Giải thích lại một bài thơ của Nguyễn Du - Trần Ngọc Hồ Trường

21.07.2014

Giải thích lại một bài thơ của Nguyễn Du - Trần Ngọc Hồ Trường

Đó là bài thơ có tên Tạp ngâm nằm ở vị trí thứ 55 trong Thanh Hiên thi tập, gồm 3 bài. Hơn nửa thế kỉ qua, bài thơ này đã bị hiểu sai lệch một cách đáng tiếc, đặc biệt là hai câu cuối ở bài thứ hai:

Táo đầu chung nhật vô yên hỏa

Song ngoại hoàng hoa tú khả xan

(Trong bếp suốt ngày không có khói lửa

Hoa cúc vàng tươi tốt ngoài cửa sổ có thể ăn được)1

Hai câu này được hiểu là chỉ sự đói khát, thiếu thốn, cơ cực mà nói rõ ra, do quá nghèo, Nguyễn Du không có gì để mà nhóm lên ngọn lửa. Nhà phê bình Hoài Thanh2 cho rằng, hai câu trên nói “cảnh cơ cực”, “thiếu thốn”. Dịch giả Đào Xuân Quý3 thì cho rằng chúng nói lên sự nghèo đói, “đã có lúc suốt ngày không có một chút khói lửa nào trong bếp, chỉ ngồi nhìn suông hoa cúc vàng ngoài cửa sổ cho qua bữa” còn Nguyễn Lộc4 lại cho hai câu đó (và hai câu liền ngay phía trên) nói “cảnh ốm đau thê thảm”. Trong văn cảnh đoạn văn nói về 4 câu thơ này, nhà nghiên cứu nói chúng thể hiện sự vất vả, nghèo khổ.

Có phải hai câu thơ đang được nói tới có ý nghĩa như trên không? Muốn hiểu nghĩa của chúng, phải đặt chúng trong văn cảnh cả bài thơ, trong văn cảnh thơ chữ Hán Nguyễn Du và có khi trong văn cảnh văn học trung đại. Trong hai câu thơ trên, để hiểu câu đầu tiên phải giải thích câu thứ hai trước. Tạp ngâm là một bài thơ thu, nằm trong type thơ về mùa thu của Nguyễn Du, có các motip tiếng thu, gió tây, trăng thu, hoa cúc vàng, sắc thu, có lẽ được viết trong thời kì nhà thơ ẩn dật dưới chân núi Hồng. Nhưng khác với các bài thơ thu khác, bài thơ này không có cái u uất, đa hận, sầu nhớ, tiêu tao như thấy trong các bài Thu dạ, Tân thu ngẫu hứng, Thu nhật ký hứng, Ký Giang Bắc Huyền thi Tử... Tạp ngâm, bài thơ đang được giải thích, có cúc vàng, núi xanh, trăng sáng, rừng phong đỏ lá, rất khác biệt, thể hiện điều gì đó rạng ngời, sáng sủa, xao động, bừng tỉnh, có sắc khí mới ở nhân vật trữ tình. Bài thơ cũng nói cái cốt cách thanh cao của ẩn sĩ với hình ảnh “cây tùng cao trăm thước”, “lòng (nhà thơ) sáng như trăng”, “nước đầm trong như lòng chủ nhân”, nằm trong nhóm những bài thơ biểu đạt cốt khí thanh trong của Nguyễn Du, như bài Đạo ý chẳng hạn. Hình ảnh nhà thơ trong Tạp ngâm đầy hứng khởi, có một tâm thế mới, như bừng ngộ bởi ông nói, ở ẩn buồn “bỗng thấy vui” và khi nhấm rượu thì “sắc mặt tươi lên”. Nhà thơ cũng là kẻ nhàn hạ, nhàn tản, “đồ thư bốn vách bao nhiêu cũng không chán”, “thong thả” ra cửa xem ngắm sắc thu. Chính trong cái tâm khí, tâm thế của một ẩn sĩ thanh cao, trong cái bừng ngộ, rạng ngời trong mùa thu mới, Nguyễn Du thấy nhẹ nhõm, nhàn nhã, vui với cái vui, cái thú của kẻ sĩ, đó là thưởng ngoạn cúc vàng. Hoa cúc vàng tươi tốt ngoài cửa sổ có thể ăn được. Đây là cái thú “khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”. Hiểu được cái mê đắm với cúc vàng nên các bậc lão Nho Bùi Kỷ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh mới dịch câu này là: Ngoài song no với khóm hoàng hoa. Vì vậy, ở đây không có chuyện “nhìn suông hoa cúc cho qua bữa” mà là sinh thú, cho thấy cái thảnh thơi của thi sĩ. Để chỉ cái thú tiêu dao, thanh nhàn, văn chương cổ thường nói đến “cúc vàng trúc xanh” (hoàng hoa lục trúc) hay có khi dùng “cúc chuyết lan xan” (lấy cúc làm cơm, lấy lan làm trà). Người quân tử cũng được ví với hoa cúc tươi tốt (cúc tú lan phương) (hoa cúc tươi tốt, hoa lan thơm lừng). Hai câu thơ đang bàn tới có sự liên kết chặt chẽ, câu thứ 2 vừa phân tích là nguyên nhân của câu thứ 1: vì mê say với thú ngắm hoa mà quên cả ăn uống, ăn uống không còn cần thiết nữa, cho nên mới có chuyện “bếp núi cả ngày không khói lửa”. Điều này không phải là bởi nhà thơ quá nghèo, không có gì để nấu! Người quân tử, kẻ sĩ có lúc không cần cầu thực, chỉ cần vui với đạo, an lạc với cảnh cơ hàn, với việc ở ẩn. Khổng Tử từng nói tới phong cách sống của người quân tử. Đó là “Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an” (Người quân tử ăn không cầu no, ở không cầu an) (Luận ngữ, Thuật nhi, I). Nguyễn Công Trứ trong bài phú Hàn Nho phong vị phú cũng nói: “Ngày ba bữa bụng vỗ rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cần no / Đêm năm canh an giấc ngáy kho kho...”. Cái nhàn tản, nhàn hạ, vô ưu, vô tư, cái thú tiêu khiển đầy phong vị của kẻ sĩ đã hoàn toàn lấn át cái việc ăn uống phàm tục.

Hình ảnh Nguyễn Du trong Tạp ngâm như vậy là hình ảnh một ẩn sĩ nhàn nhã, thanh cao, bừng tỉnh trong sắc thu, không xem việc cầu thực phàm phu làm trọng mà đắm say trong cái thú thưởng hoa. Đây mới chính là ý nghĩa đích thực của bài thơ và hai câu thơ đang nói. Chúng không hề có nghĩa chỉ sự nghèo đói, bần cùng đến nỗi không có gì để nấu như một số nhà nghiên cứu đã nói. Nhà thơ ở đây đã no say với hoa, không màng đến việc ăn uống phàm tục. Bếp không khói lửa vì nhà thơ đã có thú tiêu khiển là thưởng hoa. Văn chương cao nhã trung đại khi nói về phong thái kẻ sĩ hầu như không nói về nhu cầu ăn uống đầy tục tử. Lẽ nào Nguyễn Du lại nói đến điều này qua hình ảnh cái bếp không đỏ lửa? Một số nhà nghiên cứu nói Nguyễn Du bần hàn. Tuy nhiên, ông không thể nào nghèo hàn đến mức không có gì để đỏ lửa bếp. Trong trường hợp không căn cứ vào chính văn bản tác phẩm như đã phân tích mà căn cứ vào cuộc đời nhà thơ để lý giải hai câu trên, thì cũng không có đủ chứng lý. Từ năm 1793 - 1794 và mấy năm sau đó, tức thời điểm Nguyễn Du viết Tạp ngâm, bài thơ đang được bàn, Nguyễn Du đã có vợ mới, tức đã có người đỡ đần. Ông vẫn đi săn chơi, như ông nói trong bài Lạp, vẫn đi hát phường vải. Anh ruột ông và anh vợ (cũ) lúc đó đang là đại quan nhà Tây Sơn và gia tộc ông dù suy vi nhưng từng là vọng tộc, không thể không có gì sót lại. Vì vậy, ở hướng tìm hiểu này, cũng không thể tin được nhà thơ nghèo đến mức không có gì để mà nhóm lửa!

T.N.H.T.

Chú thích:

1. Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Đào Duy Anh dịch nghĩa và chú thích, NXB Văn học, 1988, tr.111.

2. Hoài Thanh, Tâm tình Nguyễn Du qua một số bài thơ chữ Hán, Tạp chí Văn nghệ, 3-1960.

3. Đào Xuân Quý, Nguyễn Du trong những bài thơ chữ Hán, Báo Văn nghệ, 11-1965.

4. Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tập II, tr.29.