Nguyễn Dậu- 'Mở hầm' ra 'sông Luộc'

23.07.2019

Nguyễn Dậu- 'Mở hầm' ra 'sông Luộc'

Xin tiết lộ một điều trước nhất với bạn đọc là, dẫu tên Dậu nhưng ông không phải là người tuổi Dậu (Quí Dậu 1933). Ông sinh năm 1930, năm Canh Ngọ, đồng niên với các nhà văn Nguyễn Khải, Hồ Phương, Xuân Thiều, Nguyễn Minh Châu… ở “Nhà số 4” và nhiều nhà văn “tuổi ngựa” tài hoa khác.

Ông có khuôn mặt đầy dặn và luôn mang một nụ cười “có duyên” đến với bè bạn. Thoáng nhìn hoặc mới gặp lần đầu, ai cũng tin rằng con người ấy, vóc dáng ấy hẳn phải là người rất viên mãn, hẳn là người có số “đào hoa” và “đường công danh” sẽ vô cùng đẹp đẽ. Ấy vậy mà trái ngược lại hoàn toàn! Thế mới biết cuộc sống không hề giản đơn và số kiếp con người chẳng ai lường hết được.

Nguyễn Dậu quê gốc ở Hoài Đức (Hà Tây cũ) nhưng dường như ông sống và gắn bó với quê nhà rất ít. Đời ông là những cuộc phiêu bạt bốn phương trời. Thời thơ trẻ ông gắn bó với Hải Phòng, cụ thể là với nhà máy Xi măng, lớn lên ông vào bộ đội, đi khắp các mặt trận, các chiến trường như một người lính chiến thực sự. Rồi ông được du học ở Trung Quốc. Trở về Thủ đô, lại đi tiếp về phía Nam, mãi sang đất bạn Cămpuchia tìm kế sinh nhai, và đến những ngày cuối đời ông mới trở về Hà Nội.

Nhưng hãy thôi nói về cái cung “thiên di” của ông để kể tới một điều mong muốn chung mà có lẽ cả bạn đọc, cả Nguyễn Dậu nếu còn sống cũng đều không phản đối. Ấy là những ngày ông được “an cư lạc nghiệp”. “An cư” cho một người già và “lạc nghiệp” cho một cây bút vốn đã có quá nhiều những trắc trở trong nghề, trong đời.

Người đọc được biết Nguyễn Dậu lần đầu tiên qua tiểu thuyết Nữ du kích Cam Lộ (Nhà xuất bản Thời mới, 1955) và biết đến ông nhiều hơn khi tiểu thuyết Mở hầm được xuất bản (1959). Ông bảo ông không ngờ cái cuốn sách ông viết năm đầu tiên của tuổi 30, trong có 27 đêm ấy lại run rủi ông vào những khúc ngoặt. Sau “sự kiện” Mở hầm dường như tên tuổi ông vắng bặt trên văn đàn. Có người nói ông phải đi “cải tạo”, có người quả quyết nói ông đã chuyển sang nghề cúp tóc ở đền Ngọc Sơn, và người khác lại loan tin ông đã thay hình đổi dạng thành một thầy lang đi bắt mạch, kê đơn bốc thuốc ở quê nhà. Sự thật thì không hoàn toàn như vậy. Sau khi cuốn tiểu thuyết Mở hầm bị phê phán, ông không viết nữa, cũng có làm thợ cạo, làm ông lang, nhưng vẫn là cán bộ của Sở Văn hoá Hà Nội cho đến khi nghỉ việc... Đời văn của Nguyễn Dậu tưởng đã phải hạ một dấu chấm kết thúc sau cuốn Mở hầm, không ngờ 28 năm sau trên tờ Người Hà Nội cái tên xưa cũ của ông lại xuất hiện dưới một truyện ngắn khá đặc sắc có tựa đề Ngựa phi trong bão tuyết. Và kế đó là cả loạt 20 truyện ngắn khác của ông xuất hiện một cách ào ạt trên các tờ Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Tiền phong, Lao động, Tác phẩm mới... trong đó có những truyện ngắn xuất sắc như: Con thú bị ruồng bỏ (Văn nghệ Quân đội), Rùa Hồ Gươm, Mật rắn (Người Hà Nội), Chó sói gửi chân (Tiền phong), Trong vòng dưỡng sinh (Văn nghệ)... Rất mừng là 20 truyện ngắn này của ông đã được các nhà xuất bản Hội Nhà văn và Văn hoá ấn hành thành sách.

Bút lực của nhà văn có tuổi này dường như còn rất dồi dào. dồi dào không phải chỉ ở chỗ viết khoẻ, in đều mà chính là ở văn phong, ở lối nhìn, cách nghĩ, ở cả phía khai thác đề tài, đối tượng miêu tả. Ông kể chuyện những chú chó săn của một ông tướng; ông viết về những con rùa Hồ Gươm, mô tả giống ngựa nòi, nói về mật rắn, về loài chó sói... nhưng không phải là ông chỉ kể chuyện các con vật. Ông nói về con người với tất cả sự từng trải, chiêm nghiệm của ông. Đọc truyện ngắn Nguyễn Dậu chúng ta chẳng gặp những điều triết lý to tát mà dường như chúng ta nhận được những bài học về cuộc sống lăn lóc đầy khổ đau của con người trong thế giới người... Và đọc ông, mỗi người thấy yêu thêm đồng loại, thấy tin ở sức mạnh tiềm ẩn cũng như sự trong sáng vốn có của chính mình để vượt qua thử thách, để hướng tới ánh sáng ngay cả khi đang ở trong những góc tối tăm nhất.

Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Dậu hay cho nhân vật Nguyễn Tầm Tư của mình xuất hiện trong những tác phẩm của ông. Là người giỏi chữ Hán (đã từng dịch tác phẩm của Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng sang tiếng Trung Quốc, đã làm thơ chữ Hán), Nguyễn Dậu giải thích: Tầm Tư nói lái tiếng Việt là Từ Tâm (lòng thành), nhưng Tầm Tư còn là tìm tòi, suy nghĩ, còn là cả cái sự “rút ruột nhả tơ” của con tằm (tiếng Hán, tư cũng là tơ, tằm tơ). Cách giải thích về nhân vật tâm đắc của mình kiểu ấy âu cũng là mong mỏi, cũng là ước muốn của ông với những điều đã được viết ra.

Trong số những cây bút “tái hồi” văn đàn những năm cuối 1980 ấy, nhờ không khí đổi mới do Đảng khởi xướng, Nguyễn Dậu là một hiện tượng đáng được chú ý. Sự trở lại với công việc cầm bút của ông thật thầm lặng và thoải mái. Người ta không thấy ông đăng đàn, cũng chẳng thấy ông nói, ông viết gì nhiều về cái thời “oan uổng mà... vinh quang” (như một số người nói) xưa kia. Nguyễn Dậu là con người luôn luôn có ý muốn hướng tới. Có lần ông tâm sự, giả sử thời trai trẻ của tôi có “vinh quang” thật thì đó cũng là vinh quang của thời bồng bột, và tôi không thể ngủ mê và chết trên cái “vinh quang” đó. Tôi phải làm việc. Được hỏi về niềm vui thường nhật của cá nhân, ông trả lời ngắn gọn: được viết và được chữa bệnh. Viết cho mọi người và chữa bệnh cho mọi người. Ông thực sự đã không giấu giếm điều này khi tại cánh cửa căn phòng 8 mét vuông ông từng ở trên đê sông Tô Lịch, ông có ghi một dòng chữ khiêm tốn: Nhà văn Nguyễn Dậu - thầy thuốc Trương Mẫn Song (Trương Mẫn Song là tên thật của ông). Và trong căn phòng ấy, những lúc ông ngơi tay viết là những lúc ông ngồi khám và chữa cho bệnh nhân.

 

Nguyễn Dậu (1930-2002) từng học trường Thiếu sinh quân rồi phục vụ trong quân đội ở binh chủng pháo binh, ngành quân y. Năm 1950 được quân đội cử sang Trung Quốc học sĩ quan, về nước công tác tại phòng Văn nghệ Quân đội thuộc Tổng cục Chính trị, rồi chuyển ngành lần lượt công tác ở Xưởng phim truyện Việt Nam, Nhà xuất bản Phổ thông, báo Văn nghệ, Sở Văn hóa Hà Nội... Nguyễn Dậu là tác giả nhiều tác phẩm, trong đó có: Ánh đèn trong lò (1955), Những phút ngập ngừng (1956), Huệ Ngọc (1962), Trở lại đảo, Người ngoại ô (1963), Con thú bị ruồng bỏ (1988), Rùa Hồ Gươm (1990), Hương khói lòng ai (1994), Đôi hoa tai lóng lánh, Phật tại tâm (1995), Bảng lảng hoàng hôn (1997) - truyện ngắn; Nữ du kích Cam Lộ (1955), Đôi bờ (1987), Mở hầm (2 tập, 1959), Chân núi Phia Khao (1961), Vòm trời Tĩnh Túc (1963), Nàng Kiều Như (1989), Nhọc nhằn sông Luộc (1996) – tiểu thuyết; Tất cả hiến dâng Đảng (1954), Người bí thư xã (1956), Ngôi sao đỏ Đổng Tồn Thụy (1958), Anh hùng chiến đấu Triều Tiên (1958), Tống Nhạc Phi (1959), Niềm hy vọng hòa bình (1961), Cuốn sách thấy ở Thuận Xuyên (1962)... - tác phẩm dịch thuật. Ông còn dịch một số tác phẩm Việt Nam khác sang tiếng Trung.

Đối tượng được ông quan tâm là tầng lớp dưới đáy của xã hội hoặc những người bị sóng gió cuộc đời vùi dập, sống không địa vị, không danh phận nhưng luôn luôn phải vật lộn để giữ phần nhân tính và thiện căn của mình. Địa bàn quen thuộc của ông là quê hương, con người Hải Phòng và đồng đội, đồng chí. Vốn bản chất nhân hậu, hồn nhiên ngoài đời nhưng lại sắc sảo, bạo dạn sâu sắc khi cầm bút văn nên trong tiểu thuyết Mở hầm, Nguyễn Dậu đã “dám” đề cập đến vấn đề tâm tư, tình cảm uẩn khúc, éo le của con người mà lúc ấy người ta ngại đề cập. Tác phẩm có nhiều tình tiết sa vào chủ nghĩa tự nhiên, mô tả cuộc sống xám màu nên một thời bị phê phán.

Nguyễn Dậu được ghi tên trong Từ điển văn học Việt Nam (bộ mới - Nhà xuất bản Thế Giới, 2005). Tiểu thuyết Nhọc nhằn sông Luộc của ông được tặng Giải thưởng văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng) năm 1996.

Người ta bảo Nguyễn Dậu có số “lận đận”, lận đận cả đường văn chương, lận đận trong cả đường tình duyên. Không biết có đúng hay không, nhưng quả ở hai lĩnh vực này đời ông chẳng mấy suôn sẻ thật. Về đường tình duyên chẳng biết ông đã “tục huyền” mấy lần trong đời, chứ nghiệp văn chương thì rõ ràng ông là người “hoa hai độ nở”. Sinh thời ông bảo ông cảm ơn số phận, cảm ơn cuộc đời. Ông nói ông thấy dễ chịu, thoải mái trong thời đại đổi mới. Nếu không có chứng huyết áp cao chắc chắn ông sẽ là người hạnh phúc. Ông có dự định viết tiếp một cái gì đó về đền Ngọc Sơn, nơi ông đã cư ngụ 17 năm trời...

Và như thế, nếu được phép ví con người ông, ngòi bút ông như một cầu thủ bóng đá thì có thể nói: Cầu thủ Trương Mẫn Song – Nguyễn Dậu ở hiệp một đá khá sắc sảo, vào hiệp hai bị treo giò và trong hiệp phụ đá thêm đã ghi được những bàn khá đẹp làm người xem phải sửng sốt.

Không biết tôi mạo muội ví von như vậy có quá không, chứ tôi biết ở nơi xa thẳm chắc ông cũng nhoẻn cười tha thứ cho tôi... Và những người từng yêu mến ông, từng đọc văn ông chắc cũng sẽ đồng tình.

Ngô Vĩnh Bình
(daidoanket.vn)