Đi thi chuyên viên - Hoàng

17.02.2011

Đi thi chuyên viên - Hoàng

Có dễ đến mười mấy năm rồi hắn chưa được lên lương. Hắn là người không đủ can đảm để đòi hỏi, xin xỏ điều gì cho bản thân mình. Đã thế, hắn lại không biết cách làm vừa lòng người khác. Hắn không biết nói dối, không học được cách im lặng. Cái mặt của hắn trông đáng ghét, xuất hiện ở đâu là ở đó mất vui ( Đến hắn còn chán gương mặt của mình nữa là!). Các sếp của hắn đến rồi đi. Người được đề bạt lên chức vụ cao hơn, người chuyển công tác, người khác thì về hưu. Bản thân hắn chẳng ngồi đâu được lâu. Cứ độ vài ba năm, dăm bảy năm hắn lại nhận quyết định điều động công tác. Ngoảnh mặt lại, xung quanh hắn toàn người mới. Hắn cố gắng làm tốt công việc được giao, không muốn các sếp của hắn phàn nàn trách cứ. Hắn coi đó là cách tốt nhất thể hiện lòng trung thành, đền đáp sự tin tưởng của các sếp. Hắn thừa biết đấy là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Hắn không biết uống rượu, hay nói như cụ Tam nguyên ngày xưa, tửu lượng của hắn thuộc loại” Độ dăm ba chén đã say nhè.”. Hắn xa lạ với các cuộc nhậu nhẹt mà bây giờ, để làm phong phú thêm ngữ nghĩa vốn đã phong phú của tiếng Việt, người ta hay gọi là “ giao lưu “. Hắn chưa bao giờ bước chân vào phòng karaaokê,mặc dù hắn rất thích nghe hát, và còn thích những người đẹp đang hát hơn thế, bởi ở đó không mấy khi người ta hát. Đến khi chuyển đổi tổ chức, cái chức vụ của hắn bé như hạt tiêu, cùng lắm chỉ bằng anh trưởng xóm trưởng thôn, lại là xóm là thôn mới lập, nên hiển nhiên hắn chỉ là hạt cát hạt bụi, không lọt vào mắt bất cứ ai. Nhưng hắn là người lạc quan, hoặc chính xác hơn, trong dòng máu của hắn có một chút máu của AQ.đến từ phương bắc, trong tâm tưởng của hắn có vài hạt bụi Thiền đến từ phương nam, nên hắn tự an ủi cuộc đời hắn so với chán vạn người khác xem ra còn may mắn chán. Tóm lại, hắn không than phiền, không oán trách, hắn hoàn toàn hài lòng với những gì hắn có. Chỉ ngặt nổi, thỉnh thoảng vợ hắn lại cằn nhằn “ Thế anh làm ăn thế quái nào mà ngần ấy năm không được lên lương, hả ?”. Tiếng “ hả “ của vợ hắn to như tiếng sấm, nặng hơn búa tạ. Hắn không biết thanh minh thanh nga thế nào cho vợ hắn bớt giận. Mà cãi thì chưa mở miệng hắn đã biết phận hắn là phận con nòng nọc, mười lần cãi đứt đuôi cả mười lần! ( Bằng kinh nghiệm của chừng ấy năm sống chung, hắn biết hắn thua vợ hắn mọi việc, trừ cái việc sau khi tắt đèn! ). Hắn cay đắng nghiệm ra rằng một trăm bà thì có đến chín mươi chín phẩy chín bà săm soi cái túi của chồng (không một phần trăm còn lại, hắn dành cho các đối tượng dân gian vẫn gọi là “ bồ “.). Những lần vợ hắn to tiếng, hắn cau có lấy xe máy phóng ra khỏi nhà. Là hắn cứ đi, nhấn ga thả cái bực dọc cho mây cho gió, cho những cột đèn đường, chứ nào hắn biết đến nhà ai? Ngộ nhỡ nể mình, họ vẫn pha trà rót nước, nhưng vừa nói chuyện câu được câu chăng, vừa dán mắt vào tivi theo dõi trận bóng đá đang truyền hình trực tiếp thì đi cũng dở, ở không xong, đã phiền chủ nhà còn ôm thêm nổi khổ tâm vào mình!

Vậy nên khi nhận thông báo chuẩn bị đi thi chuyên viên, hắn mừng đến tận đáy lòng. Hắn không dám tự cho mình hiền, nhưng rõ ràng hắn đã gặp lành. Hắn đã được các sếp quan tâm chiếu cố. Cả công ty của hắn chỉ có ba người đi thi trong đó hắn là một. Chỉ nguyên điều ấy, dù trời nóng bức ngột ngạt, lại mất điện, hắn vẫn thấy mát - mát lòng mát dạ và mát cả lỗ mũi! Việc đầu tiên, hắn nhấc điện thoại ngõ lời cám ơn ông trưởng phòng tổ chức cán bộ của Công ty. Hắn định gọi điện thoại cám ơn cả ông Tổng giám đốc, nhưng sau mấy lần cầm máy, hắn vẫn phân vân. Hắn ngại làm phiền ông Tổng giám đốc. Người ta trăm công nghìn việc lớn nhỏ, thời giờ đâu đi nghe lời cám ơn của hắn! Hắn võ vẻ đôi ba chữ kinh dịch . Hắn mạng hoả - ly trung hư, bề ngoài dữ dội hùng hùng hổ hổ thực chất chẳng bụng dạ gì, nhát còn hơn gái quê mới lên phố! Quyết định không gọi cho ông Tổng giám đốc , hắn dự tính gọi cho vợ hắn . “ Niềm vui sướng chia đôi là hai niềm vui sướng” - hắn không chia sẽ hạnh phúc này cho vợ hắn thì còn chia cho ai? Nhưng suy đi nghĩ lại hắn thấy thế là hạ sách. Khoe, tức đã đặt mình vào vị trí của kẻ yếu. Không chừng vợ hắn còn bỉu môi nguýt mắt! Kinh nghiệm công tác cho hắn biết rằng hình thức tổ chức thông tin trong nhiều trường hợp ngang giá với thông tin. Hắn nghĩ ra một mẹo nhỏ. Hắn đút tờ thông báo vào cặp, đem cặp về nhà vất trên bàn, rồi qua nhà hàng xóm ngồi tán dóc. Buổi tối lúc lên giường, hắn nằm im giả vờ ngủ nhưng thực ra tỉnh còn hơn con sáo lúc chưa có đại dịch H5N1. Đúng như hắn dự đoán, nằm chưa ấm chỗ vợ hắn đã hỏi” Thế lần này đi thi thật đấy à ?. Hắn khoái trá, như vừa được gãi đúng chỗ ngứa, nhưng làm ra vẻ khinh bạc “ Ừ...ngủ đi!”. Hắn biết trong nhà vợ hắn là người ra lệnh nên chắc chắn nàng không nghe lời hắn. Qủa nhiên vợ hắn không chịu ngủ .- “ Thế thi có khó không, chương trình thế nào?”. Hắn làm ra vẻ quan trọng “Khó là cái chắc! Thi bốn môn- pháp luật, vi tính, chuyên môn và tiếng Anh.”. Vợ hắn sửa chỗ nằm, xích lại gần hắn, thở dài” Cái môn tiếng Anh, mấy năm rồi có thấy anh sờ mó gì đâu, thi thế nào nhỉ ? “. Câu tâm tình của vợ vô tình làm hắn giật mình, vừa thích thú vừa lo lắng. Hắn thích cái từ “ sờ mó” ( Âý, cứ lên giường là đầu óc hắn méo mó lệch lạc!). Còn từ làm hắn sợ là từ “ tiếng Anh”- cái môn hắn dốt bậc nhất thiên hạ, cái môn ám ảnh làm cho hắn ăn không ngon ngủ không yên trong kỳ thi này! Hồi còn đi học lớp tiếng Anh ban đêm, cô giáo gọi hắn lên bảng, nói kháy” Có một trăm người dốt tiếng Anh , chín mươi chín người đã về với Chúa, chỉ còn mỗi mình anh!”. Trong bộ não của hắn hình như không tồn tại vùng ngôn ngữ, hoặc nếu có, thì nó chỉ bé bằng hạt đậu. Đến tiếng mẹ đẻ hắn còn lập bập huống hồ tiếng Anh! Mới rồi gặp lại người bạn gái thưở học trò, nàng nửa đùa nửa thật trêu hắn” Cái đêm ở đường Láng, anh nói anh anh yêu em em chứ có phải anh yêu em đâu!”. Hắn cười xoà, té nước theo mưa, kể cho nàng nghe hồi chuẩn bị nhập ngũ, hắn vừa mở miệng” Báo cáo anh... anh...em...em...em...”, thì đồng chí sĩ quan đã sốt ruột cắt ngang” Tốt, cho cậu giữ súng liên thanh!”. Mà giả như phải thi mới được lên lương- hắn tự hỏi- tại sao cứ nhất thiết phải thi môn ngoại ngữ ? Cả đời hắn, mấy khi hắn phải tiếp xúc với người nước ngoài ? Nếu như cần làm việc với ông Tây này bà Tây kia, hẳn người ta bố trí phiên dịch, đâu đợi đến lượt hắn! Mới lại, ngôn ngữ nói đâu phải là phương tiện diễn đạt duy nhất ? Hắn gặp một cô người nước ngoài xinh đẹp trên tàu, hỏi “ Do you speek English ? (1) . Hắn cười toe toét “ My English is very poor . I can’t speek English by my mouth, but I can speek English by my hand.”(2) . Cô người nước ngoài cười như chưa bao giờ được cười. Và rồi sau đó, hắn và nàng đã nói chuyện bằng tay, hiểu nhau còn hơn mình với ta! Hắn đâm oán trách “ thằng cha” nào đã đưa môn ngoại ngữ vào kỳ thi. Hắn nghĩ “thằng cha” này chắc chắn quan liêu, sách vở, xa rời thực tế! Hắn thở dài, dự tính sống chết gì từ ngày mai cũng phải lao đầu vào học lại tiếng Anh...

Hắn đang miên man suy tính thì vợ hắn bỗng đổi đề tài “ Này, cái cổng khoá chưa ấy nhỉ ?”. Hắn cụt hứng, đáp một tiếng gọn lỏn “ Rồi!”. Thế đấy, vợ hắn, như hầu hết những người đàn bà, luôn thực tế. Hắn nén một tiếng thở dài. Được một lúc, vợ hắn day hắn “ Cái vòi nước, mất nước cả ngày, đã khoá chưa?”. Hắn giả vờ ngái ngủ, chép chép miệng làu bàu “ Rồi...”. Hắn tiếp tục nghĩ đến chuyện thi cử, đến môn tiếng Anh. Hắn trách mình không biết an phận thủ thường, vài ba năm nữa đến tuổi hưu, oan ức cái nổi gì mà đâm đầu thi với chả cử! Ngộ nhỡ trượt, đâu có hoá thân thành con đà điểu rúc đầu xuống cát được! Lo lắng một lúc, hắn cố tìm lý do để tự trấn an mình (Đã bảo hắn là người lạc quan mà lại!) . So với những đồng nghiệp vùng sâu vùng xa, mạn cao mạn ngược, dù có dốt, hắn vẫn bập bẹ được dăm ba câu.( Tất nhiên khi lập luận như thế, hắn trừ những cô gái người Mông người Dao ở Sa Pa thông thạo đến hai ba ngoại ngữ!). Làm cái thân anh đàn ông, sợ cái quái gì cơ chứ!- Hắn tự mắng mình! Một liều thì ba bảy cũng liều! Hắn nhớ hôm rồi ở Thái lan, hắn liều lĩnh làm quen với cô gái Thái xinh xinh bằng một câu điệu đàng “ You are very nice if you tell me what your name?” (3). Cô bé không vừa, nhoẻn miệng cười, hỏi lại hắn “ If I don’t tell you ?”(4) . Hắn rút ra kinh nghiệm cách học tiếng Anh tốt nhất là...đi chơi với bạn gái !. Hắn bật cười. - “ Này, đang nghĩ đến cô nào đấy à ?”- Vợ hắn lôi hắn về thực tại bằng một câu hỏi kèm một cái nhéo đau điếng vào đùi. - “ À mà này, mình đã khoá giúp em cái bình ga chưa ấy nhỉ ?”. - Rõ cái giống đàn bà, cứ đang chuyện nọ thì xọ chuyện kia ! Hắn xẳng dọng “ Rồi! Còn mỗi cái loa là chưa khoá!”. Vợ hắn cười trong cổ họng “ Ừ, thì cái loa đấy, đố khoá lại xem nào!”. Tiếng cười của vợ hắn nghe khang khác. Hắn hiểu ngay tắp lự. Hắn tạm gác cái thứ tiếng Anh kia sang một bên. Lúc này phải” giải quyết “tiếng em” đã! Vợ hắn hổn hển “ Anh...anh...”. -“Anh...” !...- Chết tiệt cái thứ tiếng Anh lộn xộn, đang hiện tại chứ đã hoàn thành đâu mà xen ngang vào! Hắn đột ngột “ mất lửa”. Vợ hắn ngạc nhiên “ Sao thế ?”. Hắn xấu hổ. Lần đầu tiên kể từ khi lấy nhau, hắn đầu hàng trước khi đến đích! Lỗi là tại hắn quá lo lắng, hay nói theo thuật ngữ khoa học, hắn đang bị stress! Lỗi là tại hắn dốt. Lẽ ra hắn phải cố học từ những năm trước đây. Nước đến chân mới nhảy còn trách ai! Lỗi là tại hắn chẳng biết người biết ta, tự dưng đi mua việc vào mình!

*

* *

Lúc hắn ngồi viết những dòng này thì kỳ thi đã kết thúc. Một tuần ở Hà Nội, hắn hiểu ra không chỉ riêng hắn lo. Trên dưới bốn chục anh em, không ai không thấp thỏm. Trên dưới bốn chục ông, tóc trên đầu đã sợi đen sợi trắng, đã vào sinh ra tử, đã dày dạn trận mạc, phút chốc biến thành những đứa trẻ như có phép mầu. Phép mầu ấy chính là kỳ thi. Nhóm của hắn” góp gạo thổi cơm chung”, đặt ăn ngay tại khách sạn cho đỡ mất thời gian. Thực đơn chỉ rặt đậu với đỗ. Sáng hôm nay điểm tâm xôi đỗ xanh thì sáng ngày mai chắc chắn xôi đậu phụng. Buổi trưa ăn đậu rán, buổi chiều hẵn sẽ đậu rim. Hắn ngán đến tận cổ nhưng tự nhủ có kiêng có lành, ráng sức nhồi nhét những đậu những đỗ vào bụng, hy vọng sẽ đỗ sẽ đậu. Hắn đi đứng cẩn trọng, túc tắc từng bước như trẻ mới tập đi, nhưng không hiểu sao cứ vấp! Hắn cúi xuống buộc dây dày, cái bút bi gài trên túi áo rớt xuống đất. Hắn càng đề phòng, điềm rủi càng đeo bám. Hắn lo lắng, tivi không dám bật, báo chẳng dám xem, đêm nào cũng thức đến gần sáng vùi đầu vào sách vở tài liệu. Mà nào đâu chỉ tiếng Anh ? Còn vi tính, chuyên môn, còn pháp luật, còn trăm thứ phải lo, phải để mắt tới ! Sau một tuần, hắn sút đúng bốn ký lô!

Thi xong, hắn kêu tắc-xi ra phố Thuốc bắc. Hắn bốc chín thang cửu tử hồi xuân thang. Hắn mua thêm một mớ lá dâm dương hoắc cho chắc ăn. Tối, hắn lên tàu về nhà. Lúc hắn bước chân vào nhà , cái đập vào mắt hắn đầu tiên là thẩu rượu thuốc. Có dễ đến chục con tắc kè đang làm bạn với cũng chừng ấy con hải mã trong thẩu! Hắn tránh ánh mắt của vợ. Bình thường, vợ hắn cực kỳ khó chịu mỗi khi hắn say. Vậy mà...-“ Hãy đợi đấy!...”- Hắn nghĩ thầm. Vợ hắn tươi cười “ Thích nhắm với gì để em đi chợ ?”. Hắn bảo hắn thèm mực. Vừa nghe hắn trả lời, vợ hắn hốt hoảng xua tay” Chết chết...đen như mực...đợi có kết quả thi đã! Hay em rán đậu cho mình nhé .”. Hắn biết từ đây cho đến khi có kết quả thi, hắn sẽ lại được xơi đậu và đỗ!

Cuộc đời hắn mười năm học phổ thông, năm năm mài đũng quần trên ghế trường đại học, còng lưng những kỳ thi cử, cho đến tận giờ. Hắn sinh ra, lớn lên và già đi trong một đất nước giàu truyền thống thi cử. Hắn biết làm thế nào ?

Bài viết khác cùng số

Nghĩ về sự đổi thay của Đà Nẵng - Đinh Văn DũngSông Hàn huyền thoại - Nguyễn Thị HươngCái được lớn nhất trong hơn mười năm qua là được lòng dân - Nguyễn Bá ThanhĐi thi chuyên viên - HoàngMáu ngàn đời vẫn tươi - Lê Minh Quốc Kỳ diệu Kỳ Anh- Thanh QuếCơn lốc từ sông Vàm Cỏ Đông- Tô PhươngLục bát múa, Thi sĩ - Phạm Phú HảiCô dâu đất QuảngThơ Haiku -Nguyễn Nho Đinh DuyThiền thơ - Nguyễn KiênGiọt nước mắt sinh thành - Nguyễn Hồng ÂnDốc đỏ - Phạm Thế ChấtBà Nà - Ngô MinhÔng Ích Khiêm - Trần Vạn GiãĐÀ NẴNG – MỘT MÙA VĂN CHƯƠNG. - Hoàng Minh TườngVĨNH BIỆT NGUYỄN ĐỨC HẠNH Người họa sĩ của dân - NGUYỄN ĐÌNH ANMỌI TÁC PHẨM VĂN HỌC ĐỀU DANG DỞ - Nguyễn Thanh Tuấn BƯỚC ĐI CỦA NGÔN NGỮ THƠ MỚI 1932-1945 - TS.Hoàng Sỹ NguyênĐà Nẵng-một mùa văn chương - hoàng Minh TườngNgười họa sĩ của dân - Nguyễn Đình AnQuý phi - Nguyễn Thị Cung MiPhế tích tháp Chăm ở chùa An Sơn - Hồ Tấn TuấnPHẾ TÍCH THÁP CHĂM Ở CHÙA AN SƠN - Hồ Tấn TuấnNhân đọc “Ca dao, dân ca đất Quảng” - Phan Ngọc ThuThơ như sương khói long lanh - Nguyễn Đình VĩnhSự thật chính xác về Bà Thân, Hà Thân hay Hà Thị Thân? - Anh DuyHồ Trường và Nam Phương ca khúc - Nguyễn HồngChuyện nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Canh TiếnQuê nhà, chiều 30…- Mang Viên Long