Quý phi - Nguyễn Thị Cung Mi

17.02.2011

Quý phi - Nguyễn Thị Cung Mi

Mẹ nói hai đứa sinh cùng một bọc nhưng không cùng một lòng. Giờ đây khi nghĩ lại điều đó, tôi nhìn nó như một nhận định hơn là một thất vọng. Đã ba tuần kể từ lúc chúng tôi cho Mai Mai xuống, lấp đất lên và gắn bia mộ cho em. Tôi nhớ bàn tay bố run rẩy lướt qua từng chữ tạc trên đá xám "...Nhất Chi Mai...".

Hơn hai mươi năm trước, vào một ngày lạnh lẽo không rõ mùa gì...vừa thu vừa đông vừa chớm xuân...đất này không phân mùa mà chỉ lạnh hoặc nóng...hai đứa con gái ra đời. Trong nỗi bàng hoàng mà ai cũng ngỡ là hạnh phúc, bố đòi phải có ngay hai cái tên thật chữ. Người nào đó đã đặt "Nhất Diệp Lạc - Nhất Chi Mai" rồi bố đã thuận theo. Trong đời, để cho tiện, cũng là để tên tôi nghe đỡ buồn bố vẫn gọi em là Mai Mai còn tôi là Lạc Lạc.

Mai Mai, Lạc Lạc, mỗi người một vẻ, duy cùng xanh xao. Em mảnh khảnh, thanh tú hơn tôi. Giọng em trong hơn tôi và em cứng cỏi hơn tôi. Năm mười ba tuổi, em dậy thì trước tôi. Em khóc. Tôi khóc. Nước mắt thánh thót đè lên nhau. Đó là lần đầu tiên tôi chạm tới nỗi cay đắng của sự mất đi vĩnh viễn. Những vệt đỏ trên tấm trải giường trắng như hoa hồng mai trong tuyết. Tôi nhổ nước bọt lên đó, hụt hẫng. Rồi từ ấy chúng tôi ngủ hai phòng riêng biệt. Tôi cứ ngỡ không bao giờ trở lại đây.

Tuy nhiên vào ngày chôn em mẹ bảo tôi: "Bà sẽ ở lại với nhà mình một thời gian. Thôi thì con sang phòng em." Mẹ không nói gì thêm nữa nhưng tôi hiểu phi mình ra chẳng ai dám héo lánh đến chỗ của em. Một người - tự - giết là một điều gì đó đáng tránh né ngay cả với gia đình. Hơn nữa em đã tự giết vì tình. Theo quyển sách tôi vừa đọc thì em gần như một "sảnh nữ". Không ai quên nổi dải lụa trắng và chiếc áo trắng ấy.

Thế nên tôi trở về chốn cũ, nằm lên dấu em nằm, mường tượng tháng năm xưa. Cảnh vật y nguyên, chỉ đượm mùi tịch mịch. Ngoài song cửa có cành lá biếc rung rinh. Trên bàn, hoa trong lọ tàn khô. Vài quyển sách bám bụi. Một chậu xương rồng bé xíu thản nhiên xanh. Con hoàng yến em nuôi mẹ thả từ hôm nọ. Lồng đã trống. Chim đã bay rồi, Mai Mai!...

Ngày tôi biết về tình yêu của em không có nắng. Trời thấp và xám như gương mặt mẹ cúi gằm. Bố bỏ nhà đi uống cho say. Người phụ nữ đã đem cả con nhỏ đến. Người đàn ông không đến cùng vợ. Em trắng lạnh, tuyệt không nói năng. Sao kẻ ngoại tình lại như khối cẩm thạch thế kia? Băng giá quá!...Em vào phòng chốt cửa, hay mẹ đã khoá hộ em? Tôi không gọi mà áp tai lên làn gỗ cứng. Chẳng nghe gì ngoài những tiếng vọng từ trong mình. Âm âm u u...

"Nhất Chi Mai! Con gái của bố phải là cao khiết. Đến tên mình còn để cho vấy bẩn! Bố thà không có đứa con này!" Bố lè nhè giữa cơn say. Một nhà náo động. Hai mắt mẹ sưng mọng, vằn đỏ. Mắt em tối lại, thâm quầng. Thôi thế là chấm dứt chuỗi ngày bình lặng, sóng đã tràn bờ và chỉ dừng khi cuốn hết nhân gian.

Em đi khi thời khắc điểm. Tôi chính là người đỡ lấy thân em giá lạnh. Nhẹ như bấc. Nặng như chì. Ai ngất. Ai kêu. Ai khóc...Tôi ôm em trong tay như thuở trong thai. Đường đời vạn nẻo. Một quãng cũng đành...

Thoáng đã ba tuần. Hôm trước rồi hôm trước nữa bố mẹ hỏi tôi có thấy gì lạ không. Hai người đều hơi xanh. Bà nói đêm nào cũng nghe tiếng động trong phòng em tựa ai đang cười nhẹ như đang thở. Thế nhưng nằm ngay giường đó mà tôi chẳng thấy gì. Hay là lòng mình hoá cẩm thạch rồi? Bà đòi mời thầy cúng. Tôi ngăn cản, ai lại đi đuổi người thân? Thật tình tôi vẫn muốn cùng em gặp gỡ.

Thức trắng một đêm - em không đến. Hai đêm - cũng là không. Tôi ngồi thần trước gương nhìn mình tiều tuỵ. Đêm thứ ba có gió nhẹ, rèm cửa lất phất bay, cành cây đan cài vào nhau như tiếng cười diệu vợi. Vụt một cái, bóng nhỏ hiện ra. Chim hoàng yến lượn ngang mặt tôi. Bàn tay tôi thảng thốt gạt chậu xương rồng rơi vỡ. Tiếng vỡ tan trong đêm thanh thanh...

Lẫn trong đám đất vụn vãi trên nền nhà là một gói lụa bé xíu.

Run run lần mở từng cánh một, tôi nhận ra đôi mẩu tóc, đôi mẩu móng tay, hai giọt máu khô mà chỉ xem qua cũng biết của một nam một nữ. Đương hồi bần thần bảng lảng, chợt giọng ai gọi "Diệp Lạc...Diệp Lạc..."

Tôi quay lại và nhìn thấy mẹ! Quả nhiên, theo tiếng gọi. Một trời buốt lạnh... Một trời lá rụng tơi bời...

Bài viết khác cùng số

Nghĩ về sự đổi thay của Đà Nẵng - Đinh Văn DũngSông Hàn huyền thoại - Nguyễn Thị HươngCái được lớn nhất trong hơn mười năm qua là được lòng dân - Nguyễn Bá ThanhĐi thi chuyên viên - HoàngMáu ngàn đời vẫn tươi - Lê Minh Quốc Kỳ diệu Kỳ Anh- Thanh QuếCơn lốc từ sông Vàm Cỏ Đông- Tô PhươngLục bát múa, Thi sĩ - Phạm Phú HảiCô dâu đất QuảngThơ Haiku -Nguyễn Nho Đinh DuyThiền thơ - Nguyễn KiênGiọt nước mắt sinh thành - Nguyễn Hồng ÂnDốc đỏ - Phạm Thế ChấtBà Nà - Ngô MinhÔng Ích Khiêm - Trần Vạn GiãĐÀ NẴNG – MỘT MÙA VĂN CHƯƠNG. - Hoàng Minh TườngVĨNH BIỆT NGUYỄN ĐỨC HẠNH Người họa sĩ của dân - NGUYỄN ĐÌNH ANMỌI TÁC PHẨM VĂN HỌC ĐỀU DANG DỞ - Nguyễn Thanh Tuấn BƯỚC ĐI CỦA NGÔN NGỮ THƠ MỚI 1932-1945 - TS.Hoàng Sỹ NguyênĐà Nẵng-một mùa văn chương - hoàng Minh TườngNgười họa sĩ của dân - Nguyễn Đình AnQuý phi - Nguyễn Thị Cung MiPhế tích tháp Chăm ở chùa An Sơn - Hồ Tấn TuấnPHẾ TÍCH THÁP CHĂM Ở CHÙA AN SƠN - Hồ Tấn TuấnNhân đọc “Ca dao, dân ca đất Quảng” - Phan Ngọc ThuThơ như sương khói long lanh - Nguyễn Đình VĩnhSự thật chính xác về Bà Thân, Hà Thân hay Hà Thị Thân? - Anh DuyHồ Trường và Nam Phương ca khúc - Nguyễn HồngChuyện nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Canh TiếnQuê nhà, chiều 30…- Mang Viên Long