Lắng lại những ký ức tươi nguyên

30.07.2013

Ngân Vịnh xuất hiện đều trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương với những vần thơ lục bát mang đầy màu sắc truyền thống của dân tộc. Nhưng đến tập thơ Lặng lẽ tường đá ong chúng ta mới nhận diện ra một Ngân Vịnh mới mẻ và đôn hậu. Thơ anh không dàn trải, không mang triết lý cao siêu mà rất chân chất, nói như nghĩ, và viết với một tấm lòng đam mê, say đắm với cuộc đời. 69 bài thơ, nhạc trong tập thơ là 69 tâm sự, 69 nỗi niềm và cũng là 69 cung bậc đa thanh của người thi sĩ với cuộc đời.

Lắng lại những ký ức tươi nguyên

Tôi ấn tượng với tập thơ Lặng lẽ tường đá ong không phải vì đã đọc và biết về Ngân Vịnh. Tôi đọc tập thơ với một tâm thế rất trong của người thưởng thức thơ qua những thanh âm của ngôn ngữ thơ, qua phong cách thơ và qua cả những điều anh gửi lại sau từng con chữ.

Sau những năm tháng gắn bó với nghiệp viết, anh đã cho xuất bản 9 tập thơ, phải nói đó là một hành trình dài của người cầm bút. Đôi khi miệt mài viết anh đã quên đi những thú vui hằng ngày, những va chạm cuộc sống đã cho anh những nguồn hứng cảm vô bờ và anh nhận ra chính mình một cách mộc mạc: Chừng như gương mặt tôi vêu vao/ Chừng như mùa đông quay trở lại/ Chừng như ngôi sao lòng tôi khấn vái/ Chừng như yêu đương rế rách, chổi cùn… (Giông gió thổi qua làng). Rất hiếm khi trong cuộc đời người ta nhận diện ra chính mình qua những gì mình viết, cũng thoáng đôi khi nhờ những gì mình viết mà những người đam mê thơ lại hình dung ra chân dung tác giả. Nếu gặp anh ngoài đời, vẫn một nụ cười niềm nở, vẫn cái bắt tay thân chặt chân tình và những lời tâm sự nằm lòng sâu lắng. Anh thường nói về thơ với những đam mê, tinh tuý và cả những khao khát nửa vời. Khi cầm bút để trải nghiệm, anh từng đắn đo để nhận về mình những phần chát đắng của cuộc đời. Cũng như khi có một cơn gió thổi qua cánh đồng, có thể rơm rạ xác xơ bay còn những hạt thóc nặng mồ hôi, nước mắt sẽ ở lại trên tay người nông dân - Đó là quy luật của cuộc sống. Thơ anh cũng thế. Có đôi khi anh đối diện với lòng mình để mách bảo Ngã ba lòng không sóng cả/ Nấp vào giọt ấm rơi rơi/ Rạ rơm xửa xưa nhóm lửa/ Thả xuôi sông Mã bóng người (Nhớ về Sông Mã). Anh là người thơ đa cảm, giàu lòng nhân ái trước cuộc đời. Nên trong thơ anh, nỗi nhớ quê được vẽ lên với một nét phác họa giản đơn mà thâm thuý. Nét vẽ ấy là tâm sự được bứt phá từ tận đáy lòng của một người con xa quê. Tôi nhận ra trong thơ anh một chút của bản thân mình Ý nghĩ lung tung chui qua đầu lưỡi/ Nắng mưa dội xuống từ trời/ Vũ điệu yêu đương dội xuống từ trời/ Ta đã đến ngày mệt mỏi/ Ngồi chán lại đi/ Đi chán lại ngồi (Ngày tóc bạc).

          Trong vô vàn những thanh âm trong trẻo của cuộc sống, thơ Ngân Vịnh đã mang lại cho người đọc một thanh âm rất riêng. Thanh âm đó được bồi đắp bởi phù sa hai quê Vĩnh Phúc - Đà Nẵng và phù sa ấy được chưng cất từ những cực nhọc đa mang của cuộc đời. Khi con người ta quay lại với những gì đã đến, bỗng nhiên họ nhìn mọi thứ với một tấm lòng bao dung. Vì cuộc đời này, ngoài kia vẫn ồn ã, vẫn bon chen, nhưng cuộc đời này cũng đọng lại không ít mật ngọt, không ít những dư vị không thể nào quên. Gió vấp tiếng mèo hoang phát dục/ Vấp bụng mang dạ chửa đàn bà/ Vấp ngọn lửa cháy trên bó đuốc/ Đầu tháng trăng non/ Cuối tháng trăng già (Tường đá ong). Tôi có một sự đồng cảm trong những câu thơ mộc mạc này. Sự đồng cảm không phải vay mượn mà nó tự lòng, tự hiển hiện bằng một nguồn cảm hứng. Tôi cảm nhận được những bước chân, những nụ cười và những suy tư trong thơ Ngân Vịnh. Người thơ không để hồn mình lãng du theo thời gian mà anh muốn chốt lại thời gian trong từng chốc lát. Để sống, anh phải mưu sinh, để viết, anh phải đánh đổi với chình mình. Đàn ông như một luồng gió, đàn bà như một đống rơm - đây là phát hiện không mới nhưng mà đắt, ở chỗ, nhà thơ nhận ra mình còn ý nghĩa, để làm ai đó phát tán, bùng cháy. Nghĩa là anh đã nhận diện được sự giao thoa lan toả trong mình: Gió đến mặt biển/ Mặt biển không còn cô đơn… Trái tim người đàn bà im ỉm đống rơm/ Gió đến rần rần lửa cháy (Gió đàn ông). Gan dạ nói ra điều mình nghĩ, dũng cảm hứng chịu điều thị phi, và vẫn hiển nhiên để đời những gì mình trân trọng. Đó là cách mà Ngân Vịnh kết nối mình với thơ, để từ thơ anh cho người đọc một nguồn hứng khởi để sống Biết rằng đời luôn day dứt/ Câu thơ túng thiếu đi cầm/ Xương mỏi ngức ngày trở gió… Biết rằng mười năm lặn lội/ Trăm năm có lúc đánh rơi/ Đông chuyển/ Tây rời/ Thay đổi/ Ta không hơn một con người (Ngày trở gió). Suy cho cùng, con người sống cũng chỉ để làm người, nhưng để làm người chân thiện, là một bài toán khó. Khi anh đam mê cuộc đời, anh cống hiến cho cuộc đời và từ đó, anh bất biến mọi vật, anh đánh đồng mọi thứ khác để chỉ giữ lại bản thân. Tôi nhớ một câu nói nổi tiếng của W. Goethe “Trí tuệ con người trưởng thành trong tĩnh lặng, còn tính cách trưởng thành trong bão táp”.
          Tình yêu đôi lứa trong thơ Ngân Vịnh mang đậm tính cách con người anh. Điềm nhiên và tự tại. Có lúc anh nói với chính mình Em cư ngụ trong mùa đông/ Bỏ quên nỗi hoang mang trong từng cơn gió bấc… Tôi hối hả đi về phía em/ Và nhìn lại dấu chân/ Để rớt ánh sao trên bậc cửa/ Đêm xuống như một sự chọn lựa/ Tình yêu lót ổ đầu thai (Mùa đông giục giã), có khi anh lại thì thầm Em - nỗi buồn vô chủ/ Thắp sáng giấc mơ anh/ Nắng nhạt, lá vàng (Cơn gió và hoa cúc); rồi Em - một góc mùa thu/ Để anh còn xanh nụ cúc (Một góc mùa thu)… Tất cả đó để người thơ níu lại những gì mình yêu thương, trân trọng và cả những đa mang vây bủa. Khi đó, nỗi cô độc trong anh đã biến thành sức mạnh để anh viết về tình yêu, về hạnh phúc, về cả những bon chen đời thực.
          Đọc Lặng lẽ tường đá ong, tôi nhận ra rằng trong những niềm hạnh phúc, với Ngân Vịnh, đôi khi nỗi buồn lại là một chất xúc tác. Để anh nâng mình lên, để anh viết và để anh tồn tại. Tôi không chối bỏ rằng, mình thật sự xúc động với một phong cách thơ đọc dễ gần, hóm hỉnh nhưng mang đậm giá trị nhân văn. Và những kỷ niệm với người viết đó là chất liệu, anh phải biết sử dụng chất liệu ấy để dệt lên những tấm thảm trước cuộc đời.

 

Nguyễn Thị Anh Đào