Thơ như sương khói long lanh - Nguyễn Đình Vĩnh
- Tôi và thơ sống với nhau như duyên trời, như số phận. Có lúc hạnh phúc vô bờ, có lúc khổ đau cùng tận…(1)
- Người làm thơ có được hai niềm an ủi. Một là, được tham gia một tiếng nói với cuộc sống (tiếng nói gởi trao qua nhịp cầu thẩm mỹ), được chia sẻ gánh nặng tinh thần, tình cảm với tri âm. Và hai là, tác phẩm nếu chạm được đến chân trời nghệ thuật sẽ có thời gian sống dài hơn cuộc đời nhân thế của tác giả đã sinh thành ra nó…(2).
Nguyễn Nho Khiêm đã từng tâm sự về thơ và người làm thơ như vậy. Và cho đến nay, với hai tập thơ Khói toả về trời và Bên ngoài cánh đồng đã xuất bản vào các năm 1994 và 2003 cùng nhiều tác phẩm đăng tải trên các báo, tạp chí, hợp tuyển, một mặt Nguyễn Nho Khiêm đã góp phần tạo thêm những nét riêng cho dòng thơ xứ Quảng và mặt khác, cũng là tiền đề để chúng ta có thể từ đó đối sánh giữa những quan niệm và tác phẩm của anh.
Khói toả về trời và Bên ngoài cánh đồng gồm 98 bài thơ, chủ yếu ở thể tự do và lục bát, trong đó nhiều bài có ý hướng cách tân, mong tìm những đường nét và tạo ra những dư vị mới. Thể tự do in dấu ấn ấy ở các tác phẩm Mùa thu, Mùa hạ ở Mỹ Sơn, Bên dòng sông này, Trả lời, Bên ngoài cánh đồng, Chợ, Mưa xuân, Trên sông Thu, Rừng mặn, Mưa nắng, Trước bức tranh đồng chiều; thể lục bát xưa cũ như muốn tìm những xung năng mới, phá cách từ chỗ ngắt nhịp đến việc dàn xếp dòng thơ: Trước tháp Bằng An, Ăn bánh bèo với bạn thơ, Huyền thoại đỉnh núi quê…Tất nhiên từ một mong muốn đến kết quả thực sự đạt được có khi lại là một khoảng cách. Nhưng dù sao những nỗ lực của Nguyễn Nho Khiêm– cũng như của các nhà thơ cùng thời như Phan Hoàng Phương, Nguyễn Nhã Tiên, Nguyễn Minh Hùng, Lê Huy Hạnh …là rất đáng trân trọng (3).
Cách đặt nhan đề tác phẩm của Nguyễn Nho Khiêm cũng hết sức tự nhiên, tự nhiên nhiều khi như chính những dòng ngôn ngữ chợt đến và ở lại mà thành: Cha tôi, Cắt móng tay cho con, Chợt nghĩ về mình, Máy quạt không người, Tiếng chiêng tiếng trống cuối làng, Những câu thơ chợt đến, Trước tháp Bằng An, Uống rượu với em gái Mường tỉnh Hoà Bình, Hớt tóc, Viết tặng bâng quơ…Có lẽ một phần cũng xuất phát từ suy nghĩ thơ như là một phần của cuộc sống, mang hơi thở của cuộc sống mà anh đã có dịp đề cập.
Nguyễn Nho Khiêm dẫn ta vào với những tâm sự về gia đình ngay từ những dòng thơ đầu ở Khói toả về trời. Gia đình với niềm vui nho nhỏ hiện hữu qua những việc bình dị như việc cắt móng tay cho con, nhìn con cười khóc trong ngày thôi nôi, chở con đi học…Gia đình với bóng dáng người cha tảo tần một nắng hai sương luôn giản đơn trong đời sống vật chất nhưng mãi lo vun xới cho đời sống tinh thần: Tám mươi tuổi vẫn cày sâu cuốc bẩm/ Vui ngắm đồng xanh như thuở yêu đầu/ Tám mươi tuổi nếm đủ mùi gian khổ/ Hạnh phúc dụm dành cha để lại đời sau (Cha tôi). Và người con, ở tuổi đã hiểu về lẽ tử sinh ở đời nhưng cũng không khỏi rưng rưng lòng khi bên cha mẹ những lúc bóng chiều đổ xuống đầy lưng: Nhìn cha đầy một trời yêu/ Cũng đành cúi mặt với chiều đi qua (Nhìn cha). Để rồi đến lúc cha đi xa, xong trọn một kiếp người, cha vẫn trở về qua những giấc mơ của mẹ, qua sự hoá thân gởi lại ở những kiếp đời nối tiếp. Phần thơ mà Nguyễn Nho Khiêm tâm sự viết dành cho gia đình ấy, người đọc như cũng tìm thấy chút hơi ấm cho riêng mình.
Nguyễn Nho Khiêm cũng dành nhiều những dòng thơ viết về những nét riêng của các miền quê yêu dấu. Đó là hình ảnh con thuyền trên sông Thu cắm neo dập dồn nhịp sóng, hình ảnh một Đại Bường: Góc biển mưa qua vùng nắng lạ/ Trong mắt người Quảng Nam (Đại Bường), một Bà Nà với hương rừng liêu xiêu, với đường đồi vòng quanh cây xoè cành yêu (Bà Nà). Đó là mùa thu Quảng Nam với nét đặc trưng “lọt giữa mưa và nắng”, và “tan nơi đâu không ai hay biết”; là thôn Vỹ với Ánh trăng chảy long lanh mắt lá/ Hương đồng dâng nhè nhẹ bay cao/ Hàng dừa đứng trầm tư Vỹ Dạ/ Bóng trăng vàng tắm dưới sông sâu (Thăm lại thôn Vỹ); là một Mỹ Sơn khi con người cùng đối diện với những huyền bí của những vương triều xa lăng lắc, những bức tượng thần, vũ nữ Chàm nghìn năm nhảy múa và cũng ở đó, con người được thảnh thơi nghe tiếng nhạc ve rừng và phóng mắt nhìn bạt ngàn hoa mua tím (Mùa hạ ở Mỹ Sơn, Trưa Mỹ Sơn). Đó là quê nhà bình yên với dòng sông con, luỹ tre xanh, con đường đất. Và một Hà Nội xa xăm hoài nhớ với kí ức văn hoá đọng lại từ thuở nghìn xưa…Đó còn là men nồng từ rượu Mẫu Sơn, là vách đá khắc thời gian ở động Phong Nha, là Huế với lăng tẩm u trầm, với dòng Hương soi bóng nón lá vàng, là Bằng An tháp cổ để thời gian đọng trong kẻ gạch chảy về nguồn xưa.
Bước chân của con người hay đi đã giúp Nguyễn Nho Khiêm thêm một lần nữa cảm và tái hiện nhẹ nhàng dấu ấn ở những vùng đất. Một điều thật lạ là, trong những bài thơ ở mảng này, nhân vật “em” thường xuất hiện, cũng có thể đó là một em-có-thật nhưng đa phần chỉ là một nhân vật trữ tình phiếm chỉ, là điểm cho hồn thơ dễ tựa phiêu bồng.
Một mảng đề tài khác cũng được Nguyễn Nho Khiêm chú ý đó là niềm rung cảm trước cuộc đời các nhà văn và các nhân vật văn học. Anh như để tâm hồn mình băng qua cánh đồng với nghìn xác chữ để tìm cách định vị cái phần-hồn-xác đáng nhất. Một Trương Chi với Yêu, mà không yêu được. Ai thấu cùng ? tự ngàn xưa như vẫn ẩn hiện dưới khung trời này; một nàng Kiều bước qua thời gian trong một quy luật đặc biệt: Thời gian, hình như thời gian/ Tóc ai bạc, tóc em càng mượt xanh/ Đôi môi như trái chín cành/ Hồn em sương khói long lanh cây đời. Rồi một Phan Khôi, tác giả của Tình già mang khí chất Quảng Nam hay cãi, một Bùi Giáng bơ vơ- hành xác- siêu thoát-cho thơ, một Hồ Dzếnh xem đời mỏng như chớp mắt nên hết lòng nâng niu; một Trinh Đường thơ hoá tiếng chuông giục giã bước chân người băng qua bóng tối…
Tiếp cận thơ Nguyễn Nho Khiêm, tôi vẫn thích nhất là cái nhìn thức nhận về cuộc sống, về thế giới quanh mình. Một thế giới nhiều bất ngờ, bất ngờ từ chốn quen thuộc nhất là ngôi nhà của mình: Một ngày chợt nhận ra/ thế giới rộng vô cùng/ trong ngôi nhà của tôi/ dưới mái trời cong kia/ tôi như người khách lạ/ trước sự sống mù tăm (Sống). Bất ngờ ngay cả khi mình đối diện với chính mình: Đôi lúc/ nhìn lại mình/ không biết hắn là ai (Đôi lúc); Có những lúc không biết mình đang đứng ở đâu/ đây vực sâu hay đây đỉnh núi ?/ một phút sống một nghìn câu hỏi/ chỉ có một câu trả lời trong chính mình thôi (Có những lúc). Nét hồ nghi đáng yêu ấy là tiền đề để con người mãi đi tìm con đường nhận thức đúng hơn về mình, về thế giới ảo diệu quanh mình (có phải mỗi con người, nếu đặt trong những chiều kích không-thời gian khác nhau thì sẽ cho ra những đường nét chân dung không thật giống nhau ?!): Bỗng thấy mình nhỏ bé/ dưới trời xanh mênh mông/ Bỗng thấy mình hoang vắng/ giữa thành phố mùa xuân/ Bỗng thấy mình khờ dại/ trước người tình với ta (Chợt nghĩ về mình).
Có phải vì thấy những bóng-dáng-mình khác nhau nên cái tôi xuất hiện trong thơ Nguyễn Nho Khiêm thường trầm tư những lúc một mình anh hay nhìn về núi, để ý đến những xao động xung quanh, dù nhỏ như tiếng dế, tiếng gió, tiếng sương rơi, tiếng của đàn kiến tíu tít và cái tôi ý thức dừng lại trước dòng thời gian để nghĩ về thân phận: Chiêm ngưỡng thời gian/ chiêm ngưỡng điêu tàn/ lặng im/ nghĩ về thân phận (Bên Tháp Chàm); Càng phiêu lãng tâm tư càng trĩu nặng/ Sợi nhớ dài xâu chuỗi tháng ngày thương (Thơ gởi mùa đông). Cái tôi luôn đặt mình trong những câu hỏi tự vấn: Sông kia chảy đến xa khơi/ lá kia có đến chân trời phục sinh (Với chiếc lá vàng rơi trên sông); Từ đấy tôi soi gương hỏi mãi/ mộng mị đêm qua là thật/ hay sợi mưa sáng nay là thật trong tôi (Mưa xuân); Sao anh không dừng lại nhìn thật sâu vào mắt em/ Sao anh không cầm tay em thật chặt đi dọc bờ sông nghe suối tỏ tình với đá/ Sao anh không trở về nhìn dàn mướp hoa vàng đàn ong ngậm phấn gieo rực không gian/ Sao cứ nhờ vả người khác/ Ta ở đâu trong cuộc sống này (Mưa nắng); Ô, ta năm mươi tuổi rồi ư, sống thành phố hai mươi năm mà đám mây trên cánh đồng nụ cười mẹ cứ bay về quấn quýt thịt da/ Sao lồng ngực như ống sáo dưới cánh diều ngân vang trong hơi thở của em, trên hơi sương bình minh triền dâu, bãi bắp ven sông (Trước bức tranh đồng chiều). Cái tôi ấy biết trân trọng sự ngẫu nhiên trong đời và những ngẫu nhiên-đi-qua-mình, trong chính mình: Bỗng nhiên lay lắc giất buồn/ Ta nghe chiều xuống đổ chuông vào hồn/ Bỗng nhiên thương nhớ phiêu diêu/ Em và mây trắng dâng triều rồi tan/ Bỗng nhiên tay gặp bàn tay/ Và nghe gió lạnh trên cây mệt nhoài (Bỗng nhiên). Để đôi khi hiểu rằng, sự chia tách giữa vật và ta chỉ là hết sức tạm thời, chỉ là mờ sương: Ngước nhìn đỉnh núi quê hương/ Nắng mờ sương, gió mờ sương bời bời/ Xanh xanh một dải không lời/ Nghe trùng điệp bước chân thời gian qua (Huyền thoại đỉnh núi quê). Vì thế cái nhìn về sự vật nhiều khi chỉ và phải bằng sự thông hiểu: Chúng tôi chơi với nhau không ai nói gì/ mà hiểu từng ngọn gió, giọt sương (Bạn tôi); tôi vụng về bẻ vụn thời gian/ sống gấp khúc vui buồn mưa nắng/ tuổi bốn mươi mái đầu chớm trắng/ ý nghĩ đêm vắt vẻo sang ngày (Thời gian) và bằng sự nhập thể: Xin đừng hẹn kiếp sau/ Thêm một lần đau nữa/ Cứ sống trong hai nửa/ Nguyện cầu cho trăm năm (Hai nửa); Hai nửa tâm hồn xa lắc mù khơi/ tình cờ gặp nhau, yêu nhau và kết thành chồng vợ…Hai nửa tâm hồn là một mà hai/ cứ thế sống và gọi là chồng vợ (Thơ tặng).
Ý niệm viết cũng chỉ là một cách tiếp cận mà thôi. Bởi chữ nghĩa cũng luôn bất lực trước hiện thực cuộc sống vốn vô lượng vô cùng: Làm sao đọc được/ câu thơ của núi/ câu thơ bóng xanh/ câu thơ sông xa/ câu thơ cỏ lạ ?/ trong giấc mơ tôi hiểu mà không biết nói/ trong giấc mơ tôi nói mà không ai hiểu (Bên ngoài cánh đồng). Hình ảnh những đứa trẻ xuất hiện nhiều như một ẩn ý, như là nhân tố chứng kiến và tôn trọng những cái ngẫu nhiên, những yếu tố bất ngờ. Bên cạnh đó, những từ ngữ: chợt biết, chợt nhận ra, chợt nhớ, chợt tỉnh, chợt tối, chợt lặng, phấp phỏm lo âu, ngẫu nhiên, hốt nhiên, thảng thốt, bỗng thấy, giật mình, mờ sương, mù tăm cũng thường trở đi trở lại. Và viết cũng là để thể hiện thái độ trân trọng cuộc sống với một niềm tin Tâm hồn người là bầu trời cao rộng/ Ai cũng mong tìm nguồn sáng đời mình (Alêkô), mong đợi và hi vọng: Cuộc sống đẹp hơn mình tưởng, niềm vui đếm từng ngày, có thể ngày mai bão sẽ tan, trời sẽ đẹp. Có phải thế mà thơ Nguyễn Nho Khiêm có nhịp chậm, âm hưởng trầm. Lời thơ cứ nhẩn nha như muốn thủ thỉ tâm tình…
Nguyễn Nho Khiêm vẫn đang trên hành trình sáng tạo. Từ Khói toả về trời đến Bên ngoài cánh đồng đã là một khoảng cách. Khoảng cách của sự tiệm cận về với những giá trị nghệ thuật và ý hướng đổi mới. Những sáng tác đăng tải gần đây của anh như đậm nét hơn ở những cung đường ấy. Có phải vì thế mà chúng ta có quyền hy vọng, đón đợi ở tập thơ thứ ba của anh ?
Xuân Canh Dần 2010
N.Đ.V