Năm tháng không quên – Bút ký Nguyễn Kiên
Vừa đi biển về, trên vai vác một cần câu dài hơn 4m, đầu to của cần câu móc cái giỏ đựng mấy con cá câu được đêm hôm qua, tôi đứng trước mặt mẹ, muốn khoe với mẹ rằng: con mới theo cha đi biển được mấy hôm mà cũng đã câu được cá, để mẹ mừng. Mẹ tôi bảo:
- Để cá đấy mẹ làm, chạy ù xuống sông "hụp” mấy cái đi con. Về ăn cơm, mẹ cho cái này.
Tôi hỏi mẹ:
- Cái chi đó hả mẹ, mẹ may cho con bộ đồ mới hả?
Nghe tôi nói "mẹ may đồ mới hả” mẹ tôi nheo mắt cười như có ý trêu tôi.
Chuyện là: hồi nhỏ, tôi rất nghịch, ham chơi, hay đá banh. Banh gói bằng lá chuối khô, tước bẹ chuối khô bện lại, rất đẹp và bền. Lũ nhỏ chúng tôi chiều chiều kéo nhau ra bãi biển chia phe đá bóng. Gùi áo lại làm trụ gôn. Tôi thường tự giác làm việc này để các bạn khác cùng làm theo. Nhiều lúc mải mê đá bóng, máu ăn thua, có hôm tối mịt mới về nhà, nên bỏ quên áo. Về đến nhà, sực nhớ đến áo, chạy trở ra thì ai đó đã "mang hộ” về nhà họ rồi. Nhiều lần như vậy, mẹ tôi "phạt” nên chẳng thèm may áo cho tôi. Có lần mẹ bắt tôi nằm xuống, rút cây roi tre ba tôi để sẵn trên mái nhà. Cây roi tre này chỉ để dành riêng cho tôi mà thôi. Mẹ giơ roi, chưa đánh, hai tay tôi ôm giữ mông dính đầy cát, la toáng lên: đau, đau quá mẹ ơi… rồi vùng dậy chạy… Hễ có việc gì được ba mẹ cho đi theo, tôi thường mượn áo của anh Chiến (anh ruột tôi, đã hy sinh trong trận Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 ở Tỉnh đường Quảng Tín). Anh Chiến tôi kỹ tính, sạch sẽ, hay chải chuốt. Còn tôi, hay "quậy” lung tung, mặt mày lúc nào cũng nhọ nhem. Khi tôi trả áo, lúc nào anh Chiến cũng bắt tôi giặt. Nhiều lần tôi giặt sạch sẽ cho anh. Bắt tôi giặt mãi, tôi nghĩ ra một kế đối phó lại: Tôi mang áo ra ảng nước anh vừa đổ đầy, nhúng đại áo vào.
- Đấu! Sao mi ẩu thế!
Anh chạy ra đá tôi một cái vào mông rồi nghiêng ảng đổ nước. Anh lấy đôi thùng thiếc ra giếng gánh nước đổ lại ảng. Người anh cao gầy, khom lưng gánh đôi thùng nước. Tôi vừa ấm ức khóc, vừa thấy thương anh. Tôi nghĩ bụng, lần sau không "hành” anh nữa. Nhưng cũng từ đó, mỗi khi tôi trả áo, anh tự đem đi giặt.
Mẹ để tôi đánh lưng trần ba tháng hè. Tôi thúc mẹ may áo. Mẹ nói:
- Tao may cho mi cái áo "đửng lê” và cái quần "láng hoài” rồi.
- Cái áo đửng lê, cái quần láng hoài là loại gì hả mẹ?
Mẹ mỉm cười bảo:
- Là loại vải láng bóng, giặt không nhàu, cũ vẫn còn láng.
Nghe mẹ nói vậy tôi thích quá reo lên. Tôi đem chuyện này đi khoe với mấy đứa bạn cùng học trong xóm như Nguyễn Đình Tuyên, Lê Xuân Đích, Phan Phú Dõng (hiện nay là Phan Văn Chương). Tôi phấn khởi đến nỗi, trong nhà ai bảo tôi đi mua cái gì, dù xa, cát nóng, tôi vẫn ngoan ngoãn đi ngay.
Thấy tôi vô tư, hồn nhiên, ngu ngơ, không hiểu cách nói lái, chơi chữ của mẹ nên anh Chiến bảo tôi:
- Đấu! Lại đây tao nói nhỏ cái này…
Tôi bước lại. Anh kề sát miệng vào tai tôi. Không biết anh có nghe tim tôi hồi hộp đập thình thịch hay không? Anh nói:
- Mẹ phỉnh mi đấy! Áo "đửng lê” là để lưng. Để lưng tức là mấy tháng nay mẹ để cho mi cởi trần cho đáng kiếp, vì mi hay làm mất áo. Mẹ may cho cái áo nào, mi làm mất cái áo đó. Còn quần "láng hoài” tức là lòi háng. Vì mi hay trèo cây, cái quần nào cũng toạc đáy.
Nghe anh Chiến giải thích, tôi khóc toáng lên, nằm giãy nảy ra cát bắt đền mẹ. Hôm sau, mẹ dẫn ra tiệm, cắt may cho tôi bộ quần áo bằng vải đẹp, chuẩn bị cho năm học mới…
***
Tắm sông(*) xong, tôi lên giếng dội lại nước ngọt. Về nhà, ngồi vào mâm cơm mẹ dọn sẵn. Trên mâm có thêm tô canh rau muống thái nhỏ nấu với tôm. Tôi ăn một cách ngon lành vì từ sáng đến trưa chưa có hột nào trong bụng. Mẹ ngồi bên cạnh nhìn tôi ăn. Khuôn mặt mẹ trái xoan, da hồng hào. Mẹ lấy tay vén mấy sợi tóc gió xõa trên trán. Trông mẹ đẹp chi lạ. Tôi hay nghịch phá, nhưng được mẹ cưng chiều nhiều nhất nhà. Tôi đang ăn. Mẹ thò tay vào túi lấy ra một tờ giấy đưa cho tôi. Mẹ bảo:
- "Quà” của con, mẹ nói lúc nãy đây!
Tôi cầm tờ giấy trên tay đọc từng chữ: Mặt trận Dân tộc Giải phóng xã Tam Thanh ký Quyết định cho tôi đi học văn hóa trên Chiến khu. Tôi mừng khấp khởi. Vì từ ngày quê tôi được giải phóng cho đến nay, bọn trẻ chúng tôi bị thất học. Tôi hỏi mẹ: Chiến khu là ở đâu hả mẹ? Mẹ nói trên núi, thuộc vùng giải phóng.
Mấy ngày sau đó, ba mẹ, các anh chị lo may áo quần mới, võng ni-lon, bọc võng dù, tấm đắp, làm lương khô… cho tôi chuẩn bị đi Chiến khu. Một hôm, gần ngày tôi lên đường đi học, ba cho tôi ngủ chung với ba một đêm. Những lần trước thì không bao giờ vì đêm ngủ tôi hay quậy tưng, đạp rơi cả chăn chiếu…
19h tối, tôi cùng với các bạn Lê Xuân Đích, Nguyễn Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Kim Yến, Trần Thị Thủy, Bùi Văn Hoàng, Trần Đình Liệu, Trần Minh Trí, Nguyễn Văn Lưu… mang ba lô, tập trung tại UBNDCM xã Tam Thanh, có người đưa đi.
Đến thôn Thạch Tân xã Kỳ Anh, bọn tôi nhập vào đoàn cán bộ, dân công hàng mấy chục người, từ vùng Đông chuẩn bị lên Chiến khu. Đoàn người đi thành hàng dọc, lặng lẽ trong đêm khuya vắng. Trời tối đen, ngửa bàn tay không thấy. Người sau bám thắt lưng người trước. Mấy con đom đóm lập lòe trước mặt, nghe rõ tiếng cá quẫy dưới nước. Thỉnh thoảng nghe "bõm” một tiếng - bước chân ai đó sụp bùn. Đoàn người lúc đi thẳng, lúc khom khom theo hướng dẫn của chú Tùng giao liên đi trước. Chú Tùng là người nổi tiếng gan dạ. Năm 1959, khi Mỹ - Ngụy ban hành Luật số 10 năm chín (10/1959), lê máy chém khắp miền Nam đàn áp phong trào Cộng sản, địch bắt chú bỏ bao tời, chở bằng máy bay bỏ biển. Chú đạp rách bao tời lội vào bờ, lên Chiến khu theo Cách mạng. Địch rất sợ chú Tùng. Nghe tiếng chú là thất kinh hồn vía.
Chú Tùng dò từng bước đưa đoàn người đi. Chú thuộc vùng này như lòng bàn tay. Chú nắm rất rõ quy luật tuần tra của địch trên đường quốc lộ 1A nên dễ dàng né tránh. Khi đoàn người chuẩn bị băng qua quốc lộ 1A, bỗng dưng xuất hiện xe Jeep chở đầy lính ngụy đứng trên đường. Bọn chúng nổ súng xối xả về phía đoàn người. Không ai bảo ai, tất cả nằm rạp xuống. Đạn lửa bay vụt qua đầu vẽ trên nền trời đen kịt từng vệt lửa đỏ lòe nối đuôi nhau. Một tên lính hét to: "Cộng sản, Cộng sản… bay ơi! Bắn chết mẹ nó đi!”.
Súng lại thay nhau xả đạn… Tôi nghĩ bụng: bị lộ rồi, một là chết, hai là bị bắt sống… nhưng lạ là không run sợ. Một lúc sau, tiếng xe Jeep xa dần. Đêm trở lại tĩnh mịch một cách lạ thường, nghe rõ từng tiếng lá cây thở hồi hộp ven đường. Chú Tùng bò đếm quân số. Thấy không ai hề hấn gì, đoàn người lại tiếp tục đi. Hóa ra bọn lính vì quá sợ Cộng sản nên bắn vu vơ, hù gió. Qua khỏi đường nhựa chừng năm mươi mét, thấy con đường chi như cái thang bỏ trên mặt đất. Thấy lạ, tôi tách ra đứng nhìn. Thu Hiền chạy lại kéo tay tôi giục cùng đi. Pháo sáng ở đồn Núi Đất, núi An Hà bắn vu vơ, giúp cho tôi nhìn rõ Thu Hiền quần xắn cao đi trước, lồ lộ đôi chân trắng, tôi đi sau… Sáng ra tôi hỏi, mấy người lớn nói: đó là đường hỏa xa. Hồi học lớp Một tôi nghe cô giáo Út Xô dạy bài hát: "Chiếc hỏa xa ầm ầm. Đua nhau thắng rắc rắc. Gần tới ga rầm rì. Rồi vô ga thắng cái rắc…”. Nghe bài hát là như vậy, chứ tôi chưa bao giờ thấy đường hỏa xa như thế nào đâu.
Đi suốt đêm, vượt qua vùng bị địch tạm chiếm, nhiều người trong đoàn uể oải, thấm mệt. Riêng tôi và các bạn vẫn tỉnh táo, vì trẻ con, và đã quen thức đêm theo cha đi biển, đối đầu với sóng nước, biển khơi, nên không thấy mệt. Gần sáng, chúng tôi được nghỉ ở một trường học, gần đường cái thuộc chợ Cẩm Khê, ngủ một giấc ngon lành đến 8h sáng mới dậy. Tôi nhìn sang phòng học bên cạnh thấy một tốp lính ngụy mặc quần áo rằn ri, ngồi, nằm la liệt. Chúng tôi toan bỏ chạy vì nghĩ bị phục kích, nhưng mấy chú du kích ngăn lại, cho biết: các chú lính Sài Gòn bỏ hàng ngũ địch trở về với nhân dân. Thấy chúng tôi còn nhỏ, mấy chú lính gọi lại cho kẹo, hỏi han quê ở đâu, lên đây làm gì… Chú cháu vui vẻ như đã gặp nhau lâu ngày.
Buổi sáng trời Kỳ An trong xanh một cách lạ thường. Lúa hai bên đường cái xanh mướt, dài tít tắp. Gió nồm thổi sớm, lúa ngã theo chiều gió, làm thành những lượn sóng nhấp nhô, nối đuôi nhau... Tôi liên tưởng như những lượn sóng ngoài biển. Mới hôm kia, tôi cùng ba và anh Chiến ngồi trên thuyền thúng bồng bềnh giữa biển khơi đánh cá. Mắt tôi tự nhiên rơi lệ, thương cha, thương anh da diết…
Tôi cùng Lê Xuân Đích, Bùi Văn Hoàng, Trần Minh Trí, Trần Đình Liệu được ban tổ chức bố trí ở trọ tại nhà ông Cả Tới. Các bạn Thu Hiền, Kim Yến, Bích Thủy và Văn Lưu ở nhà ông Trượng bên cạnh. Chúng tôi ở bên nhau nên cũng đỡ nhớ nhà. Ông Cả Tới là một ông già tốt bụng, vui tính nhưng nóng như lửa. Ngay từ những ngày đầu, ông tạo mọi điều kiện cho chúng tôi trong ăn uống, sinh hoạt. Ông cho củi đun, cho hái lá Lan Huệ, rau lót… trong vườn để nấu canh. Thấy chúng tôi ăn cơm với lương khô là cá, thịt kho mặn, ông thấy tội nghiệp. Một hôm, vào ngày chủ nhật, ông gợi ý:
- Các trò chung tiền, ông bán rẻ cho con gà trống, làm mì Quảng, ông cháu cùng ăn. Nghe ông Cả Tới nói như vậy chúng tôi đồng tình.
Ông cặm cụi ngồi chặt thịt gà. Chúng tôi ngồi quanh nhìn ông làm. Ông hỏi Lê Xuân Đích:
- Chặt như ri được chưa trò Đích? To hay nhỏ?
Đích láu cá trả lời:
- Nhỏ, chặt nhỏ tí nữa!
Ông tiếp tục chặt nhỏ. Ông lại hỏi:
- Được chưa?
Đích giỡn:
- To. To hơn!
Đích vừa nói xong, bất thình lình ông đứng phắt dậy, co chân đá tung. Rổ bay đằng rổ, rá bay đằng rá, cái xoong đựng thịt gà bay vào một góc bếp, nằm bẹp dúm, thịt gà văng tung tóe. Con chó vệnh chộp một đùi gà mừng rỡ chạy ra cổng. Tôi đuổi theo lấy được đùi gà, đứng giữa cổng, cười chảy nước mắt. Tôi hét toáng:
- Ông Cả Tới có võ tụi bây ơi!
Ông Cả Tới mặt hùng hùng, hổ hổ, cầm đũa bếp đuổi tôi, nhưng tôi đã nhanh chóng biến ra bờ ruộng. Đích hoảng, mặt mày tái mét, nhưng cũng kịp thoát ra ngoài, cả bọn cười ngất.
Một lúc sau, thấy ông bỏ đi đâu đó, chúng tôi lò dò vô nhà vo gạo nấu cơm, nhặt thịt gà kho mặn. Thế là ước mơ ăn mì Quảng do ông Cả Tới trổ tài tan biến. Mọi việc trở lại bình thường như không có gì xảy ra: ông cháu nói cười vui vẻ.
Chúng tôi nấu ăn với nhau ngày 2 bữa. Các bạn gái chịu khó ra ruộng hái rau nấu canh. Bọn con trai thì hì hục tát cá nên các bữa ăn sau đều có chất tươi, đỡ bớt tiền đi chợ. Củi khô ông Cả Tới chất trên giàn bếp ngày vơi dần. Bọn tôi hè nhau lên núi lấy củi. Vào núi, lội cả buổi chẳng tìm được cây củi khô nào, đành chặt mấy cây gỗ màu trắng, thẳng tắp, to bằng bắp đùi, mỗi người vác một cây mang về. Về gần đến nhà, gặp mấy bà cấy lúa, nói:
- Các trò vứt cây đó đi! Cây Sơn lu đó. Về tắm giặt nhanh lên, lấy dầu lửa xoa vô chứ không nó phù lên bây chừ.
Nghe vậy, các bạn vứt hết. Riêng tôi cố vác về đến nhà hỏi ông Cả Tới, ông dậm chân la, bắt tôi vác ra đồng vứt không kịp. Tôi, Xuân Đích, Minh Trí bình thường, không thấy biểu hiện gì khác. Còn Đình Liệu và Văn Hoàng thì… ôi thôi mặt mày bắt đầu hừng hừng đỏ. Sáng hôm sau tôi không nhận ra Hoàng nữa. Mặt nó phù lên tròn vành vạnh, hai mắt híp lại như hai đoạn chỉ vắt ngang. Vài ngày sau nước vàng vàng chảy ra, hôi hám. Ông Cả Tới và các bà, các mẹ hái lá cho chúng tôi nấu nước để Hoàng tắm. Tôi là người mang quần áo ra giếng giặt cho Hoàng. Mỗi lần thấy Hoàng đi tiểu ngoài bờ rào, cầm "giống quý” phù tấy, nhảy tưng tưng như con vịt đứng trên vỉ sắt nóng, tôi không nín được cười. Một hôm, đang ngồi làm toán, tôi để ý thấy Hoàng lò dò tìm dép. Tôi đoán là Hoàng đi tiểu. Tôi nhảy phắt sang nhà ông Trượng, gọi giật ngược:
- Hiền… Hiền ơi!… Mau ra đây tao cho cái này.
Vừa nói, tôi vừa chìa nắm tay ra. Hiền lật đật chạy ra, mừng quýnh hỏi:
- Đấu cho Hiền cái chi đó?
Tôi chỉ tay về phía Hoàng đang đứng đái, nói nhỏ:
- Đó, đó… Không biết Hiền có thấy cái chi không mà mặt đỏ bừng, cười ngặt nghẽo, đấm thùm thụp vào lưng tôi, nói:
- Con quỷ… con quỷ… rồi ù té chạy…
Tôi học lớp 5B cùng các bạn đi cùng đoàn. Lớp tôi có khoảng trên 32 bạn. Lớp học là một ngôi nhà tranh, núp dưới cây duối cổ thụ, xung quanh tre bao bọc, có giao thông hào nối từ cửa lớp ra đến hàng tre để ẩn núp khi cần thiết. Lớp 5B học ở xã Kỳ An. Lớp 5A nơi Đỗ Xuân Đồng học nằm ở địa bàn xã Kỳ Phước. Hai xã cách nhau bằng con mương nước thủy lợi. Lớp 5A mái lợp bằng tôn, gần nhà ông Cả Tới chúng tôi đang ở trọ.
Ngày đầu tiên vào lớp là tiết học giảng văn do cô Khưu Thị Hồng đứng lớp. Cô giảng bài: Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các em học sinh nhân ngày khai trường. Giọng cô trong trẻo, đọc thư rất diễn cảm. Chúng tôi chăm chú lắng nghe như nuốt từng lời. Tôi vẫn còn nhớ đến đoạn "các em phải nghĩ sao, các em phải làm thế nào để xứng đáng…”. Cô đọc mà như âu yếm hỏi học trò.
Sau tiết giảng văn này, cô không dạy văn lớp tôi nữa. Thay cô là thầy Khưu Minh Cầm. Hôm đầu tiên thầy vào lớp, tôi đã có thiện cảm với thầy. Thầy cao, cân đối, đẹp trai, viết bảng chữ rất đẹp. Tôi ngồi bàn đầu nên hay nhìn trộm thầy. Thầy cũng hay đứng đầu bàn tôi ngồi để giảng bài nên tôi dễ dàng làm quen với thầy. Những lúc rảnh rỗi thầy hay kể chuyện và hát cho chúng tôi nghe. Thầy hát rất hay. Dạy cho chúng tôi hát bài: "Những dũng sĩ Núi Thành”, bài "Tây Yên đất anh hùng…”. Dù đã mấy chục năm trôi qua tôi vẫn nhớ lời những bài hát, nhớ lại lúc thầy Cầm dạy hát, lòng tôi bồi hồi, buồn một nỗi buồn xa xăm… Đặc biệt thầy Cầm viết chữ ngược rất nhanh, rất đẹp, nét chữ như viết thư pháp, hào hoa, bay lượn… Tôi cũng tập viết ngược nhưng không thể nào sánh với thầy.
Thầy Cầm rất thương tôi. Có lẽ một phần thấy tôi tròn trịa, trắng trẻo, tính hay láu táu khi vui chơi, nhưng khi vào lớp học, nhất là học môn văn chăm chú lắng nghe, chịu khó ghi chép nhanh, chữ đẹp, nên thầy hay dừng lại, nhìn vào vở tôi, gật đầu khen. Trong lớp tôi hay phát biểu. Nhiều lúc thầy hỏi, không thấy bạn nào trả lời. Sợ thầy buồn, tôi đứng dậy trả lời thay. Chiều chiều, khi thầy chuẩn bị giáo án xong và tôi cũng làm xong bài tập, thầy Cầm nhờ tôi đấm lưng, tôi cũng thích vì có dịp đùa giỡn với thầy. Có lần thầy nằm úp trên chiếc giường mới đóng còn thơm mùi gỗ mới. Hai tay tôi đấm thùm thụp như đánh trống trên lưng thầy, đến đoạn đè xương sống, tôi đứng dậy dang chân hai bên, thò tay nâng. Tôi giả vờ như vô tình thò tay vào dưới rốn. Thầy giãy lên, nói: "Chớ dại, chớ dại…”. Hai thầy trò cười khúc khích. Sau giờ học trên lớp, thầy trò sinh hoạt, vui chơi như anh em trong một đại gia đình. Bài toán nào thầy cho đem về nhà mà làm không được thì đem đến thầy hướng dẫn cách giải tận tình. Chúng tôi học được hơn hai tháng thì một sự kiện đau thương, bất ngờ ập xuống đầu trẻ thơ chúng tôi.
Sáng ngày 12 tháng 11 năm 1965, tôi, Xuân Đích, Thu Hiền, Kim Yến và các bạn khác rủ nhau đi chợ mua nếp, mua gà về nấu xôi. Chúng tôi nấu xong, chuẩn bị dọn ra ăn thì thấy Dương Văn Giáo tìm tôi mượn vở địa để chép lại bài, vì tiết học Địa lý hôm trước Giáo không đi. Tôi và các bạn bảo Giáo ở lại ăn xôi gà cho vui nhưng Giáo từ chối, vội lên lớp tranh thủ chép bài. Giáo cho biết, tiết học đầu giờ là tiết Địa lý của thầy Huỳnh Ngọc Châu. Thầy Châu dạy thay tiết toán của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hải. Thầy Hải rất nghiêm. Học sinh chúng tôi rất nể trọng và sợ thầy. Có lần đi học ban đêm, buổi chiều bắt đầu đi, tôi đi trước, thầy đi sau. Thấy một con gà phía trước, tôi vung đá ném chơi, không ngờ viên đá trúng vào đầu con gà lăn quay, hai cánh phành phạch, bụi tung lên. Thầy yêu cầu tôi đứng lại. Thầy nghiêm giọng, nói:
- Nếu con gà còn sống thì thôi, còn nếu nó chết thì em đem vào xóm hỏi gà của ai, đền tiền xong cho họ rồi mới được vào lớp học.
Tôi vâng lời. Rất may con gà đứng dậy, chạy vào rừng. Tôi tới lớp, báo cáo cho thầy biết con gà còn sống…
Vừa ăn xôi gà xong, cũng vừa đứng bóng, tôi mang chén ra ngồi gốc cây mít rửa, thấy một chiếc L19 vòng qua, vòng lại mấy lần trên đầu. Tôi ra núp ở bụi tre, đứng theo dõi. Chiếc L19 vòng đến lần thứ 3 thì chao cánh, nhào xuống, thả một trái khói màu trắng. Tôi tưởng du kích bắn, máy bay cháy, tôi reo: Cháy rồi! Tiếp đó là tiếng chiếc khu trục bay tới. Tôi nghe "bụp” một cái, mặt đất rung chuyển, tiếng nổ xé trời, mảnh bay rào rào, những cây tre, cây mít đứt ngọn rơi xuống, đất đá bay khắp nơi. Tôi nhảy xuống một cái hố trước nhà ông Cả Tới núp. Đất đá rơi xong, khói bom bay mù mịt, khét lẹt… Tôi nghe tiếng la làng của một bà nào đó gần lớp 5A. Tôi vội lao đến, thấy mái tôn phía trước lớp học 5A mảnh bom xé từng mảng lớn. Đất đá, quần áo, xương thịt… vắt vẻo trên mái tôn, ngọn tre. Cái bà to miệng la làng ấy cầm một cái trạc và đôi đũa tre, vừa đi vừa gắp thịt, vừa chửi: "Tổ cha chúng nó, đem trường đến đây đặt ở nhà ta, nên Mỹ ném bom trâu ta mới chết”. Bà ta có 2 con trâu cày cột ở ngoài chuồng, bên cạnh lớp học, nghe bom nổ, hai con trâu tông chuồng chạy mất. Thịt học sinh bị bom Mỹ sát hại, bà tưởng thịt trâu của bà chết nên chửi đổng. Tôi vội chạy ra phía sau. Trời ơi, một cảnh tượng hãi hùng, rùng rợn hiện ra trước mắt tôi. Xác các bạn nằm ngổn ngang, bạn thì có đầu không còn chân tay, bạn thì còn chân tay nhưng đầu vỡ toác óc phọt ra ngoài… Nhìn xuống hố bom, thấy Dương Văn Giáo, đất lấp gần hết người, hai cánh tay huơ huơ trong không trung, đầu ngoẹo qua ngoẹo lại như muốn vẫy tay nói: "Mẹ ơi! Mẹ ơi! Cứu con với…”. Tôi la làng, khóc nức nở. Người lớn lao xuống hố bom, dùng tay bới đất đưa Giáo lên, đặt trên nền đất. Họ làm hô hấp nhân tạo. Mười lăm phút sau thấy ông Tuân y tá, đến tiêm cho Giáo mấy ống "hồi dương”. Tôi thấy hai lỗ mũi, hai tai của Giáo máu chảy ra ngoài, khoảng 20 phút sau thì Giáo tắt thở. Giáo chết vì bị sức ép của bom. Xác Giáo nguyên lành. Ngồi bên xác Giáo, tôi vừa khóc vừa nói: Giáo ơi! Mày mà nghe lời ở lại chơi với tụi tao thì không đến nỗi như ri. Tội quá Giáo ơi. Mẹ mày mà thấy cảnh tượng này thì bả sống không nổi, Giáo ơi…
Tôi mệt quá ngất xỉu, không biết bạn nào dìu tôi về nhà ông Cả Tới. 15h chiều, tôi dậy thì mọi người đã đưa xác 11 bạn về đặt trên 11 chiếc cán làm bằng tre đặt ở bìa rừng Rang, trước nhà ông Mai Trừng. Tôi đi xuống nhà ông Mai Trừng, chạy ra bìa rừng đứng nhìn xác 11 bạn. Thắp hương cho các bạn xong, tôi trở lại nhà ông Mai Trừng để nghe phổ biến chủ trương, kế hoạch đấu tranh trực diện với địch. Chính quyền Cách mạng và các thầy cô vận động nhân dân và học sinh ngay trong đêm khiêng xác 11 bạn đi đòi công lý, tố cáo tội ác của kẻ thù ở Tỉnh đường Quảng Tín. Đoàn người đấu tranh chính trị đi trong đêm. Khoảng 4h sáng ngày 13/11/1965 tới gần đồn Trà Gó thuộc xã Kỳ Thịnh, gần chợ Quán Rường thuộc xã Kỳ Mỹ. Một tốp lính ngụy từ trên đồn tay lăm lăm khẩu AR15 chạy xuống, chặn đoàn người biểu tình lại. Chúng dồn hết xôi, bánh tét, bánh ú… do các mẹ, các chị nấu cho chúng tôi mang theo ăn - thành đống, dùng giầy bút - đờ - sô nhảy lên giẫm nát bét… Bọn chúng dùng roi, báng súng đánh, dộng chúng tôi tới tấp. Có tên lính ngụy vừa đánh vừa nói: "Đấu tranh này, đấu tranh này…”. Một tên đứng trước mặt tôi bảo:
- Thằng nhỏ này, ai bày mày đi đấu tranh? Cộng sản bày mày hả? Mày hát đi, Cộng sản bày mày hát bài "xác thù phơi trên đồn Trà Cai, xác thù phơi trên núi Chóp Chài ra sao”… Mày hát lại tao nghe, không hát tao đánh chết bây chừ!
Người lớn có người thì phản đối đàn áp, đánh dân của bọn lính ngụy, có người đòi bồi thường nhân mạng học sinh… Không hiểu sao lúc đó tôi không sợ, mạnh dạn chỉ tay vào xác Giáo, tôi nói:
- Bạn Giáo của cháu đang học thì máy bay Mỹ đến thả bom. Chúng cháu mang xác bạn ấy đến để các chú thấy, đừng ném bom vào lớp học nữa và cho tiền để chôn các bạn, không ai xúi giục chúng cháu cả.
Tôi nói trơn tru, lưu loát vì học được cách nói của ba tôi cũng đã nhiều lần đi đấu tranh chính trị trực diện với lính ngụy gian ác về kể lại, tôi bắt chước theo, diễn đạt theo ý mình. Tên lính ngụy nghe tôi trả lời, nói:
- Thằng nhỏ này ngon, đúng là Cộng sản nòi!
Hắn lấy roi ra vụt tôi mấy cái rồi mang súng bỏ đi. Tôi nghiến răng chịu đau để không bật ra tiếng khóc. 8h sáng, đoàn người đấu tranh chính trị khiêng xác 11 bạn về an táng gần đường cái, trên bìa rừng Rang thuộc xã Kỳ An.
Cuộc đấu tranh chính trị này bị lính ngụy ngăn chặn không đạt kết quả mong muốn, nhưng có sức tố cáo, vạch tội ác của kẻ thù trước nhân dân rằng, bọn Mỹ - Ngụy là những kẻ man rợ, giết người bất kể người bị giết là ai… Riêng tôi, mặc dù cả ngày bên xác các bạn mệt nhừ, nhưng tôi cũng tích cực tham gia đi đấu tranh chính trị cùng bà con tố cáo tội ác, trả thù cho các bạn, cho Dương Văn Giáo…
Ngày 26 tháng 11 năm1965, bộ đội ta tiến công bao vây cứ điểm Việt An. Quân ngụy kéo quân lên giải tỏa, bị bội đội chủ lực chặn đánh, tiêu diệt địch tại Đồng Dương. Quân Mỹ nhảy vào cứu quân ngụy. Khi chúng rút về Tam Kỳ, ta đoán được đường đi của quân Mỹ nên phục kích tại chợ Mới Cẩm Khê, đánh giáp lá cà với quân Mỹ, tiêu diệt gần một tiểu đoàn.
Được cấp trên báo trước, thầy trò chúng tôi cũng đã kịp vào thôn Đàn Trung thuộc xã Kỳ Long học một thời gian.
Bị thua đau ở nhiều nơi, nhưng Mỹ - Ngụy vẫn mở nhiều cuộc hành quân, càn quét, đốt phá làng mạc, cho máy bay thả chất độc hóa học… Thời kỳ này tình hình vô cùng khó khăn. Thầy trò chúng tôi tiếp tục mang ba lô chạy càn. Thầy Cầm, thầy Huỳnh Ngọc Châu dẫn mấy chục học sinh chạy càn, băng qua một quãng đường dài hàng chục cây số từ Kỳ An qua các cánh đồng thuộc xã Bình Quế, Bình Phú… của huyện Thăng Bình. Đi đến đâu cũng nhìn thấy làng quê tiêu điều, xơ xác, nhà cửa vắng vẻ. Mít, chuối, đu đủ,… những loại cây có mủ chết khô, thối rục. Trâu bò chết ngổn ngang vì chất độc hóa học. Đoàn học sinh, thầy giáo chạy càn đói và khát nước nhưng không ai dám uống nước suối. Thầy Cầm cho tôi một mẩu phèn chua ngậm cho đỡ khát vì nước miếng tiết ra. Cuối cùng thầy và trò núp trong khe suối nước chảy róc rách, có cây che phủ thuộc vùng Minh Huy xã Bình Trị. Nằm trong rừng một ngày thấy yên lặng, thầy trò dắt díu nhau về lại Tam Kỳ. Ai cũng đói khát, nhưng dừng chân nghỉ tại đâu thầy Cầm cũng cất cao giọng hát, bọn học sinh chúng tôi cũng hát theo, quên cả đói.
Lớp học của chúng tôi năm đó, hầu hết các bạn đều "xếp bút nghiên”, thoát ly tham gia Cách mạng theo tiếng gọi của non sông, đất nước. Nhiều bạn đã anh dũng hy sinh, máu của các bạn tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc...
Thế mà, thấm thoát đã 46 năm! Các thầy cô giáo đã dạy chúng tôi học chữ, học làm người. Các thầy: Khưu Minh Cầm, Huỳnh Ngọc Châu, Nguyễn Đình Hiến, Lê Đình Tùng, Nguyễn Đình Thủy… đã hy sinh. Cho đến bây giờ, những thầy cô và trò còn sống, vẫn luôn bên nhau. Chúng tôi luôn giữ trọn vẹn 8 chữ vàng của cha ông dạy bảo: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Mỗi khi nhớ lại các thầy cô, các bạn đã hy sinh, lòng tôi bùi ngùi xúc động. Nhiều lúc tôi nghĩ: 11 bạn xấu số đã mất, nỗi đau để lại cho gia đình, người thân, bạn bè…không có gì bù đắp được. Nhưng nếu hôm đó là tiết toán của thầy hiệu trưởng Nguyễn Hải, chắc các bạn sẽ đến đầy đủ hơn và tổn thất sẽ vô cùng lớn, đớn đau vô tận, vô cùng. Âu đó cũng là… do "bề trên” sắp đặt… để tự an ủi lòng mình.
Vào ngày 12/11/2011 vừa rồi, thầy Nguyễn Hải, Đỗ Xuân Ân, bạn Đỗ Xuân Đồng… có sáng kiến tổ chức chu đáo lễ kỷ niệm 46 năm ngày thành lập "Trường phổ thông cấp II Nguyễn Văn Trỗi, Bắc Tam Kỳ” và tưởng niệm đúng ngày 11 bạn bị bom Mỹ sát hại, thật vô cùng xúc động khi thầy trò có người tóc đã bạc đứng cúi đầu mặc niệm các thầy, các bạn đã hy sinh, tôi nghẹn ngào không sao cầm được nước mắt.
Đêm đã về khuya, ngồi nhớ lại, viết những dòng tâm sự, kể chuyện vui buồn đau thương… của những ngày sống bên nhau ấm áp tình thầy trò, để tiếp tục sống đẹp như thế cho đến phút cuối của cuộc đời mình. Bài viết này như một nén hương lòng thắp cho các thầy, các bạn đã khuất. Thầy Cầm ơi! Em vẫn nhớ, văng vẳng bên tai em tiếng hát ấm áp của thầy: "Mờ trong màn đêm, ánh sao soi đường ta đi…”.
N.K
(*) Sông Trường Giang nước lợ.
Tạp chí Non Nước 174