Nguyễn Ngọc Phú và trường ca

17.07.2017

Trong đội ngũ nhà thơ đương đại, Nguyễn Ngọc Phú là tác giả nặng nợ với trường ca và đã có được những trường ca đặc sắc. Nguyễn Ngọc Phú rẽ bước theo nghiệp viết vào lúc trường ca hiện đại Việt Nam vừa có một vụ mùa bội thu. 
Thể hiện được những suy cảm sâu sắc bằng ngôn ngữ nghệ thuật của riêng mình về hiện thực cuộc sống vĩ đại và đa chiều luôn là khát vọng của những nhà văn chân chính mọi thời. 

 

Nguyễn Ngọc Phú và trường ca

 Với các thế hệ nhà văn Việt Nam cầm bút sau 1975 – sinh ra giữa thời bom đạn, lớn lên còn nghe mùi thuốc súng, sống trong âm ba của những cuộc kháng chiến thần thánh vọng về, chứng kiến những vận động nhiều chiều thời hậu chiến, có không khí hòa bình để lắng sâu vào những cảm nghiệm về con người và tổ quốc, nhận chân được những giá trị vững bền trong thế giới phẳng bùng nổ thông tin - khát vọng ấy càng mạnh mẽ. Việc chinh phục những phạm vi hiện thực kì vĩ, rộng lớn không chỉ là mong muốn thường trực của những tiểu thuyết gia mà còn là mối bận tâm đau đáu của không ít nhà thi sĩ. Mối bận tâm lớn ấy đưa các hồn thơ tìm đến một hình thức phô diễn đặc biệt: trường ca. Trong đội ngũ nhà thơ đương đại, Nguyễn Ngọc Phú là tác giả nặng nợ với trường ca và đã có được những trường ca đặc sắc.

 Nguyễn Ngọc Phú rẽ bước theo nghiệp viết vào lúc trường ca hiện đại Việt Nam vừa có một vụ mùa bội thu. Đó là quãng thời gian trước và sau mốc 1975 đến đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, trường ca nở rộ trên văn đàn và vầng hào quang nghệ thuật gắn liền với những tên tuổi Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Trọng Tạo,… Bầu khí quyển văn chương thời ấy đã khiến anh sinh viên Đại học Kỹ thuật quân sự có “những trang thơ ghi vội những cảm xúc chợt đến(1) ý thức rõ hơn về con đường mình lựa chọn. Theo văn nghiệp, rồi đến với trường ca, không phải vì sính mốt thời thượng mà điều cốt yếu là bởi Nguyễn Ngọc Phú có căn duyên. Sinh ra ở “nơi giao thoa hai dòng nước, nơi thường xuyên tạo ra những vực xoáy…”, đó có thể là yếu tố tiền định đưa anh đến với những suy cảm trong/ trước/ về những vòng xoáy nhân sinh, những vận động lớn lao của dân tộc và thời đại?! Cái tâm tính người miền biển “Lạ từ tính cách. Lạ đến cả tâm hồn…(2) cùng với vốn đọc vốn học nuôi cho anh sức cảm, sức nghĩ, sức viết mạnh mẽ, dồi dào. Bút lực ấy, bản năng trời phú và ý thức sáng tạo ấy tất sẽ tìm đến với trường ca như một miền dụng võ đắc địa. Nhìn vào hành trình thơ của anh mới thấy, ngay từ thiên “Biến tấu biển”, từ kết cấu đến điệu tâm hồn, từ ngôn ngữ thơ đến từng thi ảnh đã thấp thoáng bóng dáng tác giả trường ca. Sự giao thoa sông và biển, nước ngọt và nước mặn để con cá mòi ngược sông ngày hiếm cá, hay tính dự báo của đám mây màu vảy cá chính là những thi ảnh trong vô thức sáng tạo anh tự họa về mình: Ta hòa trộn giữa sông và biển/ Ta là một thứ nước lợ/ Con cá Mòi giữa ngày hiếm cá/ Đám mây màu vảy cá/ Báo trước những cơn dông/ Báo trước ngày động biển/ Bùng nổ những dây sấm/ Buông thõng xuống những chùm ngôn ngữ/ Bóc dần từng lớp vỏ/ Đến mặn mòi thịt xương. Không phải chỉ nhìn mặt bắt hình dong, mà ngẫm kĩ, căn duyên trường ca là ở đó và đặc sắc trường ca Nguyễn Ngọc Phú cũng khởi sinh từ đó vậy! Để rồi, ở vụ mùa tiếp theo của trường ca Việt - những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI - Nguyễn Ngọc Phú góp vào thời đại mình những tác phẩm mang dấu ấn rất riêng.

Dành nhiều tâm huyết cho thể loại trường ca nhưng Nguyễn Ngọc Phú trình làng trường ca khá dè dặt. Đến nay, không tính những cái còn nhiều dập xóa, chỉ tính những cái đã công bố, gia tài trường ca Nguyễn Ngọc Phú có ba tác phẩm đáng chú ý: “Biển và tôi”, “Ngã ba Đồng Lộc”  “Con đường thức”. Nói đến trường ca là nói đến những tác phẩm có nội dung tư tưởng lớn và cấu trúc nghệ thuật phức hợp. Thoát thai từ cái nôi sử thi, nó thường phản ánh những vấn đề lớn của dân tộc và thời đại, những vấn đề liên quan đến lịch sử và số phận của cộng đồng bằng một cường độ cảm xúc tương ứng, cùng với cách viết khỏe khoắn, linh hoạt. Trường ca Nguyễn Ngọc Phú in dấu những đặc trưng cơ bản ấy của trường ca Việt Nam hiện đại.

Bức tranh hiện thực cuộc sống mà trường ca Nguyễn Ngọc Phú khám phá, suy cảm chính là sự kì vĩ của đất nước anh hùng trong và sau chiến tranh lửa đạn, là sự kì vĩ của thiên nhiên đầy bí mật, là những chiều kích vi diệu thẳm sâu của đời sống tâm linh và thân phận con người. Cảm hứng, hơi thở trường ca của anh bắt nguồn từ đó. Cảm hứng ấy thấm sâu trong những hình tượng người lính, cô thanh niên xung phong, người mẹ, tổ quốc,... là những biểu tượng thiêng liêng của thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung và trường ca nói riêng. Anh ý thức rất rõ sứ mệnh của một nhà thơ thế hệ mình khi viết về hiện thực lớn lao và phong phú ấy, một hiện thực còn ấm nóng nhưng với độ lùi thời gian nó hiện lên trong cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn. Anh lắng nghe được tiếng vọng thăm thẳm từ quá khứ “Những buổi ngày xưa vọng nói về”(Nguyễn Đình Thi). Tiếng vọng ấy đến với anh qua những tấm bia “khắc đá tên người”, cứ thôi thúc, ám ảnh, nhức nhối: “Chữ rỉ ra như máu:/ Hãy viết đúng về SỰ THẬT chúng tôi!”(Ngã ba Đồng Lộc). Hiện thực phong phú đa chiều cần cái nhìn và sự cảm thấu đa chiều. Nhưng đâu là “sự thật”, là cốt lõi cần nhận thức thấu suốt? Làm sao để “viết đúng”? Nhà thơ chỉ có thể trả lời những câu hỏi của cuộc sống đặt ra bằng chính những trang viết!

Như rất nhiều trường ca của các tác giả cùng thế hệ, trường ca Nguyễn Ngọc Phú ôm chứa phạm vi hiện thực bề thế của không gian, thời gian cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại. Cũng chính ở phạm vi đề tài quen thuộc này, Nguyễn Ngọc Phú thể hiện những nỗ lực lao động nghệ thuật đáng ghi nhận.

Anh viết về ngã ba Đồng Lộc, nơi in dấu những chiến tích và sự hy sinh của nhiều lực lượng sống và chiến đấu, từng là “mảnh đất” được rất nhiều cây bút quan tâm khai thác. Sinh ra trên quê hương Hà Tĩnh, anh không thể không ngẫm, không viết về hiện thực bi tráng này. Và viết, có nghĩa là phải khám phá, sáng tạo. “Anh tìm gì dưới những bóng thông?/ Cây đã lên xanh/ Trên đồi cỏ mọc/ Hố bom đã lấp!”, câu hỏi ấy, lời cật vấn ấy đã khơi nguồn cho trường ca “Ngã ba Đồng Lộc” tuôn chảy. Cảm và nghĩ trước mối quan hệ giữa Chiến tranh và Sự sống, Hủy diệt và Bất diệt, nhà thơ đã khám phá những ký ức bi tráng của chiến tranh, những ký ức đã hóa thân vào trong sự sống/ cuộc sống hôm nay. Anh tái hiện sự khốc liệt bằng cảm xúc mạnh mẽ trước những số liệu lịch sử khủng khiếp: “Đồng Lộc hè 1968/ Một ngày: 103 lượt máy bay/ Một ngày: 800 quả bom dội xuống/ Một ngày: 336 người bị chết/ Đất ở đây xay vụn như rang/ Gió ở đây thổi bong da mặt/ Giao thông hào chảy những dòng nham thạch/ Núi lửa phun tràn xuống con đường/ Con đường cập kênh/ …Đồi Đồng Lộc rung lên như động đất/ Cỏ ở đây chỉ mọc trong mơ...”. Bằng những hình tượng sinh động, nên thơ, anh khẳng định sự bất diệt: “Bà kể cổ tích/ Đèn sáng dần ra// Nở ra cô Tấm/ Choàng tấm vải dù/ Đôi hài vạn dặm/ Đế bằng cao su”; “Em đếm bom như ngày xưa đánh chuyền, đánh chắt/ Bó thẻ trong tay cắm xuống hút bom chìm”. Cô Tấm kia chính là những cô thanh niên xung phong giản dị đếm bom như đánh chuyền đánh chắt bước ra từ huyền tích Đồng Lộc đánh Mỹ. Những hình ảnh cụ thể mà có sức khái quát ấy cùng với hình ảnh trẻ con Đồng Lộc, những chàng lính trẻ áo rộng thùng thình, hình ảnh nhân dân “dìu bánh xe qua/ Bằng cánh tay trần thịt da mềm mại”,… làm nổi bật sức sống mạnh mẽ, kì diệu của con người Việt Nam trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt. Đóng góp của Nguyễn Ngọc Phú trong trường ca này là ở chỗ nhà thơ có được cái nhìn đa chiều, không nghiêng về cái “tráng” mà dành dung lượng hợp lý cho những suy cảm về cái “bi”, “viết đúng” về chiến tranh như bản chất của nó. Cho nên, bên cạnh nhịp hứng khởi ngợi ca, người đọc cảm nhận được trái tim nhà thơ còn đập nhịp day dứt, xót xa, đau quặn: “Chiến tranh vẫn còn mọc khói/ Trên những mái đầu bạc phơ”, “Xin hãy thắp hương đầu gió/ Còn bao hài cốt chưa tìm”, “Bom nổ chậm ngày hòa bình vẫn nổ/ Sau ánh chớp xanh lè, anh bỗng hóa đất đai”, “Nếu phủ kín hoa trắng vào bia mộ/ Ngã ba này sẽ trắng toát màu vôi”,…

Những suy cảm về hiện thực chiến tranh còn được thể hiện rất ấn tượng trong trường ca “Con đường thức”. Đây là tác phẩm anh viết về đường Hồ Chí Minh trên biển, về sự hy sinh và lòng quả cảm của cán bộ chiến sĩ Đoàn tàu Không số, về tấm lòng và niềm tin yêu cách mạng của nhân dân nơi bến bãi. Chiếm lĩnh một hiện thực kì vĩ – một huyền thoại, một sáng tạo độc đáo của lịch sử quân sự Việt Nam – cho thấy sự nhạy cảm trong tìm kiếm đề tài đồng thời cho thấy sức nghĩ, sức liên tưởng đáng nể của nhà thơ. “Con đường thức” rõ ràng được tuôn chảy bởi một cảm hứng lớn, điều này có thể cảm nhận ở sức lôi cuốn ngay từ những dòng đầu của bản trường ca. Nhà thơ nghe thấy tiếng vọng của hiện thực ngồn ngộn sức sống hào hùng, hoành tráng qua nhịp quân hành duyệt binh sau bốn mươi năm nước nhà không còn chia cắt. Nhịp quân hành trên những đại lộ nhắc nhớ về một con đường “không còn dấu vết/ Không cột  mốc/ Không đo chiều ngang bằng thước/ Không đo chiều dài bằng kilômet bê tông/ Không dự án cộp dày bao con dấu/ Không khảo sát bằng đo đạc/ Không giải phóng mặt bằng./ ...Đường được đo bằng máu bằng xương/ Bằng vô danh không còn hài cốt/ Không tượng đài/… Đó là con đường thức/ …Chiếc la bàn chỉ hướng Nam từ Bắc/ Chỉ Nam của trái tim/ Chỉ một con đường”. Nghe nhịp quân hành nhắc nhớ, nhà thơ thực hiện cuộc hành trình trên con đường kỳ diệu của tâm hồn trở về và chứng kiến, cảm nhận và đồng cảm với Đoàn tàu Không số gắn với con đường trên biển: “Tôi sinh năm 1959/ Năm đó khai sinh con đường mòn trên biển”. Theo hải trình của đoàn tàu, nhà thơ gặp được biết bao con người, bao số phận với bao khát vọng sống, khát vọng hòa bình, khát vọng hạnh phúc cao đẹp thể hiện trong quá trình chiến đấu và hy sinh. Đó là anh Tư Mau, má Mười Riều, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, chị Sáu Thùy và anh Tư Thắng,… Đó là sự suy tư của Đại tướng – người Anh Cả của Quân đội, linh hồn của Đoàn tàu Không số, người trực tiếp chỉ đạo, theo dõi và động viên, cổ vũ cán bộ, thủy thủ trong suốt những năm tháng chiến đấu đầy hy sinh gian khổ mà vẻ vang: “Đứng trước bản đồ/ Trắng đêm…/ Người tính đến hi sinh từng người lính/ Giờ hạ thủy những con tàu/ Chở vũ khí vào Nam bằng con đường ngắn nhất”. Lỗ Tấn từng viết rằng người đi sẽ thành đường, nhưng điểm đi, đường đi và điểm đến của con đường trên biển luôn đầy rẫy gian nguy, rình rập: “Những thủy thủ đường mòn trên biển/ Quá một bước be thuyền là chạm vào cái chết/ Biển sẵn sàng nuốt chửng đời anh/ Rồi để lại/ Một khoang tàu rỗng/ Để lại một tên người/ Gạch chéo/ Dấu nhân…”; “Cá sấu và trực thăng/ Đến con cá thia lia cũng phơi mình trước mặt/ Là nơi chưa những kho hàng bí mật/ Bến đậu của tàu…”. Hải trình của những đoàn tàu bí mật - vì việc lớn quyết không để lọt vào tay địch một người, một hiện vật – nên những con tàu không có số hiệu cố định, cải hoán như tàu đánh cá, cán bộ chiến sĩ cũng sử dụng mật danh, trao đổi giao tiếp bằng mật khẩu. Nên mỗi người là một “gạch chéo”, một “dấu nhân” nếu nguy cấp sẽ sẵn sàng nhận “là người cuối cùng ở lại/ Cùng khối bộc phá ngàn cân/ Châm vào dây cháy chậm/ …Thong thả quấn thuốc rê” chờ “Một cột sóng dựng lên/ Đời anh thành mây khói”… Viết “Con đường thức”, Nguyễn Ngọc Phú dựng lên bức tượng đài hoành tráng về những cán bộ chiến sĩ, về nhân dân đã sống và chiến đấu cao đẹp gắn với Đoàn tàu Không số, gắn với “con đường thức”. Đó là những con người “Đã từng lọc mình trên đoàn tàu không số/ Đã từng lọc mình qua bao bão tố…”. Bức tượng đài ấy cũng đầy kiêu hãnh như những bức tượng đài chiến đấu và chiến thắng, hy sinh trên đất liền. Tất cả góp phần khắc tạc chân dung con người Việt Nam trong những thời đoạn lịch sử chẳng thể nào quên, để những vẻ đẹp của những bức chân dung ấy sống mãi. Cho nên, trong cảm hứng ngợi ca, “Con đường thức” của Nguyễn Ngọc Phú vẫn không quên nhắc nhở “Xin bạn hãy nhớ về một con đường thức”, nhớ về những hy sinh qua lời nói trực diện của má Mười Riều “- Có ai trả cho má đồng nào không?/ - Thế còn máu xương anh em ai trả!”…

Nói về những dấu ấn của Nguyễn Ngọc Phú trong trường ca Việt Nam hiện đại ở phương diện đề tài không thể không nói đến “Biển và tôi”. Đây là một trong rất nhiều thi phẩm về biển của anh. Nguyễn Ngọc Phú luôn “viết về biển trong tâm thế là một người con của vùng biển(3). Thơ về biển đã là một thứ đặc sản của Nguyễn Ngọc Phú từ buổi anh bước chân vào làng thơ, biển trong thơ anh vỗ sóng, đem đến cho người đọc cảm giác lạ lẫm, kể cho người đọc những câu chuyện tâm hồn vô bờ bến, có sức ám gợi mạnh mẽ. Nhận được, học được nhiều điều từ biển cả kì vĩ và bí mật, anh không ngừng suy cảm về biển và những suy cảm dồn nén ấy đã không ít lần bung tỏa thành những khúc biến tấu, thành trường ca. “Biển và tôi” là dòng suy cảm kết nối nhiều mảng tâm trạng, liên tưởng của “tôi”/nhà thơ về biển cả mênh mông vô tận - mới mẻ và đầy hấp lực; về sóng gió/ bão tố (một biến tấu của biển) trên đất liền, gắn với những phận người; về những dư chấn/ tương giao bí ẩn (một biến tấu nữa của sóng/ biển) giữa người với biển trong đời sống tâm linh của chính mình. Thế giới của liên tưởng được kết nối bởi những mảng/mẩu ký ức về biển, về bão tố, ký ức về ngôi nhà, người thân, ký ức về sinh hoạt làng chài quê hương với những mảnh ghép phận người. Đây có thể là khởi nguồn của những liên tưởng của trường ca này chăng: “Cha đẻ ký ức cho tôi/ Mẹ cộng thêm tuổi mụ/ Mẹ xâu sợi nắng xiên khoai không vượt ngoài lối ngõ/ Xe chỉ nối tôi với bao bọc cộng đồng/ Mẹ đốt đầy cả đồng than/ Nhem nhuốc ngày thường cho con trong trắng/ Bà tôi nhặt vỏ bưởi khô phơi quăn mép nắng/ Treo vào đêm bồ hóng/ Hơ khô dần rốn tôi/ Hơ cạn dần rốn biển”. “Biển và tôi” là một trường ca hay và ám ảnh nhưng khó cắt nghĩa, phân chất. Có người cho rằng trường ca này phải đọc chậm, phải có gốc gác vạn chài hay vốn biển mới khả dĩ đắm vào những hấp lực của nó. Với tâm hồn người Việt – đất nước có hơn ba nghìn cây số bờ biển, trên một triệu km2 mặt biển – thì biển trong thơ Nguyễn Ngọc Phú chắc hẳn cũng không quá khó gần. Đằng sau đoạn đối thoại giãi bày của người con vùng biển với biển cả ta gặp nhiều điều tâm đắc, không chỉ cho một người:“Biển hỏi tôi:/ - Anh có kinh nghiệm gì/ Khi chống bè vượt thác?/ - Tôi chống bằng trực giác!/ Biển hỏi lại:/ - Còn sào?/ (Những cây sào chằng có ích gì trên biển/ Những đôi giày đế cao chẳng có ích gì trên biển/ Bọt bong bóng xà phòng chẳng có ích gì trên biển)/ Chúng tôi biết tốt vào nhau/ Tán cây xòe ra đến đâu/ Rễ cây mọc chùm đến đó/ Chúng tôi biết đi đường mây/ Khi nhầm vào lối cỏ/ Chúng tôi biết về bước gió/ Khi lạc vào Bến Mê”. Chính tác giả trường ca từng bộc bạch trong một bút ký: “Trước lúc vào nghiệp văn có thời tôi sống bằng nghề biển… Không biết những vong linh thiêng liêng ấy (vong linh những người chết biển trong dòng họ) có ám ảnh tôi không mà cho đến bây giờ tôi vẫn chưa trả hết nợ biển, ít nhất là trên những trang viết(4). Viết trường ca “Biển và tôi” có lẽ là cách Nguyễn Ngọc Phú lần hồi trả món nợ tâm hồn ấy!

Ở trên, chúng tôi nhắc đến câu thơ “- Hãy viết đúng về SỰ THẬT chúng tôi!” để bàn về những khám phá trên phương diện nội dung cảm hứng của trường ca Nguyễn Ngọc Phú mà chưa nhấn mạnh được những tìm tòi ở phương diện hình thức thể hiện tương ứng vốn có quan hệ máu thịt, không thể tách rời. Nói đến đóng góp cho thể loại, không thể không nói đến những nỗ lực sáng tạo về mặt thi pháp. Bàn về điều này chính là đang nhận diện xem những suy cảm trong trường ca Nguyễn Ngọc Phú được hình thức hóa như thế nào, có gì mới mẻ, độc đáo. Trên tinh thần ấy, từ góc nhìn chủ quan, chúng tôi muốn điểm qua mấy đặc sắc đáng chú ý của trường ca Nguyễn Ngọc Phú.

Thứ nhất, khả năng ôm chứa, khám phá, chiếm lĩnh hiện thực rộng lớn, đa dạng, nhiều chiều kích. Trường ca Nguyễn Ngọc Phú có hiện thực cuộc sống chiến tranh ác liệt với những con người mang tầm dân tộc đan xen với hiện thực của những tình cảm riêng, hiện thực cuộc sống thời bình của con người đời tư: “Áo thanh niên xung phong/ Đựng cả trời bom đạn”, “Số phận mỗi người mỗi ngả/ Có người chức tước vinh quang/ Có người cái nghèo níu kéo”, “Khói bây giờ vẫn sặc/ Đêm mẹ ho khúc khắc/ Chiến tranh vẫn quẩn trong lồng ngực”,… (Ngã ba Đồng Lộc);  “Người thuyền trưởng chiếc la bàn trước mặt/ Chiếc kim vẽ vòng tròn dích dắc đời anh/ Gương mặt đàn ông mấy lần phẫu thuật” và “Bạn có nghe câu chuyện tình yêu/ Bến đậu yêu thương những tháng năm xa cách/ Chị Sáu Thùy và anh Tư Thắng”,… (Con đường thức). Có cả hiện thực của đời sống tâm linh: “Ta cất giữ linh hồn của biển/ Như cất giữ cục than hồng mẹ nướng cá đêm/ Một cục than hồng nướng một quả trứng/ Quả trứng nở ra nỗi buồn mọc tóc…” (Biển và tôi). Nguyễn Ngọc Phú không chỉ muốn chiếm lĩnh hiện thực dài rộng mà còn chinh phục cả hiện thực bề sâu. Sự phong phú của hiện thực ấy cũng đồng thời được thể hiện trong sự phức hợp của nhiều yếu tố hình thức nghệ thuật trong tác phẩm của anh.

Thứ hai, kết cấu khá đa dạng, vận động theo xu hướng cách tân thể loại. “Ngã ba Đồng Lộc” được tổ chức theo kiểu chương đoạn, mỗi chương đoạn triển khai một chủ đề phụ mở rộng, trải dài những suy cảm… làm sâu sắc thêm cho chủ đề xuyên suốt; có sự kết hợp đan xen tự sự và trữ tình. “Biển và tôi” cấu trúc theo mạch cảm xúc, liên tưởng. “Con đường thức” có phân đoạn khá rõ nhưng vẫn được triển khai theo mạch tâm trạng. Nhìn chung, ở mỗi trường ca Nguyễn Ngọc Phú đều có ý thức lựa chọn kiểu kết cấu phù hợp nhằm biểu đạt hiệu quả nhất cảm hứng của mình trước hiện thực. Thao tác tìm kiếm, lựa chọn thiên về kỹ thuật ấy có luôn có tính sống còn với thể loại trường ca. Tuy đa dạng, nhưng trong cả ba trường ca của Nguyễn Ngọc Phú, yếu tố chủ quan vẫn là yếu tố cơ bản ch phối việc chiếm lĩnh hiện thực. Trong “Ngã ba Đồng Lộc”, có một dòng sự kiện làm sườn để duy trì cảm hứng. Trong “Biển và tôi” và “Con đường thức” yếu tố tự sự chỉ hiện lên qua những câu chuyện phân mảnh, trong “Biển và tôi” là những câu chuyện đứt gãy,… làm cho câu chuyện lớn của tâm hồn trong trường ca trở nên sống động hơn. Điều đó cho thấy cảm thức trường ca Nguyễn Ngọc Phú hòa nhịp với chiều hướng vận động chung của trường ca hiện đại: giảm nhẹ chất tự sự và đặt trọng tâm vào tính trữ tình.

Thứ ba, sự sáng tạo trong điểm nhìn và nhân vật trữ tình/trần thuật. Điểm nhìn của chủ thể sáng tạo trường ca hòa nhập vào nhân vật trữ tình và thường xuyên biến đổi vai trò để thể hiện các chủ đề phụ, hướng đến làm bật nổi chủ đề chính. Trong các trường ca của anh, dòng cảm xúc mãnh liệt, thống nhất, bền bỉ của nhân vật trữ tình tạo nên kết cấu chặt chẽ, tạo nên tính xuyên suốt của chủ đề tác phẩm. Nhân vật trữ tình trong “Biển và tôi” thống nhất với hình tượng người con làng biển cảm nhận, suy tư, giãi bày, chiêm nghiệm về biển cả gắn với thân phận con người. Nhân vật trữ tình trong “Ngã ba Đồng Lộc” là nhà thơ áo lính trở về tìm lại những ký ức xưa cùng đồng đội và nhân dân, vừa đứng ở hiện tại nhìn về quá khứ lại vừa hóa thân vào từng nhân vật, vào chứng nhân lịch sử, đánh thức những câu chuyện đằng sau những hiện vật trong tủ kính, để phô ra những chiêm nghiệm của mình. Trong “Con đường thức”, nhân vật trữ tình chọn điểm nhìn ở hiện tại, phát huy sức liên tưởng, suy cảm về các nhân vật và sự kiện lịch sử, trò chuyện cùng người đọc. Sự dịch chuyển linh hoạt của nhân vật trữ tình giúp tác giả tạo được giọng điệu đa dạng, lôi cuốn cho các tác phẩm dài hơi của mình. Khi dẫn lời của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, nhân vật trữ tình bất ngờ bộc lộ cảm nghĩ “Các anh ra đi bằng con đường mòn ngắn nhất/ Các anh trở về bằng con đường mòn dài nhất/ (Đường chiến tranh chẳng ký ức nào mòn!)”(Con đường thức). Khi nghĩ về trẻ con Đồng Lộc: “Đồng Lộc có trẻ con/ Quân thù sao hiểu được/ Tập đánh vần trong đất/ Mầm sống bật chồi lên.” (Ngã ba Đồng Lộc). Khi ngợi ca lẽ sống cao đẹp của những chiến sĩ trên con đường biển cả sóng gió, nhà thơ đắm vào cuồn cuộn suy tư: “Tôi sinh ra biển đã có rồi/ Biển của đời thường/ Những cơn say sóng đất/ Đất chao đảo dưới chân/ Sóng váng vất trong người/ Ở đây không cột mốc/ Vẫn phân giới lòng người/ Cao thượng – thấp hèn chỉ trong gang tấc/ Tôi gặp những cơn say sóng đất/ Cơn địa chấn thị trường: Bão giá!/ Có người quen vượt qua sóng to, gió cả/ Bỗng chìm trong êm ả, đời thường...” Hay khi viết về ứng xử của con người lúc chống chèo trên biển: “Chúng tôi biết tốt vào nhau/ Tán cây xòe ra đến đâu/ Rễ cây mọc chùm đến đó/ Chúng tôi biết đi đường mây/ Khi nhầm vào lối cỏ/ Chúng tôi biết về bước gió/ Khi lạc vào Bến Mê...” (Biển và tôi). Có thể xem nhiều đoạn trữ tình ngoại đề bất ngờ mở rộng biên độ nghĩa, nhiều suy tư ngẫm ngợi trực diện sâu sắc là biểu hiện cho sức hấp dẫn của trường ca Nguyễn Ngọc Phú.

Thứ tư, sự trùng điệp của ngôn từ và những hình ảnh thơ giàu sức gợi. Ngôn từ trùng điệp là thủ pháp quen thuộc của những trường ca theo khuynh hướng trữ tình, sản sinh bởi dòng chảy cuồn cuộn của cảm xúc, liên tưởng, suy tưởng. Nguyễn Ngọc Phú mạnh ở sức liên tưởng nên nhiều khi phép điệp giúp anh đuổi bắt dòng suy cảm một cách hiệu quả. Cùng với những hình ảnh quen thuộc thiêng liêng đã nói ở trên, trong trường ca Nguyễn Ngọc Phú có những hình ảnh mới lạ, giàu sức gợi. Có hình ảnh đã trở thành hạt nhân của cả tác phẩm, khởi “tứ” cho tác phẩm, như hình ảnh “con đường thức”. Hơn 15 lần hình ảnh con đường lặp lại, trong đó có 3 lần lặp lại cụm từ “con đường thức”. Hình ảnh ấy đã thoát khỏi nghĩa cụ thể để trở thành biểu tượng cho sức sống của con người, của dân tộc trong chiến tranh ác liệt; trở thành chiến tích in dấu trong ký ức dân tộc đủ sức lay thức những thế hệ tương lai. Rồi hình ảnh biển đa tầng đa nghĩa trong “Biển và tôi”. Hay rất nhiều hình ảnh chỉ xuất hiện đây đó trong các trường ca mà không nguôi ám ảnh. Như hình ảnh ngọn lúa ngọn rau: “Mẹ đặt tên con: Xuân, Xanh, Rạng, Cúc, Tần…/ Mẹ mơ mướt ngọn rau, mẹ khát khao sữa lúa.”; như hình ảnh hoa mua: “Đồng Lộc mang giấc mơ hoa tím”; như hình ảnh tượng đài: “Hai tay con ôm súng dáng xung phong/ Tấm lưng mẹ mỗi ngày võng xuống/ Con đứng sao yên với pho tượng giữa đồng…”(Ngã ba Đồng Lộc)…

Với sức khám phá, sáng tạo mạnh mẽ như chúng tôi đã mạnh dạn phân tích ở trên, trường ca Nguyễn Ngọc Phú xứng đáng nhận được tình cảm sâu rộng của bạn đọc. Đến với trường ca của anh, chúng ta gặp một tâm hồn gắn bó với quê hương đất nước, với lịch sử dân tộc, với đời sống nhân dân trong những suy cảm phong phú và sâu sắc. Đồng thời, chúng ta cũng nhận thấy những đóng góp đáng kể của tác giả trong tiến trình phát triển của trường ca Việt đương đại.

Trường ca là thể loại đang vận động. Cuộc sống rộng lớn đa chiều đang vận động không ngừng. Biển quê hương xa gần đang dậy sóng. Biển của đời thường chao đảo… Nguyễn Ngọc Phú đang là cây viết sung sức. Mang theo tâm niệm “Thơ là sự hoàn thiện chính mình(5), chắc hẳn người đọc sẽ lại được đón nhận những trường ca bề thế mang đậm dấu ấn của người con vùng biển, tương xứng những vấn đề lớn lao của hiện thực đặt ra mà sức hấp dẫn chưa dừng lại ở những điều hôm nay chúng ta đã nói!

                                            

 

 

 

(2), (3)  Văn nghệ trẻ, số ra ngày 26/02/2012.

(4)  Nghiệp biển, truyện ký Nguyễn Ngọc Phú, NXB QĐND, 2012.

(5)  Nhà văn Việt Nam hiện đại tỉnh Hà Tĩnh, NXB HNV, 2011.

 Nguyễn Thanh Truyền
(vanvn.net)