Nghèn nước mắt quê - Đình Hiệp
Hân úp mặt vào tường mà khóc. Ban chiều mẹ bảo.
“Rồi nước cũng rút thôi mà. Nhà mình cao, làm sao ngập được vào trong.”
Hân biết những trận lụt như thế.
Quanh làng Hân cũng có một con sông đỏ ngầu hằng ngày miên man chảy vào tâm trí của Hân như một hồi ức. Mặc dù cậu mới có mười hai tuổi đầu, sống bên cạnh cha mẹ và bạn bè cùng trang lứa. Hân hỏi mẹ.
“Rồi nhà mình phải sơ tán đi đâu hả mẹ?”.
Mẹ cười bằng đôi mắt hiền từ rồi quay sang đặt bàn tay ấm lên đầu Hân.
“Con còn bé, chưa phải lo những chuyện ấy đâu. Mà đời nào nhà mình lại phải sơ tán, nhà mình cao lắm, nước chẳng bao giờ vào tới đâu”.
Hân vẫn cảm thấy một niềm mênh mang.
Mẹ nói đúng. Nước không giữ nổi sự kiên nhẫn quá hai ngày. Hai ngày sau nước bắt đầu đua nhau chảy ngược vào lòng đất. Hân vội vã chạy đi tìm đám bạn, và gặp chúng đang tụ tập chài lưới đánh cá ở bên sông. Hân nhập hội, vì không biết bơi lại sợ nước nên cậu cứ chạy loăng quăng dọc hai ven bờ, ôm theo cái giỏ bự đựng thành tích của đám nhóc bạn đang mải miết hì hụi dưới sông.
Những con nước luôn ám ảnh trong giấc mộng của Hân hơn là đám quỷ chập chờn quanh những bụi rậm của làng quê để rình bắt trẻ. Nhưng người ta bảo trẻ con không giữ được những suy nghĩ vẩn vơ dài lâu ở trong đầu. Chúng phải sống đúng với bản chất của chúng, thơ ngây và vô hại. Có lẽ Hân cũng thế, những con nước cứ mờ nhạt dần như cái bóng lìa xa ánh sáng. Rồi những ngày thong thả cứ trôi đi.
Nhưng cuộc đời không âu yếm như giấc mộng của trẻ con.
Hôm ấy Hân hốt hoảng chạy một mạch từ trường về reo réo gọi mẹ.
“Mẹ ơi! Lại có bão từ ngoài biển Đông đổ vào đất liền đó. Con nghe chúng bạn nói lần này bão mạnh dữ lắm. Không khéo cuốn phăng mất cả làng mình đi đấy”.
Mẹ từ trong bếp chạy ra, hai tay lẹm nhọ nồi dụi dụi khói bếp còn vương nồng trong mắt.
“Làm gì mà hốt hoảng thế. Cứ như cả đời mới nghe nhắc đến bão một lần không bằng”.
Hân thuyết phục mẹ.
“Nhưng mẹ ơi, lần này bão mạnh lắm đó. Thằng Huy có ông chú ruột trên thành phố gửi thư về bảo cả nhà nó nhanh chóng chuyển lên thành phố thuê nhà mà ở, không đến lúc nước đổ về thì chạy không kịp”.
Mẹ cười bằng đôi mắt hiền từ và bình thản.
“Nhà mình cao lắm, từ trước tới giờ đứng chịu bao nhiêu trận bão lũ rồi mà vẫn không dịch chuyển tí nào con ạ. Nước chẳng bao giờ ngập được đến chân thềm nhà mình đâu. Thôi con vào nhà đi, mẹ làm cơm ở dưới bếp rồi, đợi bố con đi làm về ăn luôn một thể”.
Cậu tiu nghỉu như lúc bị thầy giáo phạt đứng nơi góc lớp vì không học thuộc bài.
Hân nhìn lại mảnh vườn như tiếc nuối. Những cây cam, cây ổi sẽ ngập úng, những hàng cây ớt đỏ chót sẽ không chịu nổi lạnh khi nước tràn về. Đêm ấy, Hân ngồi chong trước đèn đợi tít tận đêm khuya mới chịu lên giường đi ngủ. Giấc ngủ khó khăn lắm mới len nổi qua cặp mắt chợp chờn chịu đựng. Nước cứ tràn về như một lẽ tự nhiên.
Đêm tối, cha đặt Hân và mẹ lên một mảng bè nhỏ được siết bằng những thân cây chuối ở trong vườn và một sợi dây thừng cậu vẫn thường thấy treo lủng lẳng ở nơi góc tủ. Nước tràn ngập khắp nơi, cha chẳng kịp mang một thứ đồ đạc nào trong nhà theo. Hân còn ngơ ngác chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra với ngôi nhà của cậu. Mẹ cứ khóc tức tưởi, một tay giữ lấy thành chuối, một tay bám chặt vào Hân để cậu khỏi rơi. Cha bơi theo phía sau, đẩy cho bè chuối trôi đi và không bị lật. Thi thoảng, cái bè chuối bị vướng vào một khóm cây rậm rạp chằng chịt. Chắc là ngọn cây cổ thụ cao lớn nào đó còn sót lại một ít bình yên phía trên mặt nước. Cha bơi ngược ra phía trước bè, hì hụi kéo những thân chuối non ra khỏi vùng rối rắm. Hơi lạnh phả vào gương mặt bầu bầu của Hân những cú dồn lạnh ớn. Ngôi nhà biến mất, những hàng cây cao mà ngày trước Hân vẫn thường hay leo trèo chơi đùa cùng chúng bạn giờ đã chết chìm trong bể nước.
Trong cái đêm mà cậu bé mười hai tuổi không biết bơi ngày nào vẫn nguyền rủa, cậu thấy sự mệt mỏi làm khuôn mặt cha tối sầm lại, nước cứ ì oạp ập vào người ông, hai mẹ con Hân ôm nhau trên bè chuối nhìn cha và khóc nức nở. Trước lúc kiệt sức, ông cố đẩy thật mạnh cho cánh bè trôi đi rồi dùng chút sức lực còn sót lại rướn người theo, vung thật mạnh cánh tay lên nắm chặt lấy tay mẹ. Nước mắt mẹ ròng rã trên thân bè tươi làm nhạt mùi nhựa chuối. Áo cha vướng vào một cành cây trôi nổi vật vờ, mẹ cố sức kéo làm rách toạc ra một mảng trên vai cha, kéo dài xuống tấm ngực xanh nhão nước. Mẹ buông cả Hân ra mà cố sức kéo. Cha không còn đẩy bè nữa. Ông cứ để mặc nước trôi. Biển nước mênh mông, trắng xóa.
Khi tới nơi ở mới trên một thành phố xa lạ, ồn ào và đông đúc, Hân khép nép bên trong cánh cửa trước nhà nhìn đám trẻ thành phố chơi đá banh ở ngoài ngõ. Mẹ đang ngồi vá áo cho cha dưới ánh đèn điện, nhắc Hân trở vào trong nhà học bài. Ngồi đó mà đầu óc Hân cứ mênh mang vô tận. Khúc nhạc đồng quê mà Hân thấy nhà hàng xóm vẫn thường hay mở cứ vỗ ì ầm như từng con nước ngày gia đình Hân chạy lũ. Nước cứ thế tràn về.
Mẹ vẫn cứ ngồi trước ánh đèn mà khâu áo cho cha. Không hiểu sao tất cả những kí ức về cha trong tâm trí Hân bị vùi lấp sau những con nước cao dòng trắng xóa. Mẹ cứ quay ra nhắc nhở Hân phải chăm chỉ học bài. Rồi ngước nhìn ra cửa bằng đôi mắt thẫn thờ như buồn ngủ. Mẹ Hân bảo.
“Nhà ta cao lắm, nước chẳng thể ngập được đâu”.
….
“Cha con đi lâu thế mà vẫn chưa thấy về?”.
….
“Hân! Con chạy ra cửa ngóng xem cha con đã sắp về chưa?”.
….
“Hân! Hình như mẹ nghe thấy tiếng cha con gọi ngoài ngõ. Con thử chạy ra xem cha về thật chưa?”.
….
Cứ mỗi buổi chiều tàn, mẹ lại mang cái ghế lùn ra trước cửa ngồi khâu áo cho cha. Cái áo rách của cha cộm lên sau mấy lần vải vá. Hân vặn tắt ngọn đèn dầu để tiết kiệm, trong nhà bóng tối bủa đến nhanh như cái ngày lũ về.
Hân leo lên sân thượng của dãy trọ. Từ đó cậu có thể nhìn thấy xa xa, những ngọn khói bốc lên. Những đám mây đen kết lại thành từng mảng lớn nham nhở bởi chút ánh sáng còn sót lại của mặt trời. Có lẽ sau khi mặt trời xuống núi, chúng sẽ trôi về phía mà Hân biết là quê nhà. Nơi cha hì hụi vắt kiệt sức mình đẩy tấm bè chuối trôi xa nơi miệng nước.
Trong ánh nhìn đau đáu hồn quê, nước cứ thế tràn về.
Đ.H