Cần đính chính một số thông tin sử liệu về làng Tân Thái - Đinh Thị Toan
Làng Tân Thái nay thuộc phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Đây có thể coi là một trong những vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời trên địa bàn thành phố. Vì vậy, việc tìm hiểu lịch sử khai phá và tên gọi làng Tân Thái đã được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu và công bố trong một số công trình, bài viết. Tuy nhiên, có một số thông tin sử liệu về thời điểm lập làng, sự thay đổi tên gọi từ Tân An sang Tân Thái cũng như quá trình thuận nhượng đất đai giữa Tân An và các xã lân cận, theo chúng tôi, là chưa được chính xác. Bài viết này nhằm làm rõ hơn những vấn đề trên.
1/ Làng Tân Thái được hình thành từ bao giờ?
Hầu hết, các nhà nghiên cứu đều thừa nhận rằng làng Tân Thái nay (xưa mang tên Tân An) vốn là một phần của xã Nam An, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Khánh[1], phủ Điện Bàn. Chúng tôi cũng đồng tình với nhận định đó. Nhưng về thời điểm tách làng, biệt lập xã Tân An thì có nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, phần nhiều đều cho rằng năm Nhâm Thân (1752) là năm làng Tân An chính thức xuất hiện với tư cách là một cấp hành chính cơ sở, ngang hàng cùng với các xã lân cận như Nam An, Cổ Mân, Phước Trường. Chúng tôi tìm thấy một tờ đơn xin biệt lập xã hiệu của xã Nam An trong hòm tư liệu Hán Nôm làng Tân Thái. Đơn được viết trên 2 trang giấy dó[2]. Phần chính văn gồm 4 dòng nằm trọn trong trang thứ nhất. Trang thứ hai chỉ gồm hai dòng, dòng đầu tiên gồm 11 chữ, là lời phê của quan trên. Dòng sau cũng gồm 11 chữ ghi ngày tháng năm lập đơn. Chúng tôi xin dẫn nguyên văn tờ đơn này như sau:
Nguyên văn chữ Hán:
景 興 參 拾 年 正 月 拾 四 日 奠 磐 府 延 慶 縣 安 畱 下 總 南 安 社 黎 文 順 陳 文 駿 黎 文 宛 阮 文 嚴 同 等 禀 丹 請 求 皇 朝 民 社 地 無 居 住 無 田 土 而 從 魚 藝 生 涯 禀 丹 請 求 別 立 社 號 立 徵 地 簿 界 畔
顺 伊 丹 诸 位 回 详 別 立 社 號
景 興 參 拾 年 拾 弍 月 初 參 日
Phiên âm:
Hoàng triều Cảnh Hưng tam thập niên chánh nguyệt thập tứ nhật. Điện Bàn phủ, Diên Khánh huyện, An Lưu Hạ tổng, Nam An xã Lê Văn Thuận, Trần Văn Tuấn, Lê Văn Oản, Nguyễn Văn Nghiêm[3] đồng đẳng bẩm đơn thỉnh cầu Hoàng triều, dân xã địa vô cư trú, vô điền thổ nhi tòng ngư nghệ sinh nhai, bẩm đơn thỉnh cầu biệt lập xã hiệu, lập trưng địa bạ giới bạn.
Phê: Thuận y đơn. Chư vị hồi tường biệt lập xã hiệu.
Cảnh Hưng tam thập niên thập nhị nguyệt sơ tam nhật.
Dịch nghĩa:
Ngày 14 tháng giêng Hoàng triều Cảnh Hưng năm thứ 30.
Chúng tôi là Lê Văn Thuận, Trần Văn Tuấn, Lê Văn Oản, Nguyễn Văn Nghiêm xã Nam An, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn kính trình đơn thỉnh cầu Hoàng triều. Dân trong xã không có đất cư trú, không có ruộng đất mà phải theo nghề biển làm kế sinh nhai, (nay xin) trình đơn thỉnh cầu biệt lập xã hiệu, lập giới hạn địa bạ.
Phê: Thuận cho y như đơn trình. Các ngươi cần trình lại rõ ràng hơn về việc biệt lập xã hiệu.
Ngày mồng 3 tháng 12 năm Cảnh Hưng thứ 30.
Tờ đơn này không có dấu ấn hành chính nên chúng tôi không rõ lời phê bên cạnh này là của ai. Tuy vậy, hoàn toàn có cơ sở để thấy rằng, yêu cầu trình rõ việc lập xã hiệu là hoàn toàn có cơ sở. Theo bộ châu làng Nam An (lúc này đã chia tách thành Nam An và Tân An, nhưng vẫn giữ nguyên tên làng cũ) lập năm Gia Long thứ 14 thì thấy đây là một trong 10 xã (trong tổng số 17 xã, thôn) của tổng An Lưu Hạ có diện tích ruộng đất lớn trên 300 mẫu. Trong 351 mẫu 1 sào 9 thước ruộng đất xã này hiện có thì có đến 263 mẫu 6 sào là đất hoang nhàn, đất mộ địa là 54 mẫu, đất chùa 3 sào, chỉ có 33 mẫu 2 sào 9 thước tư điền (chiếm khoảng 9,4% tổng số diện tích đất). Còn xã Tân An sau khi biệt lập, tình hình đất đai cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự, thậm chí hoàn toàn không có đất để sản xuất nông nghiệp, mà đa phần là đất hoang hóa, mộ địa. Năm Gia Long thứ 14 (1815) đã như thế, huống gì 40 năm trước đó, khả dĩ tình hình có thể tệ hơn như thế[4]. Như vậy thì nguyên nhân đưa đến việc xin tách làng như đơn trình bày không được giải quyết triệt để sau khi Tân An xuất hiện. Có chăng, chỉ giải quyết được nhu cầu về đất ở[5]. Vậy, có thể nhóm đương đơn xin biệt lập xã là cư dân vạn đò, vốn quen sống trên sông nước, nay muốn lên bờ “an cư lạc nghiệp”. Lời phê trong tờ đơn cho phép chúng ta hiểu rằng: về mặt chủ trương, chính quyền đồng ý chuẩn cho biệt lập xã hiệu, nhưng trên thực tế, lúc này xã Nam An chưa chính thức được tách làng.
Chúng tôi chưa tìm thấy văn bản phê chuẩn cho chính thức biệt lập xã hiệu Tân An. Nhưng trong một tờ đơn của xã Nam An đề năm Gia Long thứ 4, tên gọi Tân An đã xuất hiện. Đơn được viết trên 2 trang giấy dó. Trang đầu 7 dòng, trừ dòng đầu liệt tên những người đương đơn gồm 25 và dòng thứ 2 chỉ có mỗi chữ “kê”, thì số chữ ở những dòng còn lại dao động từ 29 đến 35 chữ. Trang 2 gồm 1 dòng niên đại đề ngày mồng 4 tháng 10 năm Gia Long thứ 4 và 7 người đại diện chức sắc hai xã cùng người viết đơn kí điểm chỉ. Đây là tờ đơn do chức sắc làng Nam An viết làm bằng về việc thuận nhượng cho Tân An một sở đất lâm cấm. Chúng tôi xin lược bỏ phần nguyên văn chữ Hán và phiên âm, chỉ dẫn phần dịch nghĩa như sau:
“Chúng tôi là xã trưởng Tuân, trùm Luyện, lão Trinh, lão Thung, lão Ký ở xã Nam An, huyện Diên Khánh, phủ Điện bàn lập đơn. Nay, xã trưởng Thuận, trùm Lợi, lão Hạnh, lão Hóa ở xã Tân An đội án đến bổn xã gồm đủ lễ, 5 quan tiền, 1 bàn trầu rượu mà trình xin xã Nam An một sở lâm cấm, tọa lạc tại địa bạ xứ Vĩnh Bông xã Nam An, các phía đông, tây và bắc gần đường nhỏ trên đất xã Nam An, phía nam gần con đường lớn thuộc đất xã Nam An, đông tây tứ cận y trong đơn; để dựng miếu. Nay bổn xã niệm tình làng xóm, không tranh lý lẽ hơn thua, cùng ưng thuận cho xã ấy sở đất trên để tiện cho việc xây dựng miếu làm nơi thờ tự, vĩnh truyền đời sau. Nếu ngày sau bổn xã có lời qua lại gây tranh trở vì bất cứ lý do gì, sẽ cam chịu mọi khoản tổn hại. Nay làm đơn.
Ngày mồng 4 tháng 10 năm Gia Long thứ 4 lập đơn.
Lão Trinh tự kí.
Lão Thung tự kí
Cai xã Tuân tự kí
Lão Ký tự kí
Bổn xã đồng kí chỉ.
Trùm Luyện điểm chỉ.
Người viết đơn tên Từ Nghị kí”.
Như vậy, thời điểm tách làng sớm nhất có thể là vào năm Cảnh Hưng thứ 30 (1769), muộn nhất là vào năm Gia Long thứ 4 (1805), chứ không phải năm Nhâm Thân như nhiều tác giả khẳng định[6].
2/Tên gọi Tân Thái xuất hiện từ bao giờ?
Trang web quận Sơn Trà viết “Đến thời Thành Thái (1889 - 1907), làng Tân An đổi thành làng Tân Thái”[7]. Sách “Lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng phường Mân Thái” cũng nói: “Đến năm 1900, làng Tân An được đổi tên thành Tân Thái…”[8]. Tuy nhiên, các tác giả này không cho biết căn cứ vào đâu để đưa ra nhận định như vậy. Vậy, tên gọi Tân Thái có đúng là xuất hiện dưới thời Thành Thái hoặc năm 1900 như các tác giả trên đã nhận định hay không?
Chúng tôi hiện chưa tìm thấy văn bản nào cho biết chính xác thời điểm xuất hiện danh xưng Tân Thái. Nhưng trong một văn bản chữ Hán đề ngày 16 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 3 (1927), tên gọi Tân An vẫn còn tồn tại. Văn bản này là một tờ trát của quan Đốc bộ đường dài 8 trang, viết trên giấy dó, nói về việc giải quyết tranh chấp địa phận “ngư đàm” giữa ba xã Nam Thọ, Tân An và Mỹ Khê đã xảy ra trong nhiều năm. Văn bản được đóng dấu đỏ ở những chữ quan trọng và giáp lai giữa hai trang giấy. Tổng cộng có 12 dấu đóng, trong đó phần phê của quan 4 dòng ở cuối văn bản có đến 5 dấu. Dấu này hình vuông, màu đỏ, đường nét mảnh, gồm hai chữ “Hòa Vang” viết bằng chữ Hán, bố trí nằm ngang, chữ “Hòa” bên phải, chữ “Vang” bên trái. Phần đầu văn bản ghi rõ: “Đốc bộ đường vi trát sức sự cận cứ y nha cứu bẩm Bảo Đại nguyên niên cửu nguyệt sơ tứ nhật, Tân An, Nam Thọ dữ Mỹ Khê tranh ngư đàm chi khoản…” (Đốc bộ đường trát sức về việc, căn cứ vào cứu bẩm của nha huyện về việc ngày mồng 4 tháng 9 Bảo Đại nguyên niên, các xã Tân An, Nam Thọ và Mỹ Khê có khoản tranh chấp ngư đàm…).
Như vậy, cho đến năm 1927, làng Tân An vẫn chưa đổi tên như nhận định của nhiều tác giả. Còn câu hỏi về thời điểm chính xác Tân An đổi tên thành Tân Thái thiết nghĩ cần có thời gian để trả lời.
3/Làng Tân An (Tân Thái) được các xã lân cận thuận nhượng đất như thế nào?
Làng Tân An sau khi chia tách, biệt lập xã hiệu đã có nhiều cố gắng trong việc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, dân cư vẫn nghèo đói, bám biển cả làm nghề sinh nhai. Nguyên do là đất canh tác trồng trọt của làng quá ít. Theo châu bộ lập vào ngày 17 tháng 12 năm Gia Long năm thứ 14[9], thì toàn bộ đất đai của xã Tân An được thống kê như sau:
+ Đất cát trắng một khoảnh 37 mẫu, dùng làm đất ở của bổn xã;
+ Đất mộ hai khoảnh 44 mẫu;
+ Đất cát trắng, gò đồi hoang hóa hai khoảnh 20 mẫu, trong đó đất cát trắng một khoảnh 15 mẫu, đất gò đồi một khoảnh 5 mẫu;
+ Một khe suối dài 100 tầm;
+ Số đất còn lại là tư điền của các xã Nam An, Cổ Mân và Phước Trường[10]. Cụ thể: tư điền của xã Nam An là 1 sào 5 thước, xã Cổ Mân là 2 mẫu 4 sào 1 thước 5 tấc, và của xã Phước Trường là 3 sào 10 thước 5 tấc.
Như vậy có thể thấy, diện tích đất đai của xã Tân An quá ít ỏi. Hơn nữa, số đất hoang hóa chiếm đến hơn một nửa, nếu không muốn nói là gần hết, đất canh tác hầu như rất ít và không thuộc sở hữu của dân xã Tân An. Điều đó lý giải cuộc sống khốn khó của người dân trong xã.
Tình trạng này không kéo dài lâu, bởi vì các chức dịch làng Tân An sớm chủ động xin đất đai từ các xã lân cận. Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi thì việc nhượng giao đất đai giữa Tân An và các xã khác diễn ra trong nhiều năm, bắt đầu từ thời Gia Long. Năm Gia Long thứ 4, xã Nam An thuận nhượng một sở rừng cấm cho xã Tân An. Tờ đơn thuận nhượng này chỉ cho biết sở rừng này tọa lạc tại xứ Vĩnh Bông thuộc địa phận xã Nam An, chứ không nói rõ diện tích bao nhiêu. Vào năm Tự Đức thứ 13, liên tục các xã An Hải và Phước Trường cũng có đơn thuận nhượng ruộng đất. Xã An Hải nhượng đất với diện tích là 21 mẫu 9 sào 11 thước, còn xã Phước Trường nhượng 18 mẫu 6 sào 9 thước 9 tấc. Đến năm Tự Đức thứ 17, xã Phước Trường nhượng thêm 2 sào tư điền đồng canh ở giữa xứ Vĩnh Bông Tiểu Khê cho xã Tân An.
Các đợt thuận nhượng đất đai này đều có đơn của các xã An Hải, Phước Trường, Nam An xác nhận làm bằng chứng. Xã Tân An cũng đệ trình đơn từ lên cấp trên để xin cấp bằng chứng nhận, theo đó xã Tân An sẽ tiến hành nộp thuế trên phần đất đai đã được nhận. Trong các đơn từ do chính các xã An Hải, Phước Trường, Nam An viết cũng như đơn của xã Tân An, xác nhận rằng An Hải, Phước Trường, Nam An là những xã có diện tích đất rộng lớn nhưng dân cư không nhiều, trong khi đó, xã Tân An “dân xã dân số sảo đa nhi địa bạ hy thiểu, chỉ hữu bạch sa mộ địa, vô sở canh cư” (dân xã quá đông mà đất đai lại quá ít, chỉ có đất cát trắng và mộ địa, không có đất ở và canh tác). Thuận theo yêu cầu của xã Tân An, các xã trên “niệm lân lý chi nghĩa, mạc nại doanh thâu” 念鄰里之義莫柰盈輸 (nghĩ đến nghĩa làng xóm, không tranh hơn thua) làm đơn cùng thuận nhượng một số diện tích đất để cư dân xã Tân An có thêm điều kiện làm ăn sinh sống. Như vậy, chẳng có ông thầy thuốc nào tài giỏi nhờ chữa khỏi bệnh cho vợ quan lớn mà được thỏa nguyện cấp đất cho xã sở tại là Tân An cả[11].
Ngoài việc mở rộng diện tích đất đai nhờ những đợt thuận nhượng như trên, thì chức dịch làng Tân An cũng tiến hành mua lại ruộng đất của các xã kế cận, đặc biệt là những sở đất nằm trên địa phận bổn xã nhưng lại thuộc quyền sở hữu của các xã khác. Ví như năm Tự Đức thứ 4, xã Cổ Mân cắt bán cho xã Tân An một mẫu tư điền, đều là hạng ruộng thu, với giá tiền 25 quan. Nguyên do là đất này nhiều năm mưa gió không thuận, đất bồi lên cao, chỉ canh tác được khoảng 3 sào, cho nên bán cho xã Tân An khai phá canh tác tiếp.
Không rõ diện tích đất của xã Tân An mở rộng thêm bao nhiêu nữa vào những năm sau đó[12], nhưng căn cứ vào diện tích đất mà các xã kế cận thuận nhượng có thể thấy diện tích đất canh tác của xã Tân An đã được cải thiện khá nhiều. Cộng thêm đức tính cần cù, chịu thương chịu khó của người dân, đời sống kinh tế ở vùng đất này đã bớt đi sự khốn khó.
Hiện nay, Tân Thái không còn tồn tại với tư cách một làng nữa mà là một phần thuộc khối phố Tân An, phường Mân Thái, quận Sơn Trà. Dù là Tân An 新 安 (Tân nghĩa là mới, an là sự yên ổn) hay Tân Thái 新泰 (Thái nghĩa là bình yên, thanh bình) thì ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp, an vui vẫn hiện hữu nơi đây. Tính từ khi tách làng, biệt lập xã hiệu đến nay, Tân Thái đã có lịch sử phát triển hơn 200 năm. Đó là một khoảng thời gian khá dài để nhiều truyền thống văn hóa được hình thành và bồi đắp. Đến hôm nay, làng Tân Thái đã có nhiều thay đổi từ diện mạo vùng đất lẫn cuộc sống người dân. Thiết tưởng, nghiên cứu về lịch sử hình thành vùng đất này là một việc làm cần thiết để hôm nay nhìn về quá khứ và có hướng đi thích hợp trong tương lai. Nhưng việc nghiên cứu này cần cẩn trọng để tránh những kết luận vội vàng và thiếu căn cứ/.
Đ.T.T
[1] Đến năm 1822, huyện Diên Khánh đổi tên thành Diên Phước.
[2] Đơn không có bất kỳ dấu triện, hay dấu kiềm nào chứng tỏ có sự phê duyệt của cấp trên, do đó chúng tôi cho rằng, đây có thể là văn bản sao lục.
[3] Các ông này không biết là đại diện chức sắc làng xã hay là dân xã bình thường, đại diện cho một nhóm dân cư xin biệt lập xã hiệu.
[4] Việc khai hoang phục hóa vẫn diễn ra liên tục ở một số vùng, trong đó có Nam An. Điều này được ghi chép trong bộ châu làng Nam An (Nam Thọ).
[5] Trong số đất cát hoang nhàn, có một số diện tích được sử dụng để làm nhà ở.
[6] Đảng bộ phường Mân Thái (2010), Lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng phường Mân Thái (1930-2005); Đảng ủy phường Thọ Quang (2006), Lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng phường Thọ Quang (1930-2005); trang web: http://sontra.danang.gov.vn/63-26-128/Di-tich-lich-su-van-hoa/Dinh-lang-Tan-Thai-Man-Thai-.aspx và http://sontra.danang.gov.vn/63-26-748/Di-tich-lich-su-van-hoa/Dinh-lang-Nam-Tho,-Tho-Quang.aspx; Phạm Hữu Đăng Đạt, Kể chuyện Tân Thái, Văn hóa Du lịch, số 22(09.2013), tr.66.
[8] Đảng bộ phường Mân Thái (2010), Lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng phường Mân Thái (1930-2005), Nxb Đà Nẵng, tr.14.
[9] Châu bộ này hiện còn được lưu giữ tại nhà ông Lê Duy Anh, hậu duệ tộc Lê tiền hiền cùng với nhiều tư liệu Hán Nôm khác.
[10] Đây là đất thuộc sở hữu của các xã Nam An, Cổ Mân và Phước Trường nhưng nằm trên địa phận xã Tân An.
[11] Phạm Hữu Đăng Đạt, Kể chuyện Tân Thái, Văn hóa Du lịch, số 22(09.2013), tr.66.
[12] Chúng tôi chưa đủ tài liệu để có kết luận chính xác.