Nén đau thương vào yêu thương

15.04.2016

Nén đau thương vào yêu thương

Hai cách nhìn, hai giọng kể cùng ngân vang, giữa bạo lực và yêu thương, giữa tàn nhẫn và tử tế, cả cay đắng cùng niềm hân hoan… Tiểu thuyết “Không khóc” của nhà văn Lydie Salvayre đã soi sáng cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, chiến tranh ở châu Âu và cách con người chống chọi với đau thương, mất mát.

“Tối hôm đó, tôi còn nghe mẹ tôi xới lại tro tàn của một thời tuổi trẻ đã mất và tôi thấy gương mặt mẹ tôi sáng lên như thể niềm vui sống của bà đã dồn lại trong vài ngày vào mùa hè năm 36 trong thành phố lớn của Tây Ban Nha, và như thể, đối với bà, dòng thời gian đã dừng lại ở phố San Martín…”. Đó là cách mà nhà văn Lydie Salvayre dẫn người đọc vào Không khóc, thực tế là bước vào thế giới của mẹ cô, bà Montse. Thời điểm kể cho con gái nghe câu chuyện của mình, bà 90 tuổi, gần như mất trí nhớ, chỉ nhớ như in “mùa hè rạng rỡ” năm 1936, khi được anh trai đưa ra khỏi xứ Catalan. Trong lúc hân hoan khai phá lý tưởng mới, Montse có mối tình sét đánh với anh chàng người Pháp “đẹp trai và lãng mạn” rồi trở về làng với mối tình dở dang và cái thai trong bụng, sau đó rơi vào vòng xoáy của cơn sốt tự do vô chính phủ và kết thúc bằng cuộc lưu vong sang Pháp năm 1939.

Song song với câu chuyện của Montse là quan điểm của nhà văn Bernanos trong tác phẩm Những nghĩa địa lớn dưới ánh trăng với lời lẽ mỉa mai, cay độc tố cáo sự tàn khốc của chiến tranh và dã man của tư tưởng bạo lực. Bằng lối viết phức điệu, sự pha tạp văn phong, ngôn từ lúc sắc sảo, khi trữ tình, Lydie Salvayre đã khéo léo đan xen hai góc nhìn trước cùng một sự kiện để khơi lên mạch cảm xúc trái ngược. Một bên là chất thơ của lý tưởng và tình yêu, một bên là hiện thực tàn khốc, nơi lòng hận thù và cơn thịnh nộ của con người được phơi bày trần trụi. Qua đó, tác giả chỉ ra có một cuộc chiến tranh khác lồng trong cuộc chiến tranh đang lan rộng khắp đất nước Tây Ban Nha, khắp châu Âu bấy giờ. Ấy là sự giằng xé của một con người trước biến động lịch sử, phải lựa chọn một con đường để sống, một tư tưởng để theo và một cách hành xử để không bị trả giá…


Vì tuổi già, hoặc cũng có thể là một sự “thu xếp”, Montse đã xóa đi những gánh nặng kỷ niệm trong mấy mươi năm cuộc đời, chỉ để lại cảm giác sống hòa quyện với thế giới, núp dưới bóng của mùa hè năm 36 và tận hưởng niềm vui tinh khiết của tuổi xuân đã qua. Theo nhà nghiên cứu văn hóa, TS. Nguyễn Chí Dũng: “Nhưng điều đó cũng nói lên rằng với bà, những năm tháng còn lại chẳng là gì cả, vì Montse biết nén tất cả đau thương vào phần tươi đẹp, thoáng đãng nhất của tâm hồn, không kêu ca về quá khứ. Bà đã lựa chọn cách sống cho riêng mình, không khóc. Bởi suy đến cùng, mọi thứ vẫn chỉ còn yêu thương”.Khi Bernanos phơi bày những mảng màu đen tối về chiến tranh, người đọc lại thấy ở Montse tia sáng lấp lánh của tình yêu. Năm tháng sau này, khi Bernanos hồi tưởng về cuộc chiến tranh sầu thảm luôn cắm sâu vào ký ức ông như “con dao mở mắt”, thì Montse ngồi kể lại cho con gái kỷ niệm đẹp nhất cuộc đời mà quên hết nỗi đau phải trải qua. Suốt 280 trang sách, nhân vật Montse, một cách bản năng, đã biết gác lại tất cả đau thương và chấp nhận cuộc sống như nó vốn có. Chẳng hạn, cách bà lý giải về cái chết của người anh trai: “Một thế giới mà anh đã điên tiết vứt bỏ vì suy cho cùng nó không giống anh tí nào, vì anh không chấp nhận cuộc sống như cô, chấp nhận cái xấu cái tốt của nó, chấp nhận cái thiện cái ác của nó, vì không thu xếp được với cuộc sống như cô và lấy làm vui với sự thu xếp ấy”.
Lydie Salvayre sinh năm 1948, là nữ văn sĩ Pháp gốc Tây Ban Nha, tác giả của khoảng 20 tác phẩm. Trong đó, tiểu thuyết Không khócđược trao giải Goncourt năm 2014 và được đánh giá là một kiệt tác với giá trị về mặt lịch sử cũng như về nghệ thuật văn chương. Cuốn sách do dịch giả Nguyễn Duy Bình chuyển ngữ sang tiếng Việt, xuất bản tháng 3.2016. 

Thái Minh
(daibieunhandan.vn)