Báo chí cách mạng Việt Nam – đoi nét về quá trình hình thành và phát triển - Nguyễn Thanh Tuấn
- 1. Báo chí Việt Nam trước năm 1930
Báo chí cách mạng Việt Nam có vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chế độ Xã hội chủ nghĩa, định hướng tư tưởng - nhận thức. Đây là phương tiện hữu hiệu của người cộng sản trong công tác tuyên truyền, giác ngộ, tập hợp và giáo dục quần chúng, giúp họ nhận ra lý tưởng của Đảng, lựa chọn cho mình con đường đúng đắn nhất là đấu tranh giành độc lập dân tộc thống nhất đất nước. Báo chí là một trong những vũ khí sắc bén nhất, lợi hại nhất trong quá trình đấu tranh quyết liệt, đặc biệt trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị. Báo chí còn là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân, mọi chủ trương của Đảng, chính sách - pháp luật của Nhà nước và những ý kiến - mong muốn - phản ánh…của nhân dân đều được truyền tải hai chiều liên tục thông qua phương tiện này.
Ngay từ những năm 60 của thế kỷ XIX dưới sự phát triển của nhu cầu thông tin, ảnh hưởng của văn hóa phương Tây và những thành tựu của kỹ thuật in ấn, báo chí ở Việt Nam đã bắt đầu hình thành và phát triển với ấn phẩm đầu tiên là Gia Định báo. Mặc dù còn rất khiêm tốn, đơn giản, thô sơ cả về mặt nội dung, hình thức, số lượng ấn phẩm và phạm vi phát hành nhưng Gia Định báo đã đánh dấu sự bắt đầu của báo chí Việt Nam.
Vào đầu thế kỷ XX, ý thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước, độc lập của dân tộc, tự do của nhân dân đã được nhóm lên từ những “viên than hồng” đang nung nấu trong lòng dân tộc. Nắm bắt được tình hình đó Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tổ chức Thanh niên cộng sản Đoàn, tập hợp những thanh niên yêu nước có tinh thần đấu tranh bảo vệ dân tộc làm nòng cốt cho sự ra đời của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Đây là tổ chức yêu nước đầu tiên ở Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản. Ý thức được vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, ngày 21/06/1925 tờ báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của tổ chức cách mạng Việt Nam ra đời và không ngừng phát huy vai trò quan trọng của mình.
Vào cuối những năm 20 của thế kỷ XX, các tổ chức cách mạng trên khắp mọi miền đất nước liên tục được thành lập và xuất bản các tờ báo. Tháng 6/1929 tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, xuất bản báo Búa Liềm. Ban Công vận Trung ương ra báo Công hội đỏ. Tổng Công hội Bắc kỳ ra báo Lao động. Tháng 9/1929, An Nam Cộng sản Đảng ra báo Đỏ. Những tờ báo của các tổ chức này có tác dụng cao và rất quan trọng trong việc giáo dục ý thức giai cấp, cổ vũ tinh thần đấu tranh giai cấp và bồi đắp lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cho quần chúng nhân dân… Tuy nhiên, tình trạng hoạt động riêng lẻ, thiếu tính đoàn kết, thiếu tinh thần phối hợp, thậm chí là công kích lẫn nhau giữa các tổ chức cộng sản và các tờ báo của họ làm cho cách mạng Việt Nam tổn hại nặng nề. Để chấm dứt tình trạng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đang hoạt động riêng lẻ. Dưới sự chủ trì của mình, ngày 03/02/1930 Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định: hợp nhất các tổ chức cộng sản, trên cơ sở đó thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, xuất bản tạp chí Đỏ và báo Tranh Đấu làm cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng.
- 2. Báo chí Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945
Đặt cách mạng Việt Nam trong mối liên hệ mật thiết với các nước Đông Dương, tháng 10/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngay sau đó Trung ương Đảng cho ra báo Cờ Vô Sản và tạp chí Cộng Sản. Hòa chung khí thế đó, các xứ ủy, tỉnh ủy, nhiều huyện ủy và chi bộ cũng lần lượt ra báo để kịp thời phục vụ cho nhiệm vụ đấu tranh và chuẩn bị đấu tranh. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo Đảng ở nước ngoài cũng được thành lập và xuất bản tạp chí Bonsevich. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, báo chí thời kỳ này đã phát huy cao độ vai trò quan trọng của mình trong việc tuyên truyền, phát động, cổ vũ phong trào chống đế quốc, chống phong kiến một cách sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Thành công của cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh là bằng chứng, là kết quả của sự nỗ lực và những đóng góp quan trọng của báo chí.
Đứng trước tình hình mới, Đại hội Đảng lần thứ I (tháng 03/1935) quyết định: đổi tạp chí Bonsevich thành tạp chí Lý luận Trung ương. Tranh thủ tình hình thế giới có nhiều thuận lợi, Mặt trận nhân dân chống phát xít được thành lập ở nhiều nước và khả năng hoạt động nửa hợp pháp nửa bất hợp pháp, Đảng chủ trương đưa báo chí ra hoạt động công khai. Nhiều tờ báo được xuất bản hợp pháp trên cả nước, trong đó có cả các tờ báo cách mạng bằng tiếng Pháp được xuất bản ở Hà Nội. Hoạt động báo chí trong các nhà tù lớn cũng phát triển với nhiều tờ báo và tạp chí ra đời phục vụ tích cực cho công tác xây dựng Đảng, truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối cách mạng dân chủ của Đảng, kiên quyết đấu tranh chống lại đế quốc, phong kiến, bài trừ Chủ nghĩa cải lương của giai cấp vô sản, chủ nghĩa dân tộc tư sản của tổ chức Việt Nam quốc dân Đảng, đồng thời chuẩn bị điều kiện về mọi mặt nhằm đưa cách mạng Đông Dương tiến lên giai đoạn mới.
Bước sang những năm 40, căn cứ vào diễn biến tình hình cách mạng trên thế giới, khu vực và nhất là những chuyển biến nhanh chóng của tương quan lực lượng và tình hình chiến sự trong nước, nhận thấy thời cơ của cách mạng Việt Nam đang dần xuất hiện, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng chuẩn bị mọi điều kiện để đón nhận thời cơ cách mạng. Ngay sau khi Mặt trận Việt Minh được thành lập, các tờ báo: Việt Nam độc lập, Cứu quốc, Cờ giải phóng, tạp chí Cộng sản, báo của các đoàn thể và các địa phương cũng được kỳ bộ, tỉnh bộ Việt Minh cho phép xuất bản. Báo chí giai đoạn này đã phục vụ tích cực cho công tác xây dựng lực lượng, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Ngay sau khi nhận được Chỉ thị chuẩn bị khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh (05/1944), đặc biệt là sau cuộc đảo chính Nhật - Pháp (03/1945), Đảng phát động Cao trào kháng Nhật cứu nước tiến tới Tổng khởi nghĩa. Bên cạnh các tờ báo và tạp chí đã có là những tờ báo của các lực lượng vũ trang từ các Căn cứ kháng Nhật và Khu giải phóng cũng được xuất bản.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công là nhờ một phần đóng góp không nhỏ của báo chí trong đó phải kể đến vai trò của tờ báo Cờ giải phóng và báo Cứu quốc. Mặc dù ra đời, phát triển trong một thời gian ngắn và hoàn cảnh khó khăn với nhiều biến động nhưng báo chí Việt Nam đã vượt lên tất cả và phát triển vô cùng mạnh mẽ. Chỉ trong vòng 20 năm kể từ khi báo Thanh Niên được thành lập (1925) đến Cách mạng tháng Tám (1945), Việt Nam đã có khoảng 380 tờ báo và tạp chí lớn nhỏ.
- 3. Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975
Ngày 02/09/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời cũng mở ra cho báo chí Việt Nam một giai đoạn hoàn toàn mới. Dưới chế độ dân chủ nhân dân, báo chí Việt Nam xuất bản công khai với số lượng lớn, nội dung phong phú, hình thức đẹp - hiện đại và kỹ thuật in tiên tiến. Báo Cứu quốc trở thành tờ nhật báo lớn nhất trên cả nước với sức hấp dẫn mạnh mẽ đến đa số giai cấp trong xã hội. Cũng ngay trong năm 1945, bên cạnh báo viết đã trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt là sự ra đời của báo nói với Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam và Việt Nam thông tấn xã (Nay là Thông tấn xã Việt Nam) càng phát huy hơn nữa vai trò, hiệu quả của báo chí, nhất là trong việc bảo vệ chính quyền và Nhà nước non trẻ mới được thành lập.
Cuối năm 1945 tình hình cách mạng có nhiều bất lợi, không thể tiếp tục hoạt động công khai, Đảng ta quyết định chuyển sang hoạt động bí mật. Theo đó báo Cờ giải phóng phải ngừng xuất bản, thay vào đó là báo Sự thật được thành lập trên danh nghĩa là cơ quan ngôn luận của Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông dương. Dưới vỏ bọc này, báo Sự thật tiếp tục sứ mệnh của báo Cờ giải phóng, báo Cứu quốc… một cách khéo léo và linh hoạt. Năm 1946 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai bùng nổ ở Hải Phòng, Lạng Sơn, Đà Nẵng sau đó nhanh chóng lan rộng, lúc này báo chí cơ bản phải rút vào hoạt động bí mật nhưng vẫn có một bộ phận hoạt động và xuất bản công khai tại các vùng tự do, căn cứ kháng chiến và cả vùng địch tạm chiếm. Vì thế nội dung các văn kiện quan trọng của Đảng, đường lối cách mạng, chủ trương của Nhà nước, các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước vẫn được báo chí kịp thời đăng tải, phổ biến đến đông đảo quần chúng nhân dân.
Năm 1951, báo Nhân Dân ra đời, tạp chí Cộng sản tiếp tục được xuất bản, tạp chí Sinh hoạt nội bộ và báo Quân đội Nhân dân được thành lập càng củng cố hơn nữa vai trò và sức mạnh của báo chí. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong hoàn cảnh cách mạng Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Bằng sự nỗ lực phi thường, chiến đấu, hi sinh anh dũng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã kết thúc thắng lợi nhưng nước ta tạm thời bị chia làm hai miền Nam - Bắc với hai chế độ xã hội và hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau nhưng đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là đánh đổ đế quốc Mỹ và tay sai, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc - thống nhất đất nước. Báo chí ở miền Bắc hoạt động tự do nên không ngừng gặt hái được nhiều thành công đáng kể, hỗ trợ đắc lực cho báo chí ở miền Nam đang hoạt động bí mật.
Trước sự phát triển và trưởng thành về mọi mặt, ngày 02/06/1950 Hội nhà báo Việt Nam được thành lập và chỉ hơn một tháng sau Hội gia nhập Tổ chức các nhà báo Quốc tế. Tờ báo Nhân dân được xuất bản đều đặn hằng ngày, báo Thanh Niên, tạp chí Cộng sản, báo Quân đội nhân dân… đã đồng hành với Đảng và nhân dân đưa cuộc đấu tranh của dân tộc ta đến với Đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
- 4. Báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay
Đại thắng mùa xuân năm 1975 đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn và vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ nói riêng và cuộc kháng chiến chống ngoại xâm nói chung, đưa lịch sử dân tộc bước sang một trang hoàn toàn mới. Từ nay, nhân dân ta vĩnh viễn thoát khỏi ách nô dịch của các nước đế quốc, tình trạng đất nước bị chia cắt, miền Nam được hoàn toàn giải phóng - đất nước thống nhất, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước, bảo vệ những thành quả bước đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và chủ nghĩa xã hội. Hòa chung với không khí hào hùng, phấn khởi, tự hào, tin tưởng của cả dân tộc, báo chí Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển đáp ứng yêu cầu thông tin của thời đại mới với sự phát triển của khoa học công nghệ, công nghệ truyền thông, xu thế mở cửa hội nhập khu vực và thế giới, báo hình và báo điện tử ra đời, trở thành kênh thông tin hữu hiệu nhất trong thời đại mới.
Bên cạnh việc tiếp tục truyền tải chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là cầu nối ý Đảng với lòng dân, báo chí Việt Nam còn thể hiện trí tuệ, khát vọng, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt, chỉ rõ ý chí kiên trì theo con đường độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam mà Đảng và Nhà Nước đã dầy công xây dựng. Với ý nghĩa đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52 (Ngày 05/02/1985) lấy ngày 21.6 (ngày thành lập báo Thanh Niên) hằng năm làm Ngày báo chí Việt Nam. Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, để đánh dấu sự kiện quan trọng này, vào ngày 21/06/2000, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý đổi Ngày báo chí Việt Nam thành Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam.
Theo Báo cáo tổng kết năm 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông: “Tính đến ngày 26/12/2013, toàn quốc có 838 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm, trong đó các cơ quan Trung ương có 86 báo, 507 tạp chí; địa phương có 113 báo, 132 tạp chí; có 70 báo điện tử, 19 tạp chí điện tử và 265 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Mạng lưới phát thanh - truyền hình có 67 đài phát thanh - truyền hình Trung ương và địa phương, trong đó có 03 đài phủ sóng mặt đất toàn quốc, gồm có Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC; 64 đài phát thanh, truyền hình địa phương. Hiện tại, Việt Nam có 178 kênh chương trình phát thanh và truyền hình quảng bá, gồm 103 kênh chương trình truyền hình, 75 kênh chương trình phát thanh. Nhiều chương trình phát thanh - truyền hình quốc gia và một số chương trình phát thanh - truyền hình quảng bá khác được phát sóng trên mạng Internet đến các khu vực và các nước trên thế giới phục vụ thông tin đối ngoại. Bên cạnh hệ thống truyền hình quảng bá, hệ thống truyền hình trả tiền tiếp tục được đầu tư, phát triển. Riêng 04 cơ quan báo hình lớn nhất của Việt Nam (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh) đã sản xuất 73 kênh truyền hình trả tiền. Ngoài ra, trên hệ thống truyền hình trả tiền hiện có 75 kênh truyền hình nước ngoài phục vụ 4,4 triệu thuê bao trên toàn quốc”.
Với 89 năm hình thành và phát triển (1925 - 2014), mặc dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau nhưng dù ở bất kỳ thời kỳ nào, bất kỳ nhiệm vụ nào báo chí cách mạng Việt Nam vẫn không ngừng lớn mạnh và luôn hoàn thành xuất sắc mọi sứ mệnh của mình để trở thành tiếng nói của Đảng, các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể và là diễn đàn của nhân dân. Tiếng nói của báo chí không chỉ phản ánh kịp thời, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống mà còn là kênh thông tin tin cậy để nhân dân bày tỏ tâm tư nguyện vọng, là phương tiện giám sát đối với Đảng và Nhà nước.
N.T.T