Chuyện dang dở chiếc chìa khóa - Bùi Đế Yên

21.07.2014

Chuyện dang dở chiếc chìa khóa - Bùi Đế Yên

          Một ngày mệt nhọc, khi mà quyết định về chung cư bị trì hoãn cả tuần qua của Nhi lại rơi đúng vào thời điểm mất điện. Khệ nệ xách mấy cái bịch lủng lẳng nào là nước suối, rượu, mỳ, rau, quả lên đến tầng 10 quả là một kỳ tích với một người “ vô thể dục, bất thể thao” như cô. Đứng thở một lúc, loay hoay thêm một lúc nữa, Nhi mới mở được cửa. Cái căn hộ chung cư nhỏ xíu này là thành quả của đợt chơi chứng khoán OTC hồi đầu năm kia, chứ cứ như mức lương và mức chi tiêu của Nhi bây giờ, nếu không gặp sự cố gì bất ngờ  cũng phải mất thêm chừng 30 năm nữa, tức là gấp đôi tuổi bây giờ, may ra Nhi mới mua được nó.

Sao nhiều người có tiền dễ thế nhỉ? - Buổi tối, nằm dài trên chiếc ghế nệm, nghe tiếng ro ro phát ra từ cái máy lạnh rẻ tiền – Nhi ngẫm nghĩ: Họ mua nhà to, sắm xe xịn, học lên cao và đi shopping suốt. Còn mình thấy kiếm tiền sao mà vất vả…đi làm, đi học suốt ngày, gần như chẳng phải nuôi ai mà đến chừng này mới có được một chỗ riêng tư thế mà còn bị bọn bạn ganh tị nói là giàu…có những 2 nhà.

Ừ mà hai nhà thật. Nếu như cái căn phòng 36m2 ở vùng giáp ranh này được coi là nhà. Nhà kia tuy to thật, trung tâm quận  thật nhưng có phải là của Nhi đâu. Thành quả của bố mẹ và mọi anh chị em đấy chứ !? Và dù rằng ông Chu Dung Cơ có nói: “ Nhà của bố mẹ là nhà của con, còn nhà của con không phải là nhà của bố mẹ” đi chăng nữa thì Nhi cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện được chia chác, thừa hưởng gì ở đấy cả. Tính Nhi thế từ bé. Không bắt chước Mai An Tiêm “Của biếu là của lo, của cho là của nợ” nhưng Nhi nghĩ: “ Tự lập, tự lo, tự do là trên hết”.

Mà có tiền nhiều cũng chắc gì đã sướng nhỉ? Có mấy ai ăn 2 lần trong 1 bữa, mặc  2 áo một lần và ở 2 nhà cùng một lúc đâu? Mà có ăn, mặc, ở  được như thế thì cũng có sung sướng gì đâu cơ chứ. Cứ trông Nhi đây thì biết. Nhi mua nhà, sắm đồ đạc cho cái nhà này cả hơn 2 năm nay nhưng Nhi có ở được mấy ngày đâu. Và nội cái việc cứ chạy đi chạy về 20 cây số giữa hai nhà là thấy mệt. Cho thuê dài hạn thì tới lúc cậu em cưới vợ lại chẳng có chỗ mà ở. Cho thuê ngắn hạn thì  nhà mới, đồ mới người ta ở mấy tháng cũng phải thay. Tính ra chẳng đáng. Với lại nhà ngày thường bỏ không đấy, chứ các ngày lễ tết giỗ chạp, anh chị em quận trên đổ xuống, người nhà dưới tỉnh đổ lên. Nhi không về dưới chung cư thì bọn em, bọn cháu cũng mượn cô, mượn chị cái chìa khóa phòng.

Cái chìa khóa phòng ấy chỉ có một bộ chính. Sợ tính mình hay quên, Nhi đi đánh thêm một bộ phụ nữa là hai. Mỗi bộ gồm 2 chìa, cho cửa gỗ trong và cửa sắt ngoài. Cái cửa ngoài dễ mở nhưng cửa trong rất khó. Mỗi tháng trả mấy trăm ngàn tiền an ninh dịch vụ, nhà cũng chẳng có tiền bạc, đồ đạc quý giá gì nên thường thì Nhi chỉ khóa một cửa và khi giao chìa khóa cho ai cũng chỉ giao một chìa. Tuy nhiên 4 tháng trước, Nhi đã giao chìa khóa đó cho một người không phải em, không phải cháu và lại giao đủ cả hai chìa.

Nhi quen anh, nói đúng ra là Nhi gặp lại anh trong một cuộc thi văn nghệ mà Nhi, vớ vẩn thế nào, lại ngồi ở vị trí giám khảo. Khoảng 3 năm trước, khi Nhi gặp anh lần đầu, anh làm kế toán trong một ngân hàng mà công ty cũ của Nhi là …khách nợ. Thường thì do làm nhiều nghề cùng lúc, luôn phải gặp gỡ tiếp xúc với nhiều người nên Nhi khó lòng nhớ được ai đó, nếu chỉ gặp  một, hai  lần trong những trường hợp quá bình thường như vậy nhưng với anh thì khác. Ngay lần đầu gặp gỡ, Nhi đã phải kinh ngạc vì khuôn mặt đẹp thanh khiết như thiên thần ấy. Nhưng ấn tượng ban đầu thường là trôi qua mau, nếu như không có cuộc gặp gỡ định mệnh đó.

Trong cuộc thi đó, nếu như khán giả và các vị giám khảo khác bị chinh phục bởi vẻ bề ngoài và giọng hát của anh thì Nhi lại bị hớp hồn vì những bài hát anh chọn. Nói thế nào nhỉ? Những bài hát ấy là những bài hát của Nhi, của giới văn nghệ sĩ. Những người có một cuộc đời đa đoan phức tạp hoặc ít nhất cũng là của những người sống nội tâm và  hoài cổ. Nó không thể có ở một người trẻ đẹp, có công việc ổn định, không liên quan gì tới nghệ thuật đến như vậy. Trừ những ca sĩ chuyên nghiệp, hát theo sự dàn dựng của đạo diễn, những người trẻ ngày nay không mấy ai chọn những bài hát tâm trạng như vậy. Giữa bài hát, khi ánh mắt anh chạm mắt Nhi, Nhi biết trái tim đã rời  bỏ lồng ngực  mình để chạy tới với anh.

Có lẽ suốt đời Nhi cũng không thể quên được cái buổi tối hôm đó. Và Nhi sợ cái cảm giác xa xót tiếc nuối cũng sẽ cùng nỗi nhớ song hành. Phải, đã 4 tháng rồi mà Nhi vẫn thấy hơi thở trong lành của anh bên tai. Thấy hơi ấm của bàn tay anh trên vai. Và bờ môi mềm mại của anh trên môi. “Chị thật đáng yêu!”. Nhi là người viết và Nhi đủ trải đời để hiểu câu đó nghĩa là gì. Nhưng Nhi không quá đau buồn, đơn giản vì Nhi có hi vọng gì đâu mà thất vọng chứ? Những người hoàn hảo thường không dành riêng cho ai cả. Anh quá đẹp, quá đáng yêu. Dù chỉ để vui vẻ thì anh cũng có thể có những cô gái trẻ và đẹp, hơn một kẻ đã nếm đủ mùi thất bại đến nỗi phần tự ti lấn át phần tự tin như Nhi rồi. Nói cho đơn giản lại thì Nhi coi sự có mặt của anh trong căn hộ của mình là một giấc mơ đẹp. Giấc mơ thì thường qua nhanh và hiếm khi lặp lại. Cái  mà Nhi hối tiếc là tại sao khi đó  Nhi lại không đủ can đảm hay mê dại để giữ anh lại bên mình. Kéo dài giấc mộng đẹp ấy thêm chốc lát. Tại sao lại không đi đến tận cùng. Không trao cho anh tất cả và biết đâu có thể giữ lại cái gì đó là của anh. Có lẽ vì Nhi quá nhút nhát, quá bất ngờ hay vì Nhi quá tôn thờ anh. Nhi thấy mình không xứng đáng? Nhi không muốn làm anh thất vọng? Và thêm  hàng trăm lý do vớ vẩn khác để cái đêm hôm ấy trôi tuột đi mất. Và cơ hội có sự hiện diện của anh lần nữa là vô cùng mong manh.

120 ngày, sau hàng chục lần ghé về nhà, Nhi đã không còn giữ được sự hồi hộp hi vọng  có một sự thay đổi xáo trộn nào đó  khi mở cửa bước chân vào phòng. Những ánh mắt, khuôn mặt, nụ cười của anh vẫn cứ lúc ẩn lúc hiện trong căn phòng  khiến những hình ảnh trên ti vi, Nhi mở cả tiếng trước, trôi qua không dấu vết.

 Chị bạn, là nhà thơ của Nhi nói: những lúc trong lồng ngực chứa đầy cảm xúc như thế, chị thường làm thơ. Nhi thì lại khác. Nhi đã tự dặn mình không được viết khi đang quá xúc động.Văn chương là một cái nghề nguy hiểm. Việc che giấu được những suy nghĩ, cảm xúc, khát vọng thực  của mình trong tác phẩm luôn được giới chuyên môn,  cụ thể là những người biên tập đánh giá cao. Do quan niệm “sống trước viết sau” nên Nhi chẳng có nhiều cống hiến cho nền văn học nước nhà. Tuy nhiên Nhi đã làm nghề đủ lâu để biết kiềm chế tính cách nhân vật và tình tiết câu chuyện. Nó khiến cho nguyên mẫu không tìm thấy mình trong chuyện và người đọc thì luôn phải đoán già đoán non xem chuyện đó có thật hay không. Hồi Nhi còn viết bài cho trang gia đình và xã hội, một nhà báo kỳ cựu của tòa soạn đã nửa đùa nửa thật bảo: Trang này cần gì đi tìm tư liệu, cứ phịa như thật là ok! Báo mà còn vậy, nói gì tới văn chương.

Thường  thì có hai cách để hình thành một tác phẩm văn học. Một là bê  y nguyên chất liệu cuộc sống thực lên làm nội dung và cho nguyên mẫu lên làm nhân vật, chỉnh sửa lại câu chữ, thế là ok. Cách này dễ nhưng nguy hiểm và có lẽ cần sống cả chục cuộc đời thì mới có đủ vốn sống  cần thiết cho một lượng tác phẩm khá hạn chế. Cách hai là chọn lọc chi tiết, hình mẫu, thêm thắt ý tưởng, hư cấu ra nội dung, nhân vật và bằng tài năng của mình biến những câu chuyện bịa đặt ấy thành như thật. Làm cách nào đó khiến người đọc bị thuyết phục  vào tính logic của câu chuyện, truyền tải được những thông điệp tích cực tới người đọc là thành công. Hầu hết những người viết chuyên nghiệp đều chọn cách này. Tuy nhiên thường thì do thiếu vốn sống thực tế trừ những người rất có tài năng, những tác phẩm này một là không theo  kịp thời đại, hai là phi logic. Nhi chẳng có được tác phẩm lớn dù cô được đánh giá là có cả hai thứ quan trọng nhất để tạo nên một nhà văn: Vốn sống và tài năng. Ở cách thứ nhất, Nhi không đủ dũng cảm để tung hê tất cả những cảm xúc, ước mơ, suy nghĩ cũng như những người thân yêu của mình lên trang giấy. Nhi cũng không có đủ đức tính kiên trì  để ngồi bịa ra những câu chuyện không có thực theo cách thứ hai, khi mà cô thấy cuộc sống có nhiều điều kỳ lạ và hay ho hơn  rất nhiều. Lúc này cũng vậy, Nhi quyết định chọn hộp bút màu thay cho cây viết. Công việc của một nhà văn và một họa sĩ đều thầm lặng và cần sự sáng tạo như nhau nhưng thành quả thì lại hơi khác. Sách dễ bán nhưng giá trị rất thấp. Tranh rất khó bán nhưng giá trị lại cao. Và thường thì ai cũng có thể đọc hiểu được một tác phẩm văn học, dẫu nó  phức tạp  nhưng lại rất ít người hiểu được một tác phẩm hội họa đơn giản.Với lý do đó, Nhi làm quen với màu vẽ, dẫu cô chẳng có  nhiều đam mê cũng như  năng khiếu dành cho nó.

Nhi lơ đễnh xếp những bức tranh khá đẹp nhưng nhạt nhẽo vô hồn vào ngăn kéo. Trong đó còn có cả mấy tấm chân dung mà mấy tháng trước Nhi đã cẩn thận cất vào đó để biết đâu nếu anh có dẫn bạn bè về thật.

 Nhi đẩy con gấu bông ra xa, úp mặt vào chiếc gối ôm mà anh đã từng ôm 4 tháng trước. Dĩ nhiên là chẳng còn lưu lại hơi hướng gì nhưng nó cũng đủ ru Nhi vào giấc ngủ. Rất nhanh sau đó, Nhi rơi vào một giấc mơ kỳ lạ.

Nhi thấy đứng ở bên giường mình, một bà già ăn mặc diêm dúa. Nhi nằm trên giường, một tay nắm chùm chìa khóa còn một tay cầm chiếc gương nhỏ. Trong gương là khuôn mặt Nhi: xấu xí và mệt mỏi. Giọng bà ta vang lên:

- Ta là phù thủy. Do đó ta không tặng không các điều ước như các ông bụt bà tiên. Ta cần sự đánh đổi và trả giá.

- Con sẵn sàng đánh đổi tất cả cuộc đời mình để được trẻ đẹp và xứng đáng với anh.

- Ta đã nói rồi; ta không phải thần chết hay quỷ dữ nên ta không lấy cuộc đời cũng như linh hồn của con. Vả lại ai cũng phải già và nhan sắc nào rồi theo thời gian cũng sẽ tàn phai cả. Con phải trẻ đẹp vì con đáng yêu chứ không phải vì trẻ đẹp nên mới đáng yêu.

- Vậy thì con chẳng có gì có thể đánh đổi cả vì bà cũng đâu có cần công sức hay tiền bạc.

- Hãy cắt cho ta một nửa trái tim của con.

- Nếu… nếu mất nửa trái tim liệu con có thể sống được không?

            -Cái đó thì ta không dám chắc. Với một người bình thường thì thường là không. Nhưng ta không lấy những trái tim bình thường. Ta cần những trái tim đặc biệt, mạnh khỏe.

- Trái tim con yếu đuối lắm và nó đã từng tan nát  rất nhiều lần.

- Không, trái tim con không hề yếu đuối, ta đã quan sát nó và ta đồng ý chọn nó vì nó là một trong số rất ít trái tim biết yêu mạnh mẽ. Hơn thế nữa, nó đặc biệt nhạy cảm và hồi sinh rất nhanh.

Nhi im lặng. Dù sao bà ta cũng là phù thủy và phù thủy thì luôn luôn biết rõ sự việc hơn người thường. Bà phù thủy lấy chùm chìa khóa từ tay Nhi và lẩm nhẩm những câu bùa chú. Trong chốc lát, chiếc chìa khóa biến thành một con dao mỏng sắc và nhọn. Nhi nhắm mắt lại. Bỗng nhiên cô bật dậy kêu lớn. Bà phù thủy đanh ngay mặt:

- Sao vậy? Ta không nghĩ là mi sợ hãi. Hay là sự đánh đổi quá lớn và mi cảm thấy thiệt thòi?

- Không! nhưng con … con không thể trao cho chàng một nửa trái tim. Một nửa tình yêu.

           Bà phù thủy phá lên cười:

- Ta biết! Cũng giống như  chiếc chìa khóa chính con trao cho chàng, như những thứ đồ dùng của nam giới con để sẵn trong phòng, như những đồ trang điểm và đồ dùng phụ nữ mà con cất vào góc tủ để chàng có thể tự nhiên như ở nhà mình nếu có một lần nào đó chàng ghé qua. Và như cả  ánh mắt dịu dàng và nụ cười tươi vui nhất khi con nhìn thấy chàng bên một cô gái đẹp khác... Cốt người con yêu hạnh phúc. Con luôn muốn trao cho người con yêu thứ toàn vẹn nhất, tốt đẹp nhất bất kể cậu ta có cần tới nó hay không chứ gì?

Quả là phù thủy, luôn biết tất cả mọi việc.Và tuy là phù thủy  nhưng đây là một phù thủy tốt bụng nhân từ. Bà nghiêm trang giải thích:

- Nếu chàng yêu con thì dù chỉ nhận được một phần hay một góc trái tim con, chàng cũng sẽ nâng niu quý trọng nó. Còn nhược bằng không yêu thì cả trái tim nguyên vẹn cũng chẳng ích gì. Huống chi không phải một nửa hay một góc trái tim thì không thể chứa được một tình yêu nguyên vẹn.

Đúng là một bác sĩ tâm lý chuyên trị bệnh tim. Những lý lẽ đó khiến  Nhi yên tâm nhắm mắt lại dù không khỏi không cảm thấy sợ hãi khi nhớ tới ca mổ thay động mạch tim của ông chú họ trong bệnh viện mấy tháng trước.

 

***

 

          Trái tim của Nhi có còn nguyên vẹn hay không? Nhi không thể biết được, vì sáng hôm sau tỉnh dậy, vò đầu bứt tai Nhi cũng chỉ nhớ được đến thế. Chiếc chìa khóa vẫn nằm nguyên vẹn ở đầu giường. Mặt mũi thì quả có thần sắc hơn nhưng có lẽ đó là do được ngủ đẫy giấc, sau nhiều đêm thức khuya. Trên ngực chẳng có tí vết tích nào chứng tỏ đã có một cuộc phẫu thuật, dù đã săm soi rất kỹ. Nhưng biết đâu đấy, chẳng phải là phù thủy chỉ cần vuốt tay thì vết mổ sẽ liền ngay và vết sẹo sẽ biến mất là gì!?

Sáng hôm đó, do mải mơ màng với câu chuyện một nửa trái tim, khi Nhi dọn dẹp thay đồ xong đã gần 7giờ. Từ chung cư xuống công ty khoảng 10 phút. Trễ quá rồi, thể nào cũng bị ghi tên. Dở hơi hay sao mà lại mất thời gian cho một giấc mơ vớ vẩn. Nhi vừa chốt cửa vừa tự mắng mình như vậy. Rồi như các cụ xưa đã nói “dục tốc bất đạt”. Phàm khi hấp tấp nóng vội người ta hay mắc sai sót và điều đó quả không sai...Chiếc chìa khóa cửa trong là chiếc chìa khóa đánh thêm từ một gã sửa khóa nửa mùa, rất khó sử dụng nhưng suốt 4 tháng qua Nhi vẫn mở, đóng được cửa. Lần này có thể cũng sẽ vậy, nếu như sau khi loay hoay mãi mà không rút được chìa ra Nhi đã không xoay nó thêm một chút rồi dùng hết sức giật mạnh. Một nửa chiếc chìa khóa rời ra. Nhi bất lực nhìn  nửa chiếc chìa còn lại nằm trong ổ khóa. Một phần vẫn nhô ra ngoài đủ  để cho một bàn tay cứng cáp hơn tay Nhi có thể rút ra.

 

***

 

Đấy không phải là một cái kết mở theo cách mà Nhi vẫn làm. Đó chỉ là một phần câu chuyện  về  những điều kỳ diệu của tình yêu, mà Nhi muốn viết nhưng còn bận việc này việc kia nên vất lại dở dang. Nếu muốn, bạn đọc có thể viết phần tiếp theo của câu chuyện theo ý mình. Nhi sẽ tặng cho bạn hết số tiền nhuận bút khi bài được đăng. Dĩ nhiên nếu không có người nào quan tâm đến câu chuyện riêng tư này và Nhi không mở được cửa phòng một cách dễ dàng thì chín mươi phần trăm là Nhi sẽ viết tiếp theo cách của cô ta, tức là đóng lại câu chuyện ở đây.

 

B.Đ.Y