Nhớ Tết Hoàng Sa - Vân Long

06.02.2014

Những con người một thời sống và làm việc ở Hoàng Sa mà tôi có cơ duyên được gặp giờ đây đã tóc bạc, da mồi. Có không ít người bị bệnh tật nằm liệt một chỗ... Nhưng, trong tâm khảm của họ vẫn cứ tươi nguyên bao kỷ niệm về những năm tháng nơi  miền đất phên giậu của Tổ quốc giữa trùng khơi sóng vỗ. Nhớ lại những cái Tết cổ truyền ở Hoàng Sa ngày ấy, ánh mắt của họ cứ sáng lên trong niềm kiêu hãnh, tự hào...

    Đường vào nhà ông Võ Như Dân ở tổ 5, phường Bình Hiên, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, sâu hun hút, loanh quanh như vào mê trận trong truyện kiếm hiệp Kim Dung

Nhớ Tết Hoàng Sa - Vân Long

Vậy mà, cũng không mấy khó khăn khi tìm nhà ông Dân, một người đã có hơn 10 năm gắn bó, làm việc tại trạm quan trắc khí tượng ở Hoàng Sa ngày trước. Dường như bà con ở khu phố từ đường Hoàng Diệu vào đây, ai cũng biết “Ông Dân ở Hoàng Sa”...

    Ăn cái Tết Con Ngựa (Giáp Ngọ - 2014) này, ông Dân đã bước sang tuổi 76. Nhưng, khi nghe tôi hỏi chuyện những năm tháng ở Hoàng Sa, rồi chuyện đón Tết cổ truyền trên đảo, ông lão vẫn rưng rức bao nỗi nhớ. Tay bám vào thành ghế tựa run run như cố kìm nén cảm xúc đang trào dâng, ông nói rằng, cứ mỗi lần mở ti-vi, hay đọc báo thấy nói về Hoàng Sa là lòng quặn thắt nỗi đau... Rồi ông thủng thẳng bảo: “Tui đã gắn bó với Hoàng Sa từng ấy năm trời và không năm nào tui về ăn Tết cùng gia đình ở đất liền cả. Bây chừ tuổi cao sức yếu rồi, nhưng thỉnh thoảng trong giấc ngủ tui vẫn chiêm bao thấy mình đang ở Hoàng Sa. Tui luôn mơ ước có một ngày nào đó được trở lại Hoàng Sa đón Tết như thuở còn thanh niên, trai tráng...”.

    Năm 18 tuổi, ông Dân được tuyển dụng vào làm công nhân cho một cơ quan khí tượng thủy văn của người Pháp tại Đà Nẵng. Đến năm 1956 thì ông nhận nhiệm vụ ra “trấn giữ” trạm quan trắc khí tượng ở Hoàng Sa. Ông Dân tâm sự: “Ngày ấy, công chức cơ quan khí tượng đều thay phiên nhau ra Hoàng Sa để “đo mưa, đo nắng”. Mỗi chuyến đi phiên từ 3 tháng rưỡi đến 4 tháng. Tuy nhiên, khi gặp thời tiết xấu, biển động thì mỗi phiên kéo dài đến 5-6 tháng là chuyện thường. Những chuyến đi phiên của tui thường vào dịp cuối năm, nên bao nhiêu năm ở Hoàng Sa là tui đón Tết cổ truyền trên đảo bấy nhiêu lần...”. Chuyến đi đầu tiên xuất phát từ cảng biển Đà Nẵng vào một buổi chiều cuối tháng 9 âm lịch bằng tàu cao tốc. Sáng hôm sau, ông Dân cùng 2 chuyên viên của cơ quan khí tượng thủy văn trong đoàn đặt chân lên đảo. “Khi tàu gần tới nơi, đứng trên tàu phóng tầm mắt về Hoàng Sa, tui đã choáng ngợp trước khung cảnh kỳ vỹ của quần đảo, với vô số hòn đảo lớn, nhỏ, bãi cạn, bãi chìm... nổi giữa một vùng biển màu xanh ngọc. Thảo nào ông cha ta xưa kia đã đặt tên Hoàng Sa, tức là bãi cát vàng, hay cồn vàng ở biển Đông này” – Ông Dân nhớ lại...

     Trạm quan trắc khí tượng tọa lạc trên một bãi cát rộng mênh mông, cây cối lúp súp, thưa thớt. Ra đến nơi, ông Dân mới hay ở trạm cũng đang có 2 chuyên viên làm nhiệm vụ. Cũng như trong đất liền, ở Hoàng Sa, ông Dân vẫn giữ nhiệm vụ điều chế khí hydro để bơm những chiếc bong bóng cao su (bong bóng thám không) đưa máy quan trắc khí tượng lên không trung. Máy quan trắc buộc vào bong bóng thám không sẽ đo được các yếu tố khí tượng trên cao, cụ thể như: nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, sức gió... truyền về thiết bị dưới mặt đất ghi nhận lại. Và, hằng ngày các chuyên viên đánh morse tè tạch để thông báo số liệu máy thám không đo được về cho cơ quan khí tượng thủy văn ở đất liền... Ngoài công việc điều chế khí hydro bơm bong bóng, ông Dân còn nấu ăn để phục vụ 4 chuyên viên của trạm quan trắc. Ông kể, những ngày đầu ra Hoàng Sa, ông dành phần lớn thời gian rảnh rỗi đi tản bộ khám phá quần đảo. Đoạn đường từ cầu tàu trạm quan trắc theo hướng Đông chừng 2 cây số có một dinh thự đã đổ nát, được xây dựng từ thời các chúa Nguyễn. Tuy nhiên, muốn đến được dinh thự này phải lội nước ngang ngực một đoạn trũng, trên 200m. Ở khu vực dinh, trong đống đổ nát còn vương vãi khá nhiều hình rồng được chạm khắc bằng đá và những đồng xu cổ. Có điều ra dinh thự này phải hết sức chú ý thủy triều. Nước triều lên trên nền dinh tới mắt cá chân thì phải mau chóng quay vào, bằng không chỉ còn nước bơi mới trở lại được...     

    Cũng trên đoạn đường ra dinh thự ấy, có một cột mốc đánh dấu chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam. Bên cạnh cột mốc là ngôi miếu cổ thờ một tượng đá đen bóng, hình dạng người đàn bà nên gọi là “Miếu Bà”. Miếu thờ hướng về phía đất liền. Tương truyền, trước thế kỷ 17, những ngư dân Việt Nam ra Hoàng Sa ở lại để đánh bắt cá và các loài hải sản, họ đã tạc tượng để thờ cúng. Về sự tích pho tượng người đàn bà được tạc bằng đá đen thờ trong ngôi miếu hướng về đất liền, thời ông Dân ra đảo, không ai lý giải được. Nhưng, theo tư liệu lịch sử thì nhà Nguyễn đã cho trùng tu, xây dựng lại ngôi miếu kiên cố. Các chuyên viên có thâm niên tại trạm quan trắc khí tượng còn kể cho ông Dân nghe rằng, có lần người Pháp lấy pho tượng đưa xuống tàu để chở về nước. Nhưng lúc khởi hành, dù đã nổ máy mà tàu cứ tròng trành không chịu rời bến. Vì thế, các quan chức và thủy thủ “mẫu quốc” đều hoảng sợ, khiêng pho tượng đặt lại đúng vị trí cũ trong ngôi miếu cổ, rồi thắp hương dập đầu khấn vái xin tha thứ tội phạm thượng... Phía tay trái ngôi miếu là một khu nghĩa địa, chừng trên 30 nấm mộ. Đó là mộ của những người lính thời chúa Nguyễn và cả những ngư dân ra Hoàng Sa trước thế kỷ 17 bị bệnh chết. Ông Dân và nhiều người ở trạm khí tượng thủy văn đã tình cờ phát hiện và đào được hai thùng tiền cổ ở khu nghĩa địa này. Ông mang tiền xu cổ về đất liền biếu bà con lối xóm, người thân mỗi người vài đồng để “xin keo” khi cúng bái; còn ông cũng giữ lại hai đồng làm kỷ niệm...

     Hỏi về những cái Tết cổ truyền ở Hoàng Sa, ông Dân dõi mắt nhìn xa xăm. Lát sau ông bảo: “Tết ở Hoàng Sa ngày ấy tuy xa nhà, nhưng vui lắm chú à. Ngày giáp Tết, anh em trạm của tui cũng tập trung gói bánh chưng, bánh tét, làm bánh in... rồi làm thịt gà, thịt vịt. Phía lính đảo thì làm thịt heo. Tiếng heo kêu eng éc khuấy động một vùng càng làm cho không khí đón Tết thêm phần khẩn trương, sôi nổi. Tối 30 Tết, khi những nồi bánh chưng, bánh tét đã chín, anh em tui vớt bánh trịnh trọng đặt vào mâm, cùng với chè, xôi, rượu, thịt, hương đèn, vàng mã... mang ra cúng tế ở “Miếu Bà” và khu nghĩa địa. Hồi đó, ngày Tết vẫn còn thói quen đốt pháo mừng xuân. Ở trên đảo không có pháo. Đến thời khắc giao thừa, lính đồn vác súng ra bắn chỉ thiên 3 loạt để “tống cựu, nghênh tân”, chào năm mới... Tôi tò mò hỏi: Lúc cúng ở Miếu Bà, khu nghĩa địa, hay đón giao thừa ở Hoàng Sa, các cụ khấn vái như thế nào? Ông Dân nghiêm mặt nhìn tôi rồi nhẹ nhàng nói: “Hoàng Sa là của nước Việt Nam mình nên khấn vái phải bắt đầu từ việc xướng tên nước, rồi tới tên vùng đất mình cư ngụ. Vì lẽ đó mà bài văn cúng của anh em tui thường bắt đầu: “Việt Nam quốc, Hoàng Sa xứ...” và tiếp theo là ngày, tháng, năm... Trước mình cúng tế các bậc thần linh, thổ địa bổn xứ, sau là khấn vái hương hồn các anh hùng, chiến sĩ đã hy sinh vì dân, vì nước...”.  Chất giọng ông Dân vẫn nhẹ nhàng, nói thêm cho tôi biết rằng, việc cúng tế ở Hoàng Sa không chỉ nhằm vào ngày Tết nguyên đán. Hằng tháng, cứ ngày 14, rằm (15) và 30, mồng một âm lịch là ông cùng các chuyên viên nấu chè, xôi mang ra “Miếu Bà” và nghĩa địa cúng tế. Cả những người lính trên đảo cũng vậy. Khi cúng, ai nấy đều thắp hương kính cẩn hướng mặt về phía đất liền của Tổ quốc mà lạy bốn lạy, khấn vái, tưởng nhớ đến tổ tiên và những người thân đã khuất... Thời gian ông Dân làm việc tại trạm quan trắc khí tượng thủy văn ở Hoàng Sa kéo dài cho đến khi Pháp giao Hoàng Sa lại cho chính quyền Bảo Đại quản lý theo công pháp quốc tế; rồi sang thời chế độ Sài Gòn. Năm nào ông cũng ra Hoàng Sa 2 phiên. Mãi tới năm 1969 do bị bệnh, ông mới xin nghỉ việc...

    Trong câu chuyện với ông Dân, tôi được biết thêm một số người cùng làm với ông Dân tại trạm quan trắc khí tượng ở Hoàng Sa, như các ông Phạm Miễn, Nguyễn Tấn Yên, Trần Huynh... Hồi ức của ông Trần Huynh (76 tuổi, ở thôn Dương Lâm 2, Hòa Phong, Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), Hoàng Sa là quần đảo mênh mông, rất đẹp. Nơi đặt trạm quan trắc khí tượng, ngoài khu nhà ở còn có giếng nước, bếp ăn nằm giữa một vùng cây xanh. Trạm quan trắc khí tượng được người Pháp xây dựng rất kiên cố, tường dày ít nhất 2m để có thể chống chọi với bão dữ. Những chuyến đi phiên ra Hoàng Sa của các chuyên viên và nhân viên trạm đều mang theo đầy đủ lương thực, thực phẩm mà 5 người (3 quan trắc viên, 1 vô tuyến điện, 1 phục vụ) ăn 6 tháng vẫn còn dư. Mỗi chuyến tàu từ đất liền ra đảo còn mang theo hàng trăm con gà, vịt để phòng khi hết thực phẩm thì làm thịt ăn dần. Số gà, vịt này được nuôi bằng thịt... ốc gân. Thời các ông Dân, ông Huynh ở Hoàng Sa ốc gân nhiều vô kể. Những con ốc to bằng cái nồi ba, nồi bảy, có hình dạng giống con vọp, trong ruột có cục gân vàng lớn cỡ bắp tay. Cũng vì thế mà chúng được đặt tên là ốc gân. Những người làm việc tại trạm quan trắc khí tượng, chiều chiều lại ra bờ biển, cứ việc bê những con ốc gân lên bờ dùng đá đập bể vỏ lấy mỗi cái gân của nó về nấu ăn, còn ruột thì xắt nhỏ nuôi gà, vịt. “Gân ốc xắt lát xào với cà chua ăn ngon chẳng thua kém gì cá mực. Ăn không hết thì đem phơi khô để dành, thỉnh thoảng lại mang ra nướng làm mồi nhấm với rượu gạo nguyên chất mang từ quê nhà ra. Còn gà, vịt ăn thịt ốc con nào cũng chóng lớn, làm ra thịt cũng rất thơm ngon...”, ông Huynh bồi hồi nhắc lại chuyện xưa...

    Trên hành trình tìm lại nhân chứng từng đón Tết nguyên đán ở Hoàng Sa, tôi còn được các đồng chí công an phường Thạc Gián (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) dẫn đường đến nhà ông Trần Văn Hảo ở kiệt H04/7, thuộc tổ 14, Thạc Gián. Ông Hảo bị liệt đã 2 năm nay. Thế nhưng, khi thấy khách đến thăm, ông đã gắng gượng chống tay ngồi dậy tiếp chuyện. Theo lời ông Hảo kể, năm 1968, ông biên chế trong lực lượng Hải quân miền Nam ra bảo vệ biển, đảo Hoàng Sa. Đến ngày 19-1-1974, phía Trung Quốc đổ quân đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa. Trong cuộc chiến đấu không cân sức giữa trung đội của ông và Hải quân Trung Quốc, ông và nhiều anh em bảo vệ đảo bị Trung Quốc bắt đưa về giam ở đảo Hải Nam 3 tháng, sau đó di lý đến Hồng Kông và trao trả lại cho chính quyền Sài Gòn. Nhắc đến Tết ở Hoàng Sa, ông Hảo cười sung sướng: “Tết ở Hoàng Sa vui lắm ! Đó là những kỷ niệm không quên được trong cuộc đời tui...”. Ông Hảo nói rằng, ngày giáp Tết ở Hoàng Sa lính đảo bận tíu tít, người làm thịt heo, kẻ đi câu cá, để cùng nhau liên hoan mừng đón năm mới. Ở Hoàng Sa có rất nhiều cá, đủ loại cá như: khế, hồng, thu, mú... con nào cũng to nên phải dùng loại ống cước cỡ 80-100mm để làm dây câu, lưỡi câu cỡ chiếc đũa tre. Buông câu xuống là ngay lập tức cá đớp mồi, người câu đứng trên bãi cát cứ thế mà nắm dây câu chạy sâu vào bờ, có khi còn lôi cả con cá hàng chục cân lên cát. Ngoài ra, còn lấy trứng vích đem về rán. Vích nhiều vô kể, chúng bò lên bãi cát ven đảo đẻ trứng hàng trăm, hàng nghìn ổ nên chỉ cần mang giỏ ra bãi là lượm trứng thỏa thích... Ngày Tết, những sản vật của Hoàng Sa đều được lính đảo chế biến thành thức ăn thơm ngon cúng tế ở “Miếu Bà”, khu nghĩa địa giống như những người công tác ở trạm quan trắc khí tượng, sau đó mới cùng nhau đánh chén... Như lời ông Dân kể, những người lính đảo như ông Hảo, năm nào cũng đón giao thừa bằng những tràng súng liên thanh, để báo hiệu về sự sống và chủ quyền biển, đảo của người Việt Nam trên mảnh đất địa đầu Hoàng Sa giữa mênh mông biển lớn. Sáng mồng một Tết, lính đảo đón những chuyên viên, nhân viên trạm quan trắc khí tượng “xông đất” đầu năm. Và, họ cũng sang “xông đất” trạm quan trắc khí tượng, với những lời chúc an khang, thịnh vượng...    

    Chiều cuối năm, đi trên con đường ven biển Đà Nẵng dưới ánh nắng xuân vàng rực, ấm áp; nhìn ra hướng biển Đông mênh mông sương khói xa mờ - nơi ấy có Hoàng Sa – mảnh đất địa đầu của Tổ quốc; bất chợt tôi lại nhớ đến lời kể của những người từng sống và làm việc ở Hoàng Sa ngày trước, khi khấn vái trong lễ giao thừa “tống cựu, nghênh tân”: Việt Nam quốc, Hoàng Sa xứ...    

                                                                                                            V.L