Tiếng tiêu người câm - Diệu Phúc

04.06.2020

Trước cổng bệnh viện là một đường ray tàu hỏa. Nàng đã ngồi ở đấy từ rất lâu, nhìn những chuyến tàu đi qua, hối hả, nhịp nhàng. Nàng đã từng nghĩ sẽ có ngày nàng lao mình vào đấy, khi tiếng còi tàu hú vang, thức tỉnh nửa phần người đã chết của nàng, để được chết một cách trọn vẹn.
Nàng mường tượng đến cảnh thân xác mình bị nghiền nát dưới những chiếc bánh sắt. Nàng còn muốn hơn thế, muốn xương thịt nàng vụn nát, văng tung tóe, chẳng còn gì, chính là không còn gì để chôn cất. Nàng không muốn nằm lại trên cánh đồng vắng lạnh nơi quê chồng. 

Tiếng tiêu người câm - Diệu Phúc

Nàng sợ sự cô độc, càng sợ phải làm một linh hồn tha hương. Nàng muốn được nằm cạnh bà nội ở cồn kên xứ, nơi mà ngày bé nàng cùng lũ bạn chui rúc hái mâm xôi sau những giờ tan học, dẫu cho gai đâm xước cả da, nhưng sao nàng có thể, khi người đời vẫn nói, thuyền theo lái, gái theo chồng...

Nàng mường tượng đến cảnh mẹ và các em gào khóc đến lả người đi trong đám tang của mình. Ba nàng ngồi thất thần bên những cuốn sách nhỏ nàng mang về. Mỗi lần về thăm nhà, nàng luôn mang theo những cuốn sách nhỏ và vài thứ làm quà cho ba mẹ. Ba nàng thích đọc sách. Ngày nàng hôn mê nằm ở khoa cấp cứu hồi sức, ba nàng đã xem những quyển sách như một kỉ vật thiêng liêng, bởi lẽ, nếu nàng chẳng còn ở lại trên thế gian, thì máu thịt nàng, rồi sẽ tan vào đất, con trai nàng, cũng đi theo người ta, chẳng còn gì, chẳng còn lại gì nữa.

Những người đến viếng, lòng bùi ngùi tiếc thương. Con bé vốn mạnh mẽ và lạc quan là thế. Có lẽ biết mình không còn hi vọng mới chọn cách quyên sinh, để không trở thành gánh nặng cho người khác. Nó vốn là một đứa đầy tự tôn. Có lẽ họ sẽ nói thế.

Nàng lại thấy chồng nàng vô hồn đứng cạnh di ảnh nàng. Bao nhiêu yêu hận giờ đây nàng chẳng còn nghĩ đến nữa. Nàng tha thứ cho tất cả những vô tâm, định kiến của chồng đối với nàng. Chỉ mong sao, chồng có thể vì sự ra đi của nàng mà dành trọn tình yêu cho đứa con trai, giọt máu chung của hai người.

Con trai nàng, nó ngồi thọt lõm trong lòng bà nội, chốc chốc lại hỏi, sao mẹ lâu về thế hở bà? Người đàn bà ấy, thương cháu chẳng kém nàng thương con, sẽ an ủi đứa cháu tội nghiệp. Nàng hiểu, người mẹ chồng ấy sẽ không trách móc nàng nữa, không vướng bận những ngày đáng buồn nữa. Bà sẽ là người thay nàng chăm sóc đứa con trai khi nàng rời đi.

Nàng thấy mình đứng đó, nhưng không ai nhìn thấy nàng. Như bốn năm về trước, nàng đã sống cuộc đời của một hồn ma, chỉ có thể đứng ở một quãng xa mà ngắm nhìn đứa con mới nửa tuổi của mình, nghe tiếng con khóc, đau xé ruột gan nhưng không thể chạm vào con, không thể dỗ dành, không thể làm gì cho con được.

Mày có bệnh, chỉ cần mày nói chuyện với nó, nước bọt bắn vào người nó, cũng lây bệnh cho nó.

Những người mắc bệnh nan y như em, ở quê anh, đều phải sống cách ly, không được ăn cùng mâm với người nhà. Đất lề quê thói. Anh không thể làm gì giúp em.

Nếu em đã xem con chính là lẽ sống, thì nên nghĩ cho nó, tránh nó ra để khỏi lây bệnh cho nó, chứ không phải tìm cách gần con. Đó chỉ là sự bao biện của thứ tình thương ích kỷ và độc ác.

Từng lời nói, từng câu chữ ấy cứ xoáy sâu vào tim, khiến nàng đau tức, nhức nhối, dằn vặt đến muốn xé toang lồng ngực. Nàng ôm hận trong lòng. Nàng hận đời, hận người, hận cả bản thân mình.

Những hồn ma, họ còn có thể được siêu thoát, được đầu thai. Còn nàng, nàng không thể, bởi lòng đầy chấp niệm.

Những năm tháng ấy, nàng sớm đã trở thành quỷ hồn mất rồi.

Nhưng giờ phút này đây, nàng đã thật sự có thể buông bỏ. Nàng buông bỏ chấp niệm, nàng tha thứ cho cuộc đời, tha thứ cho người và cho cả bản thân mình. Nàng chỉ muốn được giải thoát. Sẽ không còn những cơn đau đọa đày thân xác. Cũng sẽ không còn những dòng nước mắt hờn tủi đổ dài trong đêm. Nàng sẽ tan vào hư không, như tiếng còi tàu kia, dẫu âm vang, rồi cũng mất hút, lãng quên trong cô tịch.

Tiếng còi tàu càng lúc càng gần, gấp rút, vội vã. Nàng đứng dậy, bước chân dứt khoát theo nhịp tàu xình xịch. Nàng khẽ mỉm cười, nhưng trên khóe mi vẫn còn vương vết tích hai dòng lệ. Nàng đã chọn nơi đây, chọn con tàu này, chọn giờ phút này...

 Nhưng một cánh tay vững chãi kéo bật nàng về phía sau, đứt cả khuy áo. Nàng nhìn gã đàn ông vừa lôi mình. Áo quần nhăn nhúm. Đầu tóc bù xù. Gương mặt gã toát lên vẻ hung tợn. Cái vẻ hung hợn của sự cô độc. Gã nhìn chằm chằm vào khuôn ngực phập phồng của nàng, bước đến chậm rãi. Nàng mở to con ngươi, tay túm chặt cổ áo, nhìn gã sợ hãi. Chỉ mới vài giây trước thôi, nàng còn không sợ chết, ấy vậy mà nàng lại sợ một kẻ lưu manh. Nàng lồm cồm bò dậy, vớ lấy chiếc túi xách, chao đảo, rồi cố chạy thật nhanh. Giây phút ấy, nàng nhận ra mình vẫn khao khát sống. Nàng muốn sống. Nàng chưa bao giờ muốn chết. Nàng muốn sống một cuộc đời thật bình an, vui vẻ. Sống một đời bình thường bên những người nàng thương yêu. Nhưng biết làm sao. Nàng mang căn bệnh lạ lùng, bí ẩn do sự rối loạn của hệ miễn dịch. Nhưng đến cả chồng nàng cũng không tin như thế. Mẹ chồng nàng bảo do nàng không chịu đi chùa, không làm công đức, còn chồng nàng, bảo rằng ông bà nàng ăn ở bạc ác, không để đức cho con cháu, khiến nàng là người gánh quả. Người nàng tin yêu hắt hủi nàng. Người nàng cậy trông xa lánh nàng. Nàng khuỵu gối, mặc cho tóc xõa rũ rượi. Nàng khóc, nàng gào rú, nàng uất ức. Tay nàng đấm thùm thụp lên mớ đất đá khô cằn dưới chân đến bật cả máu. Nàng khóc đến lả người. Khóc đến khi đất trời tròng trành, xám xịt, tối tăm.

Vừa tỉnh lại, nàng thấy mình nằm trong một căn phòng nhỏ. Giấy cũ, chai nhựa, vỏ lon chất kín cả một góc nhà. Mùi chua nồng trên áo sau một ngày lam lũ, mùi ẩm ương của cái nắng đầu tiên sau trận lũ dài ngày, mùi men bia, mùi nước xáo bò... Tất cả tạo nên một thứ mùi hỗn hợp xộc vào mũi khiến nàng hắt hơi liên tù tì đến chảy cả nước mắt nước mũi.

Gã đứng cạnh nàng từ lúc nào, chìa ra mảnh khăn vàng ố nhớp nháp, ú ớ những âm thanh vô nghĩa. Nàng nghiêng đầu nhìn gã. Thì ra gã bị câm. Một gã câm nhếch nhác, sống bằng nghề nhặt ve chai. Lòng nàng bỗng dấy lên một niềm thương cảm lạ lùng. Gã và nàng, chẳng biết ai đáng thương hơn ai. Nàng không còn thấy sợ gã nữa. Nàng cầm lấy chiếc khăn, không ngần ngại khịt một tràng cho nước mũi chảy ra hết, trước con mắt đầy biểu cảm của gã.

Gã mang cho nàng một nồi mì tôm trứng. Nàng chợt nhớ ra từ trưa đến giờ mình chưa có gì vào bụng. Anh ăn cùng tôi nhé! Nàng nhìn gã, hỏi mà như van lơn. Gã đứng hình một phút, rồi đi lấy thêm bát đũa. Nàng bắt đầu kể chuyện, hay đúng hơn là độc thoại, màn độc thoại nội tâm. Đã lâu lắm rồi, không có ai để nàng trò chuyện. Đã lâu lắm rồi, những chuyến đi xa một mình, những bữa cơm một mình nơi phố lạ. Đã quen rồi. Nhưng có thêm một người, thì vẫn vui hơn. Nàng nhìn lại một lượt khắp căn phòng, mắt chợt dừng lại nơi ống tiêu treo đầu giường. Lần đầu tiên nàng nở nụ cười từ khi gặp gã. Ánh mắt nàng chợt sáng lên. Nàng cầm lấy ống tiêu, ngắm nghía một hồi, rồi đưa về phía gã, ngỏ ý muốn được nghe.

Tiếng tiêu cất lên trầm bổng. Nàng đã nghe ra được giai điệu bài hát.

Quê nhà tôi ơi, xứ Đoài xa vắng

Khói chiều mênh mông, sông Đà

buông nắng...

Nàng như mơ hồ thấy được cả cuộc đời gã qua từng câu chữ da diết. Trước mắt nàng, đấy không còn là một gã câm nữa. Khi một người mù đang ngủ, chẳng ai biết được họ bị mù. Cũng như gã, khi gã thả hồn mình hòa cùng tiếng tiêu, nàng cũng quên mất rằng gã bị câm. Mãi cho đến khi tiếng tiêu im bặt, nàng mới bàng hoàng thảng thốt. Nàng muốn gã cứ thổi mãi những khúc hát, để có thể che đậy những bi đát của cuộc đời, giống như nàng vẫn luôn gượng cười, để chẳng ai biết được mình đang đau khổ.

“Hồng trần như mộng, người tỉnh mộng tan. Nhân sinh như kịch, người tản kịch tàn.” Nàng ngậm ngùi từ biệt gã, từ biệt giấc mộng thoáng chốc của nàng để trở về diễn tiếp vở kịch của cuộc đời. Gã nhìn nàng dè dặt. Như đoán được suy nghĩ của gã, nàng hứa sẽ quay trở lại, để gã yên tâm rằng nàng sẽ không nhảy vào một đoàn tàu nào khác nữa.

Nàng trở về với những bộn bề lo toan của cuộc sống, ở cạnh chồng như một cái bóng hờ hững. Điều duy nhất níu kéo hai người với nhau, để những cuộc chuyện trò không trở nên gượng gạo, đó chính là đứa con trai của nàng. Đứa con trai bé bỏng, từng hỏi nàng, sao trên mắt mẹ lại có nước. Bởi nàng chưa bao giờ gào lên như khi nó khóc, nên nó chẳng bao giờ biết được ý nghĩa thật sự của những giọt nước kia.

Những cơn sốt thường trực và dày đặc buộc nàng phải đến bệnh viện sớm hơn dự định. Cũng không hiểu vì lẽ gì, nàng lại tìm đến căn nhà rách nát của gã. Vì một lời hứa ư? Giữa cuộc đời trăm ngàn dối trá, còn mấy ai tin vào một lời hứa của kẻ qua đường không tên. Ấy vậy mà gã vẫn tin và chờ nàng quay trở lại. Gã vui mừng như một đứa trẻ. Trên bàn ăn, vẫn là mì tôm trứng. Nhưng tiếng tiêu của gã đã vang lên những giai điệu ấm áp, vui tươi.

Nàng đã không còn cảm giác cô độc trên những chuyến tàu mỗi lần đi khám bệnh. Bởi nàng biết, ở nơi đó, gã vẫn đợi nàng. Nàng thấy tâm hồn mình được nhen nhóm ngọn lửa sống mới. Từng ngày, từng ngày, nó cứ thế bùng lên, sáng lên. Nàng lại thấy mình là cô thôn nữ của mười năm trước, lòng thẹn thùng khi gió xuân sang.

Tiếng chuông điện thoại vang lên, cắt ngang tiếng tiêu réo rắt của gã.

Khám xong chưa?

Xong rồi.

Về chưa?

Em gặp bạn, café một lát rồi em về.

Đi café hay đi nhà nghỉ? Ở đấy mày làm gì có bạn. Cho mày đi khám hay đi làm đĩ hả? Đi về ngay.

Gã nhìn nàng đăm đăm. Nàng cũng nhìn gã, vừa bất ngờ vừa xấu hổ. Ngay khi tiếng chuông điện thoại vang lên và tiếng tiêu dừng lại, nàng nên đoán ra gã có thể nghe được. Đã có lúc nàng ước được như gã, không thể nghe, càng không thể nói, để xem, cuộc đời có bình lặng hơn không. Nhưng giờ nàng đã biết, bởi đôi tai nghe được tiếng đời, nên dù có nói được hay không thì cũng chẳng có gì khác hơn. Gã ra hiệu bảo nàng về đi. Nàng lầm lũi ra đến cửa, ngoái đầu nhìn lại. Gã đưa tay vẽ lên môi nàng một nụ cười. Ừ, phải luôn cười. Nếu cuộc đời là mắm tôm thì mình sẽ là bún đậu. Dù cuộc đời có bầm dập đến đâu thì cũng phải hiên ngang mà sống. Chẳng phải nàng vừa nói với gã như vậy đó sao?

Nàng mở cửa, bắt gặp ánh mắt đỏ ngầu hung hãn của chồng. Trên bàn, những vỏ bia lăn lông lốc. Trước kia, chồng không phải là kẻ thích chè chén. Nhưng từ lúc nàng bệnh, cuộc sống vợ chồng bắt đầu có những rạn nứt, chồng tìm đến rượu như một cách quên đời. Có rượu, chồng mới có thể nhìn vào đôi mắt lúc nào cũng ngân ngấn nước của nàng, để nói những lời làm đau con tim mà không cảm thấy dằn vặt. Bởi đến hôm sau, khi tỉnh rượu, chồng không bao giờ nhớ lại được mình đã từng nói những gì. Nàng thản nhiên bước qua. Bất ngờ, chồng kéo nàng lại, ghì chặt nàng trên ghế sô pha, hôn tới tấp lên người nàng. Đôi tay chồng bấu chặt khiến nàng đau. Nàng cố đẩy chồng ra, chồng lại càng ghì chặt nàng hơn. Nàng biết, chồng đang giận dữ vì ghen tuông. Những lúc như thế, nàng chỉ biết nằm im, bất động. Khi chồng hưng phấn, thỏa mãn với sự chiếm đoạt, thì nàng chỉ thấy tủi nhục, ê chề. Nhưng lần này, nàng đã biết đáp trả. Nàng nhắm mắt, môi lần tìm môi. Nàng nhẹ nhàng vuốt ve chồng, xoa dịu cơn giận, cùng chồng thâm nhập vào nơi thâm sâu cùng cốc, cùng giao hòa trong tiếng nhạc tiêu dao. Mạch sống căng đầy trong đất, làm nảy nở chồi non. Dòng suối sau mưa, nước tràn trề như thác lũ. Nàng đón nhận niềm khoái cảm ngỡ lãng quên từ lâu. Dòng nước mắt hạnh phúc khẽ chảy dài trên má. Thì ra, nàng chưa phải đã lãnh cảm với tất cả. Nàng vẫn còn cảm xúc. Nàng cảm xúc với gã. Nàng cảm xúc khi nghĩ đến gã. Nàng nằm nghe tiếng thở đều đều của chồng. Gương mặt chồng giãn ra, nét cười khẽ hiện trên làn môi đầy thỏa mãn.

Đêm ấy, gã nằm mơ. Giấc mơ mà gã vẫn hằng khao khát. Bàn tay thô ráp của gã xiết chặt lấy thân hình nàng, mềm mại, êm êm, nóng bỏng. Tỉnh dậy, gã thấy đáy quần nhớp nháp. Cảm giác cô độc bao trùm lấy gã. Gã nhớ nàng đến đau xé tâm can. Chưa bao giờ gã thèm khát có một gia đình như lúc này. Gã đã từng có một gia đình êm ấm. Nhưng sau một cơn tai biến, gã mất đi tám mươi phần trăm sức khỏe và mất luôn cả giọng nói. Bao nhiêu tiền đổ hết vào việc chữa trị, phục hồi chức năng nhưng đều không đem lại kết quả. Kinh tế gia đình dần dần khánh kiệt. Vợ gã bất mãn ôm con bỏ đi. Từ đấy, gã sớm hôm vò võ một mình. Ốc không mang nổi mình ốc, gã nào dám đèo bồng thêm ai.

Cứ hai tháng một lần, nàng ra lại bệnh viện tái khám. Mỗi lần như thế, nàng đều ghé qua căn nhà gỗ của gã, nhưng lần nào cũng cổng khóa then cài. Gã biến mất khỏi cuộc đời nàng không dấu vết. Có cái gì đó dấy lên trong lòng khiến nàng thấy hụt hẫng, chới với. Nếu chẳng phải để trở về căn nhà này, nếu chẳng phải giữ niềm tin mong manh rằng gã vẫn ở đây chờ nàng, nàng biết lấy gì làm động lực để thôi thúc mình dấn bước trên con đường vạn dặm? Nàng sẽ không còn muốn tiếp tục chữa trị nữa. Nàng đã quá mệt mỏi và đớn đau. Nhưng nàng không thể quyên sinh lần nữa. Nàng đã hứa với gã, dù thế nào, vẫn phải ngẩng cao đầu mà sống.

Từ sau một gốc cây, gã đã thấy tất cả. Gã thầm ước giá có thể chạy lại để ôm lấy nàng cho thỏa những tháng ngày đợi mong, nhung nhớ. Nhưng cuộc đời nàng đã khổ quá rồi. Gã đã không thể mang lại hạnh phúc cho nàng, thì cũng không nên khiến nàng phải đau buồn thêm nữa. Rời xa nàng, để nàng trở về cuộc sống thường ngày của mình, là điều duy nhất gã có thể làm được.

Đêm đêm, tiếng tiêu của gã lại vang lên não nùng, ai oán.

À ơi hoa bay lên trời, cây chi ở lại

À ơi hoa cải về trời, rau răm ở lại,

chịu lời đắng cay...

Vậy là đã hơn một năm kể từ ngày nàng từ biệt gã. Bao lần nàng đến, rồi lại đi. Như một thói quen, hay một cứu cánh? Nàng tìm gã vì lẽ gì, chính nàng cũng không biết. Nàng chỉ biết, chừng nào nàng còn sống, còn chữa trị, nàng vẫn sẽ đến nơi này.

Cánh cửa khép hờ. Tiếng tiêu trầm bổng vang lên da diết.

À ơi, em đi lấy chồng, thương anh

một mình

À ơi, táo rụng sân đình, anh vẫn

một mình, một mình nhớ em.

Nàng bước những bước vội vàng, tay đẩy mạnh bật tung cánh cửa. Tiếng tiêu im bặt. Căn phòng trống hoác. Mọi thứ vẫn nguyên vẹn như ngày đầu nàng đến, khiến nàng có cảm giác thời gian chẳng hề trôi đi. Trên bàn, một nồi mì tôm trứng bốc khói nghi ngút. Nàng lặng lẽ bước đến, thản nhiên ngồi vào bàn, cầm đũa. Ăn xong, nàng lại khép cửa, rời đi. Lòng nàng lâng lâng một niềm hạnh phúc khó tả. Bước chân nàng dường như khỏe khoắn hơn. Nàng như cảm thấy mình mạnh mẽ hơn. Tháng ngày về sau, nàng cũng chỉ mong được như thế. Gã không gặp nàng, cũng không sao, nhưng gã vẫn mong đợi nàng, và nàng biết, hẳn là sau cánh cửa, gã cũng đang giấu một nụ cười, như chính nàng lúc này, để rồi lại cảm thấy cuộc đời được ủi an.

D.P
(Non Nước 268)