Chuyện tình gia sư - Ngọc Hà

21.07.2014

Chuyện tình gia sư - Ngọc Hà

Tiếng chuông điện thoại lại rung lên hồi nữa, đổ dồn trên mép giường cách tôi một cánh tay nhưng tôi không buồn quay đầu lại. Hiếu đang cắm cúi nhặt rau muống chuẩn bị cho bữa trưa ngẩng lên nhìn tôi đăm chiêu khó hiểu:

- Sao cậu không bắt máy, biết đâu là ai đó cần việc gì gọi cậu chứ không phải anh ấy.

-Mặc, nó rung mãi rồi cũng tắt. Tôi đáp nhạt thếch.

Tôi tiếp tục quấn cái chăn cuộn tròn quanh mình áp vào bờ tường đã tróc dở do bị ẩm như không nghe thấy gì. Nhưng còn ai vào đây nữa ngoài người ấy vào lúc này, giờ này. Tôi tự cho phép mình nằm nguyên như vậy trong hai tiếng đồng hồ. Sau bữa trưa, tôi mang cặp sách lên thư viện. Thư viện buổi trưa thật vắng vẻ. Chỉ còn rải rác đâu đó vài sinh viên mới ra căng tin ăn trưa vào. Chính không gian lúc này là lúc cho phép tôi được ngẫm nghĩ mọi chuyện mà không bị quấy rầy. Tôi tự nhủ chính mình đã chấp nhận phiêu lưu thì bây giờ mình phải đối mặt với nó thôi. Rồi mạnh mẽ hơn trong ý nghĩ: Chẳng phải mình đã vượt qua một lần như vậy rất ngoạn mục hay sao. Nếu lần này lịch sử lặp lại một lần nữa thì mình cũng thành công hơn thôi, Sương à. Nó chẳng qua như những nét màu sắc khác của một bức tranh cùng chất liệu thôi mà. Dũng cảm lên. Nhưng đột nhiên tôi nghĩ nếu tối nay anh không tìm tôi thì tôi gặm nhấm nỗi thất vọng do chính lòng hi vọng mù quáng của mình gây ra như thế nào. Tôi vốn là kẻ tự sát thương mình bằng hi vọng mà. Vết thương cũ trong lòng như được sống dậy từ hơi men của vết thương mới đánh thức. Mới cũ nhạt nhòa.

         Cũng là tiếng rung chuông của chiếc điện thoại này năm trước khi tôi đang ngồi học bài. Ký ức chợt trỗi dậy trong tôi…

-    Dạ! tôi nghe. Xin lỗi. Ai vậy? Anh là Tuấn. Ở trung tâm gia sư Trí Đức đây em. Em có phải là bé Sương không vậy.

    - Dạ! Dạ phải.

- Có phải em từng đăng kí rằng: nếu dạy học sinh thi rớt không lấy tiền đúng không? Vậy thì có một suất dạy luyện thi đại học văn – sử - địa cho em đây. Chiều khoảng bốn giờ em đến trung tâm gặp anh nhé!?

-    Dạ! vâng . Em cảm ơn anh nhiều.

Mọi chuyện xảy ra với tôi ngày hôm ấy như một câu chuyện huyền thoại mà tôi chưa kịp định hình đã bị cuốn trôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Đây là lần đầu tiên tôi nhận một suất dạy sau mấy tháng chân ướt chân ráo làm tân sinh viên đại học sư phạm văn nên hết sức phấn khởi và bồi hồi. Chiếc phong bì đưa tôi và Tâm, người bạn cùng lớp, đến một địa chỉ trên con đường lớn. Điều bất ngờ với chúng tôi là đó không phải ngôi nhà mà là một cơ quan khang trang mà tôi không biết tên. Chính lúc đó Tâm nhận được cú điện thoại phải về gấp. Thế là chỉ còn lại mình tôi. Đang tư lự thì bỗng xuất hiện một người con trai mặc bộ đồng phục nghiêm trang chào tôi. Không kịp hiểu mọi chuyện, anh đi trước bảo tôi theo vào quán nước bên đường nói chuyện. Trước mặt tôi lúc ấy không phải là một người nữa mà là năm người mặc đồng phục với sắc mặt nghiêm nghị. Tôi e dè ngồi nép vào một góc nói: “Dạ ! Cho em hỏi em của anh nào cần học”. Các anh đều bật cười. Một anh nói: “Đây đều là học trò của cô cả”. Thấy tôi có vẻ chưa định thần được. Anh nọ tiếp: “Tụi anh mới là học viên thôi, cô giáo đừng ngại”. Sau cuộc trò chuyện, tôi ra về với cảm giác lâng lâng khó tả. Đêm ấy tôi không tài nào chợp mắt được, trằn trọc cho đến sáng. Tháng ngày qua, tôi hòa nhập vào vai một cô giáo với những người học trò lớn tuổi hơn một cách nhanh chóng. Trong số năm anh học trò, tôi dần dần thân thiết với Chiến hơn cả bởi những câu đố thách về kiến thức chuyên sâu. Vượt qua những vòng loại kiểm duyệt kiến thức, Chiến tiếp xúc và thân thiết với tôi theo một nghĩa khác. Chúng tôi thường có một ngôn ngữ chung trong những mẩu chuyện về sở thích, nghị lực, chí hướng…. Dịp nghỉ tết về quê năm ấy anh gửi tặng tôi một bài hát Đợi chờ là hạnh phúc kèm một lời nhắn nhủ qua chương trình âm nhạc: hãy chờ đợi anh, đến khi anh thi xong sẽ bù đắp cho bé nhé. Trong quãng thời gian này anh cần bé giúp đỡ nhiều!

Sau kì nghỉ tết, tôi tiếp tục đi dạy và nhiệt tình giúp đỡ anh trong chuyện học hành mà không đòi hỏi ở anh điều gì. Phải chăng tôi là người từng thất bại trong thi đại học nên hiểu được những người ôn thi cần gì cùng những áp lực đang đè nén họ. Hay là từ lúc nào tôi đã nuôi niềm hi vọng về lời đề nghị đợi chờ là hạnh phúc của  người mà tôi có cảm tình này. Thời gian thoi đưa, tháng bảy là tháng kết thúc kì thi đại học cũng đến. Tôi được tin anh đậu đại học trong ngành nhưng cũng từ đó không thể liên lạc gì với anh cả. Anh tránh né gặp tôi cũng như những gì có thể liên lạc giữa tôi và anh. Như vậy là tôi đã hiểu những gì anh muốn nói với tôi sau bao tháng chờ đợi. Tôi chỉ gặp anh đúng một lần trước ngày anh lên đường nhập học với mục đích trả lại những tài liệu ôn thi anh đã mượn. Đau khổ và nhớ nhung khiến nhiều lần tôi đạp xe đến cơ quan tìm anh kể cả khi ngoài trời đang mưa mặc dầu biết anh đã đi xa rồi. Nhưng rồi tôi đã nhanh quên anh bằng việc dùng hết quỹ thời gian của mình vào việc học. Tham gia một lớp học võ là sự trang bị sức đề kháng và chống trả với thực tế mà tôi có thể làm thêm cho mình trong thời gian đó…

Đó là câu chuyện của năm cũ còn bây giờ tôi đang ngậm ngùi không biết mình có giẫm lên vết xe đổ năm trước không nữa. Có lẽ định mệnh an bài tôi là người gia sư có duyên tình với những anh chàng nghiệp vụ này chăng. Tôi còn nhớ tự bản thân mình răn đe không được phạm sai lầm của đợt dạy luyện thi cũ trước khi quyết định nhận dạy cho suất năm nay. Rồi tôi lại bị khuất phục bởi Trung – một con người đôn hậu. Trong quãng thời gian ấy, cách đối xử của Trung với tôi chân thành hơn Chiến rất nhiều. Nhưng tại sao bây giờ khi đã đỗ đạt rồi thái độ của anh lại lạnh lùng vậy. Sự xuất hiện của một cô gái hay đến cơ quan thăm anh mà tôi vô tình bắt gặp tối đêm qua là gì?

         Điện thoại lại nhấp nháy đổ chuông. Bây giờ anh muốn nói gì đây. Tôi tự nhủ sau này sẽ không làm gia sư nữa để trái tim không bị lừa dối và tổn thương thêm một lần nào. Lí trí dứt khoát vậy nhưng trái tim yếu mềm vẫn nuôi một niềm hi vọng. Rằng tối nay khi đi thư viện về tôi sẽ thấy anh ở phòng chờ tôi để giải thích mọi chuyện rằng: tất cả sự thật không phải vậy đâu em!

 

         N.H