Người Của Phố - tập truyện ngắn hay của nhà văn Nguyễn Cẩm Hương

03.10.2016

Người Của Phố - tập truyện ngắn hay của nhà văn Nguyễn Cẩm Hương

Tác giả Nguyễn Cẩm Hương hiện sinh sống và làm việc tại Thanh Hóa, được kết nạp vào Hội viên hội Nhà văn Việt Nam. Các tấc phẩm chính: Người đàn bà chịu khát – tập truyện – Nxb Thanh hóa; Lời ru không năm tháng – tập truyện – Nxb Văn học; Đám mây dĩ vãng – tập truyện – Nxb Hội nhà văn; Truyện của thời quá khứ - tập truyện Nxb Công An nhân dân; Nơi mặt trời lặn xuống –tập truyện – Nxb Thanh Hóa; Những người đàn bà – tập truyện – Nxb Quân đội nhân dân; Người của phố - tập truyện – Nxb Quân đội nhân dân.

Người của phố bao gồm 15 câu truyện ngắn, nhiều truyện rất hay, vô cùng sống động và lôi cuốn người đọc, tác giả Nguyễn Cẩm Hương đã viết về các nhân vật trong tập truyện ngắn này bằng một bút pháp vững vàng, mạch văn không có chỗ nào tỏ ra hụt hẫng, tác giả luôn luôn làm chủ được ngòi bút của mình, nên viết rất hay.

Người của phố (trang 46-57) kể về nhân vật Toan. Chuyện về Toan bao giờ cũng là những câu chuyện cười về một “Chí Phèo” thời hiện đại. Từ chuyện nhân vật Toan đi tù đến chuyện Toan cưới vợ, chưa có một cái đám cưới nào mà trong phố mà người ta lại đi dự đông đủ đến thế. Song nào đã hết chuyện, chả hiểu đêm tân hôn hôm đó thế nào mà sáng mai ra, người ta lại trông thấy thằng Toan đánh trần nằm ở nhà bia đầu phố trong giấc ngủ ngon lành. Thằng Toan ngộ lấy vợ, người ta tưởng hắn sẽ đổi đời, nhưng không hắn cứ ương ương dở dở, nên người trong phố gọi quách hắn là Toan ngộ, và cái tên Toan ngộ đã trở thành một thương hiệu, cứ nói đến con phố này là người ta lại nhắc đến Toan ngộ.

Rồi chuyện thằng Toan trong một lần nghe tiếng hô cướp, cướp. Thằng Toan bổng từ trong quán lao vọt ra đâm sầm vào chiếc xe máy đang phóng như điên trên đường… Toan chết, đám tang thằng Toan đông chưa từng thấy từ trước đến nay ở trong con phố này… Trong các câu chuyện buôn hàng ngày, người ta lại nhắc đến thằng Toan ngộ.

Người của phố, được lấy tên cho cả tập truyện, nhưng không phải là truyện ngắn hay nhất trong tập truyện này, bởi vì trong tập truyện này còn có những truyện rất hay, có thể dựng thành kịch bản phim như truyện Hoa mận trắng…

Hoa mận trắng (183-197), truyện kể về nhân vật chính A Sình, một chàng trai người dân tộc Mông, đẹp trai, thổi khèn hay, có tài lấy mật ong rừng. Trong một lần đi bán mật ong rừng, A Sình quen cô bé Mận, sau đó Mận xuống trường tỉnh học cấp 3, còn A Sình đi bộ đội. A Sình bị thương ở chiến trường, khuôn mặt biến dạng, A Sình không dám về gặp mặt Mận… Mấy chục năm sau, một lần thấy Mận trên ti vi của đài truyền thanh tỉnh đưa tin về việc chuẩn bị cho tổ chức lễ hội đón tết độc lập sắp được diễn ra tại thị trấn huyện… A Sình đã quyết định đi gặp mặt người xưa.

Truyện kết thúc không có quá nhiều bất ngờ, nhưng vẫn rất hay. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng, giảng viên khoa Văn, trường ĐHKHXH & Nhân văn, ĐHQG HN, đã từng nói: “Cái hay nhất của truyện ngắn chính là có một cái kết bất ngờ”.  Ở truyện ngắn Hoa mận trắng, cái kết tuy không bất ngờ với người đọc, nhưng truyện vẫn quá hay cuốn hút đối với người đọc.

Truyện  ngắn Hơi thở của rừng (trang 162-170);  Chuyện của người đồng hành (139-161) cả hai truyện trên đọc đều rất thú vị, đúng như ai đó đã từng nói: “mỗi ngày đọc một vài truyện ngắn hay sẽ mang đến cho bạn những khoảng lặng ý nghĩa trong tâm hồn…” đọc truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Cẩm Hương, chúng ta thấy để viết được một truyện ngắn hay là cực khó, ý tưởng mới không phải ai viết cũng hay, nhưng nhà văn đã viết được những truyện rất hay, bởi vì chị cũng đã từng chia sẽ: “ Với truyện ngán hiện đại, cái cấu trúc của truyện là quan trong nhất, và cái cốt truyện để xây dựng nhân vật. Từ cái cốt truyện, người viết có thể xây dựng những cốt truyện khác, với những nhân vật khác xuất hiện, đó chỉ là những dị bản khác nhau. Ở đấy có khi có những tình tiết , những ẩn dụ, chất hài hước… nó sẽ làm cho câu chuyện thú vị hơn”.

Rất nhiều truyện ngắn trong tập truyện Người của phố, dưới ngòi bút của nhà văn Cẩm Hương luôn cuốn hút người đọc, bởi những gì nhà văn miêu tả, kể chuyện, có rất nhiều truyện ngắn gây xúc động, người đọc nhiều khi rơi nước mắt khóc cùng tác giả như truyện “Nhặt vợ” (trang 127-138); “ Đồng đội của bố tôi” (trang 58-68); “Mẹ con người làm thuê” (trang 80-90), “Quyền được làm mẹ” (trang 171-189);

Nhà văn Nguyên Ngọc đã từng nói: “ Truyện ngắn mang rất rõ cái chất của người viết, nhất là cái chất quả quyết đột ngột, viết truyện ngắn phải có nghề lắm, vả lại phải viết về những cái mới, những cái không dễ thấy, nhưng ở chiều sâu của nó, cuộc đời đang đặt ra. Truyện ngắn phải mang dấu ấn của tác giả, biểu hiện sự tồn tại của tác giả, dấu ấn ấy trước hết là tấm lòng đằm thắm của tác giả, sau đó là bút pháp, giọng nói, nhịp điệu câu chuyện của tác giả, những ‘cái áo’ ‘làn da’ của tấm lòng tác giả. Nếu không có gì để nói , thì làm sao tác giả nâng nổi ngòi bút của họ lên đươc”.

Đọc truyện ngắn của nhà văn Cẩm Hương, chúng ta thấy những lời tâm huyết của nhà văn Nguyên Ngọc khi bàn về truyện ngắn thật là thú vị, bởi vì những gì nhà văn Cẩm Hương viết trong tâp truyện Người của phố, đúng như nhà văn Nguyên Ngọc nói: “người viết truyện ngắn phải có nghề lắm”.

Đúng là người viết phải có nghề lắm, bởi từng câu, từng chữ trong tất cả tập truyện ngắn này, đều được nhà văn Cẩm Hương viết khá hay, vô cùng sôi động, lôi cuốn người đọc, thậm chí như truyện ngắn Hoa mận trắng, đọc đi đọc lại vẫn cứ thấy hay, giá như truyện này được dựng thành phim thì hay biết bao.

Nhà Văn Tô Hoài khi bàn về truyện ngắn cũng đã từng nói: “Truyện ngắn không chỉ có ý nghĩa ở chủ đề tư tưởng và nhân vật, mà từng câu từng chữ của truyện ấy sẽ tạo nên cái hay cho chủ đề tư tưởng và nhân vật. Mỗi chữ có sức mạnh riêng, đồng thời sức mạnh hòa chung cả hai phía ấy dựng nên hồn chữ, hồn câu toàn bài”.

Viết truyện ngắn không phải ai viết cũng hay, và đặc biệt là tác giả phải có tài, vì người cầm bút phải có tài thì viết mới hay được. Trong tất cả các tập truyện ngấn của nhà văn Nguyễn Cẩm Hương, có rất nhiều truyện ngắn hay, những truyện tuy chưa phải để đời, nhưng với những truyện ngắn đó, tên tuổi của nhà văn cũng đã được nhiều người biết đến.

Nguyễn Văn Vương
(vanhien.vn)