Nhớ người chăm sóc tiếng hát Hoa phượng đỏ đất Quảng - Trương Đình Quang
Nhân dịp kỷ niệm một năm Ngày mất Nhạc sĩ Thái Nghĩa (15/5/2015 - 15/5/2016), tạp chí Non Nước trân trọng giới thiệu bài viết “Nhớ người chăm sóc tiếng hát Hoa phượng đỏ đất Quảng” như một nén tâm nhang nhớ về anh - một nhạc sĩ gắn bó với âm nhạc Quảng Nam, Đà Nẵng, nguyên là Ủy viên Ban thường vụ Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng.
Trước năm 1975, theo gia đình vào sống ở Nha Trang, khi chưa là nhạc sĩ, với bút danh Thái Bá Trung, hoạt động trong phong trào học sinh - sinh viên "bảo vệ văn hóa dân tộc", "hát cho đồng bào tôi nghe", Thái Nghĩa đã sáng tác. Anh viết Huyền sử ca Việt Nam (liên ca khúc); Em đi đó, bình minh reo trong em; phổ nhạc Hòa bình cho Việt Nam (thơ: Nguyễn Đắc Xuân); Mùa xuân của những người bất khuất (thơ: Đông Trình) v.v...
Hòa bình vui không em, sao ta thấy tim ta nở hoa
Độc lập vui không em, sao ta nghe tim ta vang ngàn lời ca
Ta đưa em đi qua con phố đông người, buổi sớm mai rợp trời cờ đỏ
Niềm vui xôn xao Nam Bắc một nhà...
(trích từ Hòa bình cho Việt Nam)
Trái tim còn lưu luyến giai điệu của tuổi con nít:
Ánh trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
ôm một mối mơ...
(trích từ Thằng Cuội của Lê Thương)
- Tuổi tí con chi?
- Tuổi tí con chuột
- Con chuột nó kêu làm sao?
- Con chuột nó kêu chút chít
- Chút chít chi mày...
(đồng dao Xứ Quảng)
Sau tháng 5/1975, Thái Nghĩa về lại đất Quảng. Từ giữa năm 1976, là thanh niên xung kích, lên rừng với bà con lập vùng kinh tế mới, xuống biển trồng phi lao chắn gió, rồi đi đào mương dẫn nước về đồng, đắp đập cứu ruộng đồng chua mặn..., đi vào đời sống với những người lao động, tâm hồn anh luôn ngân vang giai điệu, chan chứa niềm ao ước được viết, nhưng còn băn khoăn vì tay bút chưa vững vàng.
Đầu năm 1978, anh về làm việc ở Đài phát thanh TNVN tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, là biên tập viên chương trình phát thanh nông nghiệp.
Với những ca khúc của mình thời tranh đấu, Thái Nghĩa lọt vào mắt xanh của người phụ trách đài. Từ đầu năm 1980, anh bị "ép" làm biên tập viên chương trình văn nghệ. Không từ chối được tạm bằng lòng với nghiệp vụ mới, dành tay trái cho ca khúc. Từ năm 2000, anh là Trưởng ban văn nghệ Đài phát thanh - truyền hình thành phố Đà Nẵng.
Việc biên tập khá bề bộn, chiếm nhiều thời giờ. Nhiều đề tài ấp ủ trong tâm trí thôi thúc Thái Nghĩa thể hiện.
Anh ngợi ca quê hương đổi mới (Điện sáng làng định cư; Tiên Phước một miền quê) theo thơ của Ngân Vịnh, về người lao động ngành cá (Yêu biển yêu thuyền, viết với Trần Ái Nghĩa), về tình người với cây rừng (Thao thức với rừng), Sông Hàn trong tôi, Cảm tác Ngũ Hành Sơn (Thơ: Lê Thị Thu Sinh) - rômăngxơ Cành hoa..., cùng với niềm say mê lớn, là sáng tác cho thiếu nhi.
Điệu lý quê hương sau ngày giải phóng
nâng bước em đi trên đường ước vọng
đọng trên cánh cò bay bổng bên ni, bay bổng bên tê...
(trích từ Điệu lý quê em)
Nghe lứa tuổi búp trên cành hát ca khúc của Thái Nghĩa: Âm vang điệu lý, Sắc bùa, Tiếng chim chích chòe, Tiếng hát tuổi thơ, Em dâng hoa tượng đài thành phố, Múa hát dưới tượng đài người mẹ..., ta nhận biết khúc thức gọn, chặt, giai điệu đẹp, trau chuốt, phát triển từ chất liệu âm điệu dân gian (lý, hò, vè của quê hương), trên thang âm dân tộc (chen kẽ, lồng điệu), lời ca gần gũi với phong cách đồng dao (khéo gieo vần, dễ hiểu), hòa hợp với tình cảm và nhịp điệu cuộc sống hiện nay:
Việc nặng phần mẹ
Việc nhẹ phần con
Khi làm, con hát véo von
Con luôn vui khi giúp mẹ...
(trích từ Vui khi giúp mẹ)
Nhân dịp đi vào đời sống của các dân tộc K'tu, K'dong, P'nông, để nghiên cứu về nghệ thuật cồng chiêng, Thái Nghĩa viết cho các em. Những ca khúc: Miền núi nhắn về; Chim Ch'rao vui hót; Suối ơi, đừng có ngủ ngày; Hoa rừng tặng những bé ngoan..., thoang thoáng chất liệu k'lêu, cachoi... tình cảm hồn nhiên, dễ thương, trong sáng. Nét luyến láy, bước nhảy quãng, tiết tấu mang màu sắc riêng của từng dân tộc, chứng thật ý thức cẩn trọng của nhạc sĩ trong sáng tạo.
Nhắn với bạn miền xuôi
trăm lời người miền núi
trong như trăm con suối
ngát hương như cánh rừng
Con suối nào về xuôi
không mang tình miền núi
Non cao bao nhiêu lối
nhớ thương nhau bấy nhiêu...
(trích từ Miền núi nhắn về)
Ít ai có thể nghĩ rằng các em Y Phương, Y Hương, Y Vac (dân tộc P'nông) ở Khâm Đức, Phước Sơn, P'long Thép, Lưu Hương (dân tộc K'tu huyện Giằng), Arất Đốt, P'lông Zơrâm, Br'iu Gừng (dân tộc K'tu huyện Hiên) chưa rành nói tiếng Việt, đã được Thái Nghĩa phát hiện có giọng hát tốt, dàn dựng thành công nhiều ca khúc mang bản sắc dân tộc, giúp cho tiếng hát các em bay cao bay xa trên làn sóng phát thanh của tỉnh, của đài TNVN v.v..., đoạt giải thưởng cao trong các mùa hội diễn Hoa phượng đỏ toàn quốc. Ngày nay, trong số ấy, nhiều em trở thành cô giáo, thầy giáo dạy văn hóa và mang tiếng hát về cho buôn làng. Thái Nghĩa lại tìm kiếm, giới thiệu những búp trên cành mới cho phong trào.
Anh đã nhận được những phần thưởng cao quý: Huy chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng, Huy chương vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam, Huy chương vì thế hệ trẻ, Huy chương vì sự nghiệp phát thanh - truyền hình. Là người chăm sóc tiếng hát Hoa phượng đỏ trên làn sóng phát thanh của tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, anh cũng thật xứng đáng với những giải thưởng cao cho ca cảnh "Âm vang điệu hát sắc bùa" và chương trình ca nhạc chủ đề "Một miền quê em yêu" (gồm 6 ca khúc) tại Liên hoan truyền hình toàn quốc của các năm qua.
T.Đ.Q