Thơ tình Khương Hữu Dụng - Hồ Hoàng Thanh

10.12.2019

Không lâu sau khi xuất hiện trên mặt báo Tiếng Dân với bút danh Thế Nhu, Khương Hữu Dụng đã viết “Trọn nghĩa chung tình”, một bài thơ tình theo nghĩa rộng. Bài thơ mang hàm ý một tuyên ngôn sáng tác mà tác giả luôn có ý thức giữ vẹn cho đến cuối đời mình, một đời thơ trải dài suốt một thế kỷ đầy biến động. Tuy chiếm tỷ lệ không nhiều trong toàn bộ thơ ông, mảng thơ tình đôi lứa vẫn mang sắc thái riêng, đậm đà ý vị lôi cuốn lòng người.

Thơ tình Khương Hữu Dụng - Hồ Hoàng Thanh

Điều đáng chú ý là thơ tình Khương Hữu Dụng lại mở đầu bằng nỗi đau bất ngờ: vợ mất sớm, một nỗi đau quặn thắt mà cay đắng đến tận cùng: “Em chết, ô em! Ai có ngờ. Đau lòng anh lắm: sáu con thơ Ba mươi mốt tuổi, người răng rứa? Đôi lứa trăm năm, chuyện phỉnh phờ!”... (Ai có ngờ) một sự kiện có thật mà khó tin đến mức vô lý, khiến lòng người không chấp nhận nổi từ “cõi âm và cõi dương”, dấu “là gái với là trai”, cả “ý nhớ với tình thương”, khiến “Nhớ thương vô hạn buồn vô hạn/ Giọt lệ tuôn rồi giọt lệ tuôn” (Bày chi). Tình cảnh nhà nghèo nuôi bệnh ngặt thật não lòng “… Thương ai lành số hờn không thuốc. Nuôi bệnh bằng thơ thẹn có mình (Tuyệt cú): Giọng thơ tưởng chừng như bình thản, thực ra lại ngậm đắng nuốt cay! Ta càng thêm xúc động khi đọc tiếp lời chú thích: “Thời gian nuôi vợ ốm, tác giả dịch ba bài thơ: Đào y thiên, Vấn dạ châm, Sinh ly biệt. Dịch đến đâu, đọc cho vợ nghe đến đấy, khi nghe xong ba bài thơ dịch, vợ bảo “Nghe thơ rồi, có chết cũng được”. Khi lục những vật dụng thường ngày của vợ để lại, nhà thơ viết “ngắm sững lại nhìn trông”: … Quạt không sè gió nữa/ Khăn đã rớt tay cầm/ Giở đến xấp đồ cũ/ Áo bay mùi ái ân… (Hương còn). Trinh Đường, người bạn thơ sớm phát hiện ra “cái chất độc đáo trong thơ Khương Hữu Dụng: “Vừa hừng hực lửa cháy, vừa thủ thỉ tâm tình”, cũng là người từng gọi “Hương còn” là “một tiếng khóc giàu nghệ thuật thơ trữ tình nhất là qua hình tượng đặc sắc “Khăn đã rớt tay cầm” (1). Nỗi đau càng mang đậm chất tâm linh u hiển khi diễn đạt thành thơ niềm tin thơ ngây của đàn con: “Hôm nay mở cửa mã/ Chắc Mạ con được ra” (Mở cửa mả). Đọc tới bài này Lê Trí Viên viết: “… Đau vợ mà mượn lời con. Thoảng chốc như ma hiện. Thế giới thơ chắc xưa nay chưa từng có” (2).

Có lẽ vì nỗi đau mất vợ mà tác giả sớm tự khẳng định: “Tôi là thi sĩ đau thương/Nên tình yêu cũng vương vương chút buồn” (Chối từ). Một nỗi buồn man mác, thầm lặng với những “Mơ tàn, Nhớ lại, Thu trắng, Đợi chờ”… Ngoài tình yêu “không lời” (Chối từ), còn có nỗi lòng khó hiểu (Khó hiểu), có cả lời trách bâng quơ (Trách) được cô đúc và tan tác qua mấy câu thơ hay: “… Bắt tay có nhận chi nhiều/ Buông tay cành rứt tiêu điều lá bay…” (Cái bắt tay).

Tài thơ ứng biến của Khương Hữu Dụng từng biểu hiện khá rõ qua hai bài thơ tình “Tuyệt vọng” và “Anh có nghe thuở xưa” được sáng tác đột xuất theo yêu cầu khá nghiệt ngã của một giai nhân kỳ ngộ với mối tình có lẽ hy hữu.

 Từ chuyện tình hiếm thấy với người vợ kế đã có gan tiếp nhận một đàn con sáu nhóc với một người bố sống bằng… thơ, đã tiếp tục xuất hiện những bài thơ tình quý hiếm. Trước một người vợ tính nết thầm lặng, ẩn giấu, nhà thơ khắc biến thành một nhà tâm lý, luôn phải đoán định từng biểu hiện tâm tư: Rõ ràng nét chữ của em/ Lời thư sao lại lấy tên con mình…Đọc trong chữ Bố là Anh/Chữ Con âu yếm nhẩm thành chữ Em/ Nửa trang mặt nước êm đềm/ Đôi câu bóng gió làm nên sóng ngầm/ Nghe đàn có lắm tri âm/ Đọc thư em, chỉ anh thầm hiểu thôi (Nét chữ). Qua lời thơ hướng dẫn cho con hiểu được lòng mẹ, cũng lộ ra nét từng trải trong tình chồng: Muốn hiểu chiều sâu của nhớ thương/ Chiều cao hờn giận, độ yêu thương/ Hãy nhìn lòng mẹ qua trăn trở/ Qua lúc rầy la, tính thất thường (Nụ cười). Có khi trước người trái tính: “Không ưa chồng chiều vợ/ Lại chiều cháu quấy bà”, đứa cháu lại minh mẫn: “Bà lành, sao ông sợ? ” Bỗng cháu ông cười xòa: Bà là bà nội tướng! (Bạn xuân). Nhưng rồi tình yêu chồng của người vợ vẫn có lúc lộ rõ qua lời thư thuật lại nỗi nhớ bố của con:

Anh đi năm tháng nay/ Con bé đã biết nhớ/ Mỗi lúc được thư anh/ Nó giành ôm lấy ngủ/ Trở giấc quờ ôm em/ Sờ mặt kêu: Bố, bố… (Nhớ bố). Đến lúc… Em vĩnh viễn ra đi/ Mênh mông nhà lạnh vắng/ Ước được nghe em mắng/ Vui tiếng em cằn nhằn (Nhớ). Muối mặn với gừng cay/ Nay đã thành cỏ đắng/ Hẹn em chiều hạc trắng/ Bên nhau liền cánh bay (Cỏ đắng).

Từ khi tập kết ra miền Bắc, thơ tình Khương Hữu Dụng lại tìm tòi biểu hiện cái mới trong tình yêu. Đẹp thay cái mới trong mối tình thầm lặng của đôi vợ chồng thợ mỏ ngày đêm như sao Hôm, sao Mai hăng say lao động: … Chị đi trời đứng trưa/ Anh về trời xế bóng/ Xe cùng qua gốc thông… Chỉ gặp chòm cây đứng… (Hai ngôi sao). Từ thời này, tác giả đã phát hiện ra quan điểm mới trong tình yêu. Tình yêu mạnh hơn đau khổ. “Cây gạo qua bao nhiều chia lìa hoa vẫn đỏ/ Tình yêu không biết chừa/ Tình yêu mạnh hơn đau khổ/ Cho đến ngày đau khổ chết dần đi… (Dưới gốc cây gạo). Mới mẻ và cao đẹp thay mối tình son sắt của đôi người yêu trẻ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước: Người ở chiến trường xa khuyên người ở lại “cố quên nhau đi là hơn” bởi không muốn ân hận bắt người yêu phải đợi, nhưng 5 năm sau lại vui được tin em “đã ra trường và xin vào trong đó”: Và chưa bao giờ anh thấy mình sai lầm một cách sung sướng như giờ phút này… (Một mối tình). Nguyên mẫu ở đây là mối tình giữa Khương Thế Hưng, con trai thứ của nhà thơ và Đặng Thùy Trâm, sau này được báo Tuổi trẻ nhắc đến nhân viết về Nhật ký Đặng Thùy Trâm.

Công cuộc xây dựng miền Bắc đã làm này nở bao nhiêu mối tình mới mẻ được vào thơ ông qua các bài “Bao giờ quên được nhau, Đường anh đi là đường em đi, Làm tổ, Tình thủy văn, Kỷ niệm, Ghé nón”… Những mái nhà đỏ mới/ Những ống khói vươn dài/ Những lò cao ấm lửa… Cho dù trăm năm nữa/ Còn nhắc nhở tình ta (Bao giờ quên được nhau).

Cũng trong thời kỳ này đã lần lượt xuất hiện không ít bài thơ hay của tác giả viết về những nỗi niềm tinh tế trong tình yêu của lớp trẻ đương thời như “Lỗi hẹn, Hẹn, Đợi, Đợi anh về”: Hoa đã nở rồi/ Mà ong không đến/ Trăng đã mọc rồi/ Mà em không đến/ Vì ong quên lời/ hay em lỗi hẹn? (Lỗi hẹn). Như bù đắp cho nỗi “lỗi hẹn” đã có niềm đợi chờ kiên định: … Dù đã tắt ánh đèn/ Dù đã lặn mặt trăng/ Dù đã tàn hoa bưởi… Em, ơi em! Cứ tới/ Riêng lòng anh vẫn đợi/ Như ngôi sao Vược giữa trời (Hẹn).

“Hẹn” đã hay mà “Đợi” càng hay: “… Cây dạ hương anh mua/ Em đem trồng trước ngõ/ Đêm đêm hoa đứng chờ/ Đón anh về tận cửa… Trang sổ tay hôm nay/ Nhớ thương còn để trống/ Anh khi nào anh về/ Đêm dài như giấy trắng”… (Đợi). Trong một bài bình, Thanh Thảo viết: “Bàng bạc trong bài thơ một phong vị Đường thi. Mà bài thơ lại mới. Mới cái tình, mới cái cảnh, mới cả ngôn từ “Đêm dài như giấy trắng. Có lẽ thời Đường chưa viết như thế. Vậy mà nó vẫn gợi đến những “khoảng trống”, “Khoảng trắng” trong thơ Đường…” (3)

Chúng ta còn nhớ một đoạn, bài thơ “Đợi anh về” của nhà thơ Xô Viết Ximônốp được nhà thơ Tố Hữu dịch sang tiếng Việt thường vang ngân trên mỗi lớp thanh niên yêu thơ. Không lâu sau đã xuất hiện một bài thơ “Đợi anh về” kiểu Việt Nam của Khương Hữu Dụng. Với ba khổ thơ ngắn gọn, bài thơ ăm ắp tình xuân, ngóng đợi, tất cả như lắng đọng lại trong khổ cuối:

… Xin một nụ trên cành/ Ủ kín vào thương nhớ/ Em để dành mùa xuân/ Đợi anh về mới nở. Trong bài viết nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Khương Hữu Dụng, Võ Gia Trị đã coi “đây là bài thơ tình đặc trưng của Khương Hữu Dụng, nó khác với thơ tình trước cách mạng tháng Tám ở chỗ tình yêu không còn là sự đơn côi, ông không viết về tình yêu của mình mà viết về tình yêu của thế hệ trẻ thời mà ông đang sống và rất thú vị là nguyên mẫu của bài thơ chính là con gái của nhà thơ”. Khi phân tích bài thơ, nhất là mấy câu cuối bài, tác giả (VGT) viết: “Câu thơ như vậy quả là thần tình, cảnh và hồn người cứ giao thoa và tràn vào nhau, tạo nên hương xuân vĩnh cửu của bài thơ. Đó là cái chất trẻ kỳ lạ và tươi tắn lắm trong hồn thơ Khương Hữu Dụng. Có lẽ cũng nhờ cái chất xuân đó mà ông là nhà thơ trường thọ của Việt Nam”. Còn có thêm một bài cũng gồm ba khổ thơ, lại nói lên nỗi niềm Gặp nhau thì tránh mặt/ Xa nhau thì nhớ mong/ Nghe đôi chim ríu rít/ Thấy khang khác trong lòng (Khang khác). Và phải chăng sức mạnh của tình yêu mới còn biểu hiện trong “Bài hát cây vông”… “Ta lấy dao chặt vông/ Thót hàng rào đã phá/ Thì ra vông rỗng lòng…/ Mọi bức tường ngăn cách/ Trên đời có như vông?” Bài thơ viết cuối năm 1982 khi được tin Aragông mất, thật mới mẻ và thú vị: “Bác sĩ đo huyết áp/ Thấy mạch đập bình thường/ Ca ngợi cao ba gac/ Biết đâu một đêm ròng/ Con bệnh chong đèn đọc/ Thơ tình Aragông/ Sớm dậy môi còn ngọt/ Một vị cao hoa hồng” (Nhớ Aragông).

Mở đầu bài “Niềm thơ không dứt”, Vũ Quần Phương viết: “Trên báo Tết năm Quý Dậu (1993) có đăng một bài thơ tình yêu, bài thơ kín đáo, đằm thắm, có mê và có tỉnh, có đường trần và cõi thiền, có lòng người và có cả cõi bến trời xa lắc. Thơ tình nhưng lại có hơi hướng một bài kệ:

Đường trần

Mấy bến mê

Một tình yêu

Say tỉnh

Tỉnh say

Tình sao Khuê

Say tỉnh

Tâm thiền định

(Vô Đề)

“Đây là thơ tình của người ở tuổi 86 Khương Hữu Dụng” (4). Tiếp sau còn có “Bài thơ bốn giờ”… Chợp mắt cùng em “hội nghị” Mơ/ Cùng em đối thoại vụt thành thơ/ Song mai ánh lọt tung chăn dậy/ Chép lại tình ta lúc bốn giờ.

Mối tình thơ “Hương muộn” này vương vấn lòng người đọc bằng đôi làn hương ngây ngất. Đường xa/ ta/ lại được gần/ Phố đông/ sát cánh/ ta cầm tay nhau// Nói/ thì những chuyện/ đâu đâu// Lặng im/ tay siết/ là câu chuyện mình… (Phố đông)

Khẽ gửi đường dây một nụ hôn/ Nụ hôn ủ kín giữa tâm hồn/ Như hoa thắm gọi “Đừng quên nhé”/ Như đóa “Trường sinh” mãi mãi còn.

Nhận nụ hôn, ai giữ nụ cười/ Nghiêng tai áp má ngọt làn môi/ Tình ta nồng nhiệt hơn dòng điện/ Dù ở hai đầu vẫn ấm hơi (Nghe điện thoại)

Vân Long từng cho biết tin Nhà xuất bản Văn học xuất bản tập thơ tình Tuổi đang yêu, trong đó có bài thơ của lão thi sĩ họ Khương. Được chất vấn về giới hạn “tuổi đang yêu”, ông giám đốc Nhà xuất bản cười vui: Bất cứ tuổi nào còn làm thơ tình được là thuộc “tuổi đang yêu” (5).

Kết thúc bài “Khương Hữu Dụng Một đời với “Những tiếng thân yêu”, Võ Gia Trị viết “Nhiều người đã nói về tài thơ của Khương Hữu Dụng, về sự điêu luyện trong câu chữ của ông. Ông là nhà thơ lớn không chỉ bởi khối lượng thơ ca đồ sộ, mà còn vì ông biết cách luôn kiên trì vươn lên để đưa các sáng tạo thơ ca của mình lên những đỉnh cao mới”.

Riêng về thơ tình, cuối bài bình “Hương còn”, N.D đã sớm nhận ra từ tác giả những câu thơ khẳng định một niềm tin và sự kỳ diệu của tình yêu. Tình yêu thật sự sẽ sống mãi, sáng mãi, dù có chia lìa mà giông bão cũng như đêm tối không bao giờ làm mờ đi được” (6).

 *Chú giải:

(1), (2) Khương Hữu Dụng - Một đời thơ - NXB Đà Nẵng 2005 - trang 33,35.

(3), (4), (5), (6) Sđđ - trang 101, 441, 217, 191.

(Trích sách Tuyển tập lý luận phê bình văn học - nghệ thuật (1997 - 2017))