Thánh vật - Bùi Tự Lực
Khu đất rộng gần hai héc ta ở ngã tư Nguyễn Thị - Ngô Đức quá lý tưởng. Dân kinh doanh bất động sản dù có nằm mơ cũng không thể với tới được.
Đó là khu “đất vàng” của thành phố: Vuông vức bốn mặt tiền, chung quanh là những dãy phố cư dân ổn định, lại nằm dọc theo đại lộ sáu mươi mét vươn ra biển.
Trong dự án “Khu Đô thị Tây Phú”, khu đất vàng ấy được quy hoạch để xây dựng một trường học, nhưng chủ đầu tư chê nhỏ. Ban Quản lý điều chỉnh ưu tiên hình thành một công viên du lịch biển. Một ý tưởng vì dân sinh như vậy, mà suốt nhiều năm nay bị buông trôi, bỏ hoang hóa cho cỏ mọc.
Khu đất vàng giữa lòng thành phố bị bỏ hoang phế, trách nhiệm thuộc về ai?
Không thể biết?
Đất vô chủ thì những người vô gia cư, các hộ nghèo khó, người kinh doanh… đến làm chủ. Vậy là khu lều quán vỉa hè tạm bợ bốn phía mặt đường lần lượt mọc lên. Mạnh ai nấy làm, không cần xin cho phép tắc gì cả.
Hai bên đường ngang, một bên là dãy quán bún, cà phê buổi sáng ở phía trước, phía sau thả dây bí, giàn bầu. Một bên là quán nhậu vỉa hè và ga ra ô tô, bãi xe du lịch. Dọc mặt tiền đại lộ là các điểm rửa xe bơm dầu mỡ. Khu trung tâm làm chòi gỗ cốp pha, tập kết phế liệu, ve chai và cả… chuồng vệ sinh công cộng.
Tất cả các loại hình kinh doanh tự phát hợp thành một quần thể “siêu thị” dã chiến siêu lộn xộn.
Những hộ dân chung quanh lúc đầu nhìn thấy hơi chướng mắt muốn lên tiếng. Bị người ta phủ đầu, “Đất của chùa chứ của chi ông mà nói!”.
Thành của chùa rồi, can thiệp rách việc! Lặng im liền!
Mấy bác hưu trí còn máu nóng đệ trình ý kiến với chính quyền địa phương. Ông chính quyền ngồi nghe rồi phủi tay. Khu vực giáp ranh giữa hai phường thuộc hai quận. Họ đùn đẩy cho nhau thành “cha chung không ai khóc”!
Địa bàn vô chính phủ! Vậy thì thiên hạ cứ tung hoành!
Các bác lắc đầu an ủi nhau: Tuy nhốn nháo, lộn xộn nhưng toàn những việc làm lương thiện, vì kế mưu sinh. Vẫn văn minh hơn là thành bãi rác, khu chăn thả bò, “trường đua” cho lũ chó mèo và nơi trú ngụ lý tưởng của lũ chuột cống, chột đồng; là “bãi đáp” cho các thành phần bất hảo ma túy, xì ke.
Trong khung cảnh cơ man lộn xộn ấy, chẳng mấy ai để ý đến sự xuất hiện một túp lều. Gọi túp lều thì hơi quá. Đó chỉ là tấm bạt cũ mèm chăng dưới gốc trụ điện chỗ góc ngã tư. Một khoảnh rộng chừng vài mét vuông đủ trải chiếc chiếu cho một người nằm. Trong góc để một cái bao tải căng phồng không biết dồn nhét những gì trong ấy. Bên cạnh cái thau nhôm đựng mấy cái ca, cốc chén bằng nhựa và một vài thứ linh tinh thuộc đồ phế liệu.
Không thấy chủ nhân đâu cả?
Chủ nhân tấm bạt đã về! Một bà lão tay cầm mấy cái vỏ lon bia, dẫn theo bên cạnh một con chó vàng choai choai. Mõm con chó cũng ngậm một cái vỏ lon nước ngọt.
Một bóng người, một bóng con chầm chậm nghiêng nghiêng tựa vào nhau bước trong nắng chiều vương trên phố!
Bà lão dáng người cao cao nên nhìn hơi gầy, nhưng bước chân còn mạnh khỏe, nhanh nhẹn. Nước da đen giòn. Gương mặt góc cạnh, nhiều nếp nhăn, rất khó đoán tuổi chính xác. Ít nhất cũng phải ngoài bảy mươi. Nổi bật trên gương mặt của bà là đôi mắt có đuôi, thường gọi là mắt phượng, sáng quắc như mắt người Ấn Độ và hàng chân mày vắt ngang dài như hai nét vẽ.
Thời còn trẻ chắc bà lão là một người phụ nữ hồng nhan!
Mọi người thắc mắc không biết bà lão từ đâu đến, nhân thân như thế nào? Mấy người hay đi buôn gánh bán bưng nói rằng, bà lão này xuất hiện ở đây lâu lắm rồi. Từ thời thành phố này còn trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, người ta đã thấy bà.
Cuộc sống của bà gắn liền với vỉa hè, có thể gọi là “dân du mục đường phố”.
Bà lão ở không cố định, thường chọn một góc phố vắng treo tấm bạt, trải chiếc chiếu là thành nơi ga thân tạm trú. Gia tài của bà gói gọn trong cái bao tải và một vài thứ linh tinh đựng trong cái thau nhôm méo mó.
Khi trời nắng bà ở dưới tấm bạt, mưa vào núp dưới các mái hiên. Nơi nào bình yên thì bà ở lâu, còn tỏ thái độ khó chịu hay xua đuổi thì bà lão đi tìm chỗ khác.
Bà lão sống bằng việc đi lượm lặt ve chai. Lon, ca, nhôm, nhựa... gặp gì nhặt nấy. Sáng dậy sớm đi nhặt, chiều về đem bán cho mấy bà đồng nát dạo. Tối che bạt trải chiếu ngủ vỉa hè, mờ sáng dậy dọn dẹp “phi tang” dấu vết.
Không biết bà lão ăn uống ở đâu và vào lúc nào. Ai thương tình cho gì bà nhận chứ tuyệt đối không xin bao giờ.
Nhiều người hỏi bà về quê hương, gia đình? Bà bảo không nhớ. Sống lang bang thế thì nuôi chó làm gì? Bà trả lời là đâu có cố ý nuôi mà do nhặt được. Bà thương con chó theo sống với bà nó cũng khổ lây. Có nhà xin nuôi, bà đồng ý cho. nhưng nó không chịu ở nhà người. Con chó cứ quấn theo bà như thế thành đôi bạn, buồn vui, đói rét có nhau.
Hỏi về con chó, bà kể:
Một hôm bà vào bãi rác đi vệ sinh, thấy con gì đang bò lổm nhổm, tưởng là mèo chuột sục sạo kiếm ăn. Bà lại xem, thấy con chó vừa bò vừa run, thoi thóp thở. Thấy tội nghiệp quá bà bồng nó về. Toàn thân nó từng mảng tím bầm, trên đầu có một vết rách. Bà lão thoa dầu, lau rửa vết thương, lấy quần áo cũ quấn cho nó nằm, tìm sữa đổ cho nó uống. “Chó liền da, gà liền xương”. Thế là nó sống và ở luôn với bà, gắn bó như hình với bóng.
Bà lão đặt tên nó là Vàng. Vàng lông chứ không phải vàng bạc châu báu. Bà đi đâu nó đi theo đó. Bà nằm ngủ nó khoanh dưới chân. Bà ngồi nhặt nhạnh đồ phế liệu, nó ngồi bên cạnh canh chừng. Bà ăn gì nó ăn nấy. Không bao giờ con Vàng rời xa bà lão dù nửa bước.
Duy nhất có một cử chỉ rất lạ: Khi bà lão đứng gần nói chuyện với ai, là con Vàng lùi ra đứng xa xa, chừng năm bảy bước. Nó đứng rướn cổ nhìn bất động, bốn chân choãi ra, hai chân sau nhún nhún như lấy đà, trong tư thế sẵn sàng phóng tới. Con Vàng đang cảnh giác bảo vệ bà lão chủ nó.
Hôm ấy bà lão ngồi phân loại mấy thứ phế thải nhặt được chuẩn bị đem bán. Con Vàng nằm gác mõm bên cạnh như mọi khi.
Một cô gái tre trẻ đi ngang qua thấy bà lão và con chó. Cô ta qua lại vài lần rồi dừng xe bước lại gần bà lão. Con Vàng liền đứng dậy lùi ra như mọi lần.
Vẻ mặt lấm lét sợ sệt. Cô gái hỏi bà lão:
- Bà ơi! Con chó này bà nuôi lâu chưa ạ?
- Chó của bà! Mắc mớ chi mà cháu hỏi? Muốn mua về nuôi à?
- Dạ không! Cháu thấy con chó này quen lắm, giống y con My ở gần nhà cháu. Nhưng con My ấy chết rồi!
Bà lão hơi chau mày, hỏi lại vẻ điềm nhiên:
- Tại làm sao con chó chết?
Cô gái nán lại kể cho bà lão nghe chuyện về con My:
“Cháu ở cách đây hai con phố. Cận kề nhà cháu có vợ chồng ông Tiến sĩ tu nghiệp bên Pháp về. Họ công tác ở Viện Khoa học - Công nghệ. Một cặp vợ chồng trí thức rất chuẩn bà ạ! Trông họ na ná như hai anh em. Giống nhất là da trắng hồng, áo quần bảnh bao, tóc tai mướt rượt. Dáng đi lúc nào cũng vội và mỗi người đều đeo một đôi kính cận rất nặng. Mắt kính dày cộp như cái đít chai!
Nhà họ khá lắm! Hai vợ chồng cưới nhau lúc đã đứng tuổi rồi, nhưng lại rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn. Nghe đâu ông Tiến sĩ là con trai độc nhất trong gia đình. Họ chạy chữa khắp mọi nơi, Đông - Tây - Ta - Tàu cả chục năm trời; trăm phương nghìn kế, trần tục tâm linh cầu cúng đủ cả. Tiền của bỏ ra như núi. Nhưng đành bó tay than ngắn thở dài lo tuyệt tự tông đường.
Thật kỳ lạ bà ạ! Chạy chữa chán chê cũng công cốc. Nản quá! Họ tuyên bố thả tay tập trung lo cho khoa học. Ấy thế mà... lại được!”
Bà lão quá sốt ruột. Cô gái kể hơi rề rà, thỉnh thoảng lại liếc ngang nhìn bà lão và con Vàng. Bà lão cũng ậm ừ lấy lệ đưa chuyện.
Cô giái kể tiếp:
“- Bà Tiến sĩ hạ sinh được một thằng cu bốn ký lô. Quý hơn cục vàng. Đặt tên là Phước.
Được vàng đấy nhưng cũng không may bác ạ! Sau lần sinh ấy, bà Tiến sĩ trải qua một ca phẫu thuật rất khó khăn. Phải lách qua một cửa tử rất hẹp. Và bà vĩnh viễn không còn sinh nở được nữa.
Ngày làm thôi nôi thằng cu Phước, vợ chồng Tiến sĩ về quê ngả lợn thết đãi họ hàng, mở tiệc linh đình ăn mừng, vui như hát bội; mời cả khu phố đến chè chén, nghe nhạc sống, hát ka-rao-ô-kê.
Nhân dịp này, bà nội cu Phước từ trên núi Trà My bồng ra cho cháu đích tôn một con cún có tên là My - cùng tuổi với thằng cu Phước. Đây là giống chó quý ở vùng Sơn cước. Giống chó rừng thuần chủng, dễ nuôi, dễ dạy, mau khôn, biết vâng lời và tuyệt đối trung thành với chủ. Đặc biệt nó có bản năng học cách canh phòng cẩn mật, phân biệt người ngay kẻ gian và giữ trẻ rất an toàn.
Từ ngày có con My, nhà ông Tiến sĩ yên tâm hơn, có thể mở cổng cả ngày. Cổng mở là con My biết nhiệm vụ của nó. Con My không nằm le lưỡi chình ình giữa cửa chắn lối và gầm gừ khi có người lạ xuất hiện như các con chó khác. Mà nó tìm chỗ ẩn mình đâu đó. Không tiếng động nhẹ. Không tiếng gầm gừ. Không bao giờ nghe nó sủa. Khi có người lạ (đoán chắc là kẻ gian) xuất hiện muốn vào nhà con My bất ngờ hiện đứng đối đầu, cách một khoảng vừa tầm nhảy và nhún chân chuẩn bị lấy đà lao tới.
Con My thực sự là người bạn tuổi ấu thơ của cu Phước. Cu Phước ngủ trên võng, con My ngồi chống chân bên cạnh canh chừng. Có khi người lớn chăm cu Phước buồn tình ngủ theo, con My đến cào vào chân đánh thức dậy.
Khi cu Phước bò, con My cũng bò theo kề bên. Một bước cu Phước bò tới, thì cũng một bước con My thụt lùi. Cu Phước hiếu động bò ra bậc thềm sắp lăn xuống hè à! Khỏi phải lo. Con My đã nhanh hơn nhảy ra chặn lối “hừm” một tiếng. Ngay lập tức cu Phước thụt lui. Cả nhà hay nói đùa một cách âu yếm rằng, “Đôi bạn ấu thơ Phước-My!”
Nhà liền kề, hôm nào rảnh rỗi cháu thường sang chơi. Chơi với chúng nó vui lắm bác ạ! Mỗi con cún giống như một đứa trẻ con, mỗi đứa trẻ con như một con cún. Từ ngày con My mất nhà cu Phước buồn xo. Nhà luôn đóng cổng. Bà nội về quê. Ông bà Tiến sĩ phải thuê người giúp việc. Cháu cũng ít khi sang bên ấy chơi.”
Bà lão tỏ ra sốt ruột, muốn đẩy nhanh câu chuyện, hỏi tắt ngang:
- Thế tại sao con My chết hả cháu?
Cô gái kể tiếp:
“- Tội nghiệp lắm bà ơi! Mới đó mà cu Phước đã biết chạy chơi. Chiều hôm ấy không hiểu tại sao mà cu Phước được ra đứng ở vỉa hè. Chắc là đợi ba mẹ đi làm về. Con My vẫn ở bên cạnh. Phía bên kia đường có nhóm trẻ đang nô đùa với những chiếc bong bóng bay ngũ sắc. Một bé gái cầm cái bóng bay màu đỏ tách nhóm ra vẫy gọi:
- Ê em Phước! Sang đây chị cho nè!
Thấy mấy cái bong bóng bay hấp dẫn vẫy gọi, Cu Phước bước xuống đường chạy qua. Ngay lập tức con My lao theo cắn vào ống quần kéo lại. Cu Phước mất đà té đập mặt xuống đường khóc thét lên. Cũng là lúc xe ông bà Tiến sĩ vừa về đến cổng.
Mũi miệng cu Phước tươm máu tươi.
Bà Tiến sĩ hét lên:
- Con chó vồ chết cu Phước rồi! Bà con ơi! Hãy cứu con tôi với!
Bà Tiến sĩ vừa la hét thất thanh vừa hoảng hốt nhào tới ôm con đi cấp cứu.
Mặt ông Tiến sĩ hằm hằm. Con My bị bóp cổ lôi vào nhà. Một cơn mưa đòn giáng xuống con My. Vớ được thứ gì ông Tiến sĩ quật thứ nấy. Con My cứ nằm sấp câm lặng chịu trận.
Thương con My bị đòn oan, nhiều người lên tiếng bênh vực nó. Chính cháu cũng a vào can ngăn ông Tiến sĩ, van nài khẩn khoản:
- Chú ơi! Đừng đánh nữa! Không phải con My vồ cu Phước đâu! Nó kéo cu Phước lại không cho chạy sang đường đấy mà! Chú ơi đừng đánh nó nữa!
Nhưng lúc giận mất khôn! Ông Tiến sĩ không còn nghe thấy được gì nữa! Sự can ngăn của mọi người, cùng với sức ì “lì đòn” của con My càng kích thích cơn tức giận và sự hung hăng đang cháy bùng trong người ông.
Ông Tiến sĩ túm chân con My xách ngược lên, vớ được cái bơm xe đạp. Và một cú quật trời giáng vào đầu con My; kèm theo những tiếng nghiến rít qua kẽ răng “Cho mày lì này!”
Con My lè lưỡi.
Mắt mở thô lố.
Vài nhịp thở thoi thóp rồi tắt hẳn.
Con My đã chết!
Ông Tiến sĩ vội vàng phóng xe xuống bệnh viện thăm con, tiện đường ông kẹp theo xác con My đem đi. Không biết ông đem đi đâu. Cũng có thể ông ấy đem ném vào chỗ mấy cái lò quay cầy nơi đầu phố cũng nên!
May mà Cu Phước chỉ bị rách sơ cánh mũi, sây sướt nhẹ và dập môi. Bác sĩ cho xuất viện về nhà ngay tối hôm ấy. “Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột!”. Không nên trách cứ gì ông bà Tiến sĩ. Trong mắt họ lúc ấy, con My chỉ là con chó, đã đe dọa đến sinh mệnh cu Phước - Một báu vật “độc đinh” của dòng họ!
Cháu cảm thấy thương con My bị chết oan, muốn tìm đem chôn nó kẻo tội.
Khi nghe cháu hỏi nơi vất xác con My, ông Tiến sĩ dẫn cháu ra bãi rác chỉ chỗ. Cháu đến tìm nhưng không có. Chắc xác con My bị con gì tha mất rồi!
Trên đường trở về nhà, ông Tiến sĩ lặng im như hạt thóc. Sắc mặt hơi buồn. Chắc đến khi hồi tâm lại, ông đã ân hận về cách hành xử quá tay của mình với con My. Nhưng mọi việc đã muộn quá rồi!”
Nghe xong câu chuyện cô gái kể, bà lão nói một cách bình thản:
- Con Vàng này tôi cũng nhặt được ngoài bãi rác ấy đấy. Chắc nó chính là con My đấy cô ạ! Cô thử gọi tên và lại với nó coi!
Cô gái làm theo lời bà lão đưa tay vẫy và gọi:
- My! My ơi lại đây!
Con Vàng đứng dậy vẫy đuôi. Nhưng khi cô gái tiến đến gần, nó liền quay lưng bỏ đi.
Bà lão tỏ ra thông cảm và có lời chia sẻ với cô gái:
- Con My ấy không chết là nhờ có phúc đức cháu ạ! Giờ là con Vàng của bà. Nó vẫy đuôi như vậy là đã nhớ và nhận ra cháu rồi đấy! Vì cháu không phải chủ nên nó không theo. Cháu hãy về nói với ông Tiến... gì đó, đến đây đón con chó về nuôi đi! Gọi là hồi tâm chuộc tội mà!
Giọng cô gái se lại:
- Không được đâu bà ơi!
Im lặng một lúc lâu, cô gái mới thổ lộ tiếp:
- Mấy tháng sau, ông Tiến sĩ bị tai biến mạch máu não ngay giữa Cuộc Hội thảo khoa học, bàn về bảo vệ động vật hoang dã. Nghe nói di chứng để lại khá nặng: Quảng đời còn lại gắn chặt với chiếc xe lăn. Nghe được! Hiểu hết! Nhưng không biết nói! Và cũng không biết viết!
Dứt câu nói, cô gái nhìn bà lão chăm chăm.
Bà lão không nhìn cô gái mà dán mắt vào đống ve chai, đưa tay ra hiệu cô gái cúi sát xuống.
Bà lão ghé tai cô gái nói nho nhỏ:
-Bị Thánh vật rồi! May mà cao số lắm mới còn được như thế đấy!
Cô gái đột ngột chào tạm biệt bà lão, rồi đề máy xe phóng đi như muốn trốn chạy!
Đà Nẵng, tháng 3 năm 2016
B.T.L