CHÀO MỪNG NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN THỨ XXI - NGUYÊN TIÊU QUÝ MÃO 2023: Đinh Thị Như Thúy trong một thế giới khác

01.02.2023
Lê Hoài Lương
Có điều lạ, trong thế giới đầy những dự cảm bất an của Đinh Thị Như Thúy, tôi không thấy ngớp trong nỗi lo âu, mà chỉ thực sự xúc động. Trước thiên nhiên tuyệt diệu. Trước sự chịu đựng, nỗi thống khổ và khả năng kiếm tìm vô hạn của con người lý lẽ để biết mình hằng hữu, cả khi đã chết đi. Bởi nỗi buồn, nỗi đơn độc, và sự chết như một tận hưởng, và nhận biết ấy thành hân tặng của tạo hóa…

CHÀO MỪNG NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN THỨ XXI - NGUYÊN TIÊU QUÝ MÃO 2023: Đinh Thị Như Thúy trong một thế giới khác

Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy

1.

Tôi nhớ mình bắt đầu đọc Đinh Thị Như Thúy từ một trang văn chương mạng, quãng mươi, mười lăm năm trước; trang văn chương có tiêu chí là mới, từ tư duy nghệ thuật, đến nội dung, hình thức; khá hot, được in ở đó như một khẳng định. Mấy ngày là có chùm thơ người thơ nữ này. Khi biết chị là một giáo viên, dạy học đâu đó ở Đắc Lắc, tôi có chút ngạc nhiên: môi trường giáo dục sao có thể dung hòa với một tâm hồn mênh mông cô đơn, thường trực dự cảm bất an và luôn khắc khoải, dịu dàng nỗi chết?

Những bài thơ tự do, thơ văn xuôi, những câu những chữ bẩy tiếp nhau, lặp lại nhau, đùa đẩy nhau không dứt; hối hả, cuống quýt, đắm đuối, tưởng như nếu dừng lại, sẽ không còn cơ hội.

Tôi đọc, sau mỗi chùm thơ, thường khi cảm thấy thiêu thiếu: dường như cái miên man kia phải tạm dừng vì dung lượng một lần chọn in của trang báo; hoặc giả, nhà thơ chỉ vừa viết tới đó rồi phải tạm ngưng, thời gian riêng tư cho mình đã hết, hẹn hôm sau. Tôi có lần vào thử mục những tác phẩm đã in của tác giả này, trên trang văn chương này, đọc một lần mấy chục bài đến hết, vẫn nguyên cảm giác thiếu.

Cho mãi đến 2016, khi có dịp quen biết nhau, Đinh Thị Như Thúy tặng tôi tập thơ Ngày linh hương nở sáng (in 2011- Giải thưởng Hội Nhà văn cùng năm), rồi Trong những lời yêu thương, 2018, cảm giác thiếu mới dừng lại khi đọc bài cuối cùng tập thơ, khi khép cuốn sách. Có lẽ thao tác mở sách, khép sách lại sau trang cuối cùng tạo cảm giác kết thúc chăng? Dung lượng của cuốn sách như một câu chuyện được kể tới đó, như một vở diễn đã hạ màn, như bài hát đã xong phần nhạc kết?  Cảm giác xong việc, không đợi chờ gì thêm, cái còn lại có thể là sự nhàm nhạt, vô bổ, không đọng lại gì hay những day dưa, bâng khuâng nuối tiếc; trang sách ấy, bài hát ấy nối tiếp trong ta cuộc sống của nó, nhưng đó là chuyện khác.

Cảm giác thiêu thiếu khi đọc một bài thơ, chùm thơ (thường khi) hoặc hài lòng khép trang sách lại của tôi, là cảm giác chung nhất, khi đọc Đinh Thị Như Thúy.

2.

Lại có khi bài thơ bất ngờ gợi một liên tưởng khác trong tôi. Ví dụ:

Bên anh trên chiếc ghế ven đường nơi ta vẫn nghỉ chân. Chiều nay em nhìn không chớp chiếc lá mới nhuốm vàng. Chiếc lá vừa chao nhẹ từ cành cây rồi đậu khẽ vào lòng em như cánh bướm

Em ngẫm ngợi đây là chiếc lá đời sống em, là đây chiếc lá mang linh hồn em, là đây linh hồn thiếu nữ thật nhiều ước ao trong hình hài tàn phai thiếu phụ. Em chợt muốn dịu dàng vuốt ve chiếc lá, em chợt muốn thầm thì với anh về thời gian, em chợt muốn đặt môi hôn lên mặt vàng buồn bã

Mai kia anh có thấy không ánh nhìn của mắt em từ khung xương rã mục của cánh lá sẫm nâu.

(Chiếc lá)

Tôi nhớ một đoạn văn phần cuối tiểu thuyết “Bức họa maja khỏa thân” của Samuel Edwards, cuốn sách cũ đã đọc mấy chục năm trước. Đó là, trong tình thế bức thiết, hoảng loạn, nghi kỵ khi đất nước Tây Ban Nha bị quân Pháp (Napoleon) xâm chiếm; sau khi vượt qua nghi ngờ, ghen tuông, thất vọng, và hiểu rằng tình yêu đã có của họ là duy nhất vẹn nguyên, chàng họa sĩ, kiếm khách lừng danh Francisco Goya tìm tới nữ công tước xinh đẹp, sắc sảo, trí tuệ Maria Cayettana- lúc này nàng ốm rất nặng. Trong khuôn viên vườn hoa dinh thự, trong ánh chiều nhập nhoạng vòm lá tối, trong dáng vẻ ốm yếu suy kiệt chút hắt hiu sống cuối cùng của nàng, họ cuống quýt hạnh phúc, tuyệt vọng nhận ra nhau. Nàng, đứt quãng, mãn nguyện nói với chàng: “… em định sẽ di chúc lại cho anh… là em để lại cho anh thừa kế hai cái kho tàng quý báu nhất đời em: anh và tổ quốc Tây Ban Nha.” Rồi thêm: “…đừng tìm lại hình ảnh em trong hồi ức về quá khứ, vô ích. Anh chỉ cần nhìn ra chung quanh, anh sẽ thấy em trong tất cả mọi người Tây Ban Nha. Đó là tất cả bí mật của đời em. Em là đất nước Tây Ban Nha.”

Tình yêu. Lòng yêu nước. Cái đẹp cao cả và những định kiến tăm tối, thấp hèn về cuốc sống, nghệ thuật. Cuốn sách vốn đã hay. Nhưng đến đoạn gần kết này, chỉ mấy câu nói của Cayettana, “Bức họa maja khỏa thân” đã vụt sáng lên đặc biệt, đã choáng ngợp tôi. Họ hẹn nhau ngày mai sẽ gặp lại dù cả hai đều biết rằng, không còn có ngày mai. Ngày mai ấy chỉ là cuộc dấn thân của chàng họa sĩ, cùng bao người, hành trình gian nan tìm lại đất nước Tây Ban Nha.

Vì sao khi đọc Chiếc lá tôi nhớ tới đoạn văn trong tiểu thuyết kia? Không biết. Có thể từ cách lưu ảnh “em nhìn không chớp chiếc lá mới nhuốm vàng”, “em chợt muốn dịu dàng vuốt ve chiếc lá”, “ánh nhìn của mắt em từ khung xương rã mục của cánh lá sẫm nâu” gợi hình ảnh suy kiệt, sắp chết của người nữ quý tộc xinh đẹp kia. Có thể cái buồn đẹp từ ánh nhìn nhiều suy cảm từ chiếc lá vàng, từ khung xương xác lá của bài thơ gợi chớp sáng hắt hiu, mà thiêng liêng vang động tâm cảm những giá trị vĩnh cửu của tình, của ý nghĩa cuộc sống. Có thể từ cảm giác bất lực trước thản nhiên và riết róng của thời gian đời người, lá xanh, lá vàng, thiếu nữ tràn đầy mơ ước và tàn phai thiếu phụ gặp khung hình ấn tượng đoạn cuối tiểu thuyết kia?… Hoặc từ cách điềm tĩnh ngẫm ngợi ấy? Hoặc đơn giản, niềm xúc động mạnh, ấn tượng mạnh từ một vẻ đẹp bắt gặp thường khơi gợi mối tương liên đằm sâu trong ký ức không bao giờ phôi pha?

Tôi không chắc chắn vì sao. Nhưng quả là khi đọc Chiếc lá, tôi nhìn thấy vườn hoa kia trong chiều tàn, tôi nhớ như in câu nói từng làm chấn động tâm hồn tôi khi đọc đến trang sách ấy.

Và đó cũng là bí mật khác của văn chương chăng?

3.

Nhưng đúng là lưu ảnh. Khả năng lưu ảnh trong thơ Đinh Thị Như Thúy thật đặc biệt.

Đọc thơ, bình thơ, người ta thường nhắc tới ngôn ngữ, hình ảnh thơ… có đắt không, có ám ảnh không…, chẻ câu thơ làm tư để tìm các biện pháp tu từ, để phát hiện “nhãn tự”. Thì cũng được. Cách sáng tác, cảm nhận, phê bình trên nền tảng mỹ học cũ, gọi chung rất đường mòn, rất lạm dụng là truyền thống. Thôi không bàn về thực tế thơ còn khá đông đảo này.

Đang nói về khả năng lưu ảnh của thơ Đinh Thị Như Thúy. Nó không sinh ra từ chữ nghĩa đặc biệt nào. Càng ít sử dụng các biện pháp tu từ; có chăng điệp từ điệp ngữ, những so sánh, liên tưởng- một cách thể hiện như phải thế trong nỗi cuốn đi, cuộc hòa tan, chứ không thiên về kỹ thuật. Tất cả đều trên nền ngôn ngữ trong sáng nhất có thể. Còn hình ảnh, nội dung? Chị cũng viết về mọi điều xảy ra hàng ngày, điều nhìn thấy, cảm nhận: về thời tiết, những cơn mưa, cái lạnh, hoa cà phê mùa tưới rẫy, chiếc lá, bông hoa, con bướm, con rắn trong vườn, một nhành hoa cau nhặt được trên đường…; về con tàu mắc cạn, về cái chết những người bạn, về một cuộc sinh hoạt cộng đồng, một kỷ niệm; cả những suy đồi nhân cách, những vấn đề xã hội, thế sự…

Khả năng lưu ảnh lớn không phải từ cách miêu tả chân xác, sinh động, mà là những suy gợi từ hình ảnh ấy chiều sâu khác. Nó đọng lại, day dưa, sinh sôi. Và một vấn đề khác, một thế giới khác hay một đời sống khác đã hiện lên, đã ngân lên trong tâm cảm người đọc. Thử đọc một số, tình cờ:

Không thể không thở than trước những bất thường của thời tiết mùa xuân, khi tràn ngập đất trời những gió chướng những mưa trái mùa những mây xám xịt những lạnh buốt những tím tái những nứt môi nẻ chân những áo quần lùng xùng bao bọc giấu che thân thể

Một ngày vẫn bắt đầu bằng chỗ ngồi quen đến cũ, lâu rồi không thấy con sóc nhỏ lấp ló hít mùi café (lạnh quá nó đã ngủ quên trong hốc tối hay đã bị loài mèo chụp bắt), lâu rồi lại thấy ông chủ quán xuất hiện với mảnh tang đen trên ngực trái, vẻ mặt âu sầu mỏi mệt và bài hát vang lên trong quán cũng mệt mỏi âu sầu, như nhắc nhớ hỏi han mỗi con người rằng còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn xưa* (Lời trong bài hát Phúc âm buồn của Trịnh Công Sơn)

(Những ban mai không có mặt trời)

Hoặc:

Làm sao lý giải được những con sâu nhỏ nhắn toàn thân phủ một lớp lông mịn vàng óng như lông chim hoàng yến lại cứ mù lòa quờ quạng mải miết bò vào những lối đi ồn ã nơi luôn có người lại qua để rồi bị giày xéo vỡ nát

Làm sao lý giải được những con ve nhẫn nại nằm trong lòng đất bao năm rồi một hôm lột xác điểm trang cho mình một bộ cánh mỏng tang trong veo óng ánh nhưng chỉ để hiện hữu vài ngày lảnh lói tiếng ca dưới nắng vài ngày rồi chết

Và xác của bao nhiêu loài côn trùng khác khô giòn nằm rải rác khắp các xó xỉnh ngóc ngách của khu vườn

Và đêm đêm bị ánh sáng dẫn dụ bao nhiêu bọ rầy bọ dừa bay vào trong những căn phòng nhỏ để rồi mất phương hướng để rồi loạng choạng để rồi rơi xuống rồi lại bay lên rồi múa lượn với chính cái bóng của mình rồi đâm sầm vào những ngọn đèn rồi chết trong ảo vọng

                                      (Chuyện tháng tư)

Hoặc:

Tối hôm qua trước khi đi ngủ nàng nhìn thấy một con sên đen trong phòng tắm. Màu đen đẫm nhớt và vẻ chậm chạp của nó khiến nàng ghê tởm. Nàng hất nó vào bồn cầu và xả nước. Con sên trôi tuột đi. Bỗng dưng trong nàng bật lên những câu hỏi. Con sên đen. Nó có cảm giác gì không? Nó sẽ làm gì? Sẽ ra sao? Ở nơi chốn tối tăm và hôi thối đó?

                              (Chúng ta đã không thuộc về thế giới này)

Và đây nữa, chẳng hạn:

Con rắn sẽ trườn vào tôi một cách cẩn trọng, nhẹ nhàng? Tôi sẽ đón nhận nó? Như đón nhận một phần của chính tôi bị thất lạc. Bàn tay tôi. Cánh tay tôi. Và cả thân thể tôi sẽ tràn ngập trong cảm giác được ôm ghì thương yêu bởi màu xanh cây lá. Màu của yên tĩnh. Màu của bóng mát. Của rừng cây. Của cỏ dại. Của sương mù ẩm ướt. Của những sinh sôi bất tận. Màu của thiên nhiên hoang dã. Những cây nấm sau mưa. Những con báo đốm khổng lồ. Những con thú có sừng…

Và những tranh cãi chết tiệt. Tôi thật sự không muốn nghĩ đến nữa. Có thể đã không còn cần thiết. Những luật chơi. Những dốt nát. Những cay đắng. Những thù hận.

Dịu dàng. Cẩn trọng.

Tôi đưa tay về phía con rắn.

                                 (Chỉ chúng ta mới có quyền kết thúc cuộc chơi này)

Thật nhiều, có thể nói là hầu khắp trong mỗi trang thơ của chị, những ảnh hiện vọng sâu, dai dẳng.

Màu xanh của rắn lục, màu rợn đẹp sự chết là màu cây lá sự sống; những mưa lạnh lê thê; thế giới những con vật, con sóc lấp ló đáng yêu hay con sên nhớt nhầy ghê tởm dù chậm chạp lành hiền, những con côn trùng nhỏ bé giữ rịt bí mật tồn tại của mình trong hành trình, vũ đạo mê cuồng, bất chấp lý lẽ thiệt hơn của con người, toan tính của con người … Thế giới tự nhiên ấy đọng lại, lưu dấu rất sâu, bởi ẩn sau đó là bóng dáng con người với những ngẫm ngợi về sự tẻ nhạt, sự độc ác, tranh đoạt đầy ngu tối, những trò múa may cuống cuồng, những ngụy trang, ảo vọng… Tất cả, thật vô lý như đang sống và vô nghĩa khi đối diện cái chết.

Sẽ đi về đâu sự sống này, thế giới này?

Tôi thấy chị như tách rời ra khỏi mình. Ngắm mình, săm soi. Ngắm thế giới chung quanh, đắm say, mê miên như vậy trong nỗi e dè, ngạc nhiên, bất lực. Dòng chảy dường như cuốn trôi, dường như bỏ quên một thực tồn, một không thực tồn.

4.

Đương nhiên khác nhau nỗi cô đơn mênh mông, những bất an thường trực và niềm khắc khoải, dịu dàng nỗi chết. Nhưng các trạng thái tâm hồn này thường cận kề nhau, có trong nhau, nhiều lúc là các mặt khác của nhau trong thơ Đinh Thị Như Thúy.

Đã có “trăm năm cô đơn”. Đã có “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. Đã có “to be or not to be”. Rồi con người từ đâu đến, và sẽ đi về đâu?… Văn chương nghệ thuật và triết học và khoa học và tôn giáo và ngoài tất cả, những mê muội mê lú… Duy vật và duy tâm, duy ý chí duy khoác lác duy đồng bóng. Những tâm lý học, tâm phân học. Những ý thức, vô thức, tiềm thức. Và thiền. Và bản ngã, vô ngã, chân ngã. Và những lừa mị… Đã ngàn vạn năm qua, con người không thôi ám ảnh, không thôi đào xới. Văn chương và triết học luôn mở hết tốc độ, luôn dãn nở đến tận cùng. Mà có tận cùng đâu, các trạng huống của tâm hồn, các vấn đề sinh-tử?

Không tận cùng cũng là bí mật hấp dẫn cần khám phá. Cũng như, cái chết khó thể trải nghiệm, nhưng nếu sự sống là mặt đối lập của cái chết thì trải nghiệm sống bằng khoái cảm ưu tư cũng là cách tiếp cận khả dĩ. Vậy nhà thơ nữ này, tinh thần và trí lực, và xúc cảm, bằng phản xạ tự thân, tự nhiên nhất, cứ hướng về, cứ trôi vào sự cuốn hút khôn cưỡng ấy như thế nào?

Như sự chấp nhận, như động viên nhắc nhớ mình, hay cuộc trốn/tìm vào cơn mơ, hay thoát đi vào một thế giới khác?

Lạnh và tĩnh lặng. Tôi mơ làm dòng nước trôi chậm trong đất. Trôi. Và lắng lại. Thèm chút tĩnh lặng trong mưa như sáng nay để lắng lại. Đừng xô đẩy. Đừng dằn vặt. Để tôi nhìn thời gian trôi. Và nhìn tôi sống.

Sống một ngày là chết một ngày. Tôi nhắm mắt. Nghe lời thét gào của một cơn mưa khác. Cơn mưa tiên tri buổi hoàng hôn ngay đó. Đừng quay lại. Khuôn mặt hân hoan đến mức lố bịch và trơ trẽn của một con người.

(Có thể đi hết chiều dài cơn mộng này không)

Hay chấp nhận sự biến dạng từ “những chuyển động hỗn loạn và chói gắt”, mọi thứ quá ngưỡng cùng trỗi lên như niềm hả hê trước kiểu “sáng thế ký” kinh dị, trước vẻ đẹp tuyệt diệt?

Mặt trời không lên thẳng mà đi đường dích dắc. Những hàng cây chen ra giữa lòng đường. Những ngọn đèn đường chuyển chỗ cho nhau và chuyển đổi sắc màu liên tục. Những hàng quán không còn bảng hiệu, sự dịch chuyển của ghế bàn ly tách thìa nỉa tạo ra bao vệt sáng lóng lánh. Trong không gian đầy ắp âm thanh có gì như vui tươi có gì như cuồng nộ. Trong công viên đầy ắp những dây leo, từ dưới đất vẹo vọ mọc lên, từ trên vòm lá xanh ùn ùn tràn xuống lắc lư vặn xoắn như rắn cuộn

Trong lồng ngực khối u đã được kích hoạt, từ vị trí ba giờ bên ngực trái những chiếc rễ bắt đầu mọc lan, cái chết lạnh toát đang nở ra trương phình ra như rong tảo khô ngấm nước

Mũi tên đã rời cánh cung đang vẽ vào cát bụi một đường cong lộng lẫy

(Cái gì đã xảy ra giữa chúng ta)

Có khi là tỏ bày đồng cảm cùng một bông hoa, một con vật, một cơn mưa, những đối tác tội nghiệp và đáng tin cậy?

Lại chạy như con hươu trong bóng tối bủa vây

Biết vũ khí duy nhất của mình

Là đôi chân

Guồng những bước nhanh

Buồn rời rã trong nỗi kinh hoàng bị săn đuổi

Nước mắt nhỏ suốt dọc đường đi

(Gọi đúng tên là nỗi sợ)

Mưa vẫn chưa ngừng. Những cơn mưa như đã chết. Cái chết của cơn mưa không phải khi nó chấm dứt mà khi nó đã tràn ngập tất cả, đã nhấn chìm tất cả nhưng không làm sao được ngừng rơi. Không dừng lại được cũng là một hình thức chết/…/ Ngoài hiên bạch thiên hương tỏa hương. Cây hoa này cứ như một yêu nữ. Hoa thì đẹp, hương thì thơm, nhưng dường như đã phải chịu một lời nguyền nào đó nên không làm sao ngẩng mặt lên được. Những bông hoa trắng cứ chúi vào nhau. Rũ rượi. Nhất là trong mưa. Những bông hoa trắng chúi vào nhau như những con nhạn ướt cánh, rũ vùi. Đẹp. Man dại. Buồn bã. Và đau đớn.

(Những cơn mưa của ngày dài mê dại)

Có lẽ không phải. Không đúng. Không phải ẩn vào, nương theo một thế giới khác do nỗ lực chạy trốn của mình. Mà, thế giới thường hiện trong thơ chị vốn là một thế giới khác!

Tôi đã hoài công tìm kiếm những biện giải về cái điều hiển nhiên khi nỗi cô đơn, sự bất an và cái chết chẳng là gì hết bởi đã được thanh lọc khi đi qua “thế giới của những giấc mơ và những bông hoa độc”:

Sáng nay rừng không bướm trắng/ Sáng nay rừng không gió động/ Mưa trái mùa đã rơi suốt đêm qua

Suốt đêm mưa rơi trên những hoa dại mới nảy mầm/ Suốt đêm mưa rơi trên dự cảm những bồn chồn ly biệt.

Có thể chúng ta phải tự trách mình/ Có thể chúng ta phải tự thương mình/ Có thể chúng ta phải cười như Vũ khi mọi người vuốt mắt

Có thể chúng ta phải ngoái nhìn những biến thiên của mọi kiếm tìm/ Như thể nhìn một ban mai dịu nhẹ/ Như thể nhìn một gương mặt bình yên sau giấc ngủ dài.

(Có phải mọi kiếm tìm đều như thế)

Bây giờ thì tôi hiểu vì sao có cảm giác thiêu thiếu mỗi khi đọc một bài thơ, một chùm thơ Đinh Thị Như Thúy trên báo. Là bởi, khả năng khơi gợi một thế giới khác trong mỗi câu chuyện, mỗi hình ảnh. Và nỗi vây bủa, ám ảnh trên từng nhịp sống, không ngừng nghỉ nối tiếp những ảnh hiện, qua nhà thơ, dù có khoảng trống cuộc tiếp nhận này (vì một công việc khác), như chiếc đồng hồ thản nhiên tích tắc bất kể ta có chú ý hay không.

5.

Cái thế giới ấy ít thấy con người (trừ những người bạn đã qua đời, được gọi tên, được lưu dấu sâu đậm, những Vũ, Diệp, Nhẫn…), mà chỉ là những ảnh tượng, những thoảng qua. Những “chỉ tay vào mặt”, “vung tay chặt chém” hoặc “khuôn mặt hân hoan đến mức lố bịch và trơ trẽn của một con người”… Hoặc cùng lắm là những người đàn ông “yêu người đàn bà bằng những câu chửi”, những người đàn bà vô vọng “mang trong mình ổ trứng hồng thèm khát sinh nở” của làng chài mất đất “tìm lên dãy núi Răng Cưa” (Bài ca bên dãy núi Răng Cưa) tội nghiệp. Nhưng những người đàn ông, đàn bà này, những khốn khổ bé mọn này đã nhập vào những con hươu bị bóng tối bủa vây, bị truy đuổi; với phía bị hại, niềm thương cảm thì ích gì, niềm thương cảm không thay đổi được bóng tối?

Thực không có chỗ cho sự khinh khi bởi nó đáng thương hơn đáng giận- con người thảm hại đâu đó hàng ngày phải tiếp xúc, hoặc trong những đám đông, những gặp gỡ tình cờ. Mà nói gì với con người đây khi nó nhàm nhạt, nó rập khuôn, đồng bóng, xu thời, hãnh tiến, bé mọn và kiêu ngạo?

Nhưng người, nguồn cơn chính của nỗi bất an, vẫn chung đụng vẫn phải tìm kiếm sự hài hòa. Đôi khi muốn tồn tại phải như bầy tượng gỗ “mọc lên từ những chiếc ghế có nơ cài” trong đám đông những bàn tiệc chung quanh, vẫn khó thoát:

những tiếng hú gào hả hê/ vây quanh chúng ta trong biển những mặt người thù hận/ chúng ta đã không cẩn trọng không phòng vệ không di chuyển/ từ lời nói này vị trí này cảm xúc này/ đến lời nói khác vị trí khác cảm xúc khác/ những bẫy sập bẫy kẹp bẫy treo bẫy thòng lọng/ gom dần chúng ta trong lưới

họ đã cài đặt tất cả/ bằng tất cả quyền lực/ để trùm phủ tối tăm lên xứ sở này/ tình yêu niềm tin danh dự là vũ khí của chúng ta/ trở thành trò cười thảm hại/ cả trong mặt những chiếc ghế có nơ cài

(Trò chơi của bầy tượng gỗ)

Hay:

làm sao biết/ sự tinh khiết của niềm tin/ là có thật

những đổ sập/ mang khuôn mặt trang nghiêm/ mỗi lời hứa/ bày ra một cái bẫy

(Rốt cuộc thì tháng 11 cũng đã chịu hết)

Khi nỗi đau tột cùng, phẫn nộ tột cùng, bất lực tột cùng, con người hiện lên, dữ dội nhất, kinh dị nhất: tìm được cơ hội để diễn tả nhẹ như không lại thành tiếng thét đau đớn lộ liễu duy nhất của nhà thơ, là lúc gửi gắm, cảm thấu con người-bù nhìn, bù nhìn-người:

Tôi khô những cọng rơm/ Khóc không có nước mắt/ Đau không có miệng mếu máo/ Oan ức không có bàn tay nắm lại phẫn nộ/ Tôi không nghe hơi thở buồn bã của tôi/ Tôi không nghe máu chảy

Con người sẽ bất lực hơn con bù nhìn/ Nếu làm con bù nhìn

Con người sẽ tàn độc hơn thú dữ/ Nếu biến thành thú dữ

(Không chỉ mình tôi như thế)

Ngay với tình (?), với “anh”, dù là thật tinh khiết niềm tin, vẫn không là sự vô ưu thuần túy thời khắc ấy mà bắt đầu một khởi sinh khác, có thể tốt đẹp hơn, để hy vọng, nhưng như một trốn tránh thực tại:

Em rủ anh đêm nay kín đáo, lặng lẽ ra vườn ngồi chìm trong bóng tối. Góc vườn đó. Chiếc ghế đá đó. Dưới gốc mimosa đó. Không là mùa trăng. Trời tối. Nên tha hồ rón rén. Như thể trộm lén dự phần vào cuộc sống bí mật nơi này. Em bảo. Một lần thử xem. Chúng ta học cách sống của loài cây. Chúng ta ngồi thật lâu trong im lặng. Chúng ta chìm vào vườn. Hơi thở chúng ta hòa lẫn trong hương thơm cỏ cây. Hơi thở của chúng ta hòa lẫn trong hơi thở thơm mát của khu vườn. Anh có thấy không? Dường như trong anh đang bền bỉ lớn dần những đọt non chồi lá

(Rơi như là giọt nước)

Rồi như, với học trò, với đối tượng trong sáng thân yêu, có điều gì vẫn gờn gợn, giữa trang sách, bài giảng (hẳn là những điều tốt đẹp, nhân văn) và cuộc sống ngoài kia, thiên nhiên tươi đẹp ngoài kia:

…nhưng rồi cô tự hỏi có đúng vậy không, có ý nghĩa thực sự gì không trong những rao giảng của cô, trong những tác phẩm hàng ngày cô và trò đi qua, khi ngoài kia trời đẹp đôi khi đến ngộp thở, đẹp đến nỗi người ta không muốn gì hơn là được hít thở được nói cười được bày tỏ những quan tâm đến nhau một cách chân thành không giả trá không nịnh nọt không gò bó không từ chối không ngụy trang

(Krông Pắc, tháng mười một ngày mười ba)

Có điều lạ, trong thế giới đầy những dự cảm bất an của Đinh Thị Như Thúy, tôi không thấy ngớp trong nỗi lo âu, mà chỉ thực sự xúc động. Trước thiên nhiên tuyệt diệu. Trước sự chịu đựng, nỗi thống khổ và khả năng kiếm tìm vô hạn của con người lý lẽ để biết mình hằng hữu, cả khi đã chết đi. Bởi nỗi buồn, nỗi đơn độc, và sự chết như một tận hưởng, và nhận biết ấy thành hân tặng của tạo hóa.

Con người, dù tuyệt vọng đến đâu, vẫn tin một lối thoát sẽ hiện ra, không phải quy luật tồn sinh, hay cách “hạt cây chỉ thật sự chết đi khi đã được nảy mầm” (Rồi lạnh dần nỗi nhớ), mà là một hy vọng khôn nguôi, một niềm mơ được quyền mơ, cái quyền Thượng đế dành cho mỗi sinh thể:

Sinh ra là để đi/ Để dịch chuyển những tự do/ Để đối mặt với bát ngát xa xăm phơi mở những chân trời sóng

Chiều nay con tầu mắc cạn chết sững sờ bờ cát/ Bất lực chịu đựng bao ánh mắt/ Thảng thốt giấc mơ về lại biển khơi

Chiều nay con tầu đã làm tôi buồn quá

Sinh ra là để mơ/ Những giấc mơ sẽ vẫn tiếp tục tràn trề biển khơi và ánh sáng/ Khi những dây leo xanh lạnh bắt đầu bò lan/ Khi bóng tối mục ruỗng thân tầu lặng lẽ đến/ Cùng những con còng lăng xăng gió

                       (Với con tàu mắc cạn)

6.

Đó, cái thế giới của Đinh Thị Như Thúy.

Khi những lan man của tôi dừng lại thì nó vẫn tiếp tục sinh sôi…

(vanvn.vn)