Tôi yêu Sơn Trà - Trần Trung Sáng

05.05.2016

Tôi yêu Sơn Trà - Trần Trung Sáng

Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà được chính thức thành lập từ năm 1989 (Quyết định số 2062/QĐ-UB ngày 12/9/1989 của UBND tỉnh Quảng Nam -

Đà Nẵng (cũ)) trên cơ sở chuyển đổi Khu rừng cấm bán đảo Sơn Trà (theo Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 24/01/1977 của Thủ tướng Chính phủ). Bên cạnh đó, nơi đây còn là một phần của Vùng sinh thái Trường Sơn - một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu, là nơi trú ngụ của nhiều loài sinh vật độc đáo nhưng đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa.

Thế nhưng, trong suốt nhiều năm qua, nhất là kể từ khi thành phố Đà Nẵng được tách thành thành phố trực thuộc Trung ương, mặc dù các cơ quan chức năng không ngừng triển khai  các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, rừng cấm bán đảo Sơn Trà vẫn ngày một bị thu hẹp và các loại động vật quý hiếm tại đây không ngớt bị xâm hại…

 

Khi rừng sinh thái bị thu hẹp

Theo ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), những ngày đầu thành lập Khu bảo tồn Bán đảo Sơn Trà, diện tích rừng đặc dụng rộng gần 4.400 ha thì nay chỉ còn gần 2.600 ha. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2016, qua thông tin do quần chúng phản ảnh về các vụ phá rừng, các ngành chức năng tiến hành kiểm tra và ghi nhận, đã có ít nhất 1.000m2 rừng bị chặt hạ. Sự việc này đồng nghĩa với việc hằng ngày nơi đây không còn thấy đàn voọc chuyền cành, tìm về kiếm thức ăn như trước.

Ông Trần Hữu Vỹ cho biết: “Kết quả nghiên cứu của GreenViet và các tổ chức trong những năm qua, đặc biệt là từ tháng 12.2015 đến nay cho thấy, tại khu vực rừng vừa bị xâm hại có 7 đàn voọc với khoảng 75 cá thể chà vá chân nâu sinh sống. Số cá thể này chiếm gần 1/3 tổng số cá thể voọc hiện có tại bán đảo Sơn Trà (khoảng hơn 300 con). Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy khu vực tiểu khu 62 thuộc phía tây bắc bán đảo rất phù hợp cho đàn voọc cư trú với các yếu tố về thành phần thức ăn, vị trí hẻm sâu để tránh gió, ít bị tác động... Thông tin quan trọng này, GreenViet cũng đã báo lên các cơ quan chức năng của thành phố. Vụ việc chặt phá rừng tại khu vực đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quần thể voọc mà cụ thể là 75 cá thể đã di chuyển đến nơi khác. Hiện chúng tôi vẫn chưa ghi nhận được đàn voọc quanh vị trí khu vực này và lân cận. Chúng tôi sẽ giám sát hành tung đàn voọc cũng như xác định lại thời điểm đàn voọc có thể sẽ trở lại”.

Đáng lưu ý, trong năm 2015, tại Sơn Trà xảy ra 2 vụ voọc bị bắn chết. Qua quá trình điều tra, lực lượng chức năng xác định trong tháng 3-2015, một nhóm người cùng trú tại xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đến khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Đà Nẵng để săn bắt động vật hoang dã. Các đối tượng này đã bẫy được 2 cá thể linh trưởng và 4 động vật khác gồm 2 con mang, chồn và sóc. Mục đích của những đối tượng này là săn bắt động vật hoang dã và bán kiếm tiền, nhưng đến thời điểm bị phát hiện nhóm vẫn chưa bán được cá thể động vật rừng nào. Do vậy, cả nhóm đã giết số động vật hoang dã để ăn, còn lại phơi khô, riêng cá thể linh trưởng được lóc thịt phơi khô, xông khói cất giấu trong lán trại.Theo kết luận giám định động vật số 245 ngày 3-4-2015 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, một phần cơ thể động vật gồm đầu, ngực, lưng, bụng, 8 chi động vật gồm 4 chi trước và 4 chi sau là của cá thể Voọc chà vá chân nâu. Ngày 6-4-2015, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn ra quyết định khởi tố hình sự "Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm" và chuyển vụ án cho Công an quận Sơn Trà điều tra xử lý.

Cách đây không lâu, một cá thể Khỉ vàng cũng đã bị xe cán chết. Trong khi đó, hiện nay, tại Sơn Trà đang phát triển nhiều cơ sở kinh doanh như quán nhậu, cà phê... Khách du lịch tự do ra vào gây ồn ào cũng có nguy cơ gây căng thẳng cho đàn voọc, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chúng về lâu dài.

Ông Trần Hữu Vỹ nhận định: “Theo tôi, việc cần nhất là cho ngành chức năng và các đơn vị có chuyên môn điều tra lại hiện trạng quần thể Voọc chà vá chân nâu và môi trường sống của chúng tại bán đảo Sơn Trà. Cùng với đó, thành phố cần thực hiện gấp quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của địa phương theo quy hoạch tổng thể của quốc gia. Ngoài ra, cần sớm xây dựng và đi vào thực hiện cơ chế đồng quản lý rừng và đa dạng sinh học tại bán đảo Sơn Trà để qua đó, các đơn vị như: kiểm lâm, UBND phường, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch, các đơn vị liên quan, đơn vị chuyên môn... phối hợp với nhau quản lý tốt hơn”.

Chị Nguyễn Mỹ Dung (Mzung), nhà làm phim độc lập, cộng tác viên báo chí về vấn đề bảo tồn, môi trường hiện đang làm việc ở Ai Cập, trước những thông tin về việc rừng và động vật hoang dã tại Sơn Trà đã bức xúc nói với chúng tôi: "Rất hiếm có nơi nào có một bán đảo xanh với hệ sinh thái nằm trong lòng phố được như Đà Nẵng. Để các loài động vật chung sống chan hòa giữa thế giới con người trong thời hiện đại quả thật là điều không dễ, nhưng không có nghĩa là quá khó. Ở Ecuador, người ta dành hẳn một khu vực ngay trung tâm cho thằn lằn khổng lồ sưởi nắng mà không cần người canh giữ. Hay ngay nước gần Việt Nam, Cambodia có vườn cây giữa lòng đô thị là nơi dành cho loài dơi lớn làm nhà. Những người trẻ ở Việt Nam nhờ có mạng xã hội phát triển, họ được tiếp xúc nhiều với thông tin và đã bắt đầu quan tâm nhiều đến các vấn đề mang tính toàn cầu. Các vụ phá rừng, săn đuổi tận diệt thú hoang dã ở rừng Sơn Trà gần đây đã được giới trẻ trong nước quan tâm hơn bao giờ hết. Nhưng nếu mới chỉ có chính quyền lập vành đai bảo vệ, nhà bảo tồn, trí thức và giới trẻ quan tâm không thôi thì chưa thể đủ cứu được Sơn Trà. Bởi nguyên nhân dẫn đến cơn hấp hối rừng này là do nạn săn trộm. Thợ săn dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư vì mối lợi trước mắt đều xuất phát từ tầng lớp lao động phổ thông chưa được giáo dục về môi trường và pháp luật. Tôi chờ đợi một chiến dịch toàn diện về chỉnh sửa ý thức".

Tiếng kêu cứu từ Facebook

Cần nhắc lại, vụ xâm hại rừng Sơn Trà bắt đầu thực sự được đánh động từ tiếng kêu cứu trên Facebook của một thành viên tổ chức bảo vệ voọc trên bán đảo Sơn Trà: Bùi Văn Tuấn, trưởng phòng nghiên cứu khoa học Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet). Anh Tuấn cho hay, vào cuối năm 2015, khi Tuấn cùng anh em đi thực địa ghi nhận phân bố của đàn voọc ở khu vực tiểu khu 62 tình cờ phát hiện người dân chặt cây mở đường, anh đã điện thoại báo ngay cho các đơn vị liên quan biết sự việc để giải quyết. Tuy nhiên vào thời điểm ấy, khu vực rừng này đang trong thời gian “giao thoa” quản lý giữa kiểm lâm và chính quyền địa phương. Thành phố Đà Nẵng vừa quy hoạch khu vực này về địa phương, giao đất cho dân trồng rừng làm kinh tế, sự việc xảy ra đúng thời điểm hai bên nhận bàn giao trên giấy tờ, chưa vào giai đoạn bàn giao thực địa. Anh Tuấn nói: “Lên xuống vài lần, đơn thư anh em cũng đã gửi đi nhiều nơi, nhưng chưa thấy hồi âm thì vào những ngày sau tết lại xuất hiện lán trại kiên cố trong khu vực này. Không những vậy mà có tới hai khu vực rộng lớn hơn 7 ha bị chặt dây leo và cây bụi đổi từ màu xanh sang màu đỏ khiến chúng tôi không thể nào tìm thấy voọc ở đây. Khi tôi vào đây trò chuyện với những người giữ lán trại thì được biết họ không phải người địa phương, mà chỉ là những người được thuê phát băm rừng. Họ không biết gì về khu rừng này nên nhóm bếp ngay cạnh những đống dây leo khô khiến tôi và mọi người lo xảy ra cháy rừng”. Nhận thức rằng, không thể cứ để tình trạng phá rừng này kéo dài mãi, Tuấn và anh cùng nhóm bàn nhau đưa sự việc lên Facebook để đánh động mọi người cùng vào cuộc. Để có chứng cứ xác thực, Tuấn cùng anh em lặn lội vào tận lán trại quay phim, chụp ảnh rồi mô tả toàn bộ hiện trạng khu vực này. Từ nickname Tuan GreenViet trên Facebook, thông tin được đăng tải với hàng chục bức ảnh rừng bị xâm hại khiến cư dân mạng phẫn nộ, dẫn đến sự quan tâm “nhập cuộc” xử lý của các cấp chính quyền. Kết quả là Cục Kiểm lâm Việt Nam, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và

Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, Chi cục Kiểm lâm và Hạt Kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, đã làm rõ những cá nhân thiếu trách nhiệm, cách chức Hạt trưởng, Hạt phó Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cũng như luân chuyển toàn bộ kiểm lâm viên đang công tác tại đây.

Tôi yêu Sơn Trà

Góp phần vào việc chung tay bảo vệ môi trường và các động vật quý hiếm rừng Sơn Trà, trong những ngày đầu năm 2016, lần đầu tiên tại Đà Nẵng, Trung tâm Văn hóa thành phố phối hợp cùng Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng và CLB Nhiếp ảnh nghệ thuật sông Hàn đã tổ chức cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật về hệ sinh thái rừng Sơn Trà, với 104 bức ảnh chụp về các loài động, thực vật được trưng bày ở chân cầu Rồng để người dân và khách du lịch có dịp chiêm ngưỡng. Triển lãm có nhiều tác phẩm sinh động về các loài khỉ vàng, khỉ mặt đỏ và đặc biệt là Voọc chà vá chân nâu, loài được mệnh danh là “nữ hoàng linh trưởng” có nhiều ở đỉnh Sơn Trà.

Nhà nhiếp ảnh Thái Quán Chúng cho hay, từ đầu năm 2010, anh mới bắt đầu tìm hiểu và chụp về các loài khỉ ở Sơn Trà. Từ đó, tuần nào anh cũng đi năm, bảy chuyến lên núi để ngắm khỉ. Có hôm lên xuống hai lần trong một ngày. Anh nói, trong các loài có ở Sơn Trà thì khỉ vàng là nhát nhất, thấy tiếng động là lập tức núp vào lùm cây. Còn Voọc chà vá chân nâu thì khá thân thiện với người. Chúng có bộ lông và khuôn mặt rất đẹp. Muốn gặp được khỉ thì nên đi vào hai thời điểm từ 8-9 giờ sáng và 3- 4 giờ chiều. Đây là hai thời điểm khỉ thường ra theo đàn để kiếm ăn và chơi đùa. Các thời điểm khác, con người rất khó thấy được chúng. Anh Huỳnh Anh, Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh sông Hàn cho biết, các loài khỉ khá hiếu động. Người chụp có thể may mắn bắt được ngay khoảnh khắc ưng ý nhưng có khi phải mất hàng tháng, thậm chí cả năm trời đội nắng mưa mới có được tác phẩm ưng ý. Khỉ thường đi theo đàn và thân thiện với con người nên có những hôm lên đến đỉnh mà chẳng thấy mặt mũi chúng đâu, anh đều có linh cảm chuyện chẳng lành đã đến với chúng. Thường thì khi thấy người, cả đàn sẽ ló đầu chăm chú nhìn, thậm chí còn trêu chọc người. Nhưng có những lúc năm sáu hôm liền không thấy chúng xuất hiện thì  biết đêm hôm trước, đã có người lạ mặt săn bắt chúng.

Đặc biệt, hành trình “Tôi yêu Sơn Trà” được tổ chức lần đầu vào tháng 8-2013, nhằm giới thiệu vẻ đẹp độc đáo của các loài động thực vật và quần thể Voọc chà vá chân nâu đến đông đảo du khách đặt chân đến Bán đảo Sơn Trà, đến nay lại càng được nhiều người quan tâm hơn. Vào 14 giờ các chiều chủ nhật hằng tuần, tại Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh - GreenViet (K39/21 Thành Vinh 1, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), tất cả những ai quan tâm đều có thể tham gia chương trình hoàn toàn miễn phí.  Anh Bùi Văn Tuấn người đưa ra sáng kiến trên, cho hay, suốt những năm qua, đơn vị đã tổ chức hơn 50 hành trình “Tôi yêu Sơn Trà” với gần 1.000 người tham gia, trong đó đa phần là các bạn học sinh, sinh viên đang theo học

tại các trường trên địa bàn thành phố

Đà Nẵng. Ngoài việc khám phá Sơn Trà, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài động vật hoang dã được mệnh danh là nữ hoàng của các loài linh trưởng thì “đi bộ nhặt rác” là một phần không thể thiếu của chương trình ý nghĩa này. Nhặt rác là một trong những hoạt động cụ thể nhằm kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ hệ sinh thái tại bán đảo Sơn Trà bằng những việc làm thiết thực nhất. Bên cạnh đó, thành viên tham gia hành trình “Tôi yêu Sơn Trà” cũng được đội ngũ cán bộ, nhân viên tại GreenViet truyền đạt những kiến thức về đa dạng sinh học, về Voọc chà vá chân nâu, tránh các hành động xâm hại không gian sống các loài động vật hoang dã, nâng cao ý thức của mọi người trong việc bảo vệ, giữ gìn hệ sinh thái.

Một chi tiết khá thú vị, trong thiệp chúc mừng năm mới Bính Thân 2016 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, ở trang 2 in bức ảnh "Gia đình nhà Voọc" và thông tin ngắn gọn về loài Voọc chà vá chân đỏ.  Chia sẻ về ý nghĩa tấm thiệp, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói: “Voọc chà vá chân đỏ là loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ vô điều kiện. Những thông tin về loài Voọc chà vá được in ngay trên tấm Thiệp chúc tết, tôi mong muốn gửi đến mọi người một lời chúc năm Bính Thân an khang, thịnh vượng; đồng thời gửi thông điệp về việc chung tay bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm này. Với danh hiệu “nữ hoàng” của các loài linh trưởng, Voọc chà vá hoàn toàn có thể trở thành một con vật biểu trưng của Đà Nẵng, giống như vượn cáo của Madagascar hay chuột túi ở Úc”.

Với những tình cảm hưởng ứng, đồng thuận của đông đảo từ người dân đến các cấp lãnh đạo của thành phố, phải chăng đã đến lúc Đà Nẵng cần tạo ra một công viên quốc gia mới cho Việt Nam, một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch, bản đồ bảo tồn sinh học của thế giới trên cơ sở bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có những chú Voọc - báu vật của núi rừng Sơn Trà một cách

bền vững.

 

Với đặc trưng 5 màu, Voọc chà vá chân đỏ (hay còn gọi là Chà vá chân nâu hoặc Voọc ngũ sắc) được tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng cư trú trong rừng sâu bởi vẻ đẹp khác thường của nó. Loài này thuộc danh mục nhóm IIB ở mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam và tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện. Hiện ở Sơn Trà có khoảng 530 cá thể, chiếm tới 83% số lượng Voọc trong thiên nhiên được biết đến trên thế giới. Theo số liệu khảo sát nghiên cứu, theo dõi của Tổ chức bảo tồn Voọc chà vá quốc tế và theo các nghiên cứu được công bố mới nhất của nhiều chuyên gia trong nước cho thấy, trong khi loại linh trưởng này có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới, thì tại bán đảo Sơn Trà lại đang phát triển ổn định.

Được phát hiện nghiên cứu từ năm 1969, đến nay đã có nhiều đoàn nghiên cứu khảo sát trong và ngoài nước thực địa để tìm hiểu sâu về loài linh trưởng quý hiếm đặc biệt này. Nhiều đoàn làm phim trong và ngoài nước cũng đã đến đây, vì vậy hình ảnh loài Voọc chà vá chân nâu tại núi Sơn Trà đã được thế giới biết đến rộng rãi.

Tuy nhiên, với sự phát triển kinh tế, xã hội mạnh mẽ của thành phố trong thời gian gần đây, trong đó có ngành du lịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của loài linh trưởng này. Trước thực trạng đó, chính quyền thành phố đã yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng phối hợp với Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà, các bãi biển du lịch Đà Nẵng và các đơn vị có liên quan trong quá trình nghiên cứu, rà soát quy hoạch tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà cần lưu ý đến vấn đề bảo tồn loài voọc chà vá, đa dạng sinh học và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời vận động người dân địa phương từ bỏ tập quán săn bắt chim, thú và lấy củi tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.

Gần đây, đồ án Quy hoạch bán đảo Sơn Trà do Skidmore, Owings & Merrill LLP (SOM) thực hiện cho thành phố Đà Nẵng đã được Giải thưởng về Thiết kế vùng & đô thị năm 2014 của Hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ (American Institute of Architects). Một trong những nguyên nhân quan trọng để đồ án nhận được giải thưởng này là đã đề xuất một loạt những chiến lược nhằm nâng cao vị thế của Sơn Trà như một điểm đến cho du lịch sinh thái đồng thời bảo vệ những tài sản thiên nhiên độc đáo.

T.T.S