Nơi nào là quê hương

01.12.2021
Nguyễn Châu

Nơi nào là quê hương

Minh họa: Hồ Đình Nam Kha

Chú An ngồi thẫn thờ trước mộ ba. Tuần trước chú cùng ba đối ẩm, ba trách chú hoang đàng chi địa, gần năm mươi chưa vợ con gì. Chú An im lặng, chỉ cười.

Nội tôi có ba tôi và chú.

Ngày ba tôi tha phương cầu thực, cưới mẹ tôi, rồi theo quê vợ. Tôi sinh ra ở Nha Mân (nay thuộc xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp).

Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,

Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân

Nghe nói khi xưa, Chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đuổi chạy dài, bỏ lại cung tần, mỹ nữ tại Nha Mân. Biết đâu mẹ tôi là hậu duệ của một trong các bà. Mẹ tôi đẹp nhất đời. Ít ra, trong mắt cha con tôi.

Năm lên mười, tôi chưa biết mặt ông bà, họ hàng bên nội. Chú An ở với ông bà. Ngày ông nội mất. Ba mẹ đưa tôi về, chú An đã hơn hai mươi. Tôi gặp chú lần đầu, chú đẹp trai hơn ba tôi. Mắt bà nội đã mù, bà ôm tôi vào lòng, sờ tai sờ mũi tôi. Bà khen tôi đẹp hơn chú An.

Quê nội tôi bên bờ nam, hạ lưu sông Thu Bồn. Vùng đất bồi, màu mỡ phù sa, cây trái quanh năm.

Tuổi ấu thơ tôi, sông nước quê ngoại, cá tôm, hoa súng, tát đìa, mắm ba khía thấm đẫm vào chân tơ kẻ tóc. Nếu ông chưa mất, có khi tôi không biết quê nội tôi ở nơi nào.

Ba tôi giục chú An lấy vợ. Chú nhìn mẹ tôi không nói gì. Chú chỉ cười cười: “Bỏ mẹ cho ai?”.

Chú An cõng tôi chạy ra bờ sông. Hai chú cháu nhảy ùm. Dòng nước sông Thu Bồn trong xanh, phẳng lì, không gợn sóng. Chú không ngờ, tôi bơi như con rái cá. Bên kia sông, những biền dâu xanh ngát bạt ngàn. Quê nội tôi nổi tiếng làng tơ lụa một thời.

Chú An kể chuyện tình ly kỳ, diễm tuyệt giữa cô gái hái dâu bên bãi sông với một vị công tử:

Cách đây hơn 400 năm, chúa Nguyễn Phúc Nguyên tuần du Quảng Nam, công tử Nguyễn Phúc Lan đi theo hộ giá. Thuyền neo ở gành Điện Châu. Nghe tiếng hát đẩy đưa theo làn gió, dưới ánh trăng vằng vặc, lung linh trên sóng nước. Lấy làm lạ, công tử Nguyễn Phúc Lan sai người đến hỏi, biết là con gái họ Đoàn. Công tử cho vào hầu. Bà sinh một trai là chúa Nguyễn Phúc Tần sau này.

Cái lạ, cái khác thường chính là cô thôn nữ đã dám... tỏ tình với chúa từ thân phận của mình qua câu hát: “Tai nghe chúa ngự thuyền rồng/ Cảm thương phận thiếp má hồng nắng mưa... Thuyền rồng chúa ngự nơi đâu/ Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình…”

Các đời vua nhà Nguyễn sau này, truy tôn bà là Hiếu Chiêu Hoàng Hậu, nhưng dân làng yêu kính bà, vẫn gọi bà là Đoàn Quý Phi. Dinh trấn Thanh Chiêm, còn lưu giữ được đền thờ của Hiếu Chiêu hoàng hậu.

Tôi nghe say mê. Trời vào đêm, ánh trăng đã trải thảm vàng dìu dịu trên ngàn cây, ngọn cỏ. Con đường tơ lụa trên sông ngày nào, còn văng vẳng giọng hò của cô gái họ Đoàn, mơ hồ vang vọng mãi trong tôi.

Bà nội bịn rịn không muốn xa tôi. Từ khóe mắt trắng đục, hai dòng lệ lăn dài trên đôi má nhăn nheo. Tôi ước gì, ba mẹ tôi đưa bà và chú An theo về.

Hè năm ấy, sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi về thăm nội. Chú An đón tôi từ thị trấn Vĩnh Điện, bằng chiếc xe máy cà tàng. Sau tám năm, tôi đã cao hơn chú. Chú siết tôi vào lòng:“Mi ra thanh niên rồi!”.

Bà nội ngồi trên giường, bên cạnh cơi đựng trầu. Bà đưa hai tay huơ huơ. Tôi ôm bà chưa trọn vòng tay, bà tôi nhẹ tênh, chỉ có hai đầu gối nhô lên ngang đầu. Nhưng bà cười rạng rỡ. Tôi đi bà khóc, tôi về bà cũng khóc. Nước mắt tôi cũng ứa theo bà.

- Hai bà cháu như con nít!

Chú An nói mà mặt ngó lơ.

Bà tôi kể:

- Ba mi xung khắc với ông nội. Một đêm trời tối đen như mực mưa phùn gió bấc. Chưa thấy ông về, ba mi băng đồng, chạy xuống bến đò đón ông. Đò sang chuyến chót, chỉ còn vài người lạ. Nhưng ông mi đã về nhà. Không thấy ba mi, ông chống gậy đi tìm, hai cha con gặp nhau giữa đường. Chưa hỏi han, ông đã quở mắng. Rứa mà, ba mi cứng đầu, im lặng, rồi sau đó bỏ đi biền biệt. Tau khóc hết nước mắt.

Bà tôi tuy lớn tuổi, nhưng còn minh mẫn. Con cháu họ Hoàng. Sau ngày cụ Hoàng Diệu tuần tiết theo thành Hà Nội. Đông đảo sĩ phu Bắc Hà khâm phục và thương tiếc. Ông được thờ trong đền Trung Liệt, cùng với Nguyễn Tri Phương trên gò Đống Đa với câu đối:

Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa

Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự vọng thanh thiên

Dịch:

Kia thành quách, kia non sông, trăm trận phong trần còn thước đất

Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh

Tôn Thất Thuyết theo phái chủ chiến trong phong trào Cần Vương, kiên quyết chống Pháp đã ca ngợi ông trong hai câu đối:

Nhất tử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyện

 Bình sanh trung nghĩa, đương niên đại cuộc khởi vô tâm

Dịch:

Một chết đã thành danh, đâu phải anh hùng từng nguyện trước

Bình sanh trung nghĩa, đương trường đại cuộc tất lưu tâm.

Bà tôi đã từng theo Tây học.

Ông tôi theo Nghĩa hội của Nguyễn Duy Hiệu. Hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước của vua, Nguyễn Duy Hiệu cùng Trần Văn Dư, Phan Bá Phiến (Phan Thanh Phiến), Nguyễn Tiểu La (Nguyễn Hàm), thành lập Nghĩa hội Quảng Nam. Ra bản cáo thị kêu gọi toàn dân trong tỉnh cùng đứng lên đáp nghĩa.

Gặp phải Nguyễn Thân, người Quảng Ngãi, trước cũng theo Nghĩa hội, sau làm phản theo Pháp. Ông Hường Diệu chịu một mình. Ông tôi mới thoát tù tội, về quê dạy học, bốc thuốc. Rồi nên duyên giai ngẫu cùng bà.

Khi tôi đã ra trường đi dạy. Bà tôi mất đúng ngày ông tôi tạ thế. Mẹ tôi bệnh, tôi đưa ba về chịu tang bà. Bà tôi được an táng tại cánh đồng Xuân Đài, nghĩa trang gia tộc họ Hoàng.    

Mộ ông Hoàng Diệu chỉ là nấm mả vôi đơn sơ, cỏ mọc hoang vu, che khuất phần bia. Mộ phần vị tổng đốc đã tuẫn tiết vì không giữ được thành Hà Nội, sao quá ảm đạm. Lòng tôi đau xót, bùi ngùi.

Chẳng còn gì nữa đâu

Lối cũ làng xưa

Với  Xuân  Đài đồng nội

Mộ Hoàng Diệu với từng cơn

bão nổi

Sinh ở đất Gò địa táng cũng

ngàn năm

Gò Nổi ta ơi lòng Mẹ thăng trầm

Đất “Ngũ Phụng Tề Phi” rạng ngời

gương chính  khí

Hôm tôi về thăm quê hương

Đò xuôi sóng vỗ

Bãi dâu xanh tơ vàng ánh nước

Lối cũ đến trường nhớ chuyện

ngày xưa

Lối cũ đến trường hai buổi sớm trưa

Chiều Bảo An nghe miên man

dòng nhớ

Trần Cao Vân âm vang muôn thuở

Đất phù sa Tư Phú rạng danh Người.

(Thăm quê - PNCU)

Chú An vẫn một mình. Quê nội tôi không còn bình yên. Đêm đêm, tiếng đại bác từ chi khu Điện Bàn rót vào đâu đó. Dòng sông Thu Bồn không còn trong xanh như ngày xưa. Những xác người, tay buộc chặt sau lưng, úp mặt trôi về cửa Đại hay sông Hàn ra biển.

Chú An không về với gia đình tôi.

Mười mấy năm sau. Không biết từ đâu, chú An lại về. Chú tìm đến nhà tôi vào buổi chiều muộn. Từ xa, tôi đã linh cảm người đàn ông, dáng vẻ phong trần là chú. Chú An cười, nhưng không vồ vập ôm tôi như ngày còn thơ dại:

- Mi đàn ông thứ thiệt rồi!

Ba người đàn ông thứ thiệt, lại không nói gì về chuyện riêng của mình. Nhìn tóc tai bụi bặm, ba tôi cũng đoán được phần nào cuộc đời bôn ba, thăng trầm của chú.

- Gia tộc đã có người nối dõi tông đường, “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”. Nhà ta đã có cháu rồi. Anh còn mong gì nữa?

Chú An cười sảng khoái, vỗ vỗ vào vai tôi.

Vậy mà, hai hôm sau ba tôi mất vì tai nạn. Chú và ba không còn cơ hội nào trên đời để gặp nhau, hàn huyên tâm sự. Tuần trước, chú cùng ba đối ẩm, ba trách chú hoang đàng chi địa, gần năm mươi chưa vợ con gì.

Đã từ lâu, chú An rời xa quê nội tôi, lang bạt kỳ hồ. Cuộc đời đẩy đưa chú ngược miền Tây Bắc. Mai Châu đẹp mộc mạc như cô thiếu nữ vùng sơn cước, thung lũng xanh ngát, óng ánh tơ trời từ những bộ trang phục thổ cẩm của các cô gái Thái, Dao hay H'Mông, trong nắng chiều. Mái nhà sàn đơn sơ, toả những sợi khói bay lơ lửng, đẹp như tranh thủy mặc. Đôi chân phong trần của chú, bị níu lại nơi này.

Đời chú như áng mây bay, chú theo đàn chim thiên di về phương Nam. Chú An vẫn bùi ngùi nhớ về một mảnh trăng non chênh chếch sườn đồi, một dòng suối mát róc rách mãi khôn nguôi trong lòng chú.

Chiều nay... thương nhớ nhất

chiều nay

Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy

Tôi uống cả em và uống cả

Một trời quan tái, mấy cho say!

(Một trời quan tái - Nguyễn Bính)

Trời phương Nam trong xanh. Dòng Cửu Long cuồn cuộn phù sa, con nước mang theo lục bình trôi xuôi về chín nẻo.

Chú An vẫn một mình. Có ai thương, ai mong, ai nhớ để chú chọn nơi ấy làm quê hương?

N.C