Nghĩ về sự đổi thay của Đà Nẵng - Đinh Văn Dũng
Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã 13 năm. Đặc biệt, từ năm 2003, Đà Nẵng được công nhận là đô thị loại 1 cấp quốc gia. Năm 2003, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 33 về phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ CNH -HĐH. Đây là một chủ trương, chính sách mang tính đột phá, nhằm giúp cho Đà Nẵng sớm xác lập vị trí là đầu tàu, là trung tâm phát triển kinh tế- xã hội, văn hoá- giáo dục- y tế, khoa học- công nghệ, quốc phòng- an ninh của khu vực miền Trung- Tây Nguyên; đồng thời là một cực phát triển của cả nước.
Trong những năm qua, nhất là từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc trung ương, đô thị loại 1 cấp quốc gia, trên cơ sở Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, Đà Nẵng đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế- xã hội và đã gặt hái được nhiều thành công; nhất là công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch, chỉnh trang, mở rộng đô thị, diện mạo thành phố ngày càng thay da đổi thịt, khang trang, hiện đại hơn rất nhiều lần, kinh tế thành phố chuyển dịch mạnh mẽ và tăng trưởng khá theo hướng tăng tỉ trọng ngành Công nghiệp và Dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân đầu người trên 1000 USD/ năm, đời sống vật chất và tinh thần của đại đa số nhân dân đã cải thiện rõ nét.
Còn nhớ, trước năm 1975, Đà Nẵng là đô thị lớn thứ 2 sau Sài Gòn, vừa là căn cứ quân sự, vừa là nơi tiêu thụ hàng hoá xa xỉ phẩm của Mỹ. Sau ngày giải phóng, cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông vừa nhỏ bé lại thấp kém; cơ sở kinh tế không có gì ngoài Xưởng dệt 29.3 mang tên ngày giải phóng Đà Nẵng. Quanh quẩn cũng chỉ có mấy con phố nội ô nhỏ bé: Hùng Vương, Phan Chu Trinh, Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi. Còn lại là ngoại ô, vùng ven đô, những “làng trong phố” đúng nghĩa với bàu Thạc Gián- Vĩnh Trung ngột ngạt, ô nhiễm, làng thuốc lá Cẩm Lệ heo hút, tù mù ngọn đèn dầu một thời vang bóng, ruộng lúa, vườn la ghim, bàu rau muống xen lẫn cỏ lùng, cỏ lát hút tầm mắt người ở 2 bên đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý. những khu nhà ổ chuột ộp ẹp ở Nại Hiên Đông hiu hắt theo cơn bấc cuối mùa. Đi vòng quanh thành phố chưa đến 30 phút có thể gọi là đi hết Đà Nẵng rồi…
35 năm sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, nhất là 13 năm sau khi chia tách từ tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, trở thành thành phố trực thuộc trung ương, và được công nhận đô thị loại 1 cấp quốc gia, Đà Nẵng đã vươn vai đứng dậy, đổi thay ngoạn mục, làm kinh ngạc bạn bè trong nước và quốc tế mỗi khi có dịp ghé thăm mảnh đất nơi đầu biển cuối sông này.
Sự táo bạo trong cách nghĩ, cách làm, dám chịu trách nhiệm, trong phương châm đi tắt đón đầu; cách đối xử mang đậm tính nhân văn đối với nhân dân của lãnh đạo thành phố, sự đồng thuận cao của nhân dân là những thành công mà Đà Nẵng đã làm được trong những năm qua. Đó là những nhân tố quan trọng làm nên những kỳ tích Đà Nẵng anh hùng. Từ việc sơ khai buổi ban đầu xây dựng con đường Bắc- Nam, Đông – Tây (bây giờ là đường Nguyễn Văn Linh và Hàm Nghi ) vào những năm 1995- 1996, cầu sông Hàn vào năm 2000 bằng chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, hoàn thành cầu Thuận Phước vào năm 2009 với bao gian nan trở ngại, rồi khởi công xây dựng cầu Rồng, mở hàng trăm con đường lớn nhỏ từ nội thị đến ngoại ô, vùng ven thành phố, hàng chục khu đô thị, khu chung cư mới, hàng trăm công trình lớn nhỏ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế...phục vụ cho quốc kế dân sinh. Các chương trình đầy tính nhân văn: “thành phố 5 không”, “3 có”; xoá khu nhà chồ ọp ẹp nắng mưa, xây nhà ở cho người dân vạn đò Nại Hiên Đông để đưa người dân hoà nhập cuộc sống trên bờ; cho vay để giải quyết việc làm cho những người phạm tội đã hoàn lương trở về với cuộc sống đời thường; hỗ trợ người nghèo, xích lô, xe thồ mỗi dịp xuân về tết đến; quyên góp kinh phí của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế xây dựng Bệnh viện ung thư Đà Nẵng v.v…Đó là những chương trình, việc làm đầy tính nhân văn, đã tô đậm thêm cho một Đà Nẵng tình người. Tất cả vì đại cuộc, vì lợi ích của con người, của cư dân thành phố. Trong cuộc đại chỉnh trang, mở rộng và phát triển đô thị, hàng trăm nghìn hộ dân phải di dời, giải toả đến nơi ở mới, xa chỗ mình sinh sống bao nhiêu năm với biết bao kỷ niệm, nuối tiếc, sẵn sàng chấp nhận chịu thiệt thòi những quyền lợi riêng tư vì sự phát triển của Đà Nẵng, vì tương lai của con cháu. Nếu không có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những người lãnh đạo cao nhất thành phố, sự đồng thuận cao trong nhân dân, thử hỏi có sức mạnh nào có thể chuyển những ý tưởng ấy thành những kết quả cụ thể, phục vụ đời sống nhân dân thành phố? Dẫu biết rằng, trong cái tiên phong, đi đầu, cái mới bao giờ cũng khó khăn, gian nan, vất vả.
Tất cả hãy vì đại cuộc, vì sự phát triển của Đà Nẵng
Đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc đặt lại câu hỏi: Đà Nẵng sẽ phải làm gì, làm như thế nào, tiếp tục phát triển ra sao? Bởi lẽ, nếu chúng ta bằng lòng với chính mình là sẽ tụt hậu, là có lỗi với quá khứ, với biết bao người trong chiến tranh đã không tiếc máu xương để giành lại mảnh đất này. Trong thời đại ngày nay, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão; công nghệ thông tin đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Chúng ta phát triển Đà Nẵng như thế nào để 30 năm, 50 năm, thậm chí 100 năm sau, con cháu cảm thấy tự hào, cảm thấy không hỗ thẹn cho cha ông, cho thành phố. Dĩ nhiên, chúng ta phải đặt sự phát triển thành phố theo quy luật vận động và phát triển của đất nước. Phát triển phải mang yếu tố bền vững, dựa trên cơ sở khoa học của quy luật tự nhiên và xã hội, đồng thời cải tạo tự nhiên và xã hội để quay lại phục vụ đời sống của người dân thành phố.
Đồng thời với việc tiếp tục phát triển mở rộng, chỉnh trang đô thị, kéo dài thành phố dọc theo sông Hàn, dọc theo ven biển về hướng đông- nam, nối các trục đô thị bằng những cây cầu vượt sông Hàn ở đôi bờ đông- tây: cầu Thuận Phước, cầu sông Hàn, cầu Rồng, Trần Thị Lý, Tuyên Sơn, Hoà Xuân, Cẩm Lệ và một số cây cầu khác; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế Dịch vụ- Công nghiệp- Nông nghiệp để đến năm 2020, Đà Nẵng phát triển theo hướng đưa Dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỉ trọng lớn trong GDP của thành phố; trong đó đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch, kinh tế biển. Chúng ta phải tính đến việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội, đời sống, việc làm của nhân dân; công tác cải cách hành chính, xây dựng thành phố môi trường, hệ thống chiếu sáng đô thị, vấn đề giao thông, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội…
Khi có điều kiện được gặp một số vị lãnh đạo thành phố, tôi nhận ra trong cách nghĩ, cách làm, trong hành động của các anh biết bao nhiêu trăn trở, suy nghĩ, đó là làm sao cho Đà Nẵng phát triển, không thua chị kém em. Đà Nẵng đã phát triển, đã tạo được tiếng vang trong nước và quốc tế, nhưng không thể dừng lại và bằng lòng với những gì đã đạt được. Phát triển là một quá trình liên tục. Chúng ta không được thoả mãn với chính mình. Bởi đâu đó ở trong thành phố này, nhất là vùng ven đô, những khu dân cư nằm trong quy hoạch các dự án chờ giải toả, những khu dân cư đang tiến hành chỉnh trang, giải toả để làm du lịch, sân golf, khu đô thị, những khu dân cư mới, vẫn còn không ít người dân đang khó khăn, thiếu thốn về chỗ ở, việc làm, vẫn còn nhiều ưu tư trăn trở; đâu đó vẫn còn không ít sự ách tắc, trì trệ, nhũng nhiễu, kèn cựa địa vị…trong thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức từ cấp xã, phường, quận huyện đến sở, ngành thành phố, mặc dù chương trình cải cách hành chính của Đà Nẵng đã thu được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Tôi còn nhớ trong một cuộc nói chuyện với cán bộ thành phố cách đây không lâu, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành uỷ có nói, đại ý: Tất cả hãy vì đại cuộc, vì sự phát triển của Đà Nẵng. Tôi nghĩ, đó không phải là khẩu hiệu hô hào chung chung của người lãnh đạo cao nhất thành phố, mà là sự cảnh tỉnh, sự tin cậy, gởi gắm đối với những công bộc của nhân dân đang thực thi công vụ. Và tôi nghĩ, để Đà Nẵng phát triển, không chỉ có sự tận tâm tận lực của đội ngũ cán bộ công chức là đủ, mà có lẽ, mỗi người dân thành phố này cũng phải góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của Đà Nẵng anh hùng.