Kỳ diệu Kỳ Anh- Thanh Quế

17.02.2011

 Kỳ diệu Kỳ Anh- Thanh Quế

KỲ DIỆU KỲ ANH

Kỳ Anh là một xã anh hùng của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thời chống Mỹ. Bây giờ Kỳ Anh được chia làm 3 xã: xã Tam Thăng, xã Tam Thanh và xã Tam Phú. Nghe nhiều chuyện về Kỳ Anh đã lâu nhưng nay tôi mới được đến lần đầu.

Nhà văn Đỗ Xuân Đồng, tác giả tiểu thuyết Cây dừng thiêng(1)là dân Kỳ Anh, nay thôn anh thuộc về xã Tam Phú, đang có quyền chức ở văn phòng đại diện Ngân hàng Công thương tại miền Trung đã cho một chiếc xe chở chúng tôi về thăm Kỳ Anh. Trên xe có chị Tám Lý, nguyên cán bộ ở Ban Dân y Quảng Nam; chị Xuân, nguyên cán bộ hội phụ nữ bắc Tam Kỳ; anh Luân, cán bộ ngành Điện lực vừa mới về hưu. Đỗ Xuân Đồng vạch ngay một kế hoạch đi tham quan từ trên xe. Chị Xuân, người thôn Thạch Tân xin tình nguyện lo việc tìm người dẫn đường để chúng tôi thăm địa đạo huyền thoại ở Kỳ Anh…

ĐỊA ĐẠO Ở THÔN THẠCH TÂN

Trong chống Mỹ, cả xã Kỳ Anh đều có địa đạo luồn từ thôn này đến thôn nọ. Nhưng vì đây là vùng cát nên sau này, ở nhiều nơi địa đạo bị sụp hết. Bây giờ, chỉ còn địa đạo ở thôn Thạch Tân. Bà con kể rằng, địa đạo ở đây vẫn còn vì dưới lớp cát là lớp đất dẻo (đất đá ong) nên địa đạo không sụp được. Những cụ già râu tóc bạc phơ trầm trồ rằng, dưới lòng đất này còn chi chít các nhánh địa đạo và rủ chúng tôi xuống đó đi dạo, ở trong lòng đất mát lắm. Có một điều bất ngờ, mà ngày xưa địch không hề biết, đó là miệng hầm chính của địa đạo nằm ngay dưới chân tường đình Ngọc Tân, để rồi từ đó kéo ra nhiều nhánh khắp làng. Thời ấy, đình Ngọc Tân bị hư hỏng nhiều, ngói vỡ lỗ đỗ, tường sụp từng mãng. Có ai ngờ đâu, dưới một mảng tường đổ lại là miệng chính của hầm địa đạo. Bà con trong làng bắt đầu đào địa đạo từ đầu năm 1965, khi Mỹ vào. Từ khi có địa đạo, lúc giặc càn đến, cán bộ, du kích của xã và cấp trên về công tác chui xuống địa đạo và sẽ nổi lên ở khu vực nào đó để đánh địch rồi lặn xuống. Ban đầu, hầm địa đạo chưa chia ngách mà chỉ đào vòng quanh làng. Vì thế, có một lần, chúng tìm được một miệng hầm ngoi lên, đã hun khói, làm chết ngạt 15 người. Từ đó, bà con và anh em du kích, cán bộ rút kinh nghiệm: cần làm rẽ nhiều nhánh, nhiều ngách. Khi giặc hun khói, ta bịt lại từng ngách, nên tránh ngạt thở. Vào năm 1968, có một tên đào ngũ ở đơn vị V12 (bộ đội huyện bắc Tam Kỳ) dẫn địch lên chỉ một cửa hầm địa đạo. Địch tập trung quân đánh suốt 1 ngày nhưng không sao tiêu diệt “cộng sản” đã phải rút.

Dân Kỳ Anh từ già đến trẻ luôn bảo vệ địa đạo. Đỗ Xuân Đồng kể rằng, có một lần, địch bắt 1 đứa em họ của anh chỉ hầm chúng sẽ thưởng. Em nói:

- Dạ cháu còn nhỏ không biết gì.

Chúng biết sẽ không khai thác được gì, đã tra tấn em đến máu mũi, máu miệng trào ra, gãy cả mấy xương sườn em vẫn một mực:

- Tôi không biết, tôi không biết.

Chúng đã giận dữ xả súng bắn em chết.

Trong những năm sau này, khi xóm làng bị phá trụi, những cán bộ, du kích vẫn nhờ địa đạo mà bám trụ. Những người dân địa phương bị dồn vào các khu dồn, khi đi làm đồng vẫn tìm cách liên lạc đem lương thực tiếp tế. Cán bộ, du kích, ngày ở hầm, đêm mọc lên gặp gỡ bà con, đánh địch. Bọn Biệt lập đóng trên nỗng cát ở Kim Đới luôn kinh hồn bạt vía khi bị vấp mìn trên đường càn quét, có khi bị mìn nổ ngay ở chân đồn, lúc ăn lúc ngủ đều nơm nớp lo sợ.

Đất mẹ Kỳ Anh vẫn âm thầm che giấu đàn con trong những căn hầm địa đạo.

Bây giờ, đình Ngọc Tân đã được sửa lại, khang trang, đẹp đẽ, là nơi thờ cúng của làng. Bên cạnh đình, bà con đang xây một cái giếng to để lấy nước uống. Nghe đồn rằng, giếng ở đây trong mát, và chữa được nhiều bệnh. Riêng miệng hầm chính của địa đạo đã được sửa lại. Người ta trám xi măng để đất khỏi trùi, có dựng một cái thang để bước xuống. Theo một thanh niên rọi đèn pin đi trước, Đỗ Xuân Đồng và chúng tôi leo xuống địa đạo, đi một đoạn, hưởng cái mát mẻ khi trên mặt hầm cát trưa nóng hực…

NỖNG CÂY DỪNG THIÊNG

Nhà văn Đỗ Xuân Đồng còn nhớ rằng, khi còn nhỏ, ba anh đi tập kết, nhà khó khăn quá, mẹ anh gởi anh về ở với bà ngoại tại thôn Kim Đới, cách nhà anh 4 cây số để học ở trường tiểu học.

Từ làng của Đồng về nhà bà ngoại phải qua một nỗng cát rộng không một bóng cây. Sát rìa làng mới có những bụi sim, bụi móc và lác đác dăm ba cây dương liễu còi cọc. Xen giữa những bụi cây ấy là vô số những ngôi mộ xây, mộ đất nằm ngang dọc, có những ngôi mộ của dân Hời được đắp đất đen. Mùa hè, gió cát bay mù mịt, nhất là những cơn gió xoáy cuốn tròn cao hàng chục mét rồi đổ xuống phủ tối tăm mặt mũi những ai có việc phải đi qua đó. Nhiều hôm, trời nắng như đổ lửa, khi qua động cát phải chạy lúp xúp rồi đứng lại dúi chân xuống dưới lớp cát nóng cho đỡ bỏng, tốt nhất là cầm theo một tàu chuối, để chạy một đoạn rồi đặt xuống để chân lên nghỉ rồi phóng tiếp. Còn vào mùa mưa, gió thông thốc thổi từ biển vào làm rát cả mặt, người đi ngả nghiêng theo gió, có lúc đang đi phải ngồi thụp xuống để tránh gió mạnh. Điều kỳ lạ nhất là giữa nỗng cát trống trải hiện lên một cây dừng đứng chơ vơ, đơn độc. Nó có từ thời nào chẳng ai biết rõ, vì thế dân làng thường gọi đây là nỗng Cây Dừng. Nhiều cụ già kể rằng: vào những năm 1470-1472, vua Lê Thánh Tông trên đường đi chinh Nam bằng đội chiến thuyền, khi đi qua vùng biển này thì đúng vào lúc hoàng hôn, cảnh vật rất đẹp. Nhà vua thi sĩ cảm hứng ra lệnh cho chiến thuyền dừng lại để tướng sĩ nghỉ ngơi qua đêm. Khi đội thuyền dừng lại, nhà vua nhìn về phía tây thấy một dãi cát trắng phau chạy dọc theo bờ biển nhấp nhô như sóng lượn. Trên đỉnh đồi, có một cây to, cành lá sum suê đứng hiên ngang như thách thức với đất trời. Bỗng nhiên, nhà vua thi sĩ thấy một luồng ánh sáng màu hồng rực rỡ từ phía tây chiếu thẳng vào cây, tỏa ra như ánh hào quang rực rỡ. Nhà vua quyết định lên đến nơi xem sự thể. Nhà vua liền cưỡi con ngựa hồng mao lúc nào đi chinh chiến cũng mang theo phóng lên đỉnh đồi. Khi nhà vua đến nơi, luồng ánh sáng trên cây vụt tắt. Con ngựa hồng hí lên một tiếng vang dậy trời đất. Từ trong thân cây, một con hồng mao khác y hệt con ngựa nhà vua vụt bay ra, nhằm thẳng hướng nam kéo theo vầng hào quang rực rỡ. Cũng ngay lúc đó, con ngựa của nhà vua quỵ bốn chân xuống, lún dần lún dần vào lòng cát. Hiểu ngay ý trời, nhà vua quay lại chiến thuyền và đốc quân sĩ hành quân tức tốc.

Cây dừng thiêng này có thân xù xì, to đến hai người ôm, vươn cao hàng chục mét. Tán cây rộng, che mát cả một vùng. Có điều, ai đến đây nghỉ mát đều phải lạy ba lạy rồi nói: “Nơi đây bóng cả che đời. Con xin ngồi nghỉ cho vơi nhọc nhằn”. Nếu không, nghỉ xong, khi về sẽ bị cây “quở trách” gây đau ốm, bệnh tật.

Vào những năm 1969-1970, bọn địch quyết liệt “bình định” vùng quê này. Chúng lập vành đai trắng, san bằng tất cả. Chúng đã đốn cây dừng. Hôm ấy trời đang nắng như thiêu như đốt bỗng từ đâu mây đen ùn tới, sấm nổ đùng đùng. Khi mây tan mọi người thấy từ hướng Tây một quầng ánh sáng màu hồng chiếu thắng vào đỉnh đồi có cây dừng vừa bị chặt. Mọi người xì xào: “Ánh sáng từ phía tây, phía cách mạng, ta sắp thắng lợi rồi!”

Từ khi cây dừng bị đốn, chẳng rõ “hồn cây” quở trách gì mà bọn đốn cây-bọn địch, đâm hoang mang lo sợ. Chuyện rằng, có một tên lính Biệt lập giữa trưa đi ngang qua đỉnh đồi, bỗng dưng bị lún chân, rồi cả người bị vùi chôn trong cát. Nghe bạn bị chết, ba bốn tên Biệt lập nghênh ngang, xông lên đỉnh đồi thử ma quỷ dám làm gì, tới gần cây dừng cũ bỗng bị mìn clay-mo nổ, quạt chết cả 3 tên. Lại có chuyện rằng, một đêm bọn Biệt lập đi phục kích về, qua nỗng cát bỗng thấy những bóng ma từ gốc cây dừng bò ra, sợ quá, cả đám bỏ chạy. Một tên chạy chậm quá, bị ma bắt mất tích…Chẳng rõ đó là chuyện thật hay huyền thoại mới xuất hiện từ khi cây dừng bị giặc đốn. Chỉ biết rằng, từ sau ngày giải phóng: từ gốc cây dừng còn sót lại sau khi bị đốn bỗng bật lên những cành lá, từ đó đến nay, một cây dừng con đã lớn lên, chưa bằng cây dừng mẹ, nhưng đã tỏa bóng mát chung quanh khi trưa nay chúng tôi dừng lại nghỉ…

LÀNG NGỌC MỸ CÓ NGÔI NHÀ KỲ LẠ…

Làng Ngọc Mỹ có chiều dài gần một cây số rưỡi, bề ngang khoảng 200 mét. Trong làng, những ngôi nhà tranh, nhà ngói nép mình trong những luỹ tre xanh mướt. Phía trước làng, về phía tây nam là cánh đồng lúa rộng hơn vài chục héc ta. Đi hết cánh đồng là đến chân núi Cấm cách núi An Hà về phía bắc khoảng gần một cây số. Núi An Hà cây cối xanh tốt còn núi Cấm cây cối thưa thớt, đất đỏ quạch như một cái đầu trọc to đùng. Hai hòn núi đứng cô đơn giữa bốn bề khu dân cư, đồng lúa, bên dòng sông Thạch Bàn bốn mùa trong mát…Bọn Mỹ-ngụy đã đóng đồn ở núi Cấm, án ngữ phía đông thị xã Tam Kỳ, với một đại đội pháo 105 ly, dây thép gai bao bọc dày đặc cùng hệ thống lô cốt, hầm hào kiên cố.

Núi Cấm và núi An Hà mang trong lòng nó biết bao huyền thoại.

Chuyện rằng, trong làng có một đạo sĩ tên là thầy Lánh có nhiều phép thuật cưỡi mây lướt gió. Một lần ông lên vùng núi Chúa để du ngoạn, thấy có hai hòn núi nằm kề nhau hình thù rất đẹp, cây cối mọc um tùm, cành lá sum suê. Ông nảy ra ý định mang 2 hòn núi về làm bình phong che chắn gió, trang điểm cho vùng và che lấp bớt cát khô cháy ở nơi đây. Ông lấy dây mây trên núi làm thành đôi gióng gánh về. Khi tới cánh đồng nằm giữa hai sông Trường Giang và Thạch Bàn gió bỗng nổi lên đùng đùng như trận bão, hai dòng sông cuộn sóng như 2 con rồng nổi lên kéo hai đầu gióng xuống. Tức thì gióng bị đứt, hai ngọn núi rơi xuống giữa đồng tạo thành Núi Cấm và núi An Hà.

Phía tây bắc làng là đầm nước rộng hàng trăm héc ta gọi là Đồng Đầm, ăn thông ra sông Thạch Bàn.

Sau làng là nỗng cát có cây dừng thiêng huyền bí mà ta vừa kể.

Làng này có khoảng 80 gia đình. Trong những năm chống Mỹ chỉ còn ông, bà già và trẻ con. Lứa thanh niên và trung niên đều đi bộ đội, du kích, cán bộ hoặc sống bất hợp pháp. Những người dân trong làng rất mực trung kiên, đùm bọc nuôi giấu cán bộ từ những năm Mỹ-ngụy thực hiện “tố cộng, diệt cộng”. Ngày nay, có một đài tưởng niệm ở giữa làng Ngọc Mỹ với hàng trăm người đã hy sinh. Ngôi làng nhỏ đó có 19 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ chị Tám Lý cùng ngồi xe với chúng tôi là một trong số 19 bà mẹ đó. Chị vừa thắp nhang trước đài tưởng niệm vừa bùi ngùi nói:

- Cha tôi và hai anh em tôi đã hy sinh trên mảnh đất này, hy sinh lúc tôi đi miền Bắc để chữa bệnh, tôi chẳng được nhìn mặt lần cuối, chẳng được chôn cất ai hết. Mẹ tôi một thân một mình…

Bọn địch rất căm tức ngôi làng này. Một buổi sáng pháo địch từ các nơi, kể cả pháo biển dội liên tục xuống ngôi làng nhỏ bé này. Trên nỗng cát phía sau làng, từng đàn xe tăng lúc nhúc bò vào. Trên trời từng bầy trực thăng vỗ cánh phành phạch, vừa lượn vừa bắn rốc két, đại liên xuống làng. Sau những đợt bắn phá dữ dội, bọn địch từ núi Cấm ồ ạt tràn vào. Đến đầu làng, bọn chúng vướng mìn du kích làm mấy tên Mỹ và ngụy bị chết và bị thương. Bọn chúng hung hăng nhả đạn vào làng rồi dùng súng phun lửa và bắn pháo cấp tập để dọn đường. Du kích ta chiến đấu rất quyết liệt. Nhưng lực lượng chúng quá mạnh nên phải rút xuống các hầm bí mật để giữ lực lượng.

Bọn chúng tiến vào làng, hùng hổ dùng xăng đốt sạch mọi ngôi nhà, chuồng heo, chuồng bò. Một số tên cùng chó bec-giê sục tìm hầm bí mật. May mà anh em ta rải củ nén mà chó rất kỵ trên miệng hầm nên chó sợ hãi bỏ đi, không phát hiện được anh em ta. Không những đốt nhà, chúng còn chặt tre, đốt bờ rào. Cả làng tan hoang như bị một trận bom B52. Riêng chỉ có một ngôi nhà kỳ lạ-Đó là nhà ông Hương Phòng, một cán bộ lão thành tham gia cách mạng từ trước năm 1945, sau năm 1954, ông bị chúng bắt thủ tiêu-là vẫn tồn tại. Tại đây, khi bọn lính cầm cây bùi nhùi tẩm xăng mồi lửa đưa lên đốt nhà là tay chân chúng run lẩy bẩy, bùi nhùi rớt xuống đất, đầu chúng choáng váng muốn ngất xỉu. Hết tên này đến tên khác xông vào định đốt nhà đều bị “chứng” kỳ lạ ấy ám chúng. Chúng sợ quá phải lùi ra.

Tên chỉ huy ra lệnh:

- Chặt lùm tre trước nhà để phát quang, không cho bọn du kích làm hầm bí mật.

Theo lệnh chỉ huy, một số tên cầm rựa xông vào bụi tre. Nhưng rựa bỗng tụt ra khỏi tay chúng, đứa nào đứa nấy thấy lạnh buốt ở xương sống nên phải lùi xa bụi tre mới khỏi…Ngôi nhà ấy vẫn đứng hiên ngang giữa một vùng trơ trụi. Bà con trong làng xì xào:

- Ông Hương Phòng “sống khôn, thác thiêng” nên đã hiện hồn về bảo vệ ngôi nhà mình đó.

Suốt cả cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngôi nhà đơn độc đó vẫn tồn tại giữa làng Ngọc Mỹ. Nhiều lần bọn địch đến đây định đốt phá nhưng lại gặp “chứng lạ” như trên nên đành để đó. Vì thế, nhiều cán bộ, du kích về đây đàm hầm trú ngay dưới nền nhà và trong vườn nhà ông Hương Phòng.

Đến hôm nay, lúc tôi về thăm, ngôi nhà cũ được sửa chữa, sơn quét lại vẫn còn hiên ngang đứng đó như thách thức với kẻ thù, với mưa giông nắng lửa-như tấm lòng, như ý chí kiên trung, bất khuất của người dân làng Ngọc Mỹ, xã Kỳ Anh, một trong những vùng đất anh hùng của Quảng Nam-Đà Nẵng chúng ta…



(1) Cây dừng thiêng-NXB Quân đội nhân dân năm 2008.

Bài viết khác cùng số

Nghĩ về sự đổi thay của Đà Nẵng - Đinh Văn DũngSông Hàn huyền thoại - Nguyễn Thị HươngCái được lớn nhất trong hơn mười năm qua là được lòng dân - Nguyễn Bá ThanhĐi thi chuyên viên - HoàngMáu ngàn đời vẫn tươi - Lê Minh Quốc Kỳ diệu Kỳ Anh- Thanh QuếCơn lốc từ sông Vàm Cỏ Đông- Tô PhươngLục bát múa, Thi sĩ - Phạm Phú HảiCô dâu đất QuảngThơ Haiku -Nguyễn Nho Đinh DuyThiền thơ - Nguyễn KiênGiọt nước mắt sinh thành - Nguyễn Hồng ÂnDốc đỏ - Phạm Thế ChấtBà Nà - Ngô MinhÔng Ích Khiêm - Trần Vạn GiãĐÀ NẴNG – MỘT MÙA VĂN CHƯƠNG. - Hoàng Minh TườngVĨNH BIỆT NGUYỄN ĐỨC HẠNH Người họa sĩ của dân - NGUYỄN ĐÌNH ANMỌI TÁC PHẨM VĂN HỌC ĐỀU DANG DỞ - Nguyễn Thanh Tuấn BƯỚC ĐI CỦA NGÔN NGỮ THƠ MỚI 1932-1945 - TS.Hoàng Sỹ NguyênĐà Nẵng-một mùa văn chương - hoàng Minh TườngNgười họa sĩ của dân - Nguyễn Đình AnQuý phi - Nguyễn Thị Cung MiPhế tích tháp Chăm ở chùa An Sơn - Hồ Tấn TuấnPHẾ TÍCH THÁP CHĂM Ở CHÙA AN SƠN - Hồ Tấn TuấnNhân đọc “Ca dao, dân ca đất Quảng” - Phan Ngọc ThuThơ như sương khói long lanh - Nguyễn Đình VĩnhSự thật chính xác về Bà Thân, Hà Thân hay Hà Thị Thân? - Anh DuyHồ Trường và Nam Phương ca khúc - Nguyễn HồngChuyện nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Canh TiếnQuê nhà, chiều 30…- Mang Viên Long