Văn hóa dân gian làng Gừng
Đoàn công tác xuống xe bước lần theo bậc cấp thẳng đến nhà Gươl của làng Gừng (vốn xưa là xứ chồn đen), là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hoá - xã hội của làng. Phía sau núi rừng trùng điệp, hoang dã. Có nơi tựa như rừng già tồn tại, rất nhiều cây cao to, dây leo chằng chịt. Còn lại là rừng nhân tạo, toàn cây keo làm nguồn nguyên liệu sản xuất giấy. Già làng Clau Nhim và bà con làng Gừng chào đón hân hoan. Cuộc giao lưu nhẹ nhàng vui vẻ, trao tay bà con món quà lưu niệm rồi dùng bữa trưa thân mật, trao đổi chuyện trò. Chia tay trong ý tưởng và hẹn 15 giờ chiều ngày 2 tháng10 gặp nhau trong nhà Văn hoá của già làng Clau Nhím. Trong ánh nắng muộn chiều lắng đọng tâm hồn nơi miền cao của người dân tộc anh em, chúng tôi giao lưu văn nghệ bằng giọng ca của các nghệ nhân với cây đàn hai dây, xúc động tràn đầy.
Qua lời chào thăm hỏi thân mật của bà Đinh Thị Hựu - trưởng đoàn - gởi đến bà con bảng làng Gừng; ý kiến cô Hương - Phó phòng Văn hoá huyện Đông Giang và lời cảm ơn của Già làng, mọi người bắt đầu tìm hiểu đời sống, bản sắc văn hoá dân gian của người Cơ tu trước và sau năm 1975.
Người đồng bào Cơ tu có 29 dòng họ sống phân bổ rộng khắp từ Thừa Thiên - Huế đến Nam Giang, Tây Giang tỉnh Quảng Nam, giáp biên giới Việt - Lào. Riêng thị trấn huyện Đông Giang, bà con dân tộc Cơ tu sống quây quần từng cụm sát núi, rất ít nhà mặt đường như người Kinh. Nhiều nhà trong làng cũng mua bán, kinh doanh nhỏ. Hàng hoá làm ra từ sông suối, núi rừng, chăn nuôi... Sáng sớm họ đem ra chợ Đông Giang bán, nào là cá, lươn, gà vịt, rau dớn, củ mì, măng tre nứa... giá rất rẻ. Người mua chủ yếu cư dân trong thị trấn, khách qua đường và du lịch.
Làng Gừng Đông Giang có vị trí địa lý:
Phía Đông giáp núi
Phía Tây giáp đường Hồ Chí Minh
Phía Nam giáp thị trấn Prao, thôn A jun
Phía Bắc giáp suối Gừng
Cơ cấu tổ chức xã hội của người Cơ tu bao gồm:
Hội đồng già làng: Đó là những người cao tuổi trong làng, hình thành không qua bình bầu. Hội đồng này bầu ra Già Làng và tham mưu, bàn bạc tất cả sự việc trong làng giúp Già Làng. Già làng quyết định mọi mọi hoạt động của làng như: Đời sống, lễ hội, an ninh trật tự, dời làng, khen thưởng...
Trong làng có nhiều dòng họ cử ra một đại diện gọi là: Trưởng dòng họ, nhằm lãnh đạo chăm lo mọi việc của dòng họ mình.
Thầy cúng: Có khi Già Làng kiêm nhiệm hoặc cử một người chăm lo việc cúng bái trong làng
Người hát lý: Xem như là quan tòa lo những vấn đề thuộc về pháp luật
Đội chiến binh: Lo việc thuộc về quân sự.
Làng Gừng có nhiều dòng họ: A Ting, A Lăng, Zơ Râm, A Râl... chung sống quây quần vòng vo chân núi gần thị trấn Prao. Có đường bê tông rộng 3-4 mét, nhà cửa phần nhiều cấp 4, đủ kiểu hai bên: Gỗ có, xây có. Người Cơ tu nói được tiếng Lào và ngược lại người dân tộc Lào cũng nói được tiếng Việt, họ có quan hệ giao hữu, trai gái yêu nhau và hôn nhân. Tuổi thọ trung bình của người Cơ tu từ 75-76, đặc biệt có người sống trên 90, 100 tuổi. Tỷ lệ chết của trẻ con cao hơn người Kinh.
Đồng bào Cơ tu huyện Đông Giang hỗ trợ Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa Cơ tu. (Ảnh fb Hân Phúc Khang)
Trước năm 1975, bà con sống rải rác trên núi cao rừng rậm. Nhà làm bằng trụ gỗ, mặt sàn cách đất từ 1,2 đến 1,5 m, nóc nhọn, mái rất xuôi lợp nứa hoặc lá cây, lên sàn bằng cầu thang gỗ là nơi ăn ở, sinh hoạt. Vách che liếp nứa hoặc gỗ ván. Trên bếp treo nhiều móc sắt để xông thực phẩm, dưới sàn chăn nuôi heo, gà vịt. Người dân nơi đây sống bằng nghề làm rẫy, săn bắt thú rừng, chim chóc, chuột rắn, ếch nhái, đánh bắt cá trên sông suối, nuôi rất nhiều heo cỏ, gà vịt - cuộc sống tự cung tự cấp, không có chợ búa. Đi rừng mang giỏ, đi rẫy mang gùi. Lúa chín thì tuột, bắp chín thì bẻ phơi khô đem về. Ăn ngủ trên sàn gỗ hoặc móc võng, không sắm giường chõng, bàn ghế. Trai gái đều tắm sông suối, không đào giếng như người kinh. Vì thế, bản làng định cư thường chọn nơi gần sông suối. Con cái sinh ra không có trường học, lớn lên theo nề nếp ông bà, cha mẹ. Đời sống bà con dân tộc Cơ tu phụ thuộc rất nhiều và thiên nhiên, trời đất nên hay mê tín, dị đoan. Đó cũng là điều dễ hiểu.
Lịch người Cơ tu tính theo mặt trăng, ai có kinh nghiệm chỉ cần nhìn trăng là biết ngày sản xuất, chăn nuôi, săn bắt, cưới gả. Ví dụ: Từ ngày 1 đến 15 âm lịch là Lood/ trăng lên, không nên trồng cây lấy thân, lấy quả, không chặt cây làm nhà cửa dễ bị mối mọt, thú rừng phá hoại; Từ ngày 16 đến 30 âm lịch là Pắt/ trăng khuyết, chặt cây làm nhà, trồng trọt đều tốt, nhất là từ ngày 16 đến 24 củ quả to, ít sâu bọ.
Khi khan hiếm thức ăn bà con Cơ tu thường thịt heo chia phát cho nhau cùng dùng, không mua bán. Người Cơ tu ngày trước nấu ăn không ướp gia vị. Vợ chồng mong muốn sinh nhiều con cái. Trẻ thơ bị thất học vì không có trường. Đồ dùng cá nhân, nhất là quần áo đặc biệt thiếu thốn.
Sau năm 1975, theo chủ trương chung của nhà nước họ không còn sống trên núi cao rừng rậm, dần dần chung sống tập trung, xa rời nương rẫy, đời sống đổi thay. Vốn người Cơ tu sống rất đoàn kết, yêu thương đùm bọc, giúp đỡ nhau về mọi mặt, không có cái ý tư riêng, chia rẽ. Ngày xưa khi được mùa rẫy bà con làm lễ cúng lúa mới, làm heo mời hết bản làng về dự tiệc tùng, ca hát, nhảy múa mừng rẫy được mùa rất vui. Cơm nấu nồi to, gói bằng lá chuối, chia đều cho hết mọi người. Ngoài ra còn cúng làng, hội lễ rất lớn. Bây giờ mỗi năm làng cúng một lần vào đầu năm. Tiệc lễ là dê hoặc trâu bò tế trời đất, bà con trong làng tổ chức ăn uống vui chơi văn nghệ. Người Cơ tu ít biết cái chữ nên chương trình văn nghệ làm theo phong tục, truyền thống tổ tiên để lại bằng những điệu múa dân gian mừng cái rẫy được mùa, săn bắt đắt lợi, hạnh phúc gia đình, làng bản. Âm nhạc bằng những dụng cụ tự chế đơn sơ, như: Cây đờn 2 dây, kèn bè trúc... hát giao duyên, hát ru, cha chấp, ba bốc âm điệu dân gian. Cái quý là bà con rất ít ốm đau, nhờ biết cách kiêng cử và tự chế thuốc gia truyền chữa trị, ví như khi đau uống thuốc thì không được ăn thịt nấu với lá lót vậy. Theo người Cơ tu “bịnh nó sinh ra từ cái ăn, cái uống của mình đó! Bây giờ chúng tôi không giàu như người Kinh nhưng cũng đầy đủ nhờ biết cái lao động, cái bán cái mua, nhất là các thanh niên phụ nữ xuống các thành phố làm việc ra tiền. Bọn trẻ bây giờ đều biết cái chữ, vào tới đại học mừng lắm quý anh”.
Tác giả bài viết (bên phải) chụp ảnh kỷ niệm cùng ALăng Đợi (Ảnh fb Hân Phúc Khang)
Hỏi về phong tục hôn nhân, nghệ nhân A Lăng Đợi cho biết: “cái đó bây giờ khác xưa rồi. Thời tôi cách đây hơn mấy chục năm trai gái thương nhau phải được cha mẹ đồng ý, đồng họ không được lấy nhau, cô cậu khác họ thì được, có thể người trong làng, ngoài làng, người Kinh, người Co, Ê Đê, Xê Đăng... đều được. Khi thương nhau rồi, con trai trụ cái chân trái, con gái trụ cái chân phải, các chân còn lại co lên cụng cái rốn tâm sự thề nguyền, không được đụng vào cái dưới, chỉ cái trên thôi. Khi được cha mẹ hai bên đồng ý cho họ cưới nhau, con gái về nhà chồng ăn ở bình thường, nhưng không được ngủ chung, phải sau 3 năm cha mẹ nhà chồng chọn được ngày lành tháng tốt sẽ làm lễ PA Zum cho phép vợ chồng ngủ chung, sinh con đẻ cái”.
Trường hợp buôn làng khi có người chết, tất cả các gia đình đều đến chia buồn, giúp đỡ. Họ mang theo rượu cần, gà vịt, cá, thịt... ủng hộ mời khách đến thăm dùng bữa. Thường người chết để nằm 1,2 đêm mới khâm liệm để thêm 1,2 đêm nữa mới đưa đi chôn cất riêng theo ý người thân. Sau 3 năm trở lên mới làm lễ Pin (dời mộ) đưa về khu mộ chung gia đình, dòng tộc, bảng làng. Lễ pin (dời mộ) rất long trọng. Gia đình che rạp, đặt bàn rước người âm có di ảnh, lư hương, dĩa trái cây bánh kẹo, bình hoa. Hai bên có người đại diện gia tộc, con cháu và người hát lý ca tụng công lao của người quá cố phò hộ gia đình, tộc họ, con cháu. Hai màn trình diễn, một là ôm chiêng trống nhảy múa vòng quanh trước bàn lễ chào đón người âm. Hai là che tút (bức gấm), hai người bê khay cơm, nhảy tới, nhảy lui, con cháu rải gạo muối ban phát cô hồn ăn no nhằm ngăn không cho họ theo người âm về quậy phá. Lễ cứ diễn tiếp cho đến gà gáy hồi 3 thì đâm bò đưa tiễn người âm về nơi mộ mới. Những nhà có của, lễ Pin này làm rất lớn. Mộ Pin làm bằng gỗ Xơ-riêng, dỗi, kiềng kiềng. Nhà có điều kiện thì làm mái lợp cũng bằng gỗ, nhà nghèo thì thôi cũng được, không xây mộ đá như người Kinh.
Bây giờ bà con dân tộc Cơ tu trên đất Quảng Nam tuy chưa phát triển đồng đều, nhưng đa số yên ổn cửa nhà, đời sống ổn định, từng bước xây dựng cuộc sống văn minh, hoà nhập cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Đông Giang, ngày 4/10/2020
X.C