Thơ Trương Công Tưởng
Trương Công Tưởng sinh năm 1990, quê ở Hoài Ân, Bình Định; Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Tỉnh Bình Định.
Có thơ đăng ở các báo, tạp chí: Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội, Báo Quân đội nhân dân, Báo Nhân dân, Báo Tiền phong, Tạp chí Sông Hương, Báo Tuổi trẻ, Báo Thanh niên, Báo Đà Nẵng và nhiều báo, tạp chí khác. Có thơ in chung trong nhiều tuyển tập.
Tác phẩm đã xuất bản: Ngồi gỡ tơ trời (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2018); Đợi những vắng xa (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2021).
Giải thưởng đã đạt được: Giải B - Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam 2019; Giải thưởng Cuộc thi sáng tác văn học Bình Định mở rộng 2018-2019.
Phía cuối thảo nguyên
Phía cuối thảo nguyên còn một vạt buồn
Thung lũng chảy trong tôi từng hơi thở
Những chiều mẹ ra sông gánh nước
Mây quàng lên vai
Ngôi nhà được lợp bằng lá rừng thưa
Mỗi mùa ngô bầy két đỏ xanh kéo về
đậu trên ô cửa
Tôi đã khóc cho tháng ba đỏ lửa
Thảo nguyên tiễn người bằng một cơn mưa
Phía cuối thảo nguyên còn một đợi chờ
Đàn dê theo người sang vùng đất khác
Bên này sông tôi đứng trông ngơ ngác
Núi xa vời và núi lặng im
Phía cuối thảo nguyên còn một người thương
Những vạt cỏ xanh nói với nhau về vô tận
Ngôi nhà lá rừng, dòng sông,
thung lũng vắng
Cuối thảo nguyên có người khóc âm thầm
Kinh đêm
Những hàng cây nhìn tôi nghi ngại
Dẫu mặt trời ở đó vẫn sáng trong
Không ai hỏi về thẳm sâu cội rễ
Những đớn đau đã từng
Người sản phụ nằm trên than lửa
Sữa chảy tràn giữa mông lung
Tiếng khóc lay thức giấc mơ vừa chớm
Vết loét chưa khô mở miệng ửng hồng
Người lữ khách về ngang lũng vắng
Con thuyền độc mộc đã sang sông
Đêm núi cao nhà ai khêu đèn sáng
Một cơn mưa khơi thức men rừng
Nếu được chọn lựa lại, tôi vẫn chọn
bóng đêm
Dẫu trăng ấy chọn ngã vào cây cỏ
Giấc mơ tôi trong sáng lạ kỳ
Không còn ai hỏi về người lữ khách
Đã về đâu giữa gió bạt rừng khuya
Người sản phụ nỗi đau còn tê buốt
Dẫu vết thương đã khép miệng âm thầm
Nhìn thấy
Giọt nước ở trên đầu chúng ta
không nhìn thấy
Chỉ thấy mây bay ngơ ngác bốn mùa
Gai mọc ở trong tim chúng ta
không nhìn thấy
Chỉ thấy nụ cười sông cạn biển sâu
Lửa trong mắt người chúng ta
không nhìn thấy
Chỉ thấy trong veo, nhỏ nhặn, hiền từ
Đớn đau ngày mai chúng ta
không nhìn thấy
Chỉ ôm lấy những gì hạnh phúc hôm nay
Cơn mưa tới
Vườn gai xanh
Vì mắt đã gieo những tỵ hiềm hiểm ngọt
Tim đã cắm sâu những đố tật loài người
Môi đã thốt ra những lời cay độc
Khổ hạnh trong tim người chúng ta
không nhìn thấy
Làm sao xoa dịu cơn đau
Nói với cha
Con sinh ra vào những năm đất nước
mình đang bắt đầu đổi mới
Chát mặn giọt mồ hôi - hạt thóc
trên sân phơi của mẹ rất vàng
Cha mải mê đuổi theo cơm áo
Bỏ lại một thời những mơ ước dở dang
Con lớn lên từ mạch nước sông quê
Hoa cau rụng sân người/ chị lấy chồng
xứ khác
Mẹ ầu ơ thương lời ru đi lạc
Đêm xõa tóc mẹ ngồi bóng trăng rụng
thềm rêu
Ông đi tìm câu Cổ bản* thương nhau
Cả cuộc đời bà xuống hò lấy hơi sợ mình
yếu lòng lạc nhịp
Đàn bà con gái ở làng hay khóc phận
má hồng vốn bạc
Rủ nhau ngồi gỡ tơ trời
Cha cùng con đi qua những quãng đời
Giọng cha thâm trầm theo năm tháng
Mảnh đất này từng kiên cường qua
khói đạn
Tựa lòng người đi qua những vết thương
Cha chưa bao giờ nói với con về những
yêu thương
Nhưng con biết thẳm sâu trong cha
là tình yêu vô tận
Sau mỗi lần vấp ngã lòng tràn cay đắng
Con lại về cùng cha vốc cạn những nỗi niềm
T.C.T
*Cổ bản: một làn điệu cơ bản trong nghệ thuật Bài Chòi