Một số đặc điểm từ ngữ địa phương trong ca dao Quảng Nam - Nguyễn Nho Khiêm
Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam, nên ngay từ nhỏ việc nghe và nói tiếng Quảng cảm thấy rất bình thường. Nhưng khi lớn lên, thông qua đọc sách và tiếp xúc với nhiều người ở các vùng miền khác nhau tôi lại thấy tiếng Quảng thật lạ và độc đáo. Và tôi lại càng yêu tiếng Quảng nhiều hơn từ giọng nói đến cách dùng từ đặc sệt quê kiểng. Tiếng Quảng và tiếng phổ thông có những lớp từ ngữ đặc thù Quảng Nam, là lớp từ của người Quảng Nam sử dụng có ý nghĩa tương đương với từ ngữ phổ thông.
Do khuôn khổ có hạn, tôi đưa ra một số từ và ngữ đậm chất Quảng Nam trong lời ăn tiếng nói hằng ngày và trong ca dao, mang tính gợi mở chứ không đi sâu phân tích, khảo sát nguồn gốc, ý nghĩa của các từ ngữ địa phương.
- Danh từ: Sự khác nhau giữa danh từ địa phương và danh từ toàn dân chỉ một sự vật nào đó không theo một quy luật nhất định, nhiều danh từ hoàn toàn không giải thích được, tuy nhiên, có thể nhận thấy việc đặt tên khác nhau cho cùng một sự vật chủ yếu là do cách quan sát đặc điểm bên ngoài, công dụng, tính chất các sự vật, hiện tượng đó: cây xấu hổ/ cây trinh nữ, đũa trui/ đũa bếp... Có nhiều từ do quá trình biến âm mà hình thành: dèo/diều, đờn/ đàn, đêm túi/ đêm tối, đàng/ đường... Phần lớn các danh từ địa phương rất khó giải thích vì tính võ đoán của ngôn ngữ như: Ghe/ thuyền, rạ/ thủy đậu, quảy/ đám giỗ...
Trong ca dao Quảng Nam có nhiều câu dùng danh từ địa phương rất đặc sắc: Con ơi con ngủ cho ngon/ Để mẹ phơi lại mấy ang lúa này; Tiếng đồn chàng là trai anh hùng đáng chữ trượng phu/ Gánh hai cặp ảng nhắt bốn cái lù phải không; Tay cầm bánh tráng nương nương/ Miệng kêu tay ngoắt bớ người thương uống nước chiều; Dừng chưn đứng lại hỏi thăm/Hỏi người bạn cũ có mối tơ tằm mô chưa?
- Động từ: Động từ trong tục ngữ, ca dao Quảng Nam góp phần làm phong phú thêm vốn động từ trong ngôn ngữ toàn dân (Rị/ kéo, ghế/ độn, ních/ ăn, huơ/ vẫy, bện/ bím, dan/ phơi, lia/ ném, báng/ húc, Đừa/ lùa, Hun/ hôn, Lượm/ Nhặt, Ơm/ ôm, Quảy/ gánh, Quăng trái /vứt, ném, Dí/ đuổi... Tuỳ theo ngữ cảnh, người sử dụng chọn từ địa phương hoặc từ toàn dân để diễn đạt. Ví dụ động từ “dan/ phơi” (phơi nắng hoặc dan nắng). Đối với người Quảng, trong giao tiếp hằng ngày đều dùng cả từ địa phương và từ toàn dân chỉ một hành động nào đó, phù hợp với từng ngữ cảnh, từng hoàn cảnh cụ thể. Từ địa phương tồn tại song song với từ toàn dân, không loại trừ lẫn nhau.
Trong ca dao Quảng Nam có nhiều câu sử dụng động từ địa phương như:
- Vọt vô thành nội mở cửa tam quan
Chơi mai cùng liễu, dộng chuông vàng em có hay không.
- Tay bưng đĩa muối mà lầm
Vừa đi vừa húp té ầm xuống mương.
- Một mâm năm bảy thứ ngon
Dượng ghẻ ních hết để con nhịn thèm.
- Ngó lên Hòn Kẽm, Dá Dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi...
- Tính từ: Từ vựng tính từ biểu hiện trong ca dao dưới nhiều sắc thái, làm cho sự vật hiện tượng hiện lên đa dạng, tạo ấn tượng mạnh mang đậm bản sắc địa phương:
Anh đi cây cải mới gieo
Anh về cây cải cù queo trong vò
Thương nhau giọt lệ chảy dài
Thương chùng nhớ lén một, hai ngày cứ thương
Xưa rày dặn dịu vườn lê
Không ghé thăm bạn bạn đề ta thôi
Trai don don gặp gái don don
Cũng như đôi đũa vót tròn, lau trơn
Ăn thì lựa miếng cho ngon
Chơi thì lựa chỗ cho giòn mà chơi.
Duyên em bán thiệt ba trăm
Anh mua chi nổi mà hỏi thăm cho nhộn nhàng.
Từ ngữ địa phương trong văn học cũng như trong giao tiếp hằng ngày có sắc thái riêng, đáp ứng nhu cầu sử dụng, nhu cầu biểu đạt những nét tinh tế trong tâm hồn, tính cách của một vùng đất.
- Đại từ nhân xưng: Trong ca dao Quảng Nam đại từ nhân xưng chủ yếu là những từ phổ thông hiện nay như tôi, anh, em, cô, cha, mẹ..., trong đó có một số từ xưng hô mang dấu ấn riêng như các cách xưng hô sau: Bậu, nậu, nẫu, qua, ổng (bả, ảnh, chỉ...), tui, tao, bạn, nàng, chàng, mình... Các cách xưng hô này không chỉ xuất hiện tại Quảng Nam mà xuất hiện cả vùng phương ngữ Nam bộ. Trong ca dao Quảng Nam các từ bậu, nẫu, tui, ổng, qua, bạn, nàng có tần số xuất hiện nhiều hơn các từ tao, ảnh, chỉ...
Bậu là đại từ nhân xưng ngôi số 2 số ít, có nghĩa tương đương với từ bạn, anh, em, nàng:
Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rời bậu ra
Bậu ra cho khỏi tay qua
Cái xương bậu nát, cái da bậu mòn
Sự lặp lại từ là một nghệ thuật nhấn mạnh của tác giả, tuy nhiên ta xét tại sao trong câu ca dao này lại xuất hiện đại từ “bậu” mà không xuất hiện đại từ tương đương khác. Khi chọn từ để sử dụng, điều đầu tiên tác giả quan tâm là từ đó phải phù hợp với ngữ cảnh. Nếu chọn các đại từ bạn, em, nàng chỉ khi nào tình cảm của hai người “thuận buồm xuôi gió”, tình yêu chớm nở hoặc đang độ mặn nồng. Nhưng khi tình yêu của hai người đi vào bế tắc, yêu thương có thể chuyển thành căm giận, hoặc hai người đang trục trặc, hiểu lầm về tình cảm thì từ “bậu” mới phù hợp với trạng thái tình cảm đó.
Đại từ Qua (tôi), được ca dao sử dụng phổ biến ở ngôi thứ nhất số ít. Từ qua, dựa theo yếu tố đồng âm (qua có 2 nghĩa: tôi, hoặc đến) người ta thường sử dụng nghệ thuật chơi chữ “Hôm qua qua bảo qua qua mà qua không qua/ Hôm nay qua bảo qua không qua mà qua lại qua”.
Câu ca dao “Con thời giống mẹ giống cha/ Giống em chín rưỡi giống qua mười phần”. Trong cách xưng hô, người Quảng Nam rất ít sử dụng đại từ nhân xưng “tôi” trong các quan hệ tình cảm với người thân hoặc với người mình yêu. Đối với quan hệ nam nữ, khi tình yêu chín muồi họ mới xưng anh - em hoặc ta - mình. Còn khi mới gặp gỡ làm quen họ thường chọn từ “qua” để xưng hô.
Trong một số trường hợp ca dao dùng từ “tui” thay cho từ “tôi”: “Tui như chiếc đũa lẻ đôi/ Dời chân cất bước lần hồi lui ra”. Tui là từ biến âm của từ tôi, khi sử dụng tui là thể hiện sự thân thiện, gần gũi trong các mối quan hệ.
Chỉ ngôi thứ 3 số nhiều, tiếng địa phương có 2 từ là Nậu và Bạn. Nậu dùng để chỉ một nhóm người ở xa đang làm một công việc gì đó. Còn Bạn cũng chỉ một nhóm người đang làm một công việc gì đó, nhưng bản thân người xưng hô cũng là thành viên hoặc quan hệ thân thiết với nhóm đó. Ca dao có câu: “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên” hoặc “Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”. Hai câu ca dao hoàn toàn giống nhau, nhưng tùy theo cách dùng “nậu” hay “bạn” ta biết mối quan hệ của người xưng hô đối với nhóm. Từ địa phương hay dùng từ “đi bạn” nghĩa đi làm với một nhóm người (buôn có bạn, bán có phường); “Đừng chê bạn rỗi hôi tanh/ Có nhờ bạn rỗi mới thành bữa cơm”.
Ca dao Quảng Nam còn nhiều cách xưng hô rất đa dạng, mỗi cách xưng hô đều gắn liền với một trạng thái tình cảm nhất định. Đặc biệt hiện tượng biến các ngữ thành các từ nhân xưng, mang tính chất lâm thời có nhiều nét thú vị: ổng - ông ấy, ảnh - anh ấy, chỉ - chị ấy, bả - bà ấy, cổ - cô ấy, cẩu - cậu ấy (Ông già ổng ở dưới mương/ Ổng thấy con gái ổng trườn ổng lên). Ca dao địa phương Quảng Nam không thấy xuất hiện từ địa phương chỉ nơi chốn nói rút gọn như ở Nam bộ: trỏng- trong ấy, bển - bên ấy, trển - trên ấy, ngoải - ngoài ấy).
- Bên cạnh việc sử dụng các từ địa phương nêu trên, người Quảng còn sử dụng nhiều cụm từ (ngữ) trong sinh hoạt hằng ngày như: Ba tếch ba toác: tính cách không sâu sắc, bắt loạn: rất nhiều, bắt chết: mức độ cao, cường độ mạnh, bắt ngã đạn: hết sức ngạc nhiên, cu nu cúm núm: khúm núm, cứng đửng đưng: cứng và thẳng, cứng đơ đơ: cứng và thẳng, nói chận ngọn: nói ngừa trước, nói chận họng: nói làm cho người nghe tức tối, nói trật cuống họng: nói sai sự thật, nói như bù chao: nói lao xao, nói như chạt sành: nói rang rảng, nói hươu nói vượn: nói lung tung không đâu vào đâu, nói xầm xây: nói dai, lẩn quẩn, nói như cối xay cùn: nói lẩn quẩn, nói đi nói lại, lút tù lu: ngập sâu, rúi bòng bong: rối rắm, rối ren, làm dải chài: luộm thuộm, không ngăn nắp...
Ngữ mang tính đặc thù địa phương phổ biến trong giao tiếp hằng ngày, xuất hiện đa dạng trong tục ngữ: Bồi ở lở đi/ Chồng đăng vợ đó/ Đẹp đám xám mặt/ Coi gió bỏ buồm/ trơn tru bạch tuộc/ Đò nào sào ấy/ Củi mục một bè...
Có nhiều ngữ xếp theo từ loại rất dễ dàng, tuy nhiên nhiều ngữ rất khó xếp loại vì mang đậm phương ngữ và hình thành một cách võ đoán trong nhân dân: Chừng mô: khoảng bao lâu, khoảng bao nhiêu; khi không: bỗng dưng; cãi bay đầu: ngữ cố định chỉ đỉnh cao của việc tranh cãi; khi hồi: lúc nãy, cớ mấy: khoảng bao nhiêu, hồi giờ: nãy giờ, hởm rày/ chàu rày: dạo rày, xưa rày: lâu nay.
Các ngữ địa phương thường đúc kết kinh nghiệm sống, kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi mang đậm bản sắc xứ Quảng. Nhờ tính khái quát cao, nên các ngữ có sức sống lâu bền, mặc dù cuộc sống con người luôn phát triển, đổi thay nhưng các ngữ luôn tồn tại và phát triển song hành cùng đời sống người dân.
Qua nghiên cứu từ ngữ địa phương trong tục ngữ, ca dao Quảng Nam, ta thấy hầu hết các từ địa phương đều là những từ mới do nhân dân sáng tạo, vốn từ địa phương này hiện nay người dân Quảng Nam vẫn sử dụng song song với từ toàn dân, góp phần làm phong phú thêm vốn từ ngữ của dân tộc. Các từ cổ, hoặc các từ ảnh hưởng của ngôn ngữ dân tộc Chàm xuất hiện không đáng kể.
Từ địa phương tồn tại song song với từ phổ thông, có nhiều từ trùng khít nghĩa bên cạnh đó nhiều từ có biên độ nghĩa rộng hơn, biểu cảm và biểu nghĩa sâu sắc hơn thể hiện được tâm lý, tình cảm và tính cách người Quảng. Đồng thời, có nhiều từ “đặc thù” của Quảng Nam chưa thấy xuất hiện từ tương đương trong vốn từ toàn dân. Tuy nhiên, xét rộng trên toàn vùng, thì “từ ngữ địa phương Quảng Nam” xuất hiện trên nhiều tỉnh thành khác từ Đà Nẵng vào đến Nam Bộ (cơ bản tiếng Quảng thuộc phương ngữ Nam bộ). Từ ngữ địa phương không khép kín trong một địa phương mà lan rộng trong một vùng phương ngữ.
N.N.K
Trích "Đặc điểm ngôn ngữ văn hóa của từ ngữ địa phương trong tục ngữ, ca dao Quảng Nam"