Nghe "Những thanh âm bên bờ sông lấp"
Những thanh âm bên bờ sông lấp là những thanh âm gì? Đấy có phải là “tiếng ếch” kêu từng vang dội suốt mấy trăm năm của chàng thi sĩ Tú Xương tài hoa đã làm động vọng niềm ưu tư của bao thế hệ nhà thơ, cho đến tận bây giờ. Hay đấy là tình trạng phóng thể về một dĩ vãng như một hấp lực siêu nhiên thối thúc nhà thơ nhặt nhạnh lại chút dư ba thời gian đã mất. Có lẽ tất cả ý niệm kia tập hợp lại thành một thứ thanh âm, một hợp xướng thường hằng khôn nguôi trong trái tim thi sĩ. Để rồi từ thao thức (nội tại) đó, với Nguyễn Nhã Tiên, thi sĩ nhận ra trong niềm cô đơn chất ngất một thứ âm thanh - người bạn đường cuối cùng trên đường về.
Chỉ còn mỗi ngọn nồm dẫn đường sông vắng
dẫn đường khói nhòa con mắt nhớ mông mênh
dẫn đường nắng rơi thủy tinh trên cát trắng
giọt giọt buồn buồn xao xác mọi thanh âm
(Những thanh âm bên bờ sông lấp)
Từ lâu, trước cả thơ Nguyễn Nhã Tiên, tôi tiếp cận văn xuôi của ông qua những tùy bút, bút ký tôi đã nghe từ trong các chương trình “Đọc truyện đêm khuya” của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) hay Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VOH), ví như: Một ngày Hội An; Mỹ Sơn mình tôi; Trôi cùng sông Hương; Dòng sông thi sĩ, Dằng dặc Thu Bồn… Có thể nói, cái chất giọng văn đĩnh đạc, sang trọng, mang âm hưởng hoài niệm của ông đã chinh phục tôi, dẫn đường tôi tiếp cận thế giới thơ Nguyễn Nhã Tiên. Nghệ thuật thơ ông tự nhiên, có cảm tưởng như không có nơi cho lý tính can dự. Ví như sông suối róc rách chảy trong veo một niềm cô độc, có ai ngờ ẩn trong lòng nó nơi này, nơi kia những loài ngọc khoáng lấp lánh:
Áp tai vào nước nghe non
ơ hay!
sông có linh hồn em ơi
vãi vung cát trắng lên trời
ngày xưa lấm tấm hạt rơi gọi mình
(Gió hồi âm)
Cầm trên tay tập thơ Những thanh âm bên bờ sông lấp - thi phẩm thứ tư của Nguyễn Nhã Tiên được NXB Hội Nhà văn ấn hành cuối tháng 6-2022, quả thực sự hồ nghi năng lực non nớt thẩm thơ của tôi không còn nữa. Tác giả cho biết, từ năm 2003 - tức từ sau tập thơ Khúc hồi âm của lá đến nay, gần 20 năm sau ông mới in thơ trở lại. Thi phẩm gồm 70 bài thơ, được nhà thơ tuyển chọn từ 200 tờ báo và tạp chí đã đăng thơ Nguyễn Nhã Tiên mấy chục năm nay…
Nói như thi sĩ Tường Linh lúc sinh thời, trong bài Một chút riêng tư với Nguyễn Nhã Tiên (Báo Đà Nẵng cuối tuần ngày 15-2-1998): “Thơ của Nguyễn Nhã Tiên như loại quả mùa đã vào lứa chín, chín đều, nhưng chủ vườn quên hái để mặc trái rụng rơi…”. Bây giờ đã hơn 20 năm trôi qua, thơ Nguyễn Nhã Tiên lại thêm một mùa trái quả, và có lẽ bội thu hơn. Nói như thi sĩ Du Tử Lê trong một nhận định về thơ Nguyễn Nhã Tiên năm 2017: “...Nguyễn Nhã Tiên đến với thi ca đã rất lâu. Có thể từ ngày Nguyễn còn rất trẻ. Hôm nay tóc Nguyễn đã nhiều sợi bạc. Nhưng tiếng thơ của Nguyễn, lại chọn cho nó, con đường nghịch chiều. Chúng dấn thân, phiêu lưu tới những chân trời khác. Tôi vẫn có xu hướng trân trọng những tác giả, càng lớn tuổi thì độ chín chữ, nghĩa, khả năng sáng tạo càng mạnh mẽ. Họ là những người có được cả hai thành tố đáng quý: độ bền và đường trường. Với tôi, Nguyễn Nhã Tiên nằm trong số này...”.
Chân mây in hình bao mùa xuân xa
từng con sóng hai bàn tay tôi vớt
một chút ánh vàng rơi vỡ tung bèo bọt
vụn mảnh hồi quang gặm tận đáy linh hồn
(Ngẫu hứng với Thu Bồn)
Đọc những dòng thơ như thế, có lẽ niềm xao xuyến không chỉ riêng Du Tử Lê, mà còn có nhiều người: “Tôi nghĩ rồi đây, những câu thơ đó của Nguyễn Nhã Tiên có thể làm thành một thứ “trầm tích” thêm cho Thu Bồn” (Du Tử Lê - Mỗi tro than tôi tạc một hình hài).
Thôi thì xin bước theo kinh nghiệm các thi sĩ tiền bối mà góp những thanh âm.
Sức vóc tôi không đủ cho cái nhãn quan hướng tới những vấn đề siêu việt, nên quay về bên bờ con sông lấp hư vô mà vỗ tay cùng tác giả của nó, để nghe vọng lại một Khúc cổ cầm bất tuyệt ấm vang.
Năm đầu ngón tay máu rõ độc huyền
trong tiếng gió lang thang có ẩn lời mật khải
nước một dòng trôi ngàn lời khắc khoải
bến quê nhà vọng động tóc tơ bay.
(baodanang.vn)