Lá thư người lính biển - Đình Hiệp
Năm ấy tôi tròn mười sáu tuổi.
Buổi sáng tôi thức dậy với một cảm giác lâng lâng khó tả.
Lá thư làm quen ấy vẫn còn nằm lặng im trên bàn học không có lời phúc đáp.
Tôi là vậy đó. Rất bướng bỉnh và kiêu ngạo.
“Anh là lính biển, anh ôm sóng gió để giữ bình yên cho đất liền, vùng đất quê hương thân yêu của mình”.
Một bức thư làm quen vừa thật thà vừa lạ lẫm. Tôi không trả lời mặc dù cuối bức thư có ghi rõ:
“Nếu hồi âm hãy gửi thư theo địa chỉ Nguyễn Thanh Hòa, tiểu đoàn…”.
Tôi đã đọc quá nhiều những lá thư làm quen như thế.
Sáng nay trời đẹp, nhưng tôi đến lớp với tâm trạng buồn thiu vì hôm qua con mèo cưng vô tình nhảy qua bàn học làm vỡ lọ hoa xinh xắn, món quà của con bé bạn thân tặng nhân dịp tôi tròn mười sáu tuổi. Mười sáu tuổi, đó là mốc thời gian đáng nhớ của tuổi trẻ, tuổi bắt đầu biết mộng mơ, biết yêu thương và cảm nhận về cuộc sống như người ta thường nói “Trăng lên mười sáu trăng tròn”...
“Hôm nay cậu lại có thư đấy. Tớ ghen tỵ với cậu quá”.
Đứa bạn thân bất thần la lên làm tôi giật mình trở về với thực tại.
Nó lôi từ trong cặp ra một lá thư nhàu nhĩ giống như là đã qua tay rất nhiều người trước khi đến được với tôi. Nét chữ bên ngoài phong thư không đẹp nhưng nắn nót và quen thuộc. Nhận lấy lá thư bằng một thái độ hững hờ, tôi cho vào cặp xách, xem như không có chuyện gì xảy ra.
Năm ấy tôi mới mười sáu tuổi. Tôi không thể trả lời hết tất cả những bức thư gửi tới làm quen được. Tôi có quá nhiều điều phải mơ ước hơn là ngồi hì hụi viết thư trả lời cho một anh chàng không quen ở một nơi xa xôi như vậy.
Những lá thư tiếp theo vẫn tới đều đều vào những tuần sau đó. Giống như một sự cho đi mà không đòi hỏi gì. Có lúc rảnh rỗi và tò mò, tôi mở ra đọc dưới ánh sáng nhờ nhờ của bóng đèn con nơi góc bàn học.
“Ngày ngày anh cùng các đồng đội đi tuần tra trên đảo. Cuộc sống tuy vất vả nhưng rất vui. Anh em rất yêu thương và đùm bọc lẫn nhau...”.
Những bức thư gửi đến đều đều và nhiều tới mức làm cho tôi dần chán ngắt và bắt đầu quên đi. Trong ngăn bàn học, những lá thư ngày một dày thêm lên và nằm lặng im...
Cuộc sống của tôi vẫn cứ trôi đi trong sự bình yên và đầy đủ. Những lá thư từ biển vẫn cứ trôi dạt đến nhưng tôi không còn quan tâm đến nữa mặc dù tôi vẫn nhận và cho vào ngăn tủ như là ban phát sự an ủi cho một kẻ bất hạnh.
Nửa năm qua đi, tôi vẫn nhận được thư như thường lệ. Tôi nhận lấy cho vào ngăn tủ như mọi ngày. Nhưng những tuần sau đó và cả những tháng sau đó những bức thư không gửi đến nữa làm cho tôi bắt đầu để ý. Tôi lục tìm lại lá thư gửi tới gần đây nhất mới nhận ra lá thư ấy là của một người khác bởi nét chữ hoàn toàn khác lạ.
“Gửi em gái.
Anh là đồng đội và cũng là bạn thân của anh Hòa.
Hôm qua trong lúc đi tuần trên biển, bọn anh đã đụng độ với bọn cướp và phải chống trả quyết liệt mới khống chế được bọn chúng. Tuy nhiên một số đồng đội đã anh dũng hy sinh. Anh Hòa cũng đã ngã xuống để bảo vệ biển đảo mà anh ấy xem như máu thịt mình. Trước lúc hy sinh, anh ấy có nhờ anh gửi cho em một nhành rong biển nhỏ...
Anh thương tiếc báo tin buồn cho em biết”.
Dưới đáy phong thư có một nhành rong biển nhỏ còn đượm mùi vị ngai ngái mặn mà của biển. Cảm giác khó tả bất chợt dâng lên trong tôi. Tôi lục tìm lại những lá thư mà anh đã gửi và bắt đầu đọc với tâm trạng rối bời của một đứa con gái mới lớn.
“Anh muốn dành cho em một món quà thật đậm đà của biển. Vì anh biết chắc em cũng yêu biển như anh yêu biển vậy. Mấy ngày hôm nay cứ buổi chiều tối vào giờ nghỉ, anh lại chạy ra biển lặn tìm cho em một nhành rong biển vì anh nghĩ rằng đó chính là hồn của biển. Nó chỉ sống ở dưới đáy biển, nó cũng yêu biển như anh và em...”.
Tôi cầm nhành rong biển săm soi và nghĩ về những điều anh viết... Tôi lại giở ra một lá thư khác trước đó khoảng hai tuần lễ.
“Anh yêu đất nước mình như yêu biển. Chiều chiều anh ngồi trên mỏm đá lớn giữa biển khơi mênh mông này nhìn vào đất liền để thấy nó vẫn bình yên trong vòng tay của biển. Biển ồn ào nhưng cũng có lúc bằng an như lòng anh vậy. Anh đang sống với biển, sống vì biển và vào một ngày anh muốn được tan ra cùng biển để làm một con sóng nhỏ nhẹ nhàng vỗ vào bờ để thấy hơi ấm của quê hương, nơi anh vẫn thường nhìn về với bao mơ ước”.
Tôi lại tiếp tục mở ra một lá thư khác.
“Lần đầu tiên anh đọc được một bài viết về biển thật sâu sắc và cảm động, đó là bài TRÁI TIM CỦA BIỂN… đêm đêm anh vẫn hằng mơ về trái tim ấy”.
Đọc đến đây, tôi nhận ra đó là tiêu đề bài viết của tôi đã được đăng trên một tờ tạp chí cách đây nửa năm về trước.
Hòa đã chết. Vậy là con sóng không còn vỗ vào bờ nữa.
Năm ấy tôi mười sáu tuổi.
Đ.H