Hành trình tôi yêu Sơn Trà - Chi Dao

05.05.2016

Hành trình tôi yêu Sơn Trà - Chi Dao

Chiều ở Sơn Trà xuống rất nhanh, khi chiếc xe máy của chúng tôi chỉ mới vượt qua được vài đoạn dốc uốn lượn trên đường trở về. Ánh hoàng hôn được lọc qua tầng mây, hắt xuống mặt biển một màu tím sẫm và thu hút ánh mắt chúng tôi về hướng mông mênh đó. Và hơn cả thế, chúng tôi phát hiện một chú voọc lớn... ồ không, còn có một chú voọc thứ hai, nhỏ con hơn và khuất trong bóng cây ngược sáng, đang ngồi vắt vẻo nhai lá trên chạc cây khá gần đường. Một khung cảnh thanh bình thôi thúc chúng tôi phải dừng lại và tận hưởng thành quả của một buổi chiều chơi trò trốn tìm cùng những chú voọc Sơn Trà.

Hành trình Tôi yêu Sơn Trà được Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Green Việt tổ chức vào các chủ nhật hằng tuần đang dần thu hút được sự tham gia của các bạn trẻ yêu thiên nhiên. Không chỉ ghé thăm các địa điểm quen thuộc của Sơn Trà, tình nguyện viên của chương trình chia sẻ rất nhiều thông tin về Nữ hoàng Linh trưởng - voọc chà vá chân nâu và cung cấp ống nhòm để các quan sát viên có thể thấy được những chú voọc nhút nhát luôn dè chừng và giữ khoảng cách rất xa với con người. Chuyến đi để lại ấn tượng mới mẻ cho các bạn trẻ về sự hiện hữu xa lạ của một thế giới riêng những gia đình voọc, một thế giới yên bình ẩn sâu trong khu rừng của bán đảo Sơn Trà.

Chuyến đi thông thường bắt đầu từ lúc 2 giờ chiều đến nhá nhem tối để có thể bắt gặp những gia đình voọc đi kiếm ăn. Lộ trình sẽ ngắn hơn nếu đi theo tuyến Tiên Sa - rẽ phải từ đường Yết Kiêu đoạn gần cảng Tiên Sa lên Sơn Trà. Tuy nhiên, nếu không có “thổ địa” hướng dẫn, cũng không dễ để bắt gặp gia đình nhà voọc. Xác định thời gian và địa điểm sinh học là một trong những cách tìm thấy nơi tập trung của đàn voọc. Loài linh trưởng ngũ sắc xinh đẹp này chỉ sống trên những tầng cây cao hoặc tầng vượt tán và ăn lá non hoặc quả xanh của các loài thực vật đặc trưng của rừng mưa nhiệt đới. Các loại cây như chò dẻ, trám, lò bo, sến, đa là những món ăn khoái khẩu của chúng. Vào mùa khô, voọc ăn ở đâu sẽ ngủ lại ở đó nhưng vào mùa mưa, chúng sẽ đi kiếm ăn và quay về ngủ ở một nơi tránh rét an toàn. Vì vậy, những chú voọc có thể gặp nguy hiểm khi di chuyển giữa các sinh cảnh bị chia cắt do việc mở đường. Thỉnh thoảng, các thành viên tham gia hành trình sẽ bắt gặp những chú voọc mon men tìm cách băng đường để xuống các khoảng rừng bên dưới. Và đó cũng là lúc chúng ta được quan sát chúng gần nhất.

Thông thường, các quan sát viên phải sử dụng ống nhòm để quan sát đàn voọc từ khá xa, trong khi chúng vẫn đang rất cảnh giác ngồi im và quan sát lại những vị khách lạ tò mò. Nếu may mắn được tiếp cận gần hơn với một đàn voọc, khách tham quan phải tuyệt đối giữ yên lặng, họ cũng có thể làm theo một số động tác của loài voọc như gãi tai, gãi đầu để thu hút sự chú ý của chúng và trấn an chúng với sự thân thiện của mình. Màu sắc trang phục cũng khá quan trọng để giúp đàn voọc cảm thấy yên tâm, các màu gần với thiên nhiên, màu đen nên được chọn thay vì màu trắng hoặc các màu sặc sỡ. Ngoài ra, phải tắt chế độ flash của máy ảnh nếu muốn chụp ảnh. Đó là những gì bạn sẽ được dặn dò trước cuộc hành trình.

Hành trình của chúng tôi may mắn trong một ngày nắng đẹp, trời trong phản chiếu một màu biển xanh mát ở chân núi Sơn Trà. Tuy nhiên, những cuộc nghiên cứu, khảo sát diễn ra bất kể thời gian, cũng có những chuyến hành trình trong đêm hoặc trong những ngày giá lạnh khi mây và sương trắng trùm lên đỉnh và sườn núi Sơn Trà. Lúc đó, người tham gia có thể trải nghiệm cảm giác “lạnh đến mức tiếng nói vừa phát ra nếu như không đông đặc và rớt xuống chân ngay lập tức thì cũng bị gió thổi bay tan tác” và tầm nhìn chỉ đủ để thấy người ngay trước mình.

Sau vài cung đường, chúng tôi đến được sườn núi hướng biển với khoảng rừng khá rộng phía dưới con đường. Chuyển động bất thường của một cụm cây xanh mướt báo hiệu sự xuất hiện của những chú voọc. Quả thật, sau một hồi điều chỉnh tiêu cự ống nhòm và cẩn thận quan sát, tôi thấy một chú voọc đang ngồi trên một ngọn cây. Chú ta cứ ngồi như thế và hướng tầm mắt về phía chúng tôi. Có thể đó là một con đực đầu đàn, nhận biết bởi cái bụng tròn to và dáng ngồi bệ vệ ở vị trí cao vượt hẳn lên so với đàn, những chú voọc nhỏ con hơn vừa xuất hiện gần đó trong tầm mắt của chúng tôi. Ấn tượng nhất đối với nhóm quan sát, đến mức cả bọn phải cố kiềm nén tiếng reo lên, là khi chú voọc thực hiện bước nhảy ngoạn mục với khoảng cách có thể đến 8m. Sắc lông hung đỏ nổi bật khi nó tung người vào không trung và lẹ làng xoay người 90 độ để tạo thế thuận lợi tiếp cận điểm đáp.

Khi tiếp tục cuộc hành trình quan sát, chúng tôi bắt gặp một đàn voọc  gồm 5 thành viên với những chiếc đuôi trắng thõng xuống từ một cây lớn gần đường, chúng tôi còn được nghe những âm thanh giao tiếp rộn ràng từ chúng. Có lẽ là một thông báo về sự xuất hiện của người lạ chăng?

Trường hợp gặp người lạ và cảm thấy sự đe dọa, loài voọc hiền lành, nhút nhát sẽ áp dụng phương pháp “tẩu vi thượng sách” bằng cách tản đi tứ hướng và giữ yên lặng chỉ sau một vài giây. Mặc dù khá tài tình nhưng cũng có lúc, những chiếc đuôi trắng dài đến 60 - 70cm vô tình tố cáo chúng. Đúng như chúng tôi vừa quan sát! Chẳng lạ mà Voọc chà vá chân nâu còn được gọi bằng cái tên ngộ nghĩnh là con “giấu đầu hở đuôi”.

Tuy nhiên, phản ứng của đàn Voọc tùy thuộc khá nhiều vào con đực đầu đàn. Nếu đó là một con đực nhiều năm tuổi và đầy kinh nghiệm, nó có thể có một đối sách dữ dằn hơn. Trước sự thể hiện bản lĩnh đó, những thành viên còn lại trong gia đình sẽ di chuyển trật tự đến các vị trí để theo dõi tình hình. Anh Bùi Văn Tuấn, chuyên viên nghiên cứu của Green Viet, với nhiều lần thực hiện những chuyến đi rừng khảo sát đã chia sẻ một kinh nghiệm nhớ đời khi bị “đe dọa” bởi một con Voọc đầu đàn “rất hay nổi giận và hung hăng”. Nó chạy nhanh quanh đàn, nhe răng và ném các cành khô xuống đất. Việc tồi tệ cuối cùng mà nó có thể làm là bất ngờ chọn một vị trí rất cao trên ngay trên đầu của một thành viên nhóm nghiên cứu và rồi... đái, ỉa xối xả xuống bên dưới!

Anh cũng chia sẻ và khiến chúng tôi say mê về tập tính gắn kết của gia đình nhà Voọc mà anh cùng nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu và đúc kết qua những hành trình băng rừng lội suối, xuyên ngày xuyên đêm trước đó ở Sơn Trà. Không chỉ là những cá thể duyên dáng trong bộ lông ngũ sắc, Voọc chà vá chân nâu là những thành viên đoàn kết trong gia đình của nó và tuân phục con đầu đàn.

Voọc đực trưởng thành làm chủ gia đình nhỏ của nó với khoảng 3 - 7 thành viên, gồm các bà vợ và các con. Nó phải chịu trách nhiệm bảo vệ vợ con mình trước những mối đe dọa hoặc những con Voọc đực trưởng thành độc thân khác. Trong gia đình voọc, trong khi voọc bố dạy dỗ các con mình những kỹ năng như kêu để đe dọa, kêu khi lạc bầy, kỹ năng tìm kiếm thức ăn, cách di chuyển, cách phát hiện kẻ lạ... Voọc mẹ ẵm bồng, bú mớm cho con non trong suốt 3 năm trước khi giao lại chúng cho các ông bố. Rất quen thuộc trong hành trình là cảnh các voọc mẹ luôn ẵm và chở che cho con mình trước bụng.

Và cũng giống như con người, khi voọc đực con trưởng thành, chúng cần tìm kiếm bạn đời và phát triển gia đình riêng. Những gia đình mới này sẽ cần không gian riêng khoảng 1km2 cho các hoạt động kiếm ăn, nghỉ ngơi, chơi đùa... Tình hình sẽ xấu dần đi với nhà voọc nếu các hoạt động làm đường và khai thác du lịch tiếp tục gây chia cắt, thu hẹp không gian sống của chúng.

Nếu như các hành trình trekking hoặc chương trình du lịch đang được khai thác ở bán đảo Sơn Trà chưa thật sự quan tâm đến vấn đề bảo tồn, “Hành trình tôi yêu Sơn Trà” yêu cầu ý thức trách nhiệm của người tham gia trong việc bảo vệ loài Voọc Sơn Trà đang hứng chịu các mối đe dọa từ con người.

Sự đa dạng của hệ động thực vật, những điều tuyệt diệu đang ẩn sâu bên dưới những cánh rừng có thể được khám phá trong những chương trình khảo sát chuyên sâu hơn cùng các nhà nghiên cứu trong một nhóm không quá 3 người được huấn luyện kỹ càng. Những chuyến xuyên rừng như thế này có thể trở thành nguồn gây quỹ cho nhiều hoạt động bảo tồn hiệu quả và ý nghĩa hơn nữa. Những chiếc nấm phát sáng trong đêm, một bông hoa cực đại, đỏ chói hay những chú ếch suối với sắc lưng óng ánh là những kiệt tác chỉ có thể được khám phá trong rừng sâu, sẽ mang đến cảm nhận trọn vẹn về Sơn Trà, một kho báu vô giá và mong manh gần kề phố thị.

 C.D