Lưu Vĩ Lân: Người đi tìm mật đạo

11.11.2018

Lưu Vĩ Lân: Người đi tìm mật đạo

Tiểu thuyết Mật đạo của nhà báo Lưu Vĩ Lân do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành tháng 7.2018, dày hơn 400 trang. Đây là câu chuyện về một người đàn ông, từ năm 1943, lúc vừa tròn ba mươi tuổi, trở về vùng núi rừng Quảng quê nội của mình để đầu tư khai phá một loạt các đồn điền, trang trại.

Ông chọn một mảnh đất hình thành bởi đồi Trầm, đồi Mây và đồi Gió (tục gọi Ba Đồi) để xây căn nhà yêu quý của mình. Cuộc đời của ông - hay cuộc tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời - nằm giữa những biến thiên của lịch sử đã hằn dấu lên vùng đất này. Nó khởi phát từ những truyền thuyết thuở vua Hàm Nghi dời đô ra Quảng Trị ban chiếu Cần Vương  (1885), tiếp đến ngày chia đôi đất nước (1954) và kết thúc ở mười ngày sau cùng trước Tết Mậu Thân 1968 , khi chiến dịch đường  9-Khe Sanh khai pháo. Tất cả nhân vật, tên tuổi, địa danh Ba Đồi đều là hư cấu, nhưng mạch chuyện thì bám theo diễn biến thật của lịch sử, cũng như địa danh, địa lý thật của vùng đất huyền thoại này.

Nhà báo Lưu Vĩ Lân làm báo hơn 30 năm và đã xuất bản một số sách. Tên tiểu thuyết Mật đạo được báo giới nhận xét tựa như lối sống ẩn dật trong đời thường của chính tác giả.

Ông có thể cho độc giả biết cơ duyên nào để ông viết nên tác phẩm này?

Một buổi chiều mùa thu cách nay bảy năm, trong cái lạnh u ẩn của Đà Lạt, một mình bên ngọn lửa tí tách từ chiếc lò sưởi của ngôi biệt thự cổ hoang phế đang ở trọ, tôi mở laptop ra để viết một cái gì đó như thói quen hàng ngày. Bỗng, hình ảnh ông Lam và Cha Già nhảy vào chiếm trọn tâm thức tôi. Tôi thấy họ như đang ngồi đàm đạo cạnh mình bên chiếc lò sưởi ấy. Và trong khoảnh khắc, dường như cả ngôi biệt thự cổ ấy không còn nằm ở Đà Lạt lạnh u ẩn nữa, mà đã chuyển hóa thành điền trang Ba Đồi trong cái ướt át của mùa đông khắc nghiệt của Quảng Trị. Và đoạn đàm đạo ấy của vị điền chủ trí thức tên Lam - nhân vật chính của Mật đạo - cùng vị linh mục “Cha Già” (xuất hiện ở chương 5: Địa đạo) là đoạn đầu tiên tôi đặt bút tạo ra tác phẩm. Cuốn sách không được viết từ chương một mà là từ giữa lan ra.

Vì sao lại là một tiểu thuyết về chiến tranh, thưa ông?

Toàn bộ quyển sách là một cuộc chiến. Một chiến địa. Lịch sử, đặc biệt là lịch sử đương đại định hình chúng ta. Tôi lại là thế hệ sau cùng có cảm nhận thật về cuộc chiến tranh đó và may là chưa kịp đến tuổi đăng lính, nên còn giữ được một tư thế khách quan. Thế hệ chúng tôi bị tiếng dội của giai đoạn lịch sử này “vo ve” trong đầu suốt cuộc đời. Nhưng, tôi không viết về chiến tranh. Tôi viết về một thổn thức. Tôi viết về tàn phai. Tôi viết về sự hoảng sợ của con người trước một trời đất trùng trùng ảo diệu, trước một định mệnh phong kín. Tôi viết về một cuộc tìm kiếm... Con người sinh ra là để tìm kiếm và sau cùng họ giật mình thảng thốt khi nhận ra: dường như chẳng có gì để mà tìm.

Có lẽ, miền Nam Việt Nam, đặc biệt là miền Trung với Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị... nơi tôi lớn lên, giai đoạn từ 1968 - 1975, khá trùng hợp cho sự hoang mang đó, ký ức và rung cảm của tôi về thời cuộc ấy ghi khắc một cảm thức lụi tàn, vô định, một xã hội bồn chồn và một nỗi buồn giấu kín. Lúc ấy, nếu bạn có mặt ở Huế trong một đêm buồn nhìn ra đường phố hoang vu, bạn sẽ nhận ra ngay vết hằn của cuộc chiến lên vùng đất, mà Trịnh Công Sơn đã thở ra một cách tài tình: “Đại bác đêm đêm vọng về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe...”.

Là một nhà báo, hẳn ông có rất nhiều tư liệu về những sự kiện lịch sử để tạo dựng một tác phẩm phi hư cấu về chiến tranh, tại sao ông lại lựa chọn tiểu thuyết?

Có một câu nói, đại ý: “Một bài báo đi từ sự thật tiến đến sự giả. Một tiểu thuyết đi từ một hư cấu lại tiến đến gần sự thật hơn”. Làm báo, tôi hiểu rằng phải viết cái tin theo hình tam giác ngược, tức đáy lên trên, tức sự kiện quan trọng nhất đưa lên nổi bật, sau đó là các sự kiện ít quan trọng hơn giảm dần xuống; như vậy là tôi đã chủ quan chọn cái gì là quan trọng nhất theo mình rồi. Mà sự đời cái quan trọng nhất theo mình chưa chắc đã quan trọng nhất hay là lý do đúng với người khác. Thế là sự thật của tôi, là sự giả đối với người khác. Đó là chưa kể đến “viết” và “lách” nữa... Cứ thế, nên ngay cả tại Mỹ, nơi gọi là thông tin khách quan, sự kiện phía báo chí theo Dân Chủ đưa tin, thì Tổng thống Trump bảo “fake news” (tin giả), còn sự kiện mà ông Trump nói thì Dân chủ bảo “fake Tweet” (ông Trump hay dùng Twitter để tấn công đối phương). Còn tiểu thuyết, khi tất cả là hư cấu, tôi không ngần ngại đào sâu vào từng cảm xúc, từng suy tư, từng đau khổ, từng ám ảnh của con người, từng nghiệt ngã của hoàn cảnh..., cứ thế dần dần tôi thấy một cuộc đời thật xuất hiện, nó thật đến mức, đối với Mật đạo, có người không tin rằng tôi đã hư cấu nên nhân vật ông Lam.

Dĩ nhiên, đó là chỉ nói tại sao viết hư cấu mà không là phi hư cấu, chứ thật ra tôi rất cảm ơn năm năm ngồi viết Mật đạo, tôi đã hóa thân vào tác phẩm đến mức khi kết thúc quyển sách, tôi đã nhớ nhung cái điền trang Ba Đồi ấy như nhớ quê hương của mình vậy.

Cuốn tiểu thuyết này rất chi tiết và trải dài gần trăm năm, ông có thể cho độc giả biết cách mình kiểm soát các chi tiết, sự kiện trong sách?

Ngày xưa một thầy dạy văn của tôi đã tuyên bố một câu “xanh rờn”: người học toán viết văn giỏi hơn người học văn. Tôi cho rằng ông thậm xưng. Nhưng ít ra có một sự thật trong thậm xưng ấy, đó là tính khoa học của nhà văn. Lúc 15 tuổi khi đọc Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoi, tôi đã ngưỡng mộ cách ông kiểm soát hàng trăm nhân vật, cách ông trình bày các trận đánh đầy phức tạp. Hay Victor Hugo tả một tòa lâu đài chi tiết và giỏi như kiến trúc sư thực thụ trong tác phẩm Chín mươi ba.

Tôi vừa thích toán, vừa thích văn. Nói đúng hơn tôi thích khoa học, và từ quan điểm cá nhân, tôi tin rằng một bài văn là một tiểu luận khoa học, một tác phẩm là một luận đề khoa học. Thoạt đầu người viết có một giả thiết cần phải chứng minh: một ám ảnh, một đau khổ, một tư tưởng..., sau đó họ sẽ vận dụng tất cả mọi bằng chứng, kỹ thuật, sức tưởng tượng để chứng minh giả thiết đó.

Trong Mật đạo, tôi đã cố gắng làm việc thật khoa học, như: để kiểm soát các tình tiết của chiến trận tại vùng vĩ tuyến 17 này, phòng làm việc của tôi được trang bị như một “phòng hành quân” với bản đồ của toàn bộ chiến địa này từ phía quân đội Mỹ, quân đội Việt Nam Cộng hòa, quân Giải phóng... Tôi đã định vị một nơi chốn thật cho địa danh hư cấu Ba Đồi, vẽ các vị trí liên quan trong câu chuyện, vẽ cả mặt bằng ngôi biệt thự của ông Lam - nơi toàn bộ câu chuyện diễn tiến... Tôi đã sưu tập được cả một kho sách và tài liệu khác nhau về cuộc chiến tranh Việt Nam nói chung và vùng vĩ tuyến 17 nói riêng trong gần 27 năm. Tôi đã về thăm căn cứ Khe Sanh khi nó chỉ có một con đường mòn còn vương vãi bom mìn hồi năm 1991. Tôi phải nghiên cứu từ sự kiện các dòng sông cướp dòng, một hiện tượng địa chất rất nổi tiếng ở vùng núi Quảng Trị cho đến việc mô tả những cánh rừng quỷ, một kiểu rừng chỉ thuần một loại cây mà dân sinh học hay lâm học đều biết...

Nói chung tôi đã cố gắng và chăm chỉ làm việc để hoàn thành tác phẩm tốt nhất có thể, nhưng cũng ý thức rằng trên đời chẳng bao giờ có điều hoàn hảo, nên luôn mong nhận những chỉ giáo từ bạn đọc.

Mảnh đất Quảng Trị có ý nghĩa thế nào với ông để thu hút ngòi bút của ông về nó, ngay cả khi ông đã viết một cuốn sách về Quảng Trị mang tên Trở về chiến trường xưa, từ năm 1994?

Với tôi đây là một cuộc đất thiêng linh. Người dân tài giỏi. Lịch sử cũng gởi gắm vào vùng đất này rất nhiều dấu ấn. Về địa lý, không biết có tình cờ không, nhưng nếu vĩ tuyến 17 bắc ngang sông Bến Hải, thì tiến lên phía Bắc đúng một vĩ tuyến, tức vĩ tuyến 18 là đèo Ngang - một ngọn đèo lịch sử, còn lùi lại đúng một vĩ tuyến, thì đèo Hải Vân nằm ngay vĩ tuyến 16. Như vậy một dòng sông gánh đều cho hai ngọn đèo lịch sử của đất nước.

Chúa Nguyễn Hoàng khi vào Nam mở cõi đã giong thuyền từ Thanh Hóa cập vào đây và nơi dựng đất mở cõi đầu tiên của ông là Ái Tử. Còn trong cuộc chiến tranh thống nhất Việt Nam vừa qua thì khỏi phải nói, vùng đất này nổi danh toàn cầu, nơi đụng đầu của lịch sử, nơi đầy đau thương và kinh hãi và cái tên “Vùng I hỏa tuyến” đã hằn dấu suốt tuổi thiếu niên rồi thanh niên của tôi.

Gần nửa đời người cho một tiểu thuyết, liệu ông có ấp ủ một tác phẩm nào khác sau Mật đạo?

Tôi đã bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết thứ hai trong đầu ngay khi Mật đạo chưa đặt dấu chấm hết. Cả đời tôi cư ngụ trong chữ nghĩa, trong suy tư nên giờ đây khi bắt đầu già, tôi còn biết làm gì ngoài viết. Với tôi, viết là chìm vào cõi mộng của tác phẩm, ở đó tôi sống hừng hực như khi mình chưa có một nếp nhăn nào.

Cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện, mong được đọc thêm những tác phẩm khác của ông. 

Tiểu thuyết Mật đạo của nhà báo Lưu Vĩ Lân do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành tháng 7.2018, dày hơn 400 trang. Đây là câu chuyện về một người đàn ông, từ năm 1943, lúc vừa tròn ba mươi tuổi, trở về vùng núi rừng Quảng quê nội của mình để đầu tư khai phá một loạt các đồn điền, trang trại.

Ông chọn một mảnh đất hình thành bởi đồi Trầm, đồi Mây và đồi Gió (tục gọi Ba Đồi) để xây căn nhà yêu quý của mình. Cuộc đời của ông - hay cuộc tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời - nằm giữa những biến thiên của lịch sử đã hằn dấu lên vùng đất này. Nó khởi phát từ những truyền thuyết thuở vua Hàm Nghi dời đô ra Quảng Trị ban chiếu Cần Vương  (1885), tiếp đến ngày chia đôi đất nước (1954) và kết thúc ở mười ngày sau cùng trước Tết Mậu Thân 1968 , khi chiến dịch đường  9-Khe Sanh khai pháo. Tất cả nhân vật, tên tuổi, địa danh Ba Đồi đều là hư cấu, nhưng mạch chuyện thì bám theo diễn biến thật của lịch sử, cũng như địa danh, địa lý thật của vùng đất huyền thoại này.

Nhà báo Lưu Vĩ Lân làm báo hơn 30 năm và đã xuất bản một số sách. Tên tiểu thuyết Mật đạo được báo giới nhận xét tựa như lối sống ẩn dật trong đời thường của chính tác giả.