Tinh thần bi tráng và lý tưởng nhân văn trong trường ca Thu Bồn - Mai Bá Ấn
Thơ ca kháng chiến chống Mỹ nói riêng và thơ ca cách mạng nói chung xem phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp tốt nhất, tuy không phải là duy nhất để phản ánh cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống chiến tranh. Hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã đúc con người Việt Nam thành một khối thống nhất về cả tư tưởng lẫn hành động, vì thế, hầu hết các nhà thơ đánh Mỹ đều phản ánh chiến tranh bằng cái nhìn lý tưởng thông qua những hình tượng lý tưởng. Đó là cuộc chiến đấu không khoan nhượng, một mất một còn dù có phải hi sinh đến giọt máu cuối cùng. Chính cái tầm nhìn chân chính ấy đã khiến thơ ca kháng chiến Việt Nam đầy ắp không khí sử thi. Mà sử thi là bản chất của trường ca, cho nên cái hơi thở hào hùng của cuộc sống kháng chiến đã phả vào trường ca Thu Bồn chất sử thi hoành tráng vừa bi tráng lại vừa rất nhân văn của một thời đại lớn.
1. Chiến tranh - từ lý tưởng đến bản chất
Nếu không có không khí sử thi hừng hực trong những tháng năm chiến tranh gian khó thì Thu Bồn cũng khó có những câu thơ đẫm sử thi và long lanh huyền thoại. Ngược lại, dẫu thời đại sử thi nhưng nhà thơ không nhìn hiện thực bằng tầm nhìn lý tưởng thì chất sử thi cũng mai một đi nhiều. Lý tưởng cuộc sống và lý tưởng nhà thơ cùng gặp nhau đã tạo cho trường ca viết về chiến tranh mang trong nó đầy đủ đặc trưng thể loại mà nó vốn có. Đây là giấc mơ kỳ vĩ của một người con gái (Sao) đang bị xích xiềng ngay tại nhà giam mơ về ngày cưới của chính mình (với người yêu cũng đang bị giam cầm) nơi nhà rông rực tràn ánh lửa: “Sao thấy bóng hình đôi trai gái/ Đầu cắm lông công rực rỡ vành khăn/ Bên ché rượu đầy lũ làng cười nói/ Mấy người già say rượu ngủ lăn// Sao say rồi lũ làng còn ép/ Một cần nữa thôi ngày đẹp của mày/ Ngoài sân đã đâm trâu nướng nếp/ Ai chế nước vào tràn ché cái nhà quay” (Bài ca chim chơ rao). Đó là những con người sống vì lý tưởng và sẵn sàng hi sinh vì lý tưởng chung: "Hãy về đi hỡi người em thiếu nữ/ Đi con đường chiến đấu dài lâu/ Thế phải đứng, anh đứng cho quân thù run sợ/ Anh không bao giờ còn gặp lại em đâu" (Bài ca chim chơ rao). Chung một lý tưởng họ cùng chung một niềm vui trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ hi sinh, bất kể đó là gái hay trai, người già hay em nhỏ: “Tôi chỉ cho em xem khẩu súng sáng ngời/ và chốt lửa trăm quả mìn định hướng/ ơi bàn tay nào hướng đến niềm vui sướng/ điểm một lần trăm khối thuốc nổ tung” (Chim vàng chốt lửa).
Nếu bình tĩnh nhìn lại, ta sẽ thấy, thơ ca kháng chiến chống Pháp chỉ có đôi ba tiếng thơ lẻ dám nói về sự thật của chiến tranh (Quang Dũng, Hữu Loan) còn tất cả đều là những khúc đồng ca lạc quan và ngập tràn lý tưởng. Song đến thơ chống Mỹ, đặc biệt ở trường ca, tình hình đã khác. Cái kinh nghiệm đối mặt với chiến tranh đã giúp cho Thu Bồn có cái nhìn khách quan hơn, hiện thực hơn và cũng chính vì thế mà cuộc sống chiến tranh hiện lên đúng bản chất bi hùng của nó. Trong “Vách đá Hồ Chí Minh”, Thu Bồn đã không ngần ngại để “tên Mỹ mắt xanh” bắn chết hết người này đến người kia (chàng trai I Dót, Ông già tóc trắng và cả đến nhân vật chính Dang Nghi A). Vì sao như vậy? Vì đó mới đúng là chiến tranh, mới đúng là bản chất kẻ thù, mới đúng là lòng trung thành với Bác Hồ không quản ngại hi sinh máu xương của mọi người dân Việt. Ta hãy nghe lời Ông già tóc trắng thách thức kẻ thù sau cái chết của chàng trai I Dót: “Cứ treo xác ta lủng lẳng/ Diều hâu đến rỉa hết thịt da/ Mổ nát buồng tim, hút óc của ta/ Còn hơn tai phải nghe loài rắn rết”. Còn đây là bước đường hành quân cực kỳ gian nan, gian nan như sự thật của những người lính Trường Sơn trong trường ca “Chim vàng chốt lửa”: “mưa tháo lồng trăm con suối chồm lên/ đằng trước có người trôi mất dép!/ bàn chân trần tóe máu trong đêm/ gió thổi cây già buông gánh nặng/ con vượn hú bồng con không chỗ nấp/ nhăn hàm răng chống đỡ một rừng mưa/ cây thu mình giương chiếc bẫy thưa/ nuốt gọn vào lòng trăm cơn lốc”. Cô gái đã hi sinh, trận chiến kết thúc, gạt nước mắt chôn đồng đội, đôi dép những người lính làm ra để tặng em giờ không còn ai mang nữa, cái “bàn chân đẹp” của người con gái làm đoạn thơ bi thương đến nhói cả lòng: “rồi đêm đến với muôn vì sao sáng/ chúng tôi còn lại ba người với đôi dép mới tinh/ chúng tôi chôn những người chiến sĩ hi sinh/ lật từng mặt kẻ thù/ nhưng không tìm ra bàn chân đẹp/ tôi nâng mãi trong tay đôi dép/ bao năm rồi tôi vẫn tìm em/ con chim vàng vẫn kêu trong đêm/ cây chốt lửa/ con chim vàng/ cây chốt lửa”. Cuộc thảm sát đẫm máu của bè lũ diệt chủng ở Campuchia cũng được Thu Bồn tái hiện đúng bản chất man rợ của nó: “Thành phố đen buồn/ thành phố không tiếng hát/ chỉ có loài kên kên rỉa nát những thây người/ Ngày thứ ba tôi thấy máu tươi/ từ những căn nhà chảy ra hẻm phố/ máu tràn ra đại lộ/ máu nhân dân đã đổ dưới cờ tang/ máu nhân dân đương chảy thẳng hàng/ dưới dao búa chày vồ gậy sắt” (Campuchia hi vọng). Nếu không phải là trường ca, rõ ràng đoạn thơ khủng khiếp kia khó lòng tồn tại độc lập. Chính không khí huyền thoại đã nâng cách phản ánh hiện thực chiến tranh của Thu Bồn lên tính sử thi hiện đại cao, đặc biệt là khi nhìn hiện thực bằng cái nhìn lý tưởng.
2. Chiến tranh - từ cái nhìn bản chất đến những chiêm cảm
Phản ánh đúng bản chất dữ dội của chiến tranh giúp cho trường ca mở rộng khả năng tái tạo hiện thực, đồng thời cũng tạo điều kiện để nhà thơ chiêm nghiệm bề sâu của chiến tranh thông qua cảm xúc của mình. Sứ mạng thể loại của trường ca có lẽ chính là ở điểm mạnh này, khi mà thơ trữ tình không đủ điều kiện để bộc lộ hết. Ở trường ca Thu Bồn, ta dễ nhận ra hai tác phẩm chưa đạt đến độ chiêm nghiệm cao về chiến tranh đó là “Bài ca chim chơ rao” và “Vách đá Hồ Chí Minh” được viết ngay thời chiến, những trường ca sau đó (trừ “Người gồng gánh phương Đông” vẫn còn đậm yếu tố cốt truyện), tác giả đã thể hiện rõ những suy tư sâu sắc của mình về chiến tranh và lẽ sống về một thời chinh chiến đã qua. Ta hãy cùng suy ngẫm đoạn thơ này: “làm sao các người có được những lâu đài/ hãy trả lời đi?/ trăm bình nước không thể nào rửa tội/ đừng hòng cãi ta/ mà hãy cúi đầu/ cầm lưỡi cuốc giơ lên làm phép thánh” (Ba dan khát). Vấn đề truyền đạo chân chính và dùng truyền đạo làm công cụ xâm lăng của chủ nghĩa thực dân, đế quốc cho đến nay vẫn còn là những vấn đề nhức nhối và nan giải. Lên án sự xâm lược bằng chiêu bài mê hoặc qua những dòng thơ tâm huyết trên đây quả là nó đã được lọc bằng một sức chiêm nghiệm phi thường mà đầy cảm xúc đớn đau của nhà thơ. Ở “Chim vàng chốt lửa” ta dễ dàng nhận ra kiểu gọi tên chương mang đầy chất suy ngẫm khái quát, không nói: “chiến tranh đến” hay “giặc đến” mà gọi là “Cơn bão rớt”. Từ cánh “chim vàng” tác giả liên tưởng và suy nghiệm ngay đến cái màu vàng do chiến tranh gieo rắc: “bom đào sâu thêm những hố đất vàng/ cơn sốt lưu huỳnh nám mặt dòng sông/ những cây nấm hình thù kỳ dị/ những đám bỏng napan trên thịt da mình như họa đồ thế giới/ lặng câm/ những tổ chim trống hoác như con mắt mất tròng” (Chim vàng chốt lửa). Lôgic thơ đi chậm chạp đầy suy ngẫm, từ con “chim vàng” làm những tổ vàng trên bụi tre làng, cơn bão chiến tranh đến tàn phá đã phủ đầy màu vàng da cam rùng rợn để buộc “chúng tôi thành người lính”. Thống kê sơ bộ tám trường ca của Thu Bồn, ta thấy gam màu vàng có tần suất lặp rất đáng chú ý (114 lần), tất nhiên với nhiều trường nghĩa khác nhau. Cái cách đặt tên trường ca “Chim vàng chốt lửa”, bài thơ dài “Quê hương mặt trời vàng” và kiểu nói “đôi bò vàng cứ đủng đỉnh kéo xe”, “rượu thốt nốt mùa này vàng quá mật ong”, “con chó vàng chạy theo xe”... (Campuchia hi vọng), “đất ba dan rất mịn màng/ cho anh ôm MẶT TRỜI VÀNG VÀ EM”... (Người vắt sữa bầu trời) và “Mặt trời vàng và mắt em nâu” trong bài thơ “Tạm biệt” nổi tiếng sau này cũng khởi nguyên từ sức ám ảnh ấy. Một sự ám ảnh đầy chiêm nghiệm để biến thành cảm xúc bộc lộ trên bề mặt thi ca. Sức chiêm cảm đôi lúc dường như không còn chứa nổi trong khuôn khổ câu thơ, Thu Bồn bung ra bằng những đoạn thơ văn xuôi dài nhằm nói cho hết cảm xúc về những bi kịch chiến tranh mà hai người mẹ Campuchia gánh chịu. Tình sui gia thắm thiết đã trở thành nỗi hận thù, lòng trắc ẩn và dẫn đến mối thù chung quân diệt chủng. Mẹ Bơrốc đang ngồi tụng kinh cầu cho con trai bà hãy chết đi vì nó đã theo Ăngka gây quá nhiều tội ác. Mẹ của Xarây (vợ Bơrốc - đã bị Bơrốc giết chết) dưới chân nhà sàn đang cầm con dao quắm định lao lên giết người mẹ kia, “Nhưng lời tụng niệm của người mẹ trên căn nhà sàn đã lọt vào tai người đàn bà Chàm. Tay người đàn bà Chàm run lên. Thế ra chính mẹ nó cũng mong cho nó chết, có lẽ nào bà lại ra tay sát hại người mẹ này. Những ngọn lửa từ những túp lều nổi hiện lên, gió reo ù ù nước sông cuồn cuộn”. Người đàn bà Chàm ngã gục bên cầu thang, mẹ Bơrốc “cõng người đàn bà Chăm lên cầu thang nặng nhọc. Hai tiếng rên hai hơi thở hòa nhau. Một tiếng rên của người mẹ có đứa con bị đứa con bà mẹ giết, và một tiếng rên của bà mẹ có đứa con đã giết đứa con bà mẹ. Người đàn bà Chàm vẫn không đánh rơi lưỡi dao quắm trên tay. Cổ của người mẹ Bơrốc nằm trong cánh tay ôm thù hận. Ngọn lửa trong căn nhà bỗng sáng đủ cho hai người mẹ nhìn nhau” (Campuchia hi vọng). Rõ ràng đến đây, trường ca đã “đánh bạn” với văn xuôi để thực hiện cho được chức năng phản ánh hiện thực rộng lớn của mình, tuy nhiên, bằng sức chiêm cảm có độ sâu, những đoạn văn xuôi trên đây vẫn đầy ắp chất thơ trong một trường cảm xúc lớn. Nếu bề mặt hoành tráng của hiện thực chiến tranh làm cho tính sử thi bay lên, lan tỏa; thì bề sâu chiêm cảm về chiến tranh đã giữ lại độ bền lòng, trường cửu cho thơ. Chiêm nghiệm thơ về chiến tranh trong các trường ca về sau của Thu Bồn càng ngày càng đạt đến độ sâu bền triết lý và có sức lan tỏa lớn.
3. Chiến tranh - tinh thần bi tráng và lý tưởng nhân văn
Trường ca Thu Bồn bi đến tận cùng bi mà cũng hùng tráng đến tận cùng. Khúc khải hoàn nổi lên trên nền những khúc buồn đau nên cái hùng trong trường ca họ không hề lên gân hay cố ý ra vẻ hào hùng. Độ bền nghệ thuật của những trường ca Thu Bồn chính là ở đó. Sức bền này được neo giữ giữa dòng chảy khắc nghiệt của thời gian bởi trong trường ca họ, có sự song hành giữa tinh thần bi tráng và lý tưởng nhân văn.
Đôi trai gái cách chia nhau bởi sự săn đuổi của phong kiến thực dân, đều gặp nhau ở con đường chung: cách mạng. Nhưng con đường cách mạng thì quá lắm chông gai nên cả hai lại cùng rơi vào nhà từ thực dân chịu đựng muôn cực hình tra tấn. Đàn ông con trai bị xiềng xích, gông cùm; bị tra tấn dã man cũng là chuyện thường tình; nhưng thân phận đàn bà, con gái, họ như những cánh hoa làm đẹp cho đời lại bị tàn phá dã man thì nỗi bi thương dâng ngút đến tận trời: “Lấy tóc làm khăn chùi nước mắt/ Cô gái đi về cuối nhà lao/ Trong đêm tối mò theo song sắt/ Chân đeo xiềng bước thấp bước cao”. Bi thương là thế, tù đầy tối tăm là thế, vậy mà, chính những dòng thơ này "Ngực Sao là một khung trời// Bộ ngực căng hồng rẽ sóng sông Ba/ Nước ùa lên đôi vai trần loáng/ Để dòng sông được lây cả màu hồng/ Và mái tóc đen dài làm tỉnh cả dòng sông" đã làm vút lên khỏi ngục tù một lý tưởng nhân văn sáng láng và cao đẹp đến lạ thường. Chính tình yêu được ủ mầm trong khổ đau, ngang trái đã trở thành một ngọn lửa bừng lên soi sáng cả trại giam tăm tối, u buồn: "Không phải mộng rồi tình gắn bó/ Đôi ngọn lửa rừng quấn quýt vào nhau/ Giữa tàn phá âm u bừng cháy/ Tình yêu vẫn nở giữa thương đau" (Bài ca chim chơ rao). Sự hi sinh đầy bi phẫn của người cha (Ông già tóc trắng), người chồng (Dang A Nghi) những tưởng sẽ giết chết cuộc đời cô gái Dy Mơ Thưng trong u uất, thế nhưng không, chính khúc bi ca kia đã nâng dậy khúc “đàn goong” trên mọi “cung đường”: "Dy Mơ Thưng lại đi, xua bóng tối/ Tiếng đàn goong nâng dậy những cung đường/ Lân tinh cháy dịu dàng trên lá ải/ Lồng ngực em nghiêng tới chiến trường" (Vách đá Hồ Chí Minh). Trong cái bóng đêm trùm lên bi thương cả dân tộc Campuchia, trong cái hùng tráng của những tình nguyện quân Việt Nam không tiếc máu xương giúp dân tộc anh em thoát họa diệt chủng, ta vẫn thấy vút lên cái lý tưởng cao cả của chủ nghĩa nhân văn thắm đượm nghĩa tình: “mang những ống thốt nốt tươi như sữa loãng/ cổ họng những đứa bé con nở giãn/ đôi mắt chúng mở tròn/ người khổng lồ đã đem những bình sữa vắt/ từ ngực bầu trời xuống cho các con/ hãy uống đi cơn khát trẻ thơ/ cây thốt nốt không bao giờ cạn nước/ dù mặt đất này không còn một giọt nước cho chim” (Campuchia hi vọng). Trên kia là “Bộ ngực căng hồng rẽ sóng sông Ba” của Sao, lại đến “Lồng ngực em nghiêng tới chiến trường” của Dy Mơ Thưng, bây giờ là cả một đoạn thơ về những đứa “trẻ thơ”, những “cánh chim”, đặc biệt là “ngực sữa bầu trời trong những ống thốt nốt ngọt tươi”. Ta vốn biết, bình sinh ngoài đời, Thu Bồn là một con người vạm vỡ, cuộc sống và tình yêu của ông cũng mạnh mẽ lạ thường. Một người bạn cật ruột của ông - nhà văn Nguyên Ngọc đã không ngần ngại xác nhận: “Ở chiến trường, Thu Bồn sống ào ạt, chiến đấu ào ạt, viết ào ạt, yêu ào ạt, lao động ào ạt. Ngay cả trong tình yêu nữa, anh như lúc nào cũng sợ không kịp, không đủ. Anh chung thuỷ vô cùng, và cũng thay đổi vô cùng!”(1). Chính vì thế mà ngoài tần suất xuất hiện nhiều hình ảnh những “cánh chim”, những “đàn trẻ nhỏ”, những “hạt giống, nụ mầm” - biểu tượng của lý tưởng nhân văn, Thu Bồn còn sử dụng rất nhiều những hình ảnh “lồng ngực”, “bộ ngực”, “vú sữa” trong trường ca sử thi của mình. Khảo sát sơ bộ 8 trường ca của ông, chúng tôi đã thống kê được đến 87 lần xuất hiện của hình ảnh này với ba trường nghĩa cơ bản: “lồng ngực” đàn ông hàm chứa sự vạm vỡ, khỏe mạnh, thách thức: “bầu rượu tràn ướt ngực bác nông phu” (Campuchia hi vọng), “anh em tôi ngã xuống tận cùng/ sờ trên ngực vẹn nguyên không lỗ đạn” (Oran 76 ngọn), “lồng ngực con căng khắp dải chiến trường” (Người vắt sữa bầu trời); “bộ ngực” của con gái hàm chứa sức quyến rũ của vẻ đẹp thiên thần do tạo hóa ban tặng:“bốn thánh nữ đương quỳ/ lồng ngực nghiêng nghiêng” (Campuchia hi vọng), “ngực em sà xuống bầu trời/ cho anh biết nói những lời thế gian” (Người vắt sữa bầu trời), và cả thiên chức cao cả của người phụ nữ nuôi con: “ngực mẹ đây con bú tự do/ dòng sữa trắng lấp đầy vào tiếng khóc”, “những trái xoài đậu ngang tầm vú mẹ” (Campuchia hi vọng), “Biển Hồ ơi! người là biển sữa/ bên cạnh người là nỗi khát trẻ con” (Oran 76 ngọn)... Ngoài tên trường ca “Người vắt sữa bầu trời” chúng ta còn nhận ra rất nhiều hình ảnh tạo nên độ lặp đáng chú ý này ngay cả trong thơ ông: “mẹ thả neo vào mồm con bằng chiếc vú/ mà sóng đau thương cuộc đời không đánh bật được mẹ ra” (Quê hương mặt trời vàng), “tay con trai thỉnh thoảng lại bốc nhầm vú con gái như bốc nhầm phải lửa” (Quê hương mặt trời vàng), “chim doòng hát trên ngực trần cô gái” (Tiếng hú người Diôloa)... Không dừng lại ở khía cạnh bi tráng, chính cái lý tưởng nhân văn đã đưa giá trị của những trường ca Thu Bồn vươn đến độ bền, giờ đọc lại vẫn tràn đầy xúc cảm. Nếu quy ước tinh thần bi tráng là biểu tượng “máu - lửa”, lý tưởng nhân văn là các biểu tượng “cánh chim”, “trẻ con”, “mầm nụ”, ta có thể cảm nhận phần nào sự song hành đó qua biểu thống kê thi pháp sau trong 8 trường ca của Thu Bồn:
BI TRÁNG |
NHÂN VĂN |
||
Máu lửa |
Mầm nụ |
Cánh chim |
Trẻ con |
461 lần |
15 lần |
260 lần |
199 lần |
Trong những biểu tượng thi pháp này, ta nhận ra hình ảnh “Máu và lửa” của tinh thần bi tráng được tác giả sử dụng rất nhiều như là một bản chất của thơ ca cách mạng, đặc biệt là thể hiện rõ chất sử thi hùng tráng của trường ca. Còn các biểu tượng của lý tưởng nhân văn thì hình ảnh “cánh chim” được Thu Bồn sử dụng nhiều nhất (260 lần), trong đó có đến 114 lần dùng để chỉ những loài chim lớn (Chim ưng, đại bàng, phượng hoàng...). Có lẽ chính cái ám ảnh sử thi, huyền thoại và khao khát tự do của con người và vùng đất Tây Nguyên đã tạo nên độ lặp thi pháp đó của Thu Bồn. Tương tự như thế, vì muốn lột tả bản chất bạo tàn của chiến tranh, đặc biệt là nạn diệt chủng ở Campuchia mà hình ảnh “trẻ con” cũng xuất hiện dày đặc trong trường ca Thu Bồn (199 lần), trong đó, hai trường ca viết về Campuchia chiếm tỉ lệ cao nhất: “Campuchia hi vọng” (111 lần), “Oran 76 ngọn” (40 lần), sáu trường ca còn lại 48 lần.
Như vậy, khi phản ánh hiện thực chiến tranh, trên cơ sở song hành của tinh thần bi tráng và lý tưởng nhân văn, trường ca Thu Bồn từ chỗ phản ánh chiến tranh dưới con mắt nhìn lý tưởng của cuộc chiến chính nghĩa, với tư cách là những người trong cuộc, Thu Bồn đã đưa trường ca tiến đến một cái nhìn sắc sảo, đúng bản chất chiến tranh cùng những chiêm nghiệm đầy thuyết phục. Có lẽ đây chính là thế mạnh mà trong các thể loại thơ, chỉ có trường ca mới có, mà Thu Bồn là một đóng góp tiêu biểu.
M.B.Â
------------------
CHÚ THÍCH:
(1)- Hoàng Minh Nhân, Gói nhân tình, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.723.