Chung quy cũng là do căn bệnh lạ đời của nó: hễ thấy mặt nạ là sợ. Từ sợ mặt nạ, nó sợ luôn cả mọi hình thù giông giống mặt nạ. Như con bù nhìn giữ lúa, bộ sọ chó giống con quỷ dữ trong sách. Lão Hậu vì thương con, không muốn bệnh của nó chuyển thành tự kỷ ám thị nên từ thuốc đông tây, thầy bói cúng, lão đều đôn đáo chạy lo tất tần tật. “Đau chân phải há miệng chớ biết răng chừ”, lão thường phân bua như vậy mỗi khi có ai đó chê lão là mê tín dị đoan. Vậy mà căn bệnh kỳ quái của con út lão vẫn không hết, lại có vẻ như ngày càng trầm trọng thêm.
Một lần, đang vui chơi cùng bạn bè trong dịp tết thiếu nhi thì bỗng ông địa dẫn đầu đám múa lân “cắt bùm” tiến vô sân trường. Cái mặt giả của ông địa tròn vin, cười toe, rất dễ gần gũi. Đám trẻ ùa chạy đến la ó bu quanh, rồi vui mừng vỗ tay hò reo, nhảy cỡn. Vậy mà thằng Hiền, đứa con út của lão Hậu, thì chẳng ai trông thấy. Nó đang lặng lẽ ở một góc khuất sân trường, rồi mặt tái mét bỏ cả sách vở co cẳng chạy thẳng một mạch về nhà. Xông vào phòng riêng, nó đóng sầm cửa lại, nằm khóc hu hu một mình. Hồi đó nó đã là học sinh cuối cấp 2, gần khẳng định cái quyền công dân bề thế với mọi người. Sau lần ấy, người ta thấy nó đi đâu cũng dáo dác, sợ hãi nhìn trước trông sau, như người bị ma ám.
Mọi sự sẽ chẳng trở nên tệ hại hơn nếu anh Hai thằng Hiền không có sở thích lạ đời: mê chơi mặt nạ. Ra đời sớm, buôn bán có tiền, anh Hai nó tha hồ mua về đủ kiểu cỡ mặt nạ khác nhau. Cái há hốc miệng, cái nhăn răng cười, cái đầu quỷ, cái mặt người, cái giống Tây, cái gốc Tàu, cái có râu, cái trọc đầu, cái trợn mắt, cái hiền khô... Không giống nhau nhưng bộ mặt nào cũng màu mè tuyệt đẹp. Lão Hậu chửi khéo thằng con đầu: “Mày muốn em mày chết sớm hay sao mà mang về nhiều thứ mặt nạ đến thế”. “Chơi mặt nạ cũng là thú vui. Thì nó cứ sống phần nó, đừng đụng đến mặt nạ của con là được, mắc mớ chi”. Là nói vậy chứ đời nhà ai mặt nạ bỏ tràn tràn ra đó mà không nhìn không thấy, không đụng đến. Cuối cùng, lão Hậu cũng vì con mà thắt lưng buộc bụng, mượn mọ thêm tiền để làm nhà cho thằng con trai đầu ăn ở riêng. Để anh em chúng nó ở chung với nhau trước sau chi rồi cũng sinh chuyện vì mấy cái mặt nạ. Khổ nỗi, sạch cả gia tài cha mẹ để lại và vợ chồng lão Hậu dành dụm được mà chuyện “trời sinh tính” vẫn không giải quyết ổn thỏa được. Nhiều lúc lão phải ngửa mặt than: “Đứa sợ mặt nạ, đứa lại mê chơi mặt nạ là sao đây hở trời?”.
Dường như xã hội ngày càng phát triển thì càng nhiều người mê chơi mặt nạ kiểu như thằng con đầu của lão Hậu. Đã xuất hiện đây đó những cửa hàng chuyên bán mặt nạ, nhiều người bắt đầu sưu tầm mặt nạ về treo đầy trong phòng như một thứ trang sức cho cuộc chơi. Con đầu lòng của lão Hậu, vì vậy, cũng lấy sự săm se đủ các kiểu mặt nạ làm niềm vui riêng. Có ai đụng đến sở thích đó thì nó liền trân cổ cãi lại như cố bảo vệ cho kỳ được một thứ triết lý sống của thời đại. Đi làm có thể tạm quên đi, nhưng về đến nhà chưa kịp thay quần áo là nó ngồi phịch trên sa-lông hay nằm chình ình trên giường nhìn ngắm từng khuôn mặt méo mó buồn cười. Nhiều lúc như nó đang đối thoại với từng khuôn mặt bằng nhựa, bằng các-tông được sơn phết đủ màu. Có lúc, thấy nó tỏ vẻ đăm chiêu thật sự, nhiều lúc lại thấy nó cười vang một mình, sảng khoái như người trúng số. Nhưng cũng chính điều ấy đã khiến anh em nó ngày càng xa cách nhau hơn. Tuy hai nhà cùng ở chung trong một khu vườn thời ông nội để lại, nhưng ít khi thấy em sang nhà anh chơi, trừ những dịp giỗ chạp, tiệc tùng mang tính xã giao gia tộc.
Hôm ấy là ngày giỗ thứ 45 của cha lão Hậu. Cháu nội đích tôn thừa hưởng chính ruộng vườn hương hỏa được giao việc tính toán mua sắm lễ vật và quyết định danh sách khách mời. Đã quá tuổi tri thiên mệnh, lão Hậu lui về sân sau làm Thái thượng hoàng để quan sát và điều chỉnh. Khách mời, ngoài con cháu nội ngoại đông đủ, còn có cả bạn bè của gia đình đến gần chục bàn ăn. Riêng thằng Hiền thì mãi đến gần giờ đãi khách nó mới lò dò sang nhà anh Hai. Mà cũng một tay lão Hậu dắt nó như đứa con nít chứ nó không chịu đi một mình. Chân bước chậm rãi, mắt nó cứ nhìn dáo dác căn phòng riêng anh Hai dành để trang trí các loại mặt nạ sưu tầm được. Ai không hiểu sẽ dễ nghĩ rằng thằng này bị bệnh dị ứng người.
Tiệc đang ở vào đỉnh vui thì nghe có tiếng la thất thanh từ phía nhà ngang: “Thằng Hiền, trời đất... ơi..., thằng Hiền... bớ làng...”. Khi mọi người đổ xô đến thì thằng Hiền đang nằm ngửa trên nền nhà lát gạch men bóng loáng, mắt trắng dã nhìn trời, tay run run, mặt tái mét. Miệng nó phì phò nhểu ra một thứ nước màu vàng trắng. Bên cạnh đó là chiếc mặt nạ không rõ mặt người hay mặt thú đang nhăn răng cười. “Ác chi mà ác, nó đã sợ rồi ai còn mang mặt nạ ra chi đây”, vợ lão Hậu mếu máo trách.
Tiệc vui bỗng mất đi một phần vui. Riêng vợ chồng lão Hậu thì dường như không còn đầu óc, bụng dạ nào để mà vui. Khi thằng Hiền được đưa ra trạm xá xã cấp cứu thì mọi chuyện mới vỡ lẽ. Thì ra bạn của anh Hai nó vì nghe đồn nó bị dị ứng mặt nạ nên mới mang ra dọa thử. Ai ngờ, mọi chuyện lại lao quá đà như vậy.
Sau cái lần thập tử nhất sinh ấy, rất ít khi người ta thấy thằng Hiền đi ra khỏi nhà, trừ những lúc đến trường. Suốt ngày nó cứ bo bó nằm xem ti vi và đọc sách. Tối đến nó lại đóng chặt cửa phòng thức luyện võ thuật hay học bài gì đó đến quá nửa đêm mới ngủ. Vợ chồng lão Hậu lo lắng lắm nhưng không biết xoay trở cách nào khác hơn. Bỗng một hôm, nhân lúc anh Hai và cha nó đi vắng, nó mang cả một đám dao nhọn mũi không biết cất giữ từ lúc nào chạy thẳng sang nhà anh Hai, rồi loạn xạ phóng, đâm, phóng, đâm... vào những chiếc mặt nạ treo đầy trên tường. Có mũi dao cắm đúng vào mắt, vào miệng những mặt người quái gỡ, có mũi dao đập vào tường, dội lại rớt bạch lên nền nhà. Nó lại lượm, lại cắm, lại đâm... Nhưng không có một vệt máu nào chảy ra cho đến khi nó mệt nhừ, lững thững bỏ về.
Năm xảy ra sự cố ấy, thằng Hiền vừa học xong cấp 3. Sau trận chiến với đám mặt nạ, dù bị anh Hai tát cho mấy bạt tai, người ta thấy nó năng đi ra đây đó nhiều hơn, không còn ru rú trong nhà như trước kia. Quan sát nó lưng thẳng, nhìn thẳng, chững chạc bước những bước chân mạnh mẽ như chẳng còn sợ hãi bất cứ thứ gì trên đời, mẹ nó rơm rớm nước mắt chạy từ ngoài đống rơm vào nhà: “Ông ơi, thằng Hiền nhà mình hết bệnh rồi ông ơi...”. Hết bệnh? Nên buồn hay vui khi ông vừa phát hiện gần đây đêm nào nó cũng thức khuya, không phải để học bài mà để luyện phóng dao?
T.Đ
|