Cầu Câu Lâu (cuc) bắc ngang sông Sài Thị (Chợ Củi). Ảnh V.T.L
Chợ Củi, tên ngôi chợ xưa ấy, từng có một “hành trạng” lẫy lừng, được nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân (1921 - 2007) nhắc đến trong bài “Từ Sài Thị đến Sài Gòn” đăng trong cuốn “Nguyễn Văn Xuân - một người Quảng Nam”, tập sách do Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) kết hợp với Tạp chí Xưa và Nay tổ chức ấn hành năm 2010 nhân kỷ niệm 3 năm ngày mất của ông.
Theo đó, sau năm 1602, khi chúa Nguyễn lập cơ sở thương mãi ở Hội An, tàu thuyền ngoại quốc và trong nước vãng lai nhiều. Ban đầu các tàu thuyền này đậu ở Trà Nhiêu, nơi hiện còn các dấu tích của một thị trấn cũ. Từ Trà Nhiêu đến Hội An có một vũng nước cực lớn, đủ rộng để tàu thuyền có thể đậu được để vào thành phố. Từ bến cảng quốc tế này, các tàu thuyền cần đến củi và nước sạch để giải quyết sinh hoạt khi ở lại hay tiếp tục hành trình. Củi nước, đặc biệt củi là vấn đề cực kỳ quan trọng cho tàu bè đô thị cũng như cho dân địa phương. Vì thế phải lập một chợ lớn chuyên việc buôn củi bao gồm các thợ đốn củi, các thuyền, bè và lái buôn.
Khi mà giao thương chủ yếu bằng đường thủy, chợ Củi chẳng mấy chốc trở nên nổi tiếng khắp vùng và đoạn sông Thu Bồn phía trước chợ mặc nhiên được gọi là sông Chợ Củi. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, năm Tự Đức thứ ba (1850), sông Chợ Củi đổi tên thành Sài Thị Giang và được ghi vào điển thờ.
Vậy là, trong câu ca kết nối văn hóa xứ Quảng thượng dẫn, chỉ có mỗi chợ Củi là chìm dần vào quên lãng, dù đã từng được Nhà Nguyễn liệt vào hàng sông lớn, ghi vào điển thờ. Thế nhưng, mãi về sau câu ca xưa sẽ vẫn in tạc 3 di sản văn hóa này vào “điển thờ” trong lòng dân xứ Quảng...
V.T.L