Tiểu thuyết lịch sử và góc nhìn thời đại

16.05.2023
Ngô Minh
Thời gian gần đây, thị trường sách trong nước chào đón rất nhiều tiểu thuyết lịch sử. Không chỉ có sự xuất hiện của những tác giả gạo cội, các cây bút trẻ cũng đang dấn bước vào con đường này.

Tiểu thuyết lịch sử và góc nhìn thời đại

Những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử gây chú ý thời gian qua.

Nhiều tác phẩm gây chú ý

Bộ sách Công chúa Đồng Xuân của nhà văn Trần Thùy Mai chỉ sau vài tháng phát hành đã nhanh chóng tái bản. Đây là thành tích ấn tượng mà ít tác phẩm có thể làm được. Ngoài Công chúa Đồng Xuân, chất liệu lịch sử cũng xuất hiện trong nhiều tác phẩm khác với sự đa dạng về nhân vật cũng như bối cảnh. Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ Việt Nam vừa giới thiệu Nguyệt thư ảnh kiếm nói về cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng (tác giả Bình Chi), và Tây Sơn Phụng Thần Ký khắc họa “nữ tướng Bùi Thị Xuân” của nhà văn Thành Châu.

Cũng nằm trong dòng chảy này, tác giả trẻ Hoàng Yến giới thiệu Dưới cánh đại bàng nói về Triều Lý. Tác phẩm kết hợp lịch sử và yếu tố huyền bí, phá án. Con voi Thành Phật Thệ của Cổ Nguyệt Quang lại đi theo hướng khác khi nói về cuộc chiến còn chưa được ghi lại nhiều trong sử sách, giữa vương quốc Đại Việt và Chiêm Thành trong quá trình bảo vệ giang sơn, mở mang bờ cõi. Xu hướng này cũng nối dài ở mảng truyện tranh khi Noãn gần đây cũng được độc giả yêu thích.

Thực tế cho thấy tiểu thuyết lịch sử ở nước ta đang chia thành 2 hướng. Đầu tiên là khuynh hướng minh định lại “bức tranh lịch sử” từ góc độ của người sáng tác. Điều này có thể thấy được ở các tác phẩm như Thị Lộ Chính Danh (Võ Khắc Nghiêm) hay Công chúa Đồng Xuân (Trần Thùy Mai)… Bằng việc đào sâu vào các sử liệu cũng như áp dụng khoa học biện chứng, các sự kiện lịch sử được lật lại, từ đó làm sáng tỏ nhiều việc vẫn còn chìm khuất trong bóng tối.

Đối với Thị Lộ Chính Danh, nhà văn Võ Khắc Nghiêm nhắc lại oan án Lệ Chi Viên của Nguyễn Trãi, từ đó cho thấy họ cũng chỉ là nạn nhân của một “bàn cờ chính trị” phức tạp. Công chúa Đồng Xuân cũng tương tự khi phản ánh 40 năm nhiều biến động từ 1859-1900, phần nào cho thấy Đồng Xuân, Hồng Hưu… cuối cùng cũng chỉ là những “con cờ” phục vụ cho các mục đích chính trị lớn hơn.

Các nhà văn trẻ đang theo xu hướng tận dụng được những “khe nứt” mà sử sách chưa từng ghi lại, từ đó sáng tạo một cốt truyện mới cho các nhân vật. Đại diện trong cách viết này có thể kể đến Nguyệt thư ảnh kiếm của nhà văn Bình Chi. Lấy chủ đề là cuộc chuyển giao vương quyền giữa 2 triều đại Lý - Trần mà không tổn hao một giọt máu, thế nhưng cũng từ nơi đó, Lý Chiêu Hoàng bị gán cho nỗi ô nhục làm mất vương triều nhà Lý, bị người đời coi rẻ và không được thờ ở lăng của các vua Lý.

Cũng có thể vì lý do đó mà cuộc đời sau khi nhường ngôi cho chồng của Lý Chiêu Hoàng đã không được các sử gia ghi lại chi tiết. Tận dụng được “lợi thế” này và các yếu tố truyền thống dân tộc như thư pháp, kinh dịch, võ thuật, triết lý Đông phương… Bình Chi đã họa lại một Lý Chiêu Hoàng sống động và nổi bật ở thời đại lịch sử lúc bấy giờ

Những góc nhìn mới 

Tuy được viết dựa trên những sự kiện lịch sử quan trọng, các tiểu thuyết trên cũng đã tạo ra những góc nhìn riêng. Điều đó nằm ở hành động “giải thiêng” của các tác giả, khi đưa góc nhìn mang tính thời đại vào tác phẩm. Từ đó, các sự kiện lịch sử không chỉ được thuật lại sống động, mà còn giải quyết được các vấn đề bức thiết vẫn còn giá trị ngay cả ngày nay.

Một trong những động lực chính của dòng văn này là sự chuyển biến về cách nhìn nhận. Không chỉ xoáy vào tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng như nhiều tiểu thuyết lịch sử trước đây, khi chủ nghĩa nhân đạo chiếm thế thượng phong, một trong những vai trò chính của nhà văn viết truyện lịch sử là nhìn nhận lại, đánh giá bằng cái nhìn nhân văn. Từ đó dẫn đến các nhân vật như Tôn Thất Thuyết, Phan Thanh Giản, Lý Chiêu Hoàng, Nguyễn Thị Lộ… hiện ra đầy khác lạ. Họ có thể khác so với khuynh hướng đã từng ghi dấu vào trong sử sách, bởi đây là cách nhìn mới và phù hợp hơn của hiện tại. Tuy vậy người viết vẫn không nên mang tính chủ quan, cần đảm bảo được sự chính xác, chân thật cũng như khách quan thuộc về lịch sử.

Phần lớn nhân vật được giải oan, nhìn nhận lại… trong các tác phẩm gần đây đều là phụ nữ. Điều này ít nhiều phản ánh vị trí thứ yếu của nữ nhi trong dòng lịch sử, cũng như tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá khứ. Với sự kết hợp với quan điểm nữ quyền mang tính hiện đại, các tiểu thuyết giờ đây mới mẻ và bộc lộ được những góc nhìn riêng.

Tiểu thuyết lịch sử muốn thật nổi bật trong thời đại này thì phải cho độc giả thấy tư tưởng chủ đạo, thông điệp ý nghĩa, cũng như cá tính của người viết văn. Có thể nói, các tác giả thuộc dòng sách này đã thành công khi làm được điều đó. Trong khi Trần Thùy Mai cho thấy tính nữ vượt trội trong cách viết giản đơn, súc tích, nhưng ấn tượng thì tác giả trẻ Hoàng Yến lại tiên phong trong việc kết hợp lịch sử - trinh thám, cũng như Bình Chi có sự hài hòa với các yếu tố kiếm hiệp… Với những gì đang diễn ra, tiểu thuyết lịch sử hứa hẹn sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai. 

(PNO)