Lao xao tiếng vọng, bâng khuâng buổi về*

01.12.2021
Nguyễn Thị Thu Thủy

Lao xao tiếng vọng, bâng khuâng buổi về*

Thơ đối với tôi khởi nguồn từ ám ảnh về nỗi buồn cần được khỏa lấp và nuôi dưỡng. Thơ là ngôi nhà mà ở đó tôi tìm thấy sự bình yên, hạnh phúc và tự do”. Đó cũng là những tâm sự thực lòng của nhà thơ Hồ Sĩ Bình, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam - người đã từng làm “bà đỡ” cho khá nhiều đầu sách (Hồ Sĩ Bình công tác ở Nxb Hội Nhà văn - Chi nhánh miền Trung & Tây Nguyên). Từ lâu nay, người đọc vốn quen tiếp xúc với những trang tiểu luận và bút ký của Hồ Sĩ Bình cùng một cái “tôi” phiêu lãng, mê đắm kết đúc từ những chuyến đi đầy trải nghiệm. Ba năm trở lại đây, từ Mưa nắng lưng đèo (2018) cho đến Ngày sinh của gió (2021), những suy tư của anh như đã lặm trong câu từ và thơ ca khởi phát từ đó: “Khi vui nước mắt lại cười/ khi buồn cúi mặt một trời vô ngôn” (Lục lạc đường quê).

Trưởng thành từ giảng đường sư phạm, Hồ Sĩ Bình khăn gói vào tận Tây Nguyên nơi mảnh đất Gia Nghĩa xa xôi, đem con chữ đến bao đàn em thân yêu. Chí tang bồng của đời trai giục giã anh tạm xếp lại trang giáo án, tìm trải nghiệm mới trong con đường sáng tạo nghệ thuật. Những chuyến đi qua mọi miền đất nước đã tạo sinh tâm hồn “thật sự linh diệu với những khoảnh khắc bất chợt” (HSB), nuôi dưỡng cảm xúc mãnh liệt cùng niềm khát khao sáng tác nơi Hồ Sĩ Bình.

Nếu ở Mưa nắng lưng đèo hiện rõ một cái “tôi” nặng nợ quê hương, xứ sở thì Ngày sinh của Gió, thơ Hồ Sĩ Bình vừa tiếp nối nguồn mạch nền tảng, vừa chất chứa bao nỗi trăn trở về thế sự và thi ca. Thơ anh mênh mang nỗi buồn, niềm cô đơn nhưng mang nặng những chiêm nghiệm, suy ngẫm. Đi dọc 60 bài trong tập sách vừa trình làng của anh, ta rong ruổi cùng những bước chân của gió; gió sinh ra từ đại ngàn mênh mông, tồn tại song hành cùng người lữ khách đơn côi Hồ Sĩ Bình. Và cũng chính vì lẽ đó, Hồ Sĩ Bình đã ưu ái lấy sự xuất hiện của thi ảnh gió để đặt tên cho những đứa con tinh thần của mình: Ngày sinh của gió, Gió đã tang bồng, Gió vội Sa Kỳ, Mùa quên gió... Song hành cùng gió, thơ Hồ Sĩ Bình vừa có chút phiêu diêu tự tại vừa ngang tàng, phóng khoáng, bay bổng: “Dừng bước thị thành đêm trở gió/ nghe lộng phù vân lạc mất nhau” (Nhiều khi).

Qua thi ảnh gió, tập thơ sáng lên một cái “tôi” thật cô đơn lẻ loi giữa trận trận hàn: “Như con chim ướt sũng giữa mưa ngàn/ thương cho mình/ bóng lạc giữa sương tan”. Ý thơ còn là nỗi xót xa cho thân phận mình và bao kiếp đời “muốn bay không cất nỗi mình mà bay”; dù đã cố hết sức nhưng cánh chim giữa đại ngàn ấy đôi lúc không vượt qua bão táp cuộc đời, để rồi phải chấp nhận “lạc giữa sương tan”. Đó là nỗi đau, là bi kịch cô độc trong sáng tạo; bởi cái mới có bao giờ được những suy nghĩ cũ kĩ, cái cực đoan dung hòa? Gió chỉ có thể là chính mình khi được tung mình giữa thiên nhiên rộng lớn. Và phải chăng đó cũng là lí do những rừng rú, đèo núi, đại ngàn, biểu tượng cho không gian bao la và cao cả, xuất hiện khá đậm đặc trong nhiều bài thơ của tập sách: “Uống rượu giữa rừng”, “Quán nhỏ lưng đèo, “Miền thẳm”, “Cuối năm lại giữa rừng”, “Ngùi thương hoa gạo”, “Mưa ngoài ngàn”, “Bài thơ viết giữa rừng”... Càng đến với những khoảng vô tận ấy, Hồ Sĩ Bình càng bừng thức những nỗi niềm, khát vọng được chinh phục những cung đường. Đi nhiều với anh không phải là nguôi quên mà để trở về, về với những khoảng lặng cùng kí ức xa xưa: “Mai về ngồi với gió ngàn/đem hong vạt áo võ vàng dấu chân/ rót thêm một chén rượu tàn/ một mình ngồi lại giữa ngàn sương lay” (Đã rày mộng xa).

Là người thơ tha hương, nỗi vọng quê luôn thao thiết chảy trong trái tim Hồ Sĩ Bình. Anh khao khát được trở về bên mẹ, thèm được “nương mình nhánh sông xa”; chốn ấy giúp anh buông xả hết mọi hỉ nộ ái ố của cuộc đời:“Ta về trời đất nghiêng nghiêng nhớ/ đăm đắm nhìn sông chợt thật thà/ đôi khi muốn quên đời nhiễu sự/ tìm lại nương mình nhánh sông xa”. Người con xa quê sống trầm tĩnh nhưng đầy nội tâm ấy đã lặng người trước di ảnh mẹ ngun ngút khói hương: “Chiều cuối năm xa quá không về được/ nén nhang buồn biết gửi lại cho ai/ ngày mẹ mất mới biết mình mất mẹ/ trần gian ơi côi cút một góc trời” (Đêm ba mươi ngồi nhớ). Đọc những câu thơ giản dị ấy, mắt ta cay cay, lòng ta quặn thắt bởi chất đời ngời ngợi; là người con, mỗi ai trong chúng ta không từng trải qua những nỗi niềm như thế. Hồ Sĩ Bình nhớ về mẹ với bao nỗi ân hận, xót đắng thì nỗi “ám ảnh thừa truyền” luôn dâng tràn mỗi khi anh nghĩ về cha nơi ngôi nhà cũ, “ngoài vườn gió vẫn lao xao vương vấn nỗi niềm chưa thể bình yên”. Đó cũng là dạng thức của một cái “tôi” - Hồ Sĩ Bình gắn bó với nguồn cội, bởi quê hương là nơi chốn để ta quay về sau bao giông tố cuộc đời: “Bóng đời nghe đã phù vân/ lao xao tiếng vọng bâng khuâng buổi về” (Cửa Tùng).  

Qua thi ảnh gió xuất hiện xuyên suốt tập thơ, cái “tôi” ý thức về nghiệp viết ở người thơ Hồ Sĩ Bình càng dần hiện rõ. Với anh, hạnh phúc nhất của người cầm bút là giữ được mình trước bao cạm bẫy: “Làm sao tôi níu lại/ giọng gầy mùa thu xa” (Gió vội Sa Kỳ). Tác giả phải tự nhận thức con đường mình dấn thân, tự ý thức cái mòn, cái cũ bởi nghệ thuật bao giờ cũng cần cái mới; sự sáng tạo như dòng sông vượt qua bao đổi thay để gạn lọc phần trong thanh dâng về cho biển cả: “Gió không bay qua được chiếc bóng của mình/ gió không qua hết đường làng/ làm sao mà bay vào trời rộng” (Ngày sinh của Gió).

Thật đáng sợ nếu người sáng tác “đóng khung” cảm xúc, câu từ ý tứ vay mượn, nhợt nhạt, bằng phẳng, thiếu hẳn sinh khí; và khi đó thơ sẽ như “những con chim bách thanh/ không có tiếng hót của riêng mình/ rao giảng những điều không thật” (Mưa ngoài ngàn). “Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép” và thật vậy, người thơ ấy đã tan hòa vào thiên nhiên để rồi giật mình thức tỉnh: “những gì cũ rích chẳng làm nên trò trống gì”;  “sự hèn yếu, vô tích sự/ những câu thơ lạc lõng/ thẹn thùng vứt qua ngoài cửa sổ” (Hãy...). Những suy nghiệm đầy day dứt về nghiệp viết, được chuyên chở qua tứ thơ về đề tài cây cỏ, lá hoa xung quanh, nếu đọc lướt thơ Hồ Sĩ Bình, ta dễ dàng bỏ qua. Hãy đọc thật chậm rãi, để nhận ra sức sống dạt dào của thơ khi người viết biết “refresh” lại mình “mùa xuân đã về chớm nụ/ như cỏ hoa phương thảo tự làm mới mình/ gửi lại tin yêu sau những cửa sổ mệt mỏi khép kín mùa băng giá” (Hương xuân).

Để thi ca luôn tươi mới, là mạch nguồn ngọt ngào cho tâm hồn độc giả, mỗi nhà thơ phải là “con ong rừng siêng năng” đi hút mật, dâng cho đời phần tinh túy nhất. Và khi nhận biết “ngọn đèn dầu đã hết lửa”, con người luôn tha thiết với thi ca ấy đối diện với chiếc bóng của chính mình để truy vấn lương tâm, “tự thương mình chạm mặt đêm đêm/ đuổi hình bắt bóng/ những câu thơ hai mặt/ không thuộc về mình/ ném vào khoảng vắng” (Bài thơ viết giữa rừng). Thơ Hồ Sĩ Bình chuyển tải những gửi gắm, suy nghiệm về cuộc đời và thơ ca qua việc vận dụng tối đa vốn sống từ những chuyến rong ruổi. Anh tìm tòi những cách biểu đạt riêng biệt qua việc đa dạng bút pháp, thể thơ; giọng điệu phiêu bồng, lãng đãng; song ngôn từ thơ đâu đó còn chút dư vị cổ xưa của một hiệp khách “mỏi vó tang bồng”.

Tiếp xúc với những vần thơ của Hồ Sĩ Bình ở tập sách Ngày sinh của Gió, người đọc sẽ hiểu thêm chiều sâu nội tâm của một người thơ sống trầm lặng, kín đáo nhưng luôn đăm đắm với khát vọng sáng tạo, khao khát vượt lên những ràng buộc hệ lụy để dâng đời những đứa con tinh thần đầy ý nghĩa và mặc dù“đôi khi ngại những con đường/ không đi hết mê say” .

N.T.T.T