"Trôi" và năng lượng chữ của Nguyễn Ngọc Tư

24.01.2024
Lê Trâm
Tập truyện ngắn “Trôi” của Nguyễn Ngọc Tư vừa phát hành gồm 13 truyện ngắn, trình bày rất nhã và bên trong ẩn chứa nhiều câu chuyện không dễ dàng tưởng tượng ra...

"Trôi" và năng lượng chữ của Nguyễn Ngọc Tư

Bìa tập sách “Trôi”.

Khái niệm “trôi” hiện diện trong văn Nguyễn Ngọc Tư khá sớm, có lẽ ngay từ đầu nhà văn đã cảm nhận điều ấy. Có thể, cho đến “Trôi” (NXB Trẻ - 2023) mọi thứ mới đậm nét hơn. Là lúc mọi thứ vỡ ra và trôi, theo mọi hướng. Một sự bùng vỡ và rồi, mỗi người, mỗi vật, mỗi việc, mỗi câu chuyến trôi đi một cách khác nhau, vô cùng khác nhau mà có lẽ điển hình nhất là kiểu trôi của một cô em gái, trôi đi mải miết trong “tâm thế say”. “Đùng cái cả xứ nứt làm bảy mảnh, ruột hóa ra bìa. Tư Điền trôi cùng cái máy may của vợ, một rổ chỉ đủ màu, mấy bộ đồ chưa kịp giao cho khách… Chương móm mặc độc cái quần cộc, trôi với bộ bàn đá có mặt kẻ ô cờ, mấy bó cỏ cho dê ăn và một cặp ngỗng già… Ông già Ba Hào trôi trên cái ghế cẩn xà cừ, khóc ngất từng hồi khi rẻo đất ông ngồi cứ chia tách không thôi. Thằng nhỏ Mười Hai thì trôi nhẹ từ Bình Di về, người trụi lủi không mảnh vải… Thằng con trôi chung với mấy chục học trò cùng lớp, cô giáo gọi về cho mình bảo phụ huynh khỏi chừa cơm… Ba mình trôi với chùm bóng bay khi ngang qua chợ Bà Cát. Mình trôi với cây mù u”. Rồi có thể sẽ “mắc kẹt” lại đâu đó, hoặc không, cứ trôi tuốt ra Biển Nước.

Một lát cắt đời sống đương đại cứ hiện diện đâu đó, quanh quất mỗi phận người. Cái tâm thế “đợi” mệt mỏi kéo dài ngày này qua tháng khác khi nhân vật mang tư thế chờ ra đi sang thế giới khác của không ít người trong đời sống đương đại xô bồ này. Ngày đầu còn “đợi ai đó tới thăm”, nên Lý cứ nhìn ra cửa, cho đến lúc “đi”. “Cứ thấy ai ngồi trông cửa y như là dân mới. Họ còn chờ đợi những bóng người tới thăm. Lưu lại viện dưỡng lão nửa năm sẽ biết, không có gì ngoài đó”. Ở đó ngày tháng chừng như không tồn tại nữa. Mở đầu truyện ngắn “Đợi”, Nguyễn Ngọc Tư mở ra không gian đa chiều để bạn đọc soi góc nào cũng có thể nhận ra đâu đó có bóng dáng mình: “Mình đang ngồi ngay tháng Sáu. Hoặc đã tháng Mười Một. Mà ngày tháng với mình quan trọng gì, ngày nào mà chẳng in hệt nhau…”; hay như: “Mình đang chờ ở giữa tháng Sáu. Hoặc giờ tháng Chín rồi, không chừng”. Trạng thái đợi của các nhân vật khác nhau, từ việc đợi “một tiếng ợ” của bệnh nhân Niềm, đợi đến lúc “đi” của nhân vật Lý… cứ lồng ghép, dồn nén nhiều xúc cảm cho bạn đọc.

Tứ truyện của Nguyễn Ngọc Tư rất lạ, được chọn lọc kỹ càng. Vì thế, có khi cô đọng về mỗi một từ: “Trôi”, “Đợi”, “Nợ”. Nhiều truyện khác mang đầy sức gợi: “Giữa đây và kia”, “Giữa vật chất này”, “Về phía không đâu”, “Mơ người”, “Đói xa xôi”… Rồi thêm những: “Khởi đầu của gió”, “Đong đưa trong kén”, “Lửa nguội giữa trời”, “Mưa diệp lục” hay “Bên cửa”.

Những câu chuyện không thể dễ dàng nghĩ ra. Một cặp vợ chồng bỗng muốn đổ bánh xèo trên máy bay để rồi sau đó là cuộc chia tay dài ngày mà với cô vợ có khi chẳng hiểu vì sao? Đó là món nợ khó hiểu truyền từ đời này qua đời khác trong truyện “Nợ”, riết rồi người ta cũng không hiểu và cũng không muốn nhận lại món nợ ấy. Ở “Đong đưa trong kén” xuất hiện ông già kỳ lạ: Suốt đời ghiền và không muốn bước ra khỏi chiếc võng. Ở “Về phía không đâu” là câu chuyện những người Li quái dị. Một người bị bắt đi tù chỉ đơn giản vì có ý thích đột nhập nhà người khác để nhìn người ta ngủ trong “Mơ người”.

Với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thì: “Chẳng cuộc trôi nào là vô tình hết, bản thân sự nổi trôi là thông điệp, tín hiệu, thư mời của chân trời. Sớm hay muộn thì cũng có kẻ nhận lời”.

“Năng lượng chữ” của Nguyễn Ngọc Tư trong “Trôi” chứa đựng trong mỗi truyện ngắn khá lớn, đọc xong sẽ nhận ra bao nhiêu điều phải ngẫm nghĩ. Đó là chất văn rất đặc biệt làm nên thương hiệu Nguyễn Ngọc Tư, mỗi chữ đều đáng để chúng ta đọc.

 (baoquangnam.vn)